Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

TRẢ LỜI ANH TUẤN HÙNG - TẠI SAO CÓ VỰC THẲM TÀI CHÍNH


Nước Mỹ đang đứng trên bờ vực. Ít nhất đó là lời các nhà chính trị Mỹ đã nói trong suốt một tháng qua, sau khi họ phải tạm ngưng nói vì mùa tranh cử đã chấm dứt. Ðúng ra, họ chưa bao giờ ngưng nói, chỉ bớt nói mà thôi. Công việc quan trọng nhất của các chính trị gia là nói, nếu không nói gì thì ai biết mà bỏ phiếu cho mình? Cho nên, khi hết chuyện tranh cử, người ta phải nói đến chuyện bờ vực, cả nước Mỹ đang đứng trên bờ vực. Ai cũng phải lắng nghe.

Các nhà báo Mỹ tất nhiên phải thuật lại những lời tuyên bố này. Các báo, đài phát thanh và ti vi không ngớt nói về cái vực thẳm đang chờ đón 300 triệu con dân nước Mỹ rớt xuống. Trong khi đó, đại đa số dân Mỹ vẫn làm như không hay biết gì cả. Họ vẫn lái xe ào ào trên xa lộ mà số tai nạn không tăng. Họ vẫn vào sở cắm cúi “đi cày,” cuối tuần vẫn ngồi uống la de coi các trận đấu bóng bầu dục, hay đi mua sắm quà Giáng Sinh cho gia đình. Ai tính làm đám cưới cứ tiếp tục đặt tiệc, ai tính ly dị cứ tiếp tục bàn chuyện với luật sư. Tại sao dân Mỹ dửng dưng, bình chân như vại thế?

Bởi vì cái bờ vực thẳm là do các nhà chính trị tạo ra. Họ đào hố trong mấy năm nay, mỗi năm hố lại sâu hơn. Nước Mỹ đứng trước cái vực thẳm tài chánh năm 2012, là vì từ năm 2010 các nhà chính trị không giải quyết ngay các vấn đề quan trọng về ngân sách, cứ khất lần khất lữa với nhau. Mỗi lần trì hoãn như vậy, họ vẽ ra một cái vực thẳm để dọa nhau: Nếu trong một năm nữa mà không giải quyết thì cả lũ sẽ lăn xuống vực hết! Nhưng dân Mỹ không ngu. Họ biết cái hố thẳm do các nhà chính trị tự đào lấy thì chính họ sẽ tìm cách nhảy qua chứ không ai lại dại dột để cả nước rớt xuống hố.

Cái vực thẳm vào đầu tháng 12 năm 2012 có thể mô tả như sau: Nếu đến cuối năm nay mà Quốc Hội Mỹ với Tòa Bạch Ốc không thỏa thuận được làm một đạo luật mới về ngân sách, thì sang đầu năm 2013 hầu hết dân Mỹ sẽ bị tăng thuế; và một phần ngân sách chính phủ sẽ bị cắt không thương tiếc.

Hậu quả là: Dân lo đóng thuế sẽ bớt tiêu tiền. Nhà nước cũng không có tiền xài nhiều như trước. Tổng cộng, số tiền lên tới 600 tỷ đô la. Một số tiền lớn như vậy bị rút ra khỏi nền kinh tế, thì kinh tế sẽ sụm. Người dân bớt tiêu thụ thì các xí nghiệp phải bớt việc làm, lại thêm nhiều người thất nghiệp. Chính phủ bớt tiền tiêu thì các công ty cung cấp cho chính phủ cũng phải bớt hoạt động. Kinh tế sẽ suy thoái, tức là Tổng Sản Lượng Nội Ðịa (GDP) trong năm 2013 có thể chỉ giảm đi; tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng. Ðó là vực thẳm. Dưới vực có hai phần, vừa tăng thuế vừa giảm chi ngân sách. Tại sao có cái vực thẳm này?

Hãy nói về thuế trước, câu chuyện bắt đầu với những đạo luật cắt giảm thuế của cựu Tổng Thống George W. Bush từ năm 2001. Từ năm trước đó chính phủ Mỹ dư tiền xài, gọi là thặng dư ngân sách. Bèn làm luật mới, giảm suất thuế phải đóng cho tất cả mọi mức lương và lợi tức. Từ năm 2002 đến 2009, số thuế chính phủ Mỹ thu vào giảm bớt khoảng 1,800 tỷ đô la. Vì vậy, đưa tới tình trạng ngân sách khiếm hụt và nhà nước phải đi vay thêm nợ, để bù vào. Các đạo luật giảm thuế của Tổng Thống Bush lại ấn định đến hết năm 2010 sẽ hết hiệu lực. Tức là nếu luật không được triển hạn thì từ năm 2011 mọi người sẽ trở lại đóng thuế lợi tức cao hơn, như dưới thời cựu Tổng Thống Bill Clinton.

Trong năm 2010, ai cũng bàn chuyện phải làm gì với thời hạn đó. Bởi vì không ai muốn sang năm 2011 toàn dân bị tăng thuế lợi tức. Cả năm 2010, hai đảng không thể đồng ý với nhau phải làm gì để tránh cảnh tăng thuế. Ðảng Cộng Hòa muốn triển hạn tất cả các đạo luật cắt thuế. Ðảng Dân Chủ lúc đó vẫn chiếm đa số ở Hạ Viện nhưng không chịu cho các người có lợi tức cao được giảm thuế như ông Bush đã cho.

Ðầu tháng 12 năm đó, các đại biểu đảng Dân Chủ trong Hạ Viện, mới thua to và biết sang năm 2011 họ sẽ thành thiểu số; đã làm một dự luật, giữ nguyên luật cắt thuế của Tổng Thống Bush, trừ những người có lợi tức 250,000 đô la một năm trở lên; rồi nâng lên mức một triệu đô la. Khi lên Thượng Viện, dự luật này không được bỏ phiếu; vì các nghị sĩ Cộng Hòa phản đối, phe ủng hộ không đủ 60 phiếu để gạt qua.

Cuối cùng, hai bên thỏa hiệp: Triển hạn các đạo luật cắt thuế của ông Bush, nhưng chỉ cho thêm hai năm. Ðảng Dân Chủ cũng yêu cầu được thêm khoản giảm bớt 2% trên thuế khấu trừ khi lãnh lương để góp vào quỹ hưu bổng. Ðiều này bớt cho những người đang đi làm tổng cộng 120 tỷ đô la thuế. Một số gia đình “khó khăn” cũng được giảm thêm thuế, tổng cộng 40 tỷ nữa. Các xí nghiệp mua máy móc thiết bị sẽ được khai bớt 100% trong lợi nhuận trước khi đóng thuế. Ngoài ra, cũng kéo dài thời gian trợ cấp cho những người thất nghiệp được lãnh lâu hơn, tốn 56 tỷ đô la nữa. Tất cả các khoản ân huệ này cũng được ấn định hết hiệu lực vào ngày 31 tháng 12 năm nay; nếu không làm luật gia hạn thì các xí nghiệp và người đi làm đều đóng thêm thuế.

Ðó là một phần, phần thuế trong cái vực thẳm tài chánh mà chính phủ liên bang đang phải đối đầu. Lý do chỉ vì trong năm 2010 các chính trị gia đã không thỏa hiệp được về các luật cắt thuế của Tổng Thống Bush. Họ hoãn lại hai năm, để vấn đề này thành một đề tài tranh cử năm nay. Ngoài ra, họ còn đèo thêm mấy món ân huệ khác, và cho cùng hết hạn một ngày. Nếu đến cuối năm 2012 mà hai bên không thỏa hiệp được, thì sang năm 2013 tất cả mọi người sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Mọi người đi làm sẽ phải đóng thêm 2% lương của mình vào quỹ hưu bổng. Một gia đình lương 50,000 đô la một năm sẽ phải đóng thêm 2,000 đô la thuế; những người thất nghiệp lâu sẽ mất trợ cấp.

Phần thứ hai của cái vực thẳm tài chánh cũng do Quốc Hội Mỹ gây ra trong năm 2011, với sự đồng lõa của Tòa Bạch Ốc. Nguyên nhân là họ dùng một thủ tục gọi là “Sequestration” trong tiếng Anh. Trong tự điển kinh tế chữ Hán người ta dịch là “Khấu chấp,” ở Ðài Loan và trong lục địa đều dịch như vậy. Sequestration vốn thường dùng trong luật lệ thương mại, là hành động cầm giữ một tài sản của một con nợ chẳng hạn, để chờ khi nợ được thanh toán thì mới thả cho tự do bán hay cầm thế tài sản bị khấu chấp. Quốc Hội Mỹ đã dùng chữ Sequestration lần đầu vào năm 1985, khi biểu quyết một đạo luật nhắm mục đích giảm bớt khiếm hụt ngân sách, thời Tổng Thống Reagan.

Thủ tục “Khấu chấp” áp dụng nếu Quốc Hội ấn định một mức chi tiêu tổng quát về ngân sách xong rồi; nhưng khi biểu quyết các khoản chi tiêu nhỏ trong ngân sách thì cộng lại thấy tổng số cao hơn con số đã được ấn định. Thí dụ, Quốc Hội ấn định tổng cộng ngân sách là 80 đồng; nhưng cộng lại các khoản chi đã quyết định thì thấy lên tới 100 đồng. Khi đó, nếu các đại biểu không thể đồng ý với nhau nên cắt bớt phần chi nào, thì ngân sách sẽ tự động bị “khấu chấp,” tức tất cả các khoản chi cùng bị giảm 20% như nhau. Nhưng có những khoản chi bắt buộc không thể giảm, thí dụ lương bổng của quân đội, công chức, số tiền phải trả các nhà thầu đã ký hợp đồng dài hạn với nhà nước, vân vân.

Các món chi đó không giảm được, thì phải giảm các món khác. Hậu quả là nhiều bộ và cơ quan trong chính phủ sẽ bị cắt giảm nhiều hơn 20%. Ðây là một thủ tục buộc các đại biểu Quốc Hội phải đắn đo khi biểu quyết ngân sách. May mắn là Quốc Hội Mỹ vốn rất linh động; mà họ không sợ chi tiêu tiền do dân đóng thuế; cho nên họ thường biểu quyết nâng mức trần của ngân sách lên cho phù hợp với thực tế! Lối làm việc linh động này là một nguyên nhân khiến ngân sách ngày càng khiếm hụt hơn, chính phủ phải vay nợ nhiều hơn!

Vụ khấu chấp đưa tới bờ vực thẳm tài chánh năm nay là do Quốc Hội và hành pháp cùng đồng ý đặt một trái “bom nổ chậm” trong một luật ngân sách năm 2011. Năm đó, chính phủ phải vay thêm nợ, muốn vậy phải xin Quốc Hội cho nâng “trần nợ,” tức là khoản tối đa tổng số các món nợ công của liên bang. Ðảng Cộng Hòa lúc đó đang kiểm soát Hạ Viện đã đòi chính phủ Obama phải cắt bớt chi tiêu, nếu không họ từ chối nâng trần nợ. Sau cùng, hai bên thỏa hiệp cho nâng trần nợ lên, đi đôi với những khoản cắt giảm chi tiêu trong một năm. Ðạo luật còn ấn định nếu đến cuối năm 2011 mà không thỏa hiệp một giải pháp dài hạn thì sang năm 2013, tất cả ngân sách chính phủ Mỹ bị “sequester,” bị khấu chấp, tức là sẽ bị cắt tự động! Số tiền phải cắt trong ngân sách quốc phòng sẽ chiếm một nửa tổng số bị cắt giảm!

Khi hai đảng thỏa hiệp về đạo luật trên vào năm 2011, mỗi bên đều nghĩ mình khôn, vì sẽ bắt ép được bên kia nhượng bộ khi ngồi lại bàn chuyện đứng đắn. Phía Dân Chủ nghĩ là bên Cộng Hòa sẽ không đời nào để cho ngân sách quốc phòng bị cắt tự động như vậy. Bên Cộng Hòa thì đoán phía Dân Chủ sẽ lo lắng về các khoản chi tiêu như xã hội, giáo dục, y tế sẽ bị cắt, cho nên thế nào họ cũng phải nhượng bộ. Bây giờ là thời điểm hai bên phải tìm cách thỏa hiệp, để giải quyết vấn đề thu và chi của chính phủ liên bang Mỹ. Và họ còn đang tranh luận công khai trên báo, trên đài. Bên nào cũng đem cái vực thẳm tài chánh công chi ra dọa lẫn nhau.

Nghe nói đến vực thẳm thì kinh thật. Nhưng chắc dân Mỹ không lo sẽ bị rớt hết xuống hố. Từ nay đến ngày 31 tháng 12 thế nào các nhà chính trị cũng tìm ra cách thỏa hiệp để quả bom nổ chậm không phát nổ; dân Mỹ chắc sẽ không phải đóng thêm thuế. Họ sẽ thỏa hiệp thế nào, chưa biết được. Nếu nhìn và quá khứ để dự tính tương lai thì có thể đoán là họ sẽ lại đi tới một thỏa hiệp ngắn hạn, giống hệt những năm 2010 và 2011. Họ sẽ làm một đạo luật triển hạn các đạo cắt thuế thời Tổng Thống Bush, nhưng trong 6 tháng hay một năm thôi; rồi giảm bớt công chi chút chút, cũng chỉ trong một thời hạn ngắn thôi. Sau đó, đạo luật mới sẽ yêu cầu Quốc Hội phải cải tổ luật thuế vụ để tăng số thu trong ngân sách, ấn định thời hạn trong một năm phải làm xong. Thế là trong năm 2013, dân chúng Mỹ còn được nghe các nhà chính trị tranh luận về thuế (tăng thu) và các chương trình xã hội như hưu bổng, y tế (giảm chi) suốt ngày suốt đêm, thêm một lần nữa.

Như vậy dân có phí thời giờ quá vì phải nghe các nhà chính trị tranh cãi hay không?

Thử tưởng tượng, nếu có một cách biểu quyết ngân sách khác thì ra sao. Thí dụ, có những nước mà tất cả các khoản thu và chi của chính phủ đều được một nhóm 15, 17 người họp kín với nhau bàn luận rồi quyết định. Dân chúng không phải nghe mà cũng không được hỏi. Bởi vì tất cả đều do đảng lãnh đạo cả. Nếu được chọn giữa hai phương pháp quyết định việc nước như vậy, liệu quý vị chọn lối tự do dân chủ hay theo lối độc tài đảng trị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét