Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

HOA KỲ - VỰC THẲM NGÂN SÁCH



Hoa Kỳ mất hai năm và sáu tỷ Mỹ kim cho cuộc tổng tuyển cử 2012 để bầu lại một hệ thống lãnh đạo đã từng gây ra ách tắc chính trị từ năm 2010. Đảng Dân Chủ kiểm soát Hành pháp và Thượng viện, đảng Cộng Hoà giữ đa số tại Hạ viện và 30 chức vụ Thống đốc tiểu bang. Tình trạng chính trị lưỡng cực ấy không giải quyết được bài toán ngân sách trong hai năm qua và nay lại hai đảng lại tái đấu về chi thu trước sự phân vân của dân chúng và hoài nghi của thị trường.



Nói về bối cảnh, Hoa Kỳ đã qua ba chục năm chi tiêu hào phóng và vay mượn quá sức nên đến hồi trả nợ kể từ năm 2007. Đấy là bối cảnh chung và có nguyên nhân "lưỡng đảng" lẫn công tư.

Cả chính quyền lẫn tư nhân (các hộ gia đình và doanh nghiệp) đều đi vay trong mấy thập niên và nay phải cắt giảm chi tiêu để trả nợ. Sự chuyển động chậm rãi ấy mới giải thích những hoạn nạn của năm năm qua khi kinh tế bị suy trầm từ cuối năm 2007 rồi bị nhồi trong cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008.

 Các chính khách mị dân thường quy tội cho Chính quyền George W. Bush là gây ra khủng hoảng vì tăng chi bừa phứa và mở ra hai cuộc chiến – Afghanistan và Iraq – mà không tăng thuế và còn đồng loạt cắt giảm tô suất thuế qua hai đợt 2001 và 2003.

Sự thật lại không đơn giản như vậy. Sự thật là nước Mỹ đến hồi trả nợ, không khác gì hoàn cảnh của hai khối kinh tế công nghiệp hóa kia là Âu Châu và Nhật Bản. Cho nên các biện pháp kích thích kinh tế cổ điển như qua ngân sách (tăng chi và giảm thuế) và tiền tệ (hạ lãi suất và bơm tiền) đều chậm có hiệu quả.

Trong khung cảnh đó, sau khi thắng cử năm 2008, Chính quyền Obama còn tăng chi và muốn cải tạo xã hội nên nâng bội chi ngân sách lên mức kỷ lục, mỗi năm ngàn tỷ đô la trong bốn năm liền.

Khi ngân sách bị bội chi thì chính quyền phải đi vay nên khoản công trái - nợ của khu vực công quyền – đã cao bằng Tổng sản lượng quốc gia GDP, hãy tính cho tròn là 15 ngàn tỷ. Trong khi ấy, kinh tế chưa phục hồi và thất nghiệp vẫn mấp mé 8% và con số khiếm dụng thực sự (thất nghiệp toàn thời và bán thời) còn cao gấp đôi.

Bối cảnh ấy giải thích bài toán lưỡng nan hiện nay là phải kích thích sản xuất để giảm trừ thất nghiệp và đồng thời tiết giảm công chi để dần dần quân bình lại ngân sách.




Quốc hội khóa 112 được bầu lên từ năm 2010 đã có một thay đổi là đảng Cộng Hoà chiếm lại đa số tại Hạ viện nên đòi giới hạn công chi để giảm dần bội chi ngân sách trong 10 năm tới. Nếu không, Quốc hội không cho phép chính quyền đi vay thêm.


Đảng Dân Chủ đồng ý trên nguyên tắc là phải giảm chi, nhưng vẫn muốn bảo vệ thành quả cải tạo xã hội đã thu được từ năm 2006 và chú trọng nhiều hơn đến việc tăng thuế. Họ nhấn mạnh tới yếu tố mang tính chất đấu tranh giai cấp, và ăn khách, là phải tăng thuế nhà giàu.

Suốt năm 2011, trận đánh về ngân sách giữa hai hướng giảm chi và tăng thuế đã không ngã ngũ và đôi bên đành đồng ý với một giải pháp tạm, do một siêu ủy ban của hai đảng đề nghị và được Tổng thống Obama ban hành ngày mùng hai Tháng Tám: cho phép nâng cao định mức đi vay, nhưng hai đảng phải thỏa thuận về một kế hoạch chấn chỉnh chi thu trong 10 năm tới.


Nếu không, một số quyết định sẽ được tự động ban hành từ đầu năm 2013: mặc nhiên cắt giảm công chi và thu hồi các biện pháp giảm thuế của Chính quyền Bush (năm 2001 và 2003) và Chính quyền Obama (năm 2009). Chấm dứt việc giảm thuế có nghĩa là trở lại thuế suất cao hơn, vào trước năm 2001, tức là tăng thuế.

Trong suốt năm 2012, đôi bên không đạt thỏa thuận về việc chấn chỉnh này nên kể từ mùng hai Tháng Giêng năm 2013, biện pháp tự động sẽ được áp dụng, làm kinh tế gánh thêm nợ vì thuế và hụt mất một số mục chi tổng cộng khoảng 500 tỷ trong số bội chi ngàn tỷ.


 Khi sản xuất còn èo uột, ở mức 2% một năm là mừng, nếu biện pháp tăng thuế và giảm chi đó được áp dụng, Tổng sản lượng 15 ngàn tỷ sẽ hao hụt và kinh tế có thể bị suy trầm mất chừng 12-15 tháng, bốn năm quý.

Vì vậy, người ta mới nói đến "vực thẳm ngân sách" hay "tận thế thuế vụ" Taxmageddon.



Các kinh tế gia tranh luận về hiệu ứng của việc cắt giảm 500 tỷ - hay ít hơn nếu đôi bên tiến tới một số thỏa thuận là giảm bao nhiêu và tăng thuế ngần nào, cho những ai - đối với sinh hoạt kinh tế. Hiệu ứng đó có thể là một cấp số nhân, từ 1 đến 1,7 tùy cách tính, nếu ngân sách giảm một vì tăng thuế hay giảm chi, tổng sản lượng có thể giảm từ một đến 1,7 lần.... Tức là bị suy trầm.

Sự thật là kinh tế có thể lại trôi vào suy trầm nữa, sau vụ suy trầm lần trước từ Tháng 12 năm 2007 đến Tháng Bảy năm 2009, nhưng sau đó tình hình sẽ khả quan dần vì việc chấn chỉnh chi thu này là một nhu cầu thực tế. Đây là một nhận định của cơ quan độc lập có nhiệm vụ nghiên cứu ngân sách cho Quốc hội là CBO qua phúc trình mới nhất, được công bố hôm mùng tám Tháng 11.

Nhưng các chính khách đều ngại một vụ suy trầm nữa vào năm 2013 sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2014. Họ bèn đổ lỗi cho nhau, cũng với lập luận mị dân của một cuộc tranh cử ngay sau khi vừa hoàn tất tổng tuyển cử. Truyền thông đại chúng của Mỹ thì chỉ nhắc lại các lập luận đó theo thiên kiến chính trị riêng và đa số dân chúng không rõ vì sao lại có "vực thẳm ngân sách".

Cũng theo truyền thống, đảng Dân Chủ rất khéo tuyên truyền còn đảng Cộng Hoà thì chẳng biết giải thích cho rõ tình hình thực tế của một siêu cường mắc nợ. Kết quả bầu cử vừa qua có cho thấy sự khác biệt đó giữa hai đảng. Và lần này, đảng Cộng Hoà có thể lại mắc bẫy nữa khi mà tuần qua Hành pháp và Thượng viện Dân Chủ không hề nhượng bộ và còn đề nghị tăng thuế gần 1.600 tỷ, tăng chi thêm 50 tỷ và không đặt ra định mức đi vay cho Quốc hội và yêu cầu đảng Cộng Hoà phải hòa giải.

Nhưng căn bệnh chi thu vẫn còn nguyên vẹn và cần một liều thuốc đắng. Chúng ta cần hiểu ra điều đó.



Từ ba chục năm nay, dân Mỹ đã chi tiêu và vay mượn quá sức, ngày một nhiều hơn cho đến năm 2007 mới thấy bàng hoàng. Tổng số nợ đủ loại của các hộ gia đình đã tăng vọt trong suốt 30 năm. Từ một ngàn 500 tỷ đô la vào năm 1980, khoản nợ này nhân gấp đôi trong 10 năm (ba ngàn tỷ, tức là mỗi năm tăng 7%), rồi gấp sáu trong 10 năm kế tiếp (chín ngàn tỷ vào năm 2001) trước khi lên tới đỉnh là hơn 13 ngàn tỷ vào năm 2007. 

Đây là một nỗ lực vay mượn chẳng phải là lưỡng đảng mà của toàn dân! Nhờ lãi suất hạ, tiền rẻ và đi vay dễ dàng, kể cả vay mượn ngoại quốc, nước Mỹ hồn nhiên tiêu xài quá mức, thổi lên bong bóng đầu tư về cổ phiếu (2000) rồi địa ốc (2005) và bắt đầu phải trả nợ.

Khi cần tiết giảm chi tiêu để trả nợ thì tài hóa bớt lưu thông và kinh tế bị suy trầm, đó là hoàn cảnh của vụ Tổng suy trầm 2008-2009. Mặc dù như vậy, tính đến quý hai năm nay, khoản nợ của các hộ gia đình vẫn ở mức 12 ngàn 900 tỷ đô la, so với 15 ngàn tỷ của Tổng sản lượng.

Yếu tố quan trọng nhất, gần như thuộc về văn hoá, là kinh tế Hoa Kỳ lệ thuộc vào tiêu thụ. Nửa thế kỷ trước, tiêu thụ ở khoảng 62% của Tổng sản lượng GDP, ngày nay mức lệ thuộc đó là 71%. Trong bước ngoặt của việc tư nhân giảm chi để trả nợ sau 30 năm hồ hởi, nhà nước bèn bù vào số hao hụt bằng biện pháp tăng chi kỷ lục và mắc nợ ngập đầu, số nợ tích lũy trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama cao bằng tổng số nợ của tất cả các Tổng thống tiền nhiệm kể từ George Washington. 

Mà vẫn không kích thích được sinh hoạt sản xuất.

Khi nâng mức công chi đến ngàn tỷ một năm thì khu vực công quyền đã chẳng giải quyết được bài toán sản xuất và thất nghiệp mà chỉ nâng mức công trái và sẽ phải trả tiền lời, nghĩa là chỉ đi vay để đắp nợ. Bế tắc của biện pháp kích cầu bằng tăng chi ngân sách khiến Ngân hàng Trung ương đã hạ lãi suất tới số không và ba lần in bạc bơm tiền vào kinh tế - mà chưa thấy hiệu quả.

Chỉ vì cùng với nỗ lực tăng chi để kích cầu, Chính quyền Obama còn tiến hành cải tạo xã hội và mở rộng việc điều tiết và kiểm soát thị trường với rất nhiều luật lệ mới.

Tình trạng đó gây khó khăn và bất trắc cho doanh nghiệp khiến các cơ sở kinh doanh lớn nhỏ đều có sẵn hiện kim, tiền mặt, và hơn ngàn tỷ chứ không ít, mà vẫn ngần ngại đầu tư. Nạn ách tắc chính trị trong Quốc hội hai đầu chẳng giúp gì thêm cho tâm lý e ngại đó. Tinh thần đấu tranh giai cấp và kết tội tham lam cho những ai có tiền đầu tư – bọn nhà giàu đáng ghét – càng khiến doanh gia ngồi trên núi bạc chờ thời. Ách tắc chính trị dẫn đến bế tắc kinh tế.



Giải pháp được gọi là vực thẳm ngân sách - một từ do Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ben Bernanke nghĩ ra và nói tới - gồm có hai phần chua ngọt. Chua là biện pháp mặc nhiên cắt giảm công chi và ngọt là việc tăng thuế nhà giàu. Hãy nói đến thực đơn chua ngọt đó.

Khi bội chi ngân sách được giảm dần, chính quyền sẽ bớt đi vay và tài nguyên dành cho việc vay mượn đó qua công khố phiếu có thể được giành lại cho sản xuất. Trước mắt là giảm dần khoản tiền lời mà công khố phải trang trải một cách đều đặn khi đi vay. Đấy là quyết định hợp lý của siêu ủy ban năm 2011 khi đề ra biện pháp tự động giảm chi, gọi là "sequestration". Nó hợp lý vì thị trường trái phiếu không tiếp tục cho nhà nước vay với lãi suất rất rẻ như vậy trong khi nước Mỹ cứ mấp mé vỡ nợ. Có ngày họ sẽ đòi phân lời trái phiếu cao hơn thì công quỹ sẽ phá sản. Đây là ta chưa nói đến một vực thẳm còn sâu hơn nữa là quỹ an sinh và y tế - xin để kỳ khác.

Nhưng giảm chi là quyết định hợp lý mà không hợp tình vì nhiều người sợ rằng khoản phúc lợi xã hội của họ sẽ bị cắt. Họ dồn phiếu cho đảng Dân Chủ, một đảng có tiếng là thương dân nghèo và bảo vệ thành quả cải tạo xã hội, và họ gây áp lực để tăng thuế nhà giàu. Áp lực này là một lý luận hợp tình.

Thiếu số 1% những người có lợi tức cao nhất (lợi tức chứ không phải tài sản), đã thấy lợi tức trung bình của họ tăng hơn 90% trong các năm sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009. So với trung bình ở khoảng 50% trước đó (từ 1993 đến 2009) thì đấy là bước nhảy vọt gấp đôi trong khi lợi tức của người dân nói chung đều giảm. Cho nên, nếu các triệu phú có chịu thêm một gánh nặng thuế khóa thì cũng hợp tình!

Nhưng chuyện ấy lại không hợp lý vì có thể gây phản tác dụng cho kinh tế.

Sản lượng kinh tế quốc gia chỉ có thể tăng nhờ dân số lao động cộng với mức gia tăng năng suất. Nôm na là nhiều người làm việc hơn, với hiệu năng cao hơn thì sẽ sản xuất ra nhiều của cải hơn. Khi các chính khách nói đến chuyện tạo thêm việc làm để giải quyết nạn thất nghiệp, là nâng cao dân số lao động, thì đấy là dân số lao động trên thị trường tư doanh. Chứ lực lượng công chức là thành phần đóng góp rất ít cho sản xuất và lợi tức của họ chỉ là tiền thuế của dân.

Mà khu vực tư doanh đang chờ thời và ngần ngại đầu tư nên sản lượng kinh tế không tăng và thất nghiệp cũng chẳng giảm. Số việc làm trong khu vực tư chỉ tăng khi mà có ai đó muốn cung cấp loại hàng hóa và dịch vụ mà thị trường chịu mua. Muốn như vậy thì phải có đầu tư và đầu tư vào những ngành có năng suất cao hơn trước thì mới có lời.

Các nhà giàu triệu phú tiêu biểu là thành phần có khả năng đầu tư như vậy.

Hãy cho rằng họ có lợi tức bạc triệu trong một năm và dự trù mất 40% vì trả đủ loại thuế. Họ còn lại 600 ngàn cho hai nhu cầu:

 1) chi tiêu để duy trì mức sống sa hoa đáng ghét

 2) đầu tư hay tiết kiệm cho tương lai. Nếu thuế suất mà tăng, giả dụ thêm 5%, họ sẽ bớt ít ra cũng khoảng 5% các mục chi dụng phù phiếm, là tiêu xài ít hơn và đánh sụt số cầu trên thị trường. Giải pháp kia là giảm mức đầu tư hoặc tiết kiệm, thí dụ như cũng với mức 5%.

Ai sẽ được cái khoản "mất" giả dụ là 5% này? Nhà nước. Và được như vậy để làm gì? Tăng lương công chức hay mức trợ cấp cho dân nghèo? Ngược lại, phần tiết giảm 5% vì gánh nặng thuế khóa sẽ ảnh hưởng thế nào đến sinh hoạt kinh tế? Những câu hỏi thường thức ấy cho thấy quyết định tăng thuế CŨNG có hậu quả kinh tế chứ không hẳn là vô hại.

Hậu quả đầu tiên là gây thêm tâm lý bất an trong một xã hội xưa nay vẫn quý trọng những người dám lấy rủi ro để kinh doanh và làm giầu. Ngày nay, làm giầu có thể là cái tội rất đáng gọt đầu.

Trong khi ấy, nếu nhìn vào thống kê về ngân sách từ mấy năm qua, nguồn thu về thuế lợi tức đã tăng trong thực tế dù với tô suất thấp: nghĩa không phải quyết định hạ thấp thuế suất đã làm giảm số thu ngân sách và tăng mức bội chi. Ngân sách bị thiếu hụt vì tăng chi quá nhiều và vì kinh tế sa sút đã thu hẹp căn bản tính thuế.

Do đó, nhìn xa hơn vực thẳm ngân sách năm tới, người ta thấy ra một hố sâu văn hóa của nước Mỹ về chuyện làm giầu. Đó là công hay tội? Còn gánh nợ lưu cữu từ ba chục năm nay, ai sẽ trả? Thế hệ con cháu sau này? Chúng có biết không?

Tương lai đó nó vượt xa tầm nhìn của các chính khách vì hai năm tới đây họ sẽ lại phải xin phiếu của dân. Lấy tiền của nhà giàu để mua phiếu của dân nghèo là một giải pháp chính trị hấp dẫn. Nhưng không là giải pháp kinh tế đã làm nên sức mạnh của Hoa Kỳ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét