Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

LUẬT THUÊ NHÂN CÔNG TẠI HOA KỲ



Tại Hoa Kỳ có nhiều thứ luật lệ liên quan đến việc thuê mướn người giúp việc mà chủ nhân mọi doanh nghiệp đều phải tuân theo. 

Trong những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ của người gốc Việt khắp nơi tại Hoa Kỳ đã bị phạt vạ nặng nề vì phạm các luật lệ thuế vụ và lao động trong việc thuê mướn công nhân viên (employee), đặc biệt là các tiệm nail, nhà hàng, tiệm sửa xe, shop may, v.v…. Thêm vào đó, một số chủ doanh nghiệp cũng đã bị cơ quan di trú truy tố vì thuê mướn người không có phép làm việc tại Hoa Kỳ.

Những Luật Lệ Cần Biết
Có ba thứ luật quan trọng liên quan đến việc thuê mướn công nhân viên mà chủ nhân các doanh nghiệp dầu lớn hay nhỏ cũng cần phải hiểu rõ và chấp hành để tránh bị rắc rối trong việc làm ăn: Đó là luật thuế vụ, luật lao động và luật di trú.


1. Luật thuế vụ
Mọi người đi làm ở Mỹ đều phải đóng thuế. Luật thuế vụ đòi hỏi chủ nhân các doanh nghiệp phải làm sổ lương (payroll) và khấu trừ thuế lợi tức và an sinh xã hội của công nhân viên trong mỗi kỳ lương, và phải đóng góp những khoản thuế theo các đạo luật Federal Insurance Contributions Act (FICA) và Federal Unemployment Tax Act (FUTA).

2. Luật lao động 

Hoa Kỳ có rất nhiều thứ luật lệ nhằm bảo vệ quyền lợi trong vấn đề việc làm cho tất cả mọi người ở đây, nhưng quan trọng hơn hết là Đạo luật Tiêu Chuẩn Lao Động Công Bằng (The Fair Labor Standards Act) quy định các tiêu chuẩn về lao động mà chủ nhân các doanh nghiệp phải áp dụng khi có thuê mướn công nhân viên. The Fair Labor Standards Act (FLSA) là luật liên bang ra đời từ năm 1938, nhằm mục đích bảo đảm các phúc lợi lao động căn bản cho công nhân viên khi làm việc trên đất Mỹ, mà chính yếu là quyền được hưởng mức lương tối thiểu và lương giờ phụ trội (overtime). Ngoài ra, mỗi tiểu bang cũng có thêm những luật liên quan đến vấn đề phúc lợi của công nhân viên mà chủ doanh nghiệp phải tuân theo, được áp dụng song hành và bổ túc cho đạo luật FLSA của liên bang.

Theo luật FLSA, chủ nhân các doanh nghiệp nếu có thuê công nhân viên, ngoài một số ít trường hợp miễn trừ, bắt buộc phải trả lương cho công nhân viên tối thiểu là bằng mức lương giờ ấn định bởi luật liên bang, hoặc mức lương tối thiểu theo luật của tiểu bang nơi nhân công làm việc, nếu mức lương nơi đó cao hơn mức của liên bang. Ngoài việc quy định chủ nhân phải trả lương cho công nhân viên theo mức tối thiểu, luật cũng buộc chủ phải trả thêm lương phụ trội (overtime) cho công nhân viên đã làm việc nhiều hơn 40 giờ trong một khung thời gian 7 ngày liên tục. Bên cạnh vấn đề lương bổng, luật tại nhiều tiểu bang còn có thêm quy định cho công nhân viên phải được khoảng nghỉ giữa buổi và thời gian để ăn uống, tùy theo số giờ trong ca làm việc.

Đối với những công nhân viên lúc làm việc có nhận thêm tiền “tip” ngoài tiền lương giờ, điển hình là những người hầu bàn ở các tiệm ăn, một số tiểu bang cho phép chủ nhân được trả lương giờ dưới mức tối thiểu. Tuy nhiên, nếu đến định kỳ phát lương mà tiền lương giờ cộng với “tip” của công nhân viên vẫn không bằng mức lương giờ tối thiểu tính trên tổng số giờ đã làm, chủ phải trả thêm phần sai biệt cho bằng với tiền lương giờ tối thiểu áp dụng tại tiểu bang đó. Riêng tại các tiểu bang Alaska, California, Minnesota, Montana, Nevada, Oregon và Washington, chủ không được phép trả lương giờ dưới mức tối thiểu dù công nhân viên có nhận thêm tiền “tip” trong lúc làm việc. Và trong mọi trường hợp, luật FLSA cấm chủ nhân không được lấy tiền “tip” của công nhân viên.

Ngoài việc phải áp dụng các tiêu chuần lao động quy định bởi đạo luật FLSA, cơ sở doanh nghiệp tại hầu hết các tiểu bang còn phải mua bảo hiểm tai nạn lao động (workers’ compensation insurance) cho công nhân viên theo luật của tiểu bang.

3. Luật di trú

Đạo Luật Cải Tổ và Kiểm Soát Di Trú (Immigration Reform and Control Act of 1986) ban hành năm 1986 nhằm kiểm soát và ngăn chận người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Luật Immigration Reform and Control Act (IRCA) có khoản cấm chủ nhân thuê người không có phép làm việc ở Mỹ. Điểm quan trọng là luật này đòi hỏi tất cả chủ nhân phải làm và lưu trữ mẫu I-9 cho mỗi công nhân viên tuyển dụng sau ngày 6 tháng 11 năm 1986 để xác định đương sự là người được quyền làm việc tại Hoa Kỳ. Luật này cũng đồng thời cấm chủ nhân không được kỳ thị trong việc tuyển dụng người có quyền đi làm dựa trên các giấy tờ chứng minh tình trạng di trú của người đó. Chủ nhân vi phạm luật IRCA sẽ bị phạt tiền hay phạt tù, hoặc cả hai.

Những Việc Cần Làm

Để tránh rắc rối với luật pháp, chủ nhân các doanh nghiệp phải làm payroll cho công nhân viên theo đúng luật thuế vụ. Lương của công nhân viên cần phải được trả bằng chi phiếu theo mức quy định của đạo luật FLSA và phù hợp với tổng số giờ đã làm việc, vì đây chính là chứng từ bảo vệ cho chủ doanh nghiệp khi bị kiểm tra bởi cơ quan lao động, hoặc khi bị công nhân viên khiếu nại, thưa kiện. Ngoài ra cũng cần tìm hiểu và chấp hành những luật lệ liên quan đến vấn đề phúc lợi của công nhân viên được quy định khác nhau tùy theo từng tiểu bang. 

Chủ nhân cũng không nên thuê mướn người không có phép làm việc ở Mỹ, bởi đó là sự vi phạm luật di trú. Chủ nhân các doanh nghiệp dầu lớn hay nhỏ, ngay sau khi đồng ý thuê mướn công nhân viên, phải làm ngay và lưu giữ mẫu I-9 để xác định người đó có quyền làm việc ở Mỹ. Đây là một đòi hỏi rất quan trọng của đạo luật IRCA áp dụng cho mọi công nhân viên khi được tuyển dụng, nghĩa là kể cả những công nhân viên mang quốc tịch Hoa Kỳ và các thường trú nhân có thẻ xanh cũng phải làm mẫu I-9. Trong tiến trình làm mẫu I-9, các doanh nghiệp có thể ghi danh dùng chương trình “E-Verify” để biết tình trạng di trú và lao động của công nhân viên nhờ vào số an sinh xã hội của người đó. Chương trình này do chánh phủ liên bang thiết lập và hoàn toàn miễn phí.

Cần biết rằng đạo luật IRCA được thi hành bởi cơ quan di trú thuộc Bộ Nội An Hoa Kỳ (Department of Homeland Security), nhằm kiểm soát và ngăn chận người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, cấm chủ nhân thuê người không có phép làm việc ở Mỹ. Trong khi đó thì đạo luật FLSA là do Bộ Lao Động liên bang (U.S. Department of Labor) và cơ quan lao động tại các tiểu bang thi hành, bảo đảm cho tất cả mọi người làm việc ở Mỹ được hưởng tiêu chuẩn lao động công bằng, bất kể tình trạng di trú. Vì vậy, khi chủ nhân thuê một người không có phép làm việc ở Mỹ và cố tình vi phạm các quy định về lao động của đạo luật FLSA (ví dụ như trả lương dưới mức tối thiểu), người công nhân này dầu đi làm “chui” bất hợp pháp vẫn có quyền khiếu nại với cơ quan lao động, và cơ quan này sẽ điều tra và dùng biện pháp hành chính hay tố tụng để đòi lại tiền lương mà chủ nhân đã trả thiếu cho người đó. Cơ quan lao động không quan tâm đến tình trạng di trú của công nhân viên, vì đó là phần việc của cơ quan di trú.

Ngoài ra, công nhân viên dầu có phép làm việc ở Mỹ hay không, nếu được chủ thuê mướn nhưng không được trả lương đúng luật FLSA, cũng có quyền tự mình thuê luật sư kiện chủ nhân ra tòa, và có thể được tòa án cho hưởng những khoản tiền bồi thường nhiều hơn. Tòa án liên bang Hoa Kỳ đã nhiều lần minh định rằng đạo luật FLSA bảo đảm cho mọi công nhân viên phải được hưởng tiêu chuẩn lao động công bằng khi làm việc ở Mỹ, bất luận tình trạng di trú.

Gần đây, tin tức ghi nhật từ khắp Hoa Kỳ cho thấy ngày càng có nhiều công nhân viên các doanh nghiệp nhỏ đã khiếu nại với cơ quan lao động, hoặc kiện chủ nhân ra tòa để đòi thiệt hại vì cho rằng không được trả đủ lương tối thiểu và giờ phụ trội theo đúng quy định của đạo luật FLSA trong khi làm việc. Thông tin từ Bộ Lao Động Hoa Kỳ cũng cho biết cơ quan này trong mấy năm quađã tuyển dụng thêm rất nhiều nhân viên để gia tăng việc kiểm soát và chế tài các chủ nhân vi phạm luật FLSA khi trả lương công nhân viên không đúng mức tối thiểu, và đã thâu hồi cho công nhân viên những khoản tiền lương bị trả thiếu lên đến hàng trăm triệu Mỹ kim. Cần lưu ý rằng trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng luật FLSA, chủ nhân ngoài việc phải trả các khoản tiền bồi thường và tiền phạt, cũng có thể bị truy tố về hình sự, nghĩa là có thể bị lãnh án tù.

Trước tình hình như vừa kể trên đây, thiết nghĩ nay là lúc mà quý vị chủ nhân cácdoanh nghiệpnhỏ có thuê người giúp việc, nên tìm hiểu và tuân hành nhữngluật lệ cần thiết hầu tránh mọi sự rắc rối đáng tiếc khi có cuộc kiểm tra của các cơ quan thẩm quyền, hay trong trường hợp bị khiếu nại hoặc kiện cáo bởi công nhân viên.

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

THỎA MÃN DỤC VỌNG LÀ SỰ ÍCH KỶ HOÀN HẢO NHẤT


Khi ta và người ấy yêu nhau bởi sự đồng cảm chân thành, sẵn sàng chia sớt cho nhau những gian khó và hiến tặng những niềm vui, thì đó là một tình thương đích thực. 

Nhưng khi ta bị những hình ảnh và giọng nói của người kia chiếm hết tâm hồn, khiến ta thẩn thờ mơ mộng, lúc nào cũng muốn được gặp mặt, thậm chí khát khao được chạm vào thể xác nhau, thì chứng tỏ đang bước vào giai đoạn đang yêu. 

Cảm xúc đó bây giờ nghiên về phía tính dục, và trí tưởng tượng cũng được tham gia phóng đại cảm xúc lên gấp bội, nhiều lần để ta có cảm tưởng như trên đời này không có thứ gì tuyệt vời hơn thế nửa.

Khi ấy, từ sâu thẳm trong ta phát sinh cảm xúc rất lạ, khiến ta vừa sung sướng vừa hoang mang. Mọi thứ gần như xáo trộn, ta không còn giữ được thăng bằng và tự chủ khi ngồi một mình. Thế rồi cảm xúc yêu thương trong ta bỗng muốn thăng hoa gấp bội, nó thúc đẩy ta kết hợp với cảm xúc tự nguyện của người ấy. 

Sự cộng hưởng này sẽ tăng tới mức khi hai bên chấp nhận trao thân với nhau, ước muốn thắt chặt quan hệ bên nhau, mà thực chất chính là tình trạng muốn tương tác cao độ cảm xúc của nhau. 

Sự kết hợp này nếu không đứng trên nền tảng của một tình yêu đích thực thì đó chỉ là một sự lợi dụng, hay một sự trao đổi cảm xúc. Và đó chính là sự khác biệt của tình yêu, vừa muốn hưởng thụ cảm xúc, vừa muốn chịu trách nhiệm cho cuộc đời nhau.

Vậy mà khi quyết định trao thân, ta thường chỉ quan tâm tới cái khát khao muốn được nếm trãi cảm xúc bay bỗng nhất của tình yêu mà không hề ý thức và trách nhiệm. Tại sao phải trách nhiệm khi cả hai cùng chia sẽ cảm xúc? 

Thế rồi ta nhắc nhau chỉ cẩn thận khôngđể cho tình trạng thụ thay xảy ra là được. Thực tế không đơn giản là vậy. Cảm xúc yêu đương bùng vỡ sau khi hai thể xác hòa hợp cùng nhau sẽ làm toàn bộ cơ thể tâm thức của ta xáo trộn dữ dội. Nó phát sinh một cách đột biến hàng loạt những tâm lý phức tạp như giận hờn. ghen tuông, nghi ngờ, sợ hãi, lạc lõng… bởi trong sâu xa mỗi bên đều muốn “ độc quyền” sử hữu nhau để lấy lại những gì quý giá đã hiến tặng cho nhau. 


Ngoài ra khi dễ dàng đạt được đỉnh cao của cảm xúc ta sẽ không còn cảm hứng và thiện chí để hiểu biết và thương yêu nhau sâu sắc hơn, để xây dựng mối liên hệ bền vững hơn. Vì lẽ đó, khi cảm xúc thỏa mãn trong chúng ta yếu dần hoặc chuyển hướng sang bội bạc, điều này rất dễ xảy ra.



Trong bất cứ mội quan hệ tình cảm nào cũng cần có sự dẫn dắt, bên nào mạnh kéo bên kia theo. Một khi định hướng sai lầm, thay vì giúp nhau phát huy sự hiểu biết và nghị lực để làm chủ bản năng, hòa điệu với mọi người và sự sống, thì ta lại đưa người yêu mình đơn độc đi về phía hưởng thụ vô tình trở thành “con nghiện cảm xúc”, nên sớm muộn gì tình yêu kia sẽ cạn mòn sinh lực và tàn lụi. kết cuộc cả hai đều bị tổn thương mà phía phụ nữ chịu nặng nề hơn.


 Bởi cấu trúc tâm sinh lý của phái nữ vốn yếu đuối và rất hạy cảm nhưng lại mỏng manh rất dễ vị tổn thương. Tệ nhất là lúc ấy tâm thức sẽ hình thành cơ chế rất nhạy bén về dục vọng và mặc định luôn mức thỏa mãn đã từng đạt được. Điều này sẽ hành hạ ít nhiều trong thời gian phải sống một mình.

Cũng như vợ chông khi quan hệ xác thân, họ vẫn giữ gìn nhiều thủ tục rất trang trọng, để cho đối phương hiểu rằng hai thể xác chỉ hòa quyện khi hai tâm hồn đã thật sự hòa quyện. Cũng như nhà thơ Nguyễn Du có câu thơ rất lạ cảnh báo về chuyện này:

“Trong khi cắp cánh liền cành
Mà lòng rẽ rúng đã đành một bên”

Nếu thiếu sự tinh tế, thấu hiểu và trao nhau đầy đặn ân tình thì phía sau sự cảm xúc thăng hoa kia sẽ phát sinh niềm khinh rẽ rất lớn về sự thèm khát vô độ hay sự buông mình dễ dãi của nhau. Chính điều này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những xung đột chẳng đáng vào đâu. Nên có thể nói thỏa mãn dục vọng chính là sự ích kỷ hoàn hảo nhất.


Khi ta và người kia chưa chính thức sống chung với nhau trước mọi người, chưa thông qua những hình thức trang nghiêm của truyền thống gia đình, pháp luật hay tôn giáo để buột đôi bên phải cố gắng dập tắt những dự phòng khác mà đảm bảo thủy chung. Cho nên “ trao thân gửi phận” là nguyên tắc bảo vệ hạnh phúc lứa đôi rất trí tuệ. 

Chỉ khi nào ta chính thức gửi phận thì mới chấp nhận “trao thân” hai yếu tố này không thể trách rời nhau được? Vì vậy lễ cưới rất quan trọng và cần thiết để gia đình, bạn bè, chòm xóm cùng chứng minh ngày chúng ta chính thức trao trọn cuộc đời cho nhau.


Cho nên một tình yêu chân chính phải luôn biểu lộ sức sống vươn lên, không thể là thứ đam mê làm xáo trộn sự sống, tàn phá sức khỏe, tàn phá trí tuệ và tàn phá cả lý tưởng.Giả sứ, nếu như một người yêu ta ít nhưng tôn trọng ta nhiều và một người yêu ta nhiều nhưng tôn trong ta ít thì sẽ chọn người nào? Người yêu ta nhiều chắc chắn sẽ đem tới những cảm xúc, thỏa mãn hấp dẫn nhưng cũng dễ bỏ mặc ta đương đầu với những hậu quả khổ đau bất kỳ lúc nào; chỉ có người yêu và hết lòng tôn trọng ta mới có ý thức trách nhiệm với cuộc đời ta. 

Mà chịu trách nhiệm nhau chính là đã yêu thương nhau thật sự. Vì vậy, nếu thấy được khổ đau do hành vi thỏa mãn nhục dục không đúng nguyên tắc gây ra, từ đó ta phải quyết không trao thân với người ấy không tạo cơ hội cho những kẻ phản bội. Nếu tất cả các bạn trẻ đều ý thức và thực hiện như thế chúng ta sẽ xây dựng một nếp sống văn minh trong tâm hồn thật đẹp.

Ôi đóa hoa thơm ngát.
Đang nở nụ cười xinh
Nhìn nhau trong cẩn trọng
Đẹp thay những ân tình
Cám ơn người hiến tặng
Hạnh phúc lẫn khổ đau
Để sớm mai thức dậy.
Còn nhớ gọi tên nhau.


Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

CHIA SẺ CÙNG MỘT SỐ CHỊ EM CÓ CUỘC SỐNG NHƯ TÔI


Tôi cũng từng có đàn ông như bao phụ nữ khác, tôi cũng từng có một gia đình, nhưng bây giờ thì không…

Theo quan niệm của người phụ nữ Á Đông, thì đàn ông là chỗ dựa tinh thần, là bờ vai vững chắc , là trụ cột gia đình, là người sẻ chia, và hơn thế nữa là họ cần được yêu thương, được âu yếm , được vỗ về từ một người khác phái… họ cần cảm giác của tình yêu.

Tại sao trên thế gian này không phải tất cả đều là đàn ông hày chỉ toàn là đàn bà? Nếu như vậy thì cuộc sống thật là nhàm chán, họ sinh ra là để bổ sung và bồi đắp cho nhau về mọi mặt,sự khác nhau về hình thể, về cấu trúc sinh học, về mùi và về hành động đã tạo ra một lực hút hấp dẫn …vì thế họ cần nhau , họ cần có gia đình và cần có một người đàn ông cho mình, không chỉ vì cuộc sống mà còn vì bản năng của con người… đó là tình dục…

Có ai trên đời này dám vỗ ngực xưng tên rằng mình không thích được hôn, không thích được ôm, hay những cử chỉ âu yếm, không thích được trân trọng, được nâng niu… kể cả khi người đó là nữ tu sĩ hay là thầy chùa…

Tôi cũng vậy, là một người phụ nữ bình thường, dẫu sống mạnh mẽ và kiên cường, không có đàn ông tôi vẫn tồn tại một cách thoải mái và tự do… 

Nhưng, trong cái mạnh mẽ đó tôi vẫn yếu đuối, tôi cũng cần-cũng thèm cảm giác được yêu đương, được ai đó ôm và ôm ai đó thật chặt từ phía sau, hay được nằm trọn trong vòng tay rắn chắc của người đàn ông mình yêu thương… để thấy lòng ấm áp và dịu đi cơn bão lòng, được nghe bình yên và hạnh phúc, được úp mặt vào lòng người ta để cảm nhận cái mùi đàn ông, được mơn man trên da thịt…. hơn thế nữa là cảm giác được che chở, và sẻ chia, đỡ đần những lo toan trong cuộc sống, muốn được một mái ấm gia đình như bao người phụ nữ khác… và đó là bản năng.

Nhưng tại sao, đến giờ phút này tôi vẫn là một người đơn thân… tôi tự do, thỏai mái, tôi muốn đi đâu, hay làm những gì mà tôi thích… Nuôi con một mình giữa bộn bề lo toan trong cuộc sống, không ai cưu mang hổ trợ… Môt mình lẻ bóng đã là một thiệt thòi lớn của người phụ nữ, một mình mang nặng đẻ đau tự nuôi con lại càng vất vả và khổ sở gấp bội lần mà dẫu có kể ra, người ngòai cuộc cũng khó có thể cảm nhận được.


tôi cũng không phải là một phụ nữ quá xấu, không đến nỗi quá bất tài vô dụng, tại sao tôi lại không được yêu thương như bao người khác… con tôi không đến nổi quá tệ … tại sao phải chịu thiệt thòi từ khi mới sinh ra… tôi nghĩ đó là do số phận của tôi… tôi an phận và bằng lòng với thực tại…

Mọi người thường khuyên tôi nên kiếm cho mình một người đàn ông, vẫn biết rằng cái tuổi nó đuổi xuân đi, nhưng quan niệm cũ vẫn còn, “ mất gì gái đã ly hôn???”… và mấy ai lại chịu đi đổ vỏ ốc cho người khác??? 

Thường họ nghĩ rằng gia đình tan vỡ là do người vợ không chu toàn, không biết chiều chồng… khiến cho nhiều người đàn ông đã có cái nhìn thiếu đứng đắn hoặc chỉ muốn lợi dụng xác thịt , hoặc không xác định nghiêm túc mối quan hệ với những người phụ nữ đã ly hôn như tôi.

Họ cho rằng đàn bà thiếu vắng chồng sẽ khao khát tình dục, cho nên mới gặp hôm trước hôm sau đã nói yêu thương và đòi hỏi, nếu người phụ nữ quá nhẹ dạ cả tin thì sẽ bị tổn thương nhiều, vì sau đó họ đã quất ngựa truy phong… vì ngoài đời con gái thiếu gì tại sao họ phải đi cưu mang một người đàn bà đã ly hôn và có con riêng?

Tuy nhiên, nói đi thì cũng nói lại, không phải tất cả đàn ông đều là xấu, đều như vậy, có những người tốt, họ gặp và yêu chân thành nghiêm túc bằng sự đồng cảm và rung động của con tim, những người này sẽ không đắn đo mà ngược lại sẽ hy sinh rất nhiều cho người đàn bà họ yêu. 

Và tôi tin tất cả đều có cơ duyên của nó, có những cái ta đi tìm cả đời nhưng không bao giờ gặp, có những cái ta không đợi thì nó đến, tôi sẽ đợi dù bây giờ tôi đã dần chai lỳ với cảm xúc, đã trơ ra với việc có đàn ông hay không cũng không thành vấn đề, nhưng chỉ cần một mồi lửa nóng sẽ thiêu cháy tât cả…lúc đó tôi lại được làm cái nhiệm vụ của người đàn bà… được thấy mình đang nóng dần lên trong cảm giác hạnh phúc….
Tôi vẫn độc thân vì tôi vẫn đang chờ đợi người đàn ông của tôi….


Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

CHÚT CẢM XÚC CỦA JENNY





Em
như cơn gió thu bay bay nhè nhẹ

Đưa anh đi tìm vần thơ
Qua công viên lá rơi trên con đường về
Bỗng nhiên nghe lòng đan ước mơ
Mơ ôm em trong tay đêm mưa thì thào
Cho bão tố về làm chiêm bao
yêu em thiết tha như yêu lần đầu
Anh muốn yêu em dài lâu
Em Anh muốn yêu em dài lâu
Em Anh muốn yêu em đậm sâu
Em Anh đã yêu em từ lâu
Em Anh muốn yêu em dài lâu
Yêu em cho đến khi con tim ngừng đập
Cho thiên thu là một giây
Yêu em cho đến khi ong thôi làm mật
Đến khi loài chim quên lối bay
Khi ôm em trong tay anh nghe ngọt ngào
Nếu đời là một giấc chiêm bao
Xin yêu em thiết tha như yêu lần đầu
Anh muốn yêu em dài lâu
Em Anh muốn yêu em dài lâu
Em Anh muốn yêu em đậm sâu
Em Anh đã yêu em từ lâu
Em Anh muốn yêu em dài lâu

Hôm nay xem lai clip đám cưới người bạn, có nghe bài hát này... Lần đầu tiên mình nghe năm 1992 do Thái Tài - Bảo Hân hát...ngày đó mình mới là 1 cô nhóc có mấy tuổi thôi, cho đến giờ nghe lại vẫn thấy có 1 chút thật nhẹ nhàng... thật khó diễn tả được.



Anh muốn yêu em dài lâu - Yêu em cho đến khi con tim ngừng đập". Có lẽ đó là một trong những câu nói mọi phụ nữ đều muốn được nghe và được nghe thật nhiều.


Tình yêu diệu kỳ mang lại biết bao niềm vui, ý thơ và những điều không ngờ tưởng chừng không thể. Người yêu, người được yêu đều có cảm giác thăng hoa ngập tràn trong hạnh phúc với một lăng kính đa màu rực rỡ về thế giới nhân sinh...

Với tình yêu, điều thú vị nào cũng có thể xảy ra. Có khi thiên thu kéo dài chỉ là một giây để được yêu kéo dài đến vô tận. Với tình yêu chỉ khi nào loài chim bay xa quên lối, khi nào loài ong không còn biết tìm mật ngọt và thật sự chỉ có thể dừng đi. Chỉ có thể khi trái tim không còn biết đập những nhịp tình rung động.

Và nhạc sĩ tài hoa Đức Huy, có lẽ ông cũng rất đa cảm, đa tình lắm khi mang đến cảm giác tột cùng của tình yêu đến với người yêu nhạc chỉ qua những đoạn điệp khúc ngắn gọn mà lại ngập tràn yêu thương. Những hình ảnh so sánh như lời hứa hẹn làm người nghe đến khó mà quên:

"Yêu em cho đến khi con tim ngừng đập
Cho thiên thu là một giây
Yêu em cho đến khi ong thôi làm mật
Đến khi loài chim quên lối bay"


Lời ca và giai điệu quả thật vô cùng nhẹ nhàng, cứ như lời thì thầm chỉ có hai người yêu nhau mới nghe được. Cứ như là những cử chỉ dịu dàng lãng mạn của chàng trai dành cho cô gái trong bầu trời đêm mưa thì thào. Nhẹ nhàng thôi, không bi lụy, nhẹ nhàng thôi, không niềm đau. Nhẹ nhàng thôi cho đến tận cùng của cảm xúc mới thấy cái nhẹ nhàng được truyền tải một cách đan xen rất đơn giản, rất bình dị như vậy có phải càng làm lòng người thêm yêu, thêm chìm đắm để cảm nhận được sự rộng lớn,bao la của tình yêu đến như thế nào



Em không cần anh yêu em say đắm, chỉ mong anh thương em chân thành…
Em không cần anh hiểu mọi điều em nói, em chỉ mong anh sẵn sàng nghe em chia sẻ…
Em không cần anh cho em thứ này thứ khác, chỉ mong anh đừng so đo, tính toán sự ngang giá với em…
Em không cần anh bên em sáng tối, gửi tin nhắn hay gọi điện thường xuyên, em mong anh trong một ngày gửi em vài dòng khi anh rảnh, để em biết em luôn ở đâu đó trong anh…

Em không cần anh đặt em vào vị trí số 1, em chỉ mong nếu có lựa chọn, anh hãy cho em được có trong những điều anh cân nhắc…
Em không cần anh ngọt ngào thơ văn, em chỉ mong mọi điều anh nói đều là đi từ con tim mình…
Em không cần anh làm em vui, chỉ mong anh đừng khiến em buồn…
Em không cần anh dẫn em đi khắp nơi và rêu rao đây là bạn gái anh, em chỉ mong, nếu ai đó hỏi, anh sẵn sàng nói rõ: “Ừ, cô ấy là người tôi yêu.”

Em không cần anh tỉ tê tâm sự với em mọi điều, em mong, lúc anh mệt, lúc anh nản lòng, hãy tìm đến em…và cho em được là người an ủi …
Em không cần anh nói yêu em hàng ngày, em chỉ mong, lúc em mềm lòng, lúc em yếu đuối hoài nghi, anh nói tiếng yêu cho em mạnh mẽ…
Những điều em không cần, không phải là những điều em không muốn.
Em không cần vì em biết chúng chẳng để làm gì giữa anh và em.

Còn những điều em mong, chính là điều em muốn. Anh hãy sống cuộc sống của anh, cho thật trọn vẹn và hết mình, em không yêu anh rồi đòi hỏi anh phải như ý em thích, và em không bước vào cuộc sống của anh để đòi một vị trí đỉnh cao của sự quan tâm hay săn đón

Em đi bên anh, đi cùng anh, để lắng nghe, để chia sẻ, để cùng vui và cùng buồn. Để cùng mơ ước và để cùng cố gắng.

Yêu là nhận ra con người mình từ chính đối phương.

Yêu là để giúp nhau hoàn thiện và sống tốt.
 
Vậy nên anh à, hãy cứ xem em là người em, người bạn, người anh thương, rồi mới là người anh yêu. Cứ vậy đi nhé.

Anh có biết: “Một tình yêu đích thực phải chứa đựng tình thương, phải có thái độ muôn hiến tặng và chia sớt để nâng đỡ cuộc đời nhau…”

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

CÓ NÊN KO? NGUỒN VỐN? SỬ DỤNG VỐN???


Hôm nay đọc tin mà giật cả mình: Thủ tướng sẽ ký ngay Nghị định thành lập VAMC.



Để giải quyết khối nợ xấu của các Ngân Hàng, Chính phủ có kế hoạch thực hiện nhiều biện pháp mà trong đó quan trọng nhất là thành lập một công ty quản lý, xử lý nợ xấu (VAMC : Vietnam Asset Management Company). 

VAMC sẽ có nhiệm vụ là mua lại các khoản nợ xấu mà Ngân hàng đã cho vay trước đây nhưng nay không thu hồi lại được , sau đó VAMC quản lý và khai thác khối tài sản đã mua lại để bù đắp phần tiền đã bỏ ra để mua nợ). Thực chất, nhiệm vụ chính của VAMC là mua lại nợ xấu, như vậy là vừa làm sạch sẽ bán báo cáo tài chính của ngân hàng, vừa giúp ngân hàng thu hồi lại một phần của nợ xấu. 


Nhưng trước khi thành lập VAMC, những vấn đề chính sau đây phải được làm rõ :

1. Nguồn vốn hoạt động ? hay nói cụ thể là lấy tiền ở đâu ra để mua lại các nợ xấu của ngân hàng ? điều này lâu nay đã được các chuyên gia thảo luận với nhiều ý kiến trái ngược.

2. Chắc chắn là VAMC sẽ không đủ vốn để mua lại tất cả nợ xấu ? vậy thì sẽ mua lại nợ xấu của ngân hàng nào ? nợ xấu đó là của khách hàng vay nào ? và mua lại theo giá cả thế nào ?

Lâu nay, tôi chỉ thấy các chuyên gia và dư luận hầu như chú ý đến vấn đề nguồn vốn của VAMC (điểm 1), nhưng không thấy nêu lên vấn đề như điểm 2. Nếu không làm rõ, đây chính là kẻ hở của chính sách để các Ngân hàng quen biết, các doanh nghiệp sân nhà.. tìm cách quan hệ “trên mức tình cảm”với VAMV để hưởng lợi thế hơn các ngân hàng, doanh nghiệp khác.




1. Về vấn đề nguồn vốn : Nay thì dường như đã có câu trả lời từ chính phủ. Sau khi dư luận phản đối mạnh mẽ khả năng dùng vốn ngân sách để cấp cho VAMC mua lại các nợ xấu (vì như thế là lấy tiền của dân để bù đắp cho việc kinh doanh lỗ của Ngân hàng do cho vay sai lầm), thì Nhà nước chủ trương để VAMC dùng trái phiếu trả cho các ngân hàng khi mua lại các nợ xấu (thay vì trả bằng tiền mặt)

- Trái phiếu này có phải là trái phiếu chính phủ, hoặc trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của chính phủ (được phân loại vào nợ công) ? Nếu đúng là như vậy, thì việc này cũng không khác gì lấy tiền từ ngân sách nhà nước để mua lại các nợ xấu ngân hàng, chỉ khác đi là thay vì trả ngay cho ngân hàng bằng tiền mặt, thì sẽ trả dần dần sau nhiều năm. Rốt cục, đó cũng là tiền của người dân mà ra.

- Còn nếu đây là trái phiếu thông thường do VAMC phát hành (không bảo lãnh của chính phủ) thì việc các ngân hàng bán nợ xấu doanh nghiệp để đổi lấy các trái phiếu của VAMC cũng không khác gì một hình thức đảo nợ : chuyển đổi từ nợ xấu của một doanh nghiệp A thành nợ mới của VAMC. Việc này có thể làm sạch, làm đẹp báo cáo tài chính của ngân hàng, nợ xấu nhóm 3,4,5 sẽ trở thành nợ nhóm 1. Tuy nhiên về thực chất thì có gì tốt hơn, ngân hàng thực tế có thu được nợ xấu không ? doanh nghiệp mắc nợ xấu có cải thiện được tình hình tài chính, thanh khoản và trả nợ được không…. ?

Theo tôi, việc đảo nợ về mặt hình thức như trên còn tệ hơn là cách cơ cấu lại nợ xấu cho doanh nghiệp (gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ). Nếu được cơ cấu lại như trên, thì khả năng doanh nghiệp tự hồi phục sản xuất kinh doanh dù sao cũng lớn hơn nhiều so với khi khoản nợ xấu trên được ngân hàng bán lại cho VAMC, và rồi VAMC quản lý toàn bộ tài sản thế chấp, tai sản còn lại của doanh nghiệp. VAMC làm sao có đủ nhân lực và chuyên môn sâu để có thể quản lý và hồi phục sản xuất của một doanh nghiệp bằng chính bản thân doanh nghiệp đó ? 


Hơn nữa, VAMC sẽ phải quản lý hàng nghìn, hàng chục nghìn doanh nghiệp như thế khi mua lại nợ xấu. Sao không để cho chính doanh nghiệp đang mắc nợ cố làm việc này dưới sự quản lý của ngân hàng cho vay, vì sự nghiệp của doanh nghiệp nên họ sẽ làm hết sức có thể, và ngân hàng cũng thế. Còn hơn là thông qua VAMC, nhiều tầng nấc trung gian, lại không có trách nhiệm không quan tâm vì đó đâu phải là tài sản của họ, và lúc này doanh nghiệp cũng không cần tha thiết quan tâm đến việc hồi phục nữa, tài sản của họ đâu còn gì mà đã thuộc về VAMC rồi…


Vậy thì sau một thời gian VAMC mua lại nợ, nếu các doanh nghiệp mắc nợ xấu không hồi phục được và VAMC không có khả năng khai thác được tài sản của doanh nghiệp đó, thì VAMC lấy tiền đâu ra để trả cho các trái phiếu Ngân hàng nắm giữ ? Thế là các trái phiếu đó cũng sẽ biến thành nợ xấu…

Rốt cục, vấn đề nguồn để giải quyết nợ xấu vẫn chưa thể giải quyết được. Một số người còn đề cập đến việc vay quốc tế để giải quyết nợ xấu. Nhưng vấn đề là ai vay, ai chịu trách nhiệm trả các khoản vay quốc tế đó ? Nếu là nhà nước trả thì … cũng như phát hành trái phiếu chính phủ mà thôi, cuối cùng là vào đầu cổ người dân.

2. Trên là quan tâm của người dân khi lo ngại chính mình phải è cổ gánh vai cho các khoản làm ăn bê bối dẫn đến thất thoát, thua lỗ của ngân hàng. Về phía các ngân hàng thì họ lại rất quan tâm, rất muốn tìm cách làm sao để bán được nợ xấu của mình cho VAMC sớm nhất, được giá nhất, và nhiều nhất .

Điều này cũng dễ hiểu, khi số vốn VAMC được cấp hay số trái phiếu để mua lại nợ xấu không thể đủ để mua tất cả. Vậy thì sẽ có sự cạnh tranh, giành giật của các ngân hàng để tranh phần này cho mình. Sẽ chia chác như thế nào ? Điều này chưa hề được nêu rõ và minh bạch trong qui chế của các công ty mua bán nợ trước đây của Bộ tài chính. Ai cũng biết, phải có quen thân, có thế lực, hoặc tiền hoa hồng cao… thì các khoản nợ xấu của ngân hàng mới được công ty mua bán nợ của nhà nước mua giùm.

Ví dụ khoản nợ xấu 100 tỉ, khả năng thu hồi từ tài sản thế chấp chỉ 10 tỉ. Nhưng nếu quen biết, có thế lực, hoặc chi lại quả cho đẹp… thì công ty mua bán nợ dám mua lại giá 20 tỉ ! Thiệt thòi thì đã có ngân sách nhà nước chịu, lợi thì ngân hàng và công ty mua bán chia nhau !

Vậy thì khi VAMC ra đời (trước đây cũng có, nhưng qui mô nhỏ và thuộc bộ tài chính) thì ngân hàng nào sẽ hưởng lợi ? sẽ được VAMC chiếu cố mua lại nhiều khoản nợ xấu nhất, với giá cao nhất…


Còn nếu tớ làm Thống đốc Ngân hàng, thì cứ để cho các ngân hàng có nợ xấu tự giải quyết, làm gì phải cứu, phải mua lại nợ xấu của chúng ! Cứ trừ vào lãi kinh doanh khủng các năm trước, thậm chí trừ luôn vào vốn (cũng chả đến nổi âm vốn điều lệ đâu, tớ biết).

Nhưng có người cho rằng làm thế thì chết doanh nghiệp đang có nợ xấu. Thế thì việc VAMC mua lại nợ xấu là chỉ giúp ngân hàng chứ có cứu gì doanh nghiệp đâu ? Thà cứ để vậy, mà có thể ngân hàng phải tìm cách cơ cấu lại nợ để giúp doanh nghiệp và tự cứu mình.

Nếu ai đó (chỉ có thể là mấy ông chủ ngân hàng thôi !) nói rằng nếu Nhà nước không giải quyết nợ xấu thì Ngân hàng sập tiệm, ảnh hưởng đến tiền gửi người dân, thì cũng không chính xác. Tớ đã nói trên, số tiền lỗ do nợ xấu chưa bằng lãi tích lũy hàng chục năm qua của các ngân hàng, chưa thể âm vào vốn của họ đâu. Và nếu trong tình huống xấu nhất, theo luật ngân hàng và luật phá sản thì tiền gửi của dân phải được ưu tiên thanh toán hết, thanh toán trước ; sau đó nếu còn thừa thì sau cùng mới đến các cổ đông, các ông chủ ngân hàng.

Từ trước đến nay, trong cho vay luôn luôn xảy ra nợ xấu . Vì thế đã có các qui định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu. Cứ như thế mà làm thôi . Sao bây giờ cứ nhất định phải thành lập VAMC để giải cứu nợ xấu ???? Ăn nhiều rồi bây giờ không chịu nhả ra phải không ?

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

ĐÀN ÔNG YÊU VÀ KHÔNG YÊU



Đa phần, chị em phụ nữ chúng ta tưởng tượng sự hoàn hảo người đàn ông của mình như đẹp trai, tài giỏi, tuyệt vời nhưng thực ra bản chất của họ đều nghĩ phụ nữ như nhau ở một điểm mà họ luôn quan tâm, cô ta có đẹp không, có hấp dẫn không? 



Để biết họ đối xử với ta như thế nào, đâu là phép xã giao lịch sự đâu là bản chất của họ, các bạn gái của tôi hãy thực tế một chút và nên tự nhiên, tránh kiểm soát bản thân quá nhiều, tránh đòi hỏi và tưởng tượng.

Về bản chất, đàn ông họ đơn giản, đơn giản đến mức nếu có đi rửa chân, họ chỉ rửa cái chân nào bẩn mà thôi, chứ không hắn rửa cả 2 chân theo số nhiều như bình thường. Lấy ví dụ đó để chị em đừng bao giờ hão huyền thay đổi họ, làm sao cho họ tiến bộ. Họ chỉ tiến bộ khi đó là nội lực của họ, khi họ thấy cần thiết, khi họ trải nghiệm và cuối cùng là khi họ yêu ta thật lòng, tình yêu biến họ trở thành một kẻ có trách nhiệm, có lương tâm với người phụ nữ của mình.
Nhưng hãy chờ xem, họ yêu chúng ta như thế nào nhé.

Theo nghiên cứu về xã hội học thì có những người lương tâm rất nhiều, họ luôn tốt và nghĩ về người khác, không bao giờ làm điều gì vi phạm đạo đức. Nhưng ngược lại, có những người sinh ra đã vô lương tâm kể cả họ được giáo dục, có nền tảng. Bản chất dối trá, phản bội luôn luôn sống cùng họ, điều đó khiến cho những người thân, xung quanh vô cùng đau khổ, tổn thương.

Bởi vậy, làm sao để biết người ta đang tìm hiểu, đang yêu có thật lòng hay không?
Ta làm một số phép thử sau khi 3 tháng đã tìm hiểu, tiếp cận nhau ban đầu.

Nếu anh ta yêu bạn, cần có bạn, anh ta sẽ gọi điện cho bạn. Không có người đàn ông nào yêu mà lại im lặng, không liên lạc trừ khi anh ta có vấn đề sao đó nhưng nếu có gì bất thường anh ấy sẽ nói.
Nếu anh ta quan tâm đến bạn thì anh ấy sẽ quan tâm và chăm sóc bạn, khi bạn đang bận, anh ấy sẽ gọi lại sau cho bạn, và chờ máy nếu bạn đang dở công việc.

Đó chỉ là một vài hành vi nhỏ nhưng nó sẽ là đường dây để chỉ đường cho các bạn biết, các bạn đang đi đến đâu và có kết quả hay không?

Một ngừoi đàn ông có kỹ năng là một người luôn hoàn hảo những cư xử bên ngoài khi giao tiếp, chúng ta hiếm khi thấy anh ta mắc lỗi nào, có khi đều tăm tắp các hành động dành cho nhau. Nhưng bản chất anh ta ra sao bạn có biết được không? bạn phải có người thứ 3, thậm chí thứ 4, thứ 5 làm chứng cho bạn về các mối quan hệ cuả anh ấy ra sao? Anh ấy có hay phán xét không? Có hay nói xấu ai không?

Người đàn ông có kỹ năng tốt chưa hẳn là người có lương tâm tốt.... nhưng người có lương tâm hẳn sẽ có kỹ năng tối thiểu để thể hiện sự yêu thương của mình dành cho một nửa của mình, ít ra anh ta cũng xử sự như đúng bản chất của mình, kể cả sự vụng về, không khéo léo để người yêu của mình hiểu mình đúng như bản thân mình chứ không phải giấu diếm, che đậy điều gì.

Những người đàn ông vô lương tâm họ bất chấp mọi thứ, mọi giá trị để đạt được mục đích của mình, bởi thế, mới có Sở Khanh, Đông Gioăng, mới có nhiều kẻ tim đen làm cho bao người đẹp rụng rời, tan nát, sau đó, có bao giờ gặp lại nhau? Người đàn ông vô lương tâm luôn có vỏ bọc kín kẽ, khó biết thực hư anh ta đang nghĩ gì, đang làm gì? Rất ít trường hợp gặp một kẻ như thế mà anh ta vô tình thay đổi để trở thành một người tử tế thực sự!

Tại sao phải phân biệt giữa mấy khái niệm trên vì mục đích cuối cùng là chúng ta tìm được người yêu thương ta chân thành, trân trọng ta bởi vậy, để không khỏi đau lòng, tổn thương, dằn vặt, hãy thông minh và nhạy cảm một cách tự nhiên, đừng kiểm soát gì bạn sẽ tìm thấy một nửa của mình và hãy tin, đó là người phù hợp với mình nhất.

Hãy yêu thương chính bản thân mình trước, đừng mù quáng và tin tưởng vào những thứ do mình tưởng tượng một cách thiếu thực tế, vì quan trọng là bạn phải là người trung thực với chính mình trước rồi mới đi tìm được một nửa trung thực còn lại.

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

4 LOẠI GIẤY TỜ CẦN THIẾT KHI ĐẾN MỸ


Bài viết này, tôi tổng hợp các loại thông tin về 4 loại giấy tờ các bạn cần biết khi đến Mỹ. Việc hiểu biết về các loại giấy tờ này là rất cần thiết, tránh những rắc rối không cần thiết và cũng để các bạn dễ dàng sắp xếp lịch cho những việc trong tương lai:

1/ Visa Mỹ: Là giấy bạn sử dụng khi xuất cảnh (bay từ nước nào đó vào Mỹ) và nhập cảnh (đến hải quan Mỹ làm thủ tục nhập cảnh).
Tuy nhiên có một điều các bạn lần đầu đi du học nên chú ý đó là Visa diện du học của các bạn phải đi kèm giấy i-20 còn hạn, nếu không có i-20 hoặc i-20 hết hạn thì họ có thể từ chối cho bạn nhập cảnh.
Trường hợp i-20 của các bạn hết hạn, visa còn hạn, trong khi các bạn vẫn chưa đăng ký thêm một khóa học nào khác tại Mỹ thì nếu các bạn đang ở trong nước Mỹ, các bạn vẫn có thể bị coi là ở lại một cách không hợp pháp (với visa F1 thì các bạn có thể ở lại trong vòng 3 tháng sau khi kết thúc khóa học, J1 thì nếu tôi nhớ không nhầm là 30 ngày).
Cũng như vậy, nếu i-20 hết hạn, không có i-20, các bạn cũng không được phép xuất cảnh và nhập cảnh tại Mỹ dù visa của các bạn còn hạn.

2/ I-20: Là giấy trường cấp cho bạn để chứng minh rằng bạn sẽ sang Mỹ và học tại trường theo một khóa học nào đó (thông tin cụ thể sẽ được in chi tiết trên i-20). Mọi thông tin trên i-20 các bạn nên nắm chắc vì thường lúc nhập cảnh họ sẽ hỏi những thông tin trên i-20. I-20 và visa du học luôn phải đi cùng với nhau khi nhập cảnh và xuất cảnh.
I-20 là giấy chứng minh status của bạn ở Mỹ (khẳng định bạn là sinh viên, đang học tại Mỹ, hợp pháp). Vậy nên nếu visa của các bạn đã hết hạn mà I-20 vẫn còn hạn thì theo luật pháp Mỹ các bạn vẫn đang cư trú một cách hợp pháp tại đây. Nếu các bạn đi ra khỏi Mỹ thì các bạn phải xin lại Visa Mỹ.

Một số trường hợp đặc biệt như đi chơi ở Canada hay Mexico trong khi visa Mỹ đã hết hạn và I-20 còn hạn các bạn liên lạc trực tiếp với International Student office của trường, họ sẽ cung cấp cho bạn giấy tờ và lời khuyên để có chuyến đi thuận lợi mà không bị trục trặc khi quay trở lại Mỹ từ Canada và Mexico trong trường hợp visa của các bạn hết hạn.
Khi visa còn hạn, I-20 còn hạn, dù các bạn muốn đi chơi cũng nên chú ý lấy chữ ký của người đại diện của trường (thường là director của international student department) ở trang thứ 2 của I-20, chữ ký phải trong vòng 6 tháng kể từ ngày các bạn ra khỏi nước Mỹ.
Khi đi ra khỏi nước Mỹ, tôi luôn khyên các bạn lấy business card của international office của trường các bạn trong trường hợp cần những việc khẩn cấp.

3/I-94: I-94 là miếng giấy nhỏ, được đính kèm vào hộ chiếu của các bạn khi các bạn nhập cảnh vào Mỹ. Các thông tin trên I-94 là rất quan trọng (Tôi từng gặp nhiều người không hiểu miếng giấy đó là gì nghĩ là giấy vớ vẩn sau khi nhập cảnh vào Mỹ thì vứt luôn đi sau này rất mất công khi cần đến, vì vậy các bạn tuyệt đối cẩn thận với giấy I-94), trên I-94 có một dãy số là mã code của từng người nước ngoài khi nhập cảnh vào Mỹ và status của bạn khi nhập cảnh. Khi các bạn xin số an sinh xã hội SSN, hay sau này đi làm đều cần những thông tin đó để apply.
Đây là ảnh của I-94, thường được đính vào passport của các bạn sau khi nhập cảnh.


4/Employment authorization card (OPT=Optional Practical Training):
Trong thời gian đi học ở Mỹ, các bạn có thể làm thực tập hay đi làm với điều kiện có giấy tờ cho phép bạn đi làm. Có 2 kiểu chính. Kiểu thứ 1 là sau khi kết thúc khóa học các bạn có quyền có 1 năm đi làm ở Mỹ, giấy này gọi là Post-Completion OPT. Kiểu thứ 2 là trong khi học, chưa kết thúc khóa học, các bạn muốn đi làm gọi là Pre-Completion OPT. Tùy vào ngành nghề mà giấy cho phép đi làm cho phép các bạn đi làm trong khoảng thời gian khác nhau. Tuy nhiên ngắn nhất vẫn là 12 tháng. Việc chuẩn để lấy giấy OPT thường mất khoảng 2-3 tháng, chính vì vậy nếu các bạn muốn thực tập vào tháng 6 thì phải chuẩn bị làm giấy tờ gửi đi từ tháng 2 hoặc tháng 3. Phí cho việc apply cho giấy OPT là khoảng $300. Thông tin cụ thể về thủ tục apply, giấy tờ cần thiết apply cho OPT, các bạn liên lạc trực tiếp với international office của trường vì mỗi state có thể có những điều kiện khác nhau một chút. OPT là quyền lợi của các bạn sau khi học ở Mỹ nên các bạn không phải lo lắng về việc được cấp OPT, trừ trường hợp các bạn khai thông tin bị sai thì hồ sơ mới bị từ chối và các bạn cứ yên tâm làm lại.
Đây là ảnh của thẻ cho phép làm việc tại Mỹ khi các bạn apply cho OPT
Image
Trên đây là 4 loại giấy tờ cần thiết nhất để ở lại hoặc làm việc tại Mỹ một cách hợp pháp. Các bạn nên ghi nhớ để mọi việc diễn ra suôn sẻ thuận lợi.

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

NGẪM NGHĨ VỀ CON SỐ 0.8 SÁCH/ NĂM





Mấy hôm nay, giới báo chí rất ồn ào về một con số làm nhiều người sốc. Đó là con số cho thấy người Việt không đọc nổi 1 cuốn sách / năm. Có người dựa vào con số này đặt câu hỏi “Cả năm không đọc nổi cuốn sách, tri thức ở đâu?” Nhưng đọc kĩ thì thấy hình như xuất xứ con số này rất đáng ngờ. Theo tôi thì con số người Việt đọc 0.8 sách/năm là … quá cao, vì tôi nghĩ trong thực tế, con số thấp hơn nhiều.


Bất cứ ai có liên quan đến việc in sách ở Việt Nam đều chú ý một điều là sách được in rất ít. Một cuốn sách thông thường chỉ in khoảng 1000 bản, hay cao lắm là 3000 bản. 


Do đó, tôi không ngạc nhiên khi báo chí đưa tin rằng người Việt rất ít đọc sách. Theo con số chính thức của Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch (gọi tắt là Bộ Văn Thể Du), tính trung bình, mỗi năm mỗi người Việt đọc 0.8 cuốn sách. Kể ra thì đó là một con số khá thấp. Có lẽ các bạn cũng như tôi sẽ hỏi: con số này xuất phát từ đâu. Theo bài báo trên Vietnamnet thì con số đó dựa trên “báo cáo của các thư viện gửi về Bộ”. Mà, thư viện thì phần lớn chỉ có mặt ở khi thành thị, chứ rất rất ít ở nông thôn. Do đó, con số 0.8 này theo tôi là cao hơn thực tế.


Một lí do khác cho nhận xét trên là dân số. Dân số Việt Nam hiện nay là khoảng 90 triệu người. Nếu tính bình quân 0.8 cuốn sách/năm, thì mỗi năm người Việt đọc khoảng 72 triệu cuốn sách. Có chứng cứ gì cho con số đó? Theo tôi là chẳng có chứng cứ gì cả. Thật ra, tỉ lệ đọc sách chắc chắn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập, nơi cư trú, v.v. Trẻ em 1 tuổi thì chắc chưa biết đọc sách, và người ở độ tuổi 20-30 chắc đọc sách nhiều hơn người ở độ tuổi trung niên khi cuộc sống đã bắt đầu “đa đoan”. Đối với nông dân thì việc đọc sách chắc không quan trọng bằng người làm công việc văn phòng. Nếu không có những phân nhóm như thế thì rất khó hiểu con số 0.8 sách/năm.


Trong bài “Cả năm không đọc nổi cuốn sách, tri thức ở đâu?” có trích dẫn ý kiến của một người làm nghề xuất bản sách cho rằng người Việt ít đọc sách hơn người Thái Lan và Mã Lai, nhưng không có con số nào làm cơ sở cho nhận xét đó. Quả thật, không có dữ liệu nghiên cứu thì rất khó nói ai hơn hay kém hơn ai.

Ở Thái Lan, một cuộc điều tra xã hội trên 53000 hộ gia đình vào năm 2011 cho thấy gần 70% người Thái (6 tuổi trở lên) đọc sách sau giờ học hay giờ làm việc. Con số này của năm 2008 là 66%. Đó là một con số rất “ấn tượng”. Trong bài viết đó, tác giả so sánh rằng trẻ em Thái Lan chỉ đọc 2-5 cuốn sách mỗi năm, trong khi đó trẻ em Việt Nam và Singapore đọc 50-60 cuốn mỗi năm. Nhưng không thấy tác giả cung cấp nguồn gốc con số này. Con số 50-60 cuốn mỗi năm có vẻ hơi … khó tin.


Thật ra, nói một cách nghiêm chỉnh thì con số x cuốn sách/năm chẳng có ý nghĩa gì cả. Khái niệm “cuốn sách” ở đây là gì, bao nhiêu trang, thì chúng ta chưa rõ. Chẳng hạn như 0.8 của một cuốn sách 80 trang rất khác với 0.8 cuốn sách 600 trang. Sách giáo khoa khác với tiểu thuyết, và càng khác với sách dạy học làm người. Do đó, thay vì mô tả qua con số trung bình, có lẽ cách tốt hơn là đặt câu hỏi: có bao nhiêu người đọc sách trong năm qua? Đó là loại câu hỏi mà các chuyên gia xã hội trên thế giới quan tâm. Tôi nghĩ giới xuất bản Việt Nam rất cần một điều tra xã hội để có câu trả lời cho câu hỏi đó.


Hiện tượng ít đọc sách không phải chỉ có ở VN mà cả ở những nước tiên tiến như Mĩ cũng có vấn đề. Kết quả của một cuộc điều tra xã hội cho thấy một vài xu hướng đáng ngại:

  • 42% người tốt nghiệp đại học không bao giờ đọc một cuốn sách nào sau khi tốt nghiệp;

  • Một phần ba học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không bao giờ đọc sách suốt đời còn lại;

  • 80% gia đình Mĩ không mua hay đọc sách trong năm qua.

Như vậy, có lẽ Mĩ cũng chẳng hơn gì ta? Không hẳn vậy, vì sự phát triển của internet và ebook đã làm lu mờ bức tranh đọc sách theo cách hiểu truyền thống. Tôi nghĩ có thể người Mĩ ít mua sách từ nhà sách, nhưng có thể họ mua ebook nhiều hơn. Bằng chứng là amazon.com và các công ti tương tự có doanh thu rất khá trong thời gian qua. 


Nhưng nói gì đi nữa thì tôi vẫn nghĩ người Việt chúng ta ít đọc sách báo. Ở trong nước, mỗi lần về quê là tôi mù thông tin vì không có cách gì mua báo hàng ngày để đọc. Muốn có báo để đọc thì phải lái xe đi 20 km! Có lần tôi thấy cơ hội bán sách báo và cho mướn sách, nên bàn với cô em tôi rằng nhà mình nên mở tiệm bán sách báo, nó nhìn tôi như người ở hành tinh khác đến. Tôi lại thuyết phục rằng nếu bán không được thì mình mở tiệm cho mướn sách, nó nói ở dưới chợ đã có một tiệm như thế và đã đóng cửa 10 năm rồi. Không chỉ ở trong nước, ngay cả ở nước ngoài nơi mà dân trí có phần khá hơn, trong cộng đồng người Việt, nhà sách rất èo uột bên cạnh những tiệm bán thực phẩm, rau quả, và nhà hàng. Hình như đối với người Việt, ăn uống được ưu tiên cao hơn chuyện sách vở và tri thức.


Nhưng sách dĩ nhiên là rất quan trọng. Quan trọng đến nổi ông Thomas Jefferson từng nói rằng ông không thể nào sống nổi nếu không có sách bên cạnh. Đó không phải là cách nói ngoa. Đọc sách là một thói quen quan trọng, vì nó chẳng những là một cách mở cánh cửa thế giới quan, mà còn là một môn thể thao trí tuệ tuyệt vời. Xem tivi có thể cũng là hình thức thu thập thông tin, nhưng đọc sách đòi hỏi người đọc phải tương tác hơn và tập trung hơn là xem tivi, và do đó là một cách luyện trí óc rất hiệu quả.


Đọc sách được xem là học, và điều đó khá hiển nhiên. Trong đại học Anh và Úc, học đại học có khi được xem làreading (ví dụ she read history at Sydney – cô ấy từng học sử ở Đại học Sydney). Ngoài ra, người giảng dạy đại học còn có chức danh Reader (trên giảng viên cao cấp và tương đương với phó giáo sư).


Cá nhân tôi xem sách như những người bạn đồng hành, những người cố vấn kiên nhẫn nhất. Bất cứ lúc nào cảm thấy buồn phiền tôi đều tìm đến sách để giải sầu. Chả thế mà có một triết gia La Mã nói rằng (chỉ nhớ lõm bõm) “một căn phòng không có sách thì cũng giống như một cơ thể mà không có linh hồn”
.  

Nhưng sách cũng là nguồn đe doạ cho những người có đầu óc độc tài. Napoleon từng nói rằng ông ta sợ 4 người biên tập kém thân thiện hơn là 1000 cái lưỡi lê. Chế độ Đức Quốc Xã từng là những kẻ nổi tiếng không chỉ tàn ác mà còn là những kẻ đốt sách, nhân danh làm sạch tinh thần Đức. Trung Cộng cũng từng có chủ trương đốt sách Khổng Tử. 

Nên nhớ là Khổng Tử từng khuyên đồ đệ rằng dù bận rộn cỡ nào, cũng nên dành thời giờ để đọc sách, nếu không thì sẽ tự chôn mình vào sự dốt nát. Nói người cũng nhìn ta: Việt Nam cũng không khá hơn, vì sau 1975 cũng có chính sách đốt sách vở xuất bản ở miền Nam. (Trớ trêu thay, sau 30 năm thì người ta bắt đầu tái bản những cuốn sách từng nằm trong danh sách bị đốt)! Với một  "tiền sử" như thế thì tôi đoán hiện tượng ít đọc sách cũng không phải là điều gì quá ngạc nhiên vì nhiều độc giả của những cuốn sách đó đã không còn.