Đố mọi người biết, chúng ta làm gì gì khi chúng ta nói chuyện tình? Trong lúc mọi người nghĩ, mình sẽ nói tạm chuyện
khác, cũng là chuyện tình.
***
Sẽ rất là lạc hậu nếu mà
lại mở đầu bằng một câu rất là lạc hậu là: "Tình yêu là gì?". Đi hỏi
bọn trẻ con 12, 13 tuổi chúng nó sẽ cười cho mất. Bọn nó bây giờ giỏi á, không
ù ù cạc cạc như thế hệ trước đâu á.
Lớp 6 lớp 7 còn đeo khăn quàng đỏ mà chân
đã đi giày cao gót, môi đỏ chót còn mắt thì dậm đặc mascara, giai thì phanh hết
3 cúc áo trên ra mà gái thì cũng phanh gần như thế, nghỉ giữa giờ vật nhau ra
ghế làm đủ trò mà thế hệ trước dù có yêu nhau lâu lâu chắc cũng còn xa xa mới
dám thử á.
Nếu hỏi tụi nó thấy xấu hổ quá thì lại sợt Google. Trong 0,10 giây
cho ra khoảng 5.370.000 đáp án. Nhưng mỗi link nói 1 kiểu, lại hoang mang không
hiểu gì. Yêu là như nào, như này phải là yêu chưa?
Trong
"Thần điêu đại hiệp", Lý Mạc Sầu đi tới đâu, chưa thấy hình đã thấy
hỏi: "Hỏi thế gian tình ái là chi?". Thế gian không trả lời được là
chắc rồi. Ai lại hỏi câu khó thế. Bọn trẻ con 12, 13 tuổi ở trên cũng không trả
lời được nốt, bọn nó chỉ biết làm mấy việc đấy thôi.
Tài tình như vua thơ tình
Xuân Diệu mà còn không định nghĩa được tình yêu cơ mà. Mà giá kể có định nghĩa
được, thì phàm các loại định nghĩa cũng luôn khô cứng và giới hạn, trong khi
thực tế lại mềm dẻo và khó lường hơn thế nhiều.
Chẳng
hạn như có người cho rằng yêu là phải nâng niu âu yếm suốt ngày, có người lại
yêu kiểu – nói không nghe là thụi luôn. Có người yêu vào lúc nào cũng mơ đến
ngôi nhà hạnh phúc, bên nhau trọn đời, có người lại kiểu yêu quá hóa dồ, ghen
ghen lên tí là bóp cổ người yêu chết tươi.
Có người nghĩ tình yêu là tình dục,
có người nghĩ tình yêu không phải là tình dục. Có người yêu vào sướng lên, trẻ
ra; có người yêu vào khổ đi, già đau, mệt điên. Có người yêu trong sáng, có
người yêu trong tối. Vân vân.
Cá
nhân mình thấy yêu đương thì sướng, nên các bạn trong "Hội những người
không hiểu làm sao chúng nó có bạn trai/bạn gái" ghen tị lắm.
Yêu
vào cái đời tươi như hoa ấy, thấy xung quanh cái gì cũng bé bỏng, chỉ có người
yêu mình là lớn lao. Rồi thấy việc gì trong cuộc sống cũng dễ dàng, vì một việc
rất khó là giật được hạnh phúc thì mình đã làm được rồi đấy.
Rồi lại thấy là vụ
việc gì cũng giản đơn, vì dù kết quả có tồi tệ như thế nào thì vẫn có đứa ở bên
cạnh nắm tay vỗ vai nhìn vào mắt bảo không sao đâu, không sao. Rồi thì là bố
bảo làm gì mà không thích thì chả làm đâu, nhưng người yêu bảo gì cũng nghe
ngay. Rồi thì là rất tự tin và hay cười.
Khoác tay người yêu đi bộ một vòng hồ
Gươm thấy phởn như đang ở cái cõi nào, phấn khích đến độ có thể nhảy chân sáo
như mấy chị trên phim Việt Nam hay chạy quanh gốc cây đùa với người yêu, dù
thần kinh hòan tòan bình thường và đã hơn 30 tuổi.
Tóm lại yêu đương làm người
ta điên điên và phi thường. À với cả yêu vào còn xinh ra. Ai cũng bảo thế. Kiểu
yêu đương nó tiết ra chất kích thích. Đến nỗi mà có bạn còn bị đột tử ngay sau
lần đầu tiên được bạn trai hôn.
Nhưng
lúc mới yêu thật vui biết bao nhiêu thế thôi. Qua cơn mê mải lú lẫn ban đầu rồi
thì sẽ nhận ra là: yêu đương giống như là trồng cây ấy. Ai cầm một cái mầm
trong tay mà chả mong sẽ nuôi được thành một cái cây lớn.
Nhưng rồi sẽ hiểu là
không phải chỉ cần tình yêu là đủ, không phải cứ xa là nhớ gặp nhau là cười,
không phải cứ một lòng thành tâm mong cây lớn mà nó chiều mình nó lớn. Còn coi
có hợp đất không, còn trông nắng mưa gió bão, còn canh chừng sâu bọ cỏ dại, rồi
thì nhỡ mà tưới nước quá ít hay quá nhiều...
Ai bảo là yêu thì không cần phải
học ạ? Đúng là thế nào thì có học cũng có hơn. Người ta bảo tình đầu thì đẹp đẽ
nhất nhưng mà hầu hết là đổ vỡ. Chắc cũng giống như các nhà tuyển dụng, tình
yêu yêu cầu kinh nghiệm.
Các
nhà tuyển dụng đánh đố sinh viên mới ra trường. Tình yêu thách thức những người
mới nhập cuộc, nhất là những người trẻ. Ở cái ngưỡng tuổi mà lý trí thì ít còn
cảm xúc thì khó kiểm sóat đấy, bắt được sóng một cái là người ta lao vào điên
dại thôi.
Phớt lờ mọi cảnh báo, bỏ qua tính tóan, và yêu thương mải miết đến độ
không có tâm trí để nuốt lấy những lời vàng ý bạc mà lớp người có kinh nghiệm
tình trường truyền dạy cho. Người ta yêu thành thật nhưng lại hay mắc sai lầm.
Chẳng hạn như người ta phạm lỗi "vong thân". Vong thân – tức là yêu
người khác nhiều hơn bản thân mình, hơn tất cả mọi thứ khác, đến nỗi đánh mất
cả bản ngã của mình vì cái tình yêu quá lớn đấy. Vong thân là cho tất cả trứng
vào cùng một rổ, là treo tất cả áo lên cùng một cái mắc, là all-in.
Đến lúc mà
trứng vỡ hết, hoặc áo nặng quá rơi hết thì người ta mới tỉnh. Mình sai mình tự
chịu, lúc đấy vật không dám kêu ai, chứ không được như dân ta – khổ thì đêm 30
Tết đã có Xuân Bắc với Tự Long lên "Gặp nhau cuối năm"nói hộ.
Mình
thấy sống sót được sau một cuộc chia tay là phải bản lĩnh anh hùng lắm. Mà như
thế thì trong cái cuộc đời này, chắc ai ai cũng đã/sẽ trở thành anh hùng, bằng
cách này hay cách khác. Người tử tế chia tay xong sẽ tự giải quyết nỗi buồn.
Người không tử tế sẽ vào Facebook viết một cái note nói xấu người yêu cũ. Người
không tử tế bây giờ có vẻ nhiều.
Bây
giờ mình sẽ trả lời câu hỏi ở đầu: chúng ta làm gì gì khi chúng ta nói
chuyện tình?
Chúng ta nói chuyện
"what are you doing?"!
Ban đầu mới để ý đến
nhau, người ta nhắn tin hỏi nhau đang làm gì. Câu đấy để bắt chuyện cũng phổ
biến như là câu "Không hợp nhau!" mà đôi nào cũng lấy làm lý do chia
tay ý. (Mà mình không hiểu là: nếu không thấy hợp nhau thì người ta xây dựng
mối quan hệ dựa trên nền tảng gì?)
Trong thời gian yêu nhau,
người ta cũng suốt ngày hỏi nhau: "Anh/em đang làm gì?" Một em gái 9x
ở cùng một em trai 9x trong nhà nghỉ chắc cũng hỏi: "Anh đang làm gì
thế?". Em trai trả lời: "Anh đặt máy quay." Em gái bảo: "Ok!"
Lúc tình yêu nhạt dần,
người nào có dấu hiệu muốn dứt áo sẽ không còn hỏi người kia: "Anh/em đang
làm gì?" như trước nữa. 10h đêm mà không thấy người yêu online chắc cũng
không đủ quan tâm để cầm điện thoại lên nhắn tin hỏi đang làm gì.
Lúc chia tay rồi người ta
có hỏi người kia: "Anh/em đang làm gì?" nữa không? Không, tất nhiên
rồi, sau chia tay thì làm bạn còn khó chứ đừng nói là có thể quan tâm nhau đến
thế.
Nhưng mà lúc chuẩn bị
chia tay thì có hỏi: "Anh/em đang làm gì?" không? Có thể. Như bạn ex
của mình, trước khi chia tay bạn ý không nói:" Anh có chuyện muốn nói với
em" như trên TV mà bạn ý lại hỏi mình đang làm gì. Sau khi biết mình đang
làm một việc rất vui vẻ và hứng thú thì bạn ý nói chia tay ngay, rồi sau này
giải thích là vì lúc đấy thấy mình đang vui nên nói luôn. Mình nghĩ, lúc đấy mà
mình bảo: "Em chuẩn bị nhảy cầu" thì chắc bạn ý không chia tay mình
đâu.
- – -
Tối Valentine, những
người có người yêu sẽ đi chơi, nhưng mình không biết họ sẽ nói chuyện gì. Mình
sẽ ở nhà, vào Facebook, vào Y!m, vào Skype, vì Facebook, Y!m với Skype lúc nào
cũng quan tâm đến mình, lúc nào cũng hỏi mình: "What are you doing?",
"What's on your mind?" hay "Update your mood", lúc nào nó
cũng yêu mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét