Người xưa có câu: "căng như dây đàn",
thường là ngụ ý tâm trạng căng thẳng của một người trong hoàn cảnh khó khăn nào
đó. Thông thường, nghe câu này, đa phần mọi người hay liên tưởng đến những điều
tiêu cực, đến sự rối lòng mà người kia đang mang.
Riêng tôi thì cho rằng, "căng như dây đàn" không
chỉ mang hàm ý tiêu cực mà ở mặt nào đó, nó còn có ý nghĩa rất tích cực.
Những ai từng chơi đàn ghita đều biết, để cao độ của nốt
nhạc từ cây đàn phát ra được tròn đầy và trong sáng thì phải lên dây ở mức độ
cần thiết. Từng sợi dây phải được kéo căng lên thật thích hợp. Nếu dây quá
trùng thì âm thanh phát ra u tối. Còn lỡ như dùng lực kéo quá mạnh thì có thể
làm đứt dây không chừng.
Thiết nghĩ, đời người cũng vậy. Những cung bậc tình cảm,
tâm lý của con người cũng tựa hồ như âm thanh phát ra từ cây đàn. Có khi trầm,
có lúc bổng. Có lúc réo rắt, có lúc thê lương. Nhưng tất cả những âm thanh
tuyệt diệu được phát ra từ cây đàn đều phải cần có một độ căng dây chuẩn xác.
Đời người là một chuỗi ngày tranh đấu.
Một người có chí hướng khác với một người an phận thủ
thường.
Một người ấp ủ nhiều hoài bão sẽ khác với một người vô lo.
Người mang hoài bão lớn thì thường có áp lực nặng. Tuy
nhiên, nếu như một người có quá nhiều áp lực, cuộc sống hàng ngày không có
tiếng cười, chỉ có nỗi sầu khổ và căng thẳng dồn dập thì quãng đời đó cũng mất
đi thi vị. Hương vị của cuộc sống cũng vì thế mà kém phần ngọt ngào.
Giả dụ như, những gánh nặng trong đời sống quá lớn mà bản
lĩnh lại quá yếu, bản thân không thể đương đầu trước những nghịch cảnh thì rất
dễ xảy ra những điều tiêu cực. Và đỉnh điểm là tìm đến cái chết để giải thoát
cho bản thân. Con người đó cũng giống như sợi dây đàn bị đứt vì so dây không
khéo vậy.
Còn người khác thì lại có cuộc sống trái ngược hẳn với dạng
người trên. Chỉ biết sống cho qua ngày, mỗi ngày như mọi ngày. Không hề có một
chút áp lực hay trách nhiệm nào, cũng chẳng bận lòng đến những gì xảy ra xung quanh.
Khi ấy rất khó có ý muốn phấn đấu để hoàn thiện bản thân mình. Dần dần chí
hướng, khí phách sẽ tiêu tan. Cuộc sống mất hết ý nghĩa. Hoài bão lúc này tựa
như một sợi dây đàn chùng, chỉ có thể phát ra những âm thanh tẻ nhạt.
"Căng như dây đàn", có gì là không tốt? Khi bạn
lâm vào tình thế khó khăn, có nhiều áp lực thì cũng là dịp để bạn thể hiện bản
lĩnh của mình, là cơ hội để bạn thử sức bản thân, bền bỉ leo đến đỉnh núi mơ
ước. Áp lực "căng như dây đàn" chẳng phải là động lực để bạn bước tiếp
đến đỉnh vinh quang và hạnh phúc sau này, chẳng phải là thứ khiến bạn phải tung
hết sức để lập kỳ tích hay sao?
Nhưng nếu như cây đàn của bạn, dây căng quá mức, thì bạn
cần phải nhanh chóng tìm cách nới dây, thả lỏng lực lại. Còn nếu dây quá chùng,
bạn cũng nên kéo căng hơn lên, tạo áp lực cho nó. Như vậy thì cây đàn đó mới có
thể phát ra những âm thanh tuyệt đẹp, phát huy hết tinh tuý trong bản nhạc của
đời mình.
"Căng như dây đàn" có gì là không tốt? Chỉ cần
giữ cho dây căng ở mức cần thiết và bản thân mình là một nhạc sĩ tài hoa thì sẽ
tạo ra được những cung bậc tuyệt vời trong âm thanh kỳ diệu.
bài viết hay
Trả lờiXóamang tính giáo dục va kinh nghiệm cuộc sống .Chúc em ngày càng viết hay thêm !
Trả lờiXóa