Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

LẠI MẤT NGỦ



Cả đêm tôi trằn trọc vì cơn đau đầu. Đó là hậu quả của mấy ngày sống miệt mài công việc và bán hàng trên Facebook với ảo tưởng ngu ngốc rằng não mình sẽ to lên đáng kể, hay lang thang trên mạng lượm lặt những entry rác rưởi từ blog của vài kẻ rỗi hơi tự cho rằng mình là "hot blogger".


"Kẻ nào dám phí phạm một giờ đồng hồ của đời mình thì kẻ đó không biết quý trọng cuộc sống" (Charles Dickens). Kẻ đó chính là tôi đây, tàn phá sức khỏe trong những đam mê vô bổ, chìm đắm trong windows shopping với những thứ mà tôi biết mình chẳng bao giờ mua nổi. 


Đây không phải cuộc sống mà tôi mong ước.
Những khi cần xin lỗi bản thân như thế, tôi lại ước giá như có ai đó đang đợi tôi. Đó là tên một quyển sách bán khá chạy của Anna Gavalda. Mặc dù tôi có cảm giác Gavalda cố tình đặt tên sách như vậy để câu khách, vì 12 truyện ngắn bà kể chẳng có gì liên quan đến câu nói đấy, nhưng tựa đề cuốn sách lại làm tôi thích thú.


Biết bao nhiêu lần tôi tự nhủ với mình câu nói đó. Đó là những lúc nằm bẹp dí trên giường trong căn phòng trống trải, là lúc tôi biết mình không được học bổng nhưng mọi người trên phố vẫn đi lại cười nói vui vẻ, là lúc tôi muốn bàn luận với ai đó về quyển sách To kill a mockingbird (Giết con chim nhại) nhưng chẳng một ai biết đến tác phẩm để đời của Harper Lee, là lúc một người bạn nói rằng: "Tôi với bà quá hiểu nhau rồi còn gì" trong khi tôi còn chẳng hiểu hết bản thân mình.


Mệt mỏi, chán chường, thất vọng và bế tắc với bản thân. Tôi đã mang những trạng thái cảm xúc này từ khi mới 12 tuổi và rất có thể sẽ phải mang theo suốt cả cuộc đời mà không có cách nào hóa giải. Tôi thật sự rất tiếc nuối khi sự hồn nhiên ngây thơ đã rời bỏ tôi quá nhanh, như cơn mưa rào chợt đến rồi chợt đi. Tôi thấy mình giống nhân vật Cristina trong Vicky Cristina Barcelona, luôn đi tìm ý nghĩa của tình yêu và cuộc sống nhưng kết thúc một chuyến đi cô luôn quay trở lại vạch xuất phát.


Tôi luôn ước mình được bận rộn để chẳng có thời gian nghĩ đến những nỗi buồn nhân tình thế thái như thế. Tôi luôn than thở công việc ngập ngụa nhưng từ trong sâu thẳm tôi biết công việc sẽ giúp tôi quên đi rằng "mỗi chúng ta là một diễn viên trên sân khấu của cuộc đời" (Shakespeare), rằng cuộc đời là một hội chợ phù hoa, nếu bạn dừng lại và rời khỏi thì người ta vẫn tiếp tục tiến lên mà thưởng thức những thứ phù du


Tôi tin vào khái niệm đa nhân cách, rằng trong mỗi chúng ta có ít nhất hai con người tồn tại. Một người sẽ gồng mình lên để đối phó với cuộc sống khắc nghiệt, nhưng toan tính của người đời, những bon chen của xã hội. Người thứ hai là người có mặt cùng lúc với thời điểm chúng ta chào đời, cùng chúng ta tận hưởng cái ôm, lời ru, lời dạy bảo của cha mẹ. Đó là lý do vì sao tôi bắt đầu thích Beyonce.


Qua album thứ ba I am... Sasha Fierce của cô, tôi phát hiện ra cô không phải là một Beyonce kiêu kỳ phù phiếm với những bài hát thị trường mà tôi vẫn nghĩ. Trong thế giới showbiz hào hoa, tráng lệ mà 1mg thiếu hụt ý chí đồng nghĩa với sự thất bại, cô buộc phải dũng mãnh (fierce) và giữ cái đầu lạnh để đạt được giấc mơ thành ngôi sao. Nhưng khi đã tẩy sạch lớp make-up, Beyonce cũng chỉ là một cô gái nhạy cảm, có những niềm vui nỗi buồn như mọi người khác.


Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao nhiều người lớn phải ước có được tấm vé quay lại tuổi thơ, tại sao có những lúc "bỗng dưng muốn khóc", tại sao lại để cho lòng tốt của mình bị gió cuốn đi, nhường chỗ cho lòng ích kỷ và sự vô tình.


Tôi luôn ước tuổi thơ ngây của mình đừng trôi qua ngắn ngủi như vậy. Nhưng tôi không phải người bi quan. Tôi buồn và trăn trở, rồi tôi lại đứng lên và tiến về phía trước.
Bởi tôi hiểu thời gian hững hờ vốn chẳng có chỗ cho từ "giá như".
Bởi hôm qua là quá khứ, hiện tại là món quà và ngày mai là tương lai.
Bởi ta không sống cho bản thân mình.
Bởi còn có ai đó yêu thương ta và sẽ khóc thương ta ngày ta rời sân khấu.



1 nhận xét:

  1. Em bán món ăn tự chế biến trên FB ah? FB của H là gì, vào mua ủng hộ nào.

    Trả lờiXóa