Tôi có một thói quen bị coi là già nua- đi câu cá (Nói đi câu cho oai chứ, lần nào câu cũng chỉ thấy cá ve vãn bên cạnh chứ chả có con nào cắn câu) hehe. Tôi thường
thích tìm cho mình một góc mát dưới tán cây xum xuê nào đó, ngồi lặng yên thả cần
và chờ đợi. Bạn bè nhìn vào, trêu tôi cổ lỗ, lạc hậu. 30 tuổi là cái tuổi phải
phong phanh với đời, phải vi vu với những điều mới lạ, các cô bạn tôi có thể nướng hàng giờ vô shopping, spa, hoặc ngồi tám chuyện, ấy thế mà tôi lại chỉ thích ru rú trong cái xó bếp với đủ thứ mắm muối, cá , thịt, hoặc ngồi
hàng giờ để đọc sách hay câu cá. Không, tôi chẳng làm cũ mình. Tôi chỉ đang học cách sống chậm
mà thôi!
Cách đây ít hôm, tôi được người bạn thân tặng
cho cuốn sách, một cuốn tản văn của Nguyễn Văn Tư với nhan đề “Sống chậm thời
@”. Nhà văn thật khéo đặt tên tác phẩm. Chỉ nguyên cái tiêu đề thôi đã đủ để
khơi gợi ra rất nhiều điều. Thời @, người ta nói nhiều đến sống nhanh, sống gấp,
sống vội, sống khẩn trương... chứ mấy ai nói đến sống chậm. Thậm chí, quan niệm
này còn bị coi là tụt hậu, là “cổ lỗ sĩ”, là già cỗi. Và thế là, người ta cứ
lao vào cuộc sống với những trận đua tốc độ: nào là ăn nhanh với “fast- food”;
nào là di chuyển với tàu siêu tốc, nào là đi chợ nhanh với một cú điện thoại,
nào là kết bạn nhanh với vài cú kích chuột trên máy tính. Thậm chí ngay cả tình
cảm đôi khi cũng phải chạy đuổi cho kịp với cuộc đua tốc độ này: yêu nhanh, cưới
nhanh và rồi thì... chia tay cũng nhanh.
Trong cái vòng xoáy không ngừng nghỉ ấy của
cuộc sống, dường như hai chữ “sống chậm” thực sự trở nên lạc lõng, có khi là cũ
kĩ, thậm chí bị người ta coi thường, chê bai và... ”kì thị”. Nếu như sống nhanh
có thể coi là một trào lưu đô thị thì có lẽ, sống chậm nên được hiểu là một
khái niệm tâm lý! Tôi xin mạn phép “bào chữa” cho hai hai từ: sống chậm.
Sống chậm không có nghĩa là tụt hậu. Sống
chậm, có thể hiểu là một cuộc sống có sự cân bằng: Cân bằng giữa làm việc và
thư giãn, giữa những nghĩ suy, trăn trở và những phút thảnh thơi; giữa những niềm
vui và nỗi buồn,... Người sống chậm là những người nhạy bén, họ cảm thụ được ý
nghĩa của cuộc sống không chỉ nằm trong hai phạm trù kiếm tiền và tiêu tiền. Họ
không đuổi theo hạnh phúc hoặc ngộ nhận về hạnh phúc, trái lại, họ biết cách cảm
nhận những hạnh phúc đơn sơ nhưng quí giá đang tồn tại, đang hiện hữu ngay xung
quanh mình; đồng thời, họ cũng là những con người tinh tế, biết chắt lọc những
niềm vui bé nhỏ trong cuộc sống và quan trọng hơn tất thảy.
Họ nhận thức được ý nghĩa của chúng. Mặc
dù vậy, trong công việc và các vấn đề xã hội, họ vẫn nắm bắt và xử lý tốt. Họ
hoàn toàn không phải những con rùa lầm lũi ở một góc khuất cũ kĩ nào đó trên
cõi đời. Thậm chí, có khi, họ chính là những con người thức thời nhất!
Sống chậm không có nghĩa là không cạnh
tranh. Cần phải phân biệt rõ giữa sự cạnh tranh với quan niệm “chộp giật cho
nhanh, tranh thủ cho kịp”. Khái niệm sống chậm gắn liền với yếu tố nội tâm. Đó
là sự tận hưởng cuộc sống qua các cung bậc xúc cảm của tâm hồn và trái tim. Điều
này không hề đồng nghĩa với việc, người sống chậm- họ chấp nhận thụt lùi so với
xã hội.
Nói cách khác, họ vẫn luôn không ngừng nỗ
lực, không ngừng cố gắng để vươn lên; họ cũng có khát khao được chiến thắng, được
khẳng định mình, được trở thành số một. Có điều, những người sống chậm đa phần
có đức tính kiên trì, họ có khả năng chờ đợi thời cơ và quan trọng hơn cả, họ
biết cách cạnh tranh lành mạnh, không nóng vội, không “chộp giật”, không cay
cú...
Sống chậm không có nghĩa là thiếu thực tế.
Và cũng xin đừng lầm tưởng rằng, sống nhanh tức là theo kịp thời đại, sống
nhanh mới là thiết thực. Người sống chậm không phải những kẻ tầm phơ, tầm phào,
chỉ biết thưởng trăng vãn cảnh, chỉ biết phiêu du với gió, mây, đất, trời; mơ mộng,
vẩn vơ. Họ không phải những người “trên giời rơi xuống”. Mà đơn giản, họ không
quan niệm cuộc sống là chỉ nhìn vào những gì lồ lộ ra trước mắt, hiển hiện một
cách trực tiếp. Như đã nói ở trên, người sống chậm - họ hiểu được rằng, hạnh
phúc không chỉ nằm trong việc: kiếm và tiêu tiền. Đồng thời, họ cũng xác định
được, vật chất là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Và quan trọng nhất, họ hiểu rõ giá
trị đích thực của tiền bạc, của cải, nhờ đó mà biết sử dụng nó đúng cách và
luôn hài lòng với cách sử dụng ấy.
Vậy thì sống chậm là sống như thế nào? Chẳng
thể khái quát hay cắt nghĩa chính xác từ ghép này. Có lẽ, mỗi người chọn cho
mình lối sống này sẽ có cách hiểu và giải thích khác nhau. Còn tôi, giản đơn
tôi quan niệm. Sống chậm là có thể dành ra năm giây để cảm nhận một cơn gió
giao mùa, mười giây để xao xuyến trước màu đỏ thẫm trời của phượng vĩ và chợt
biết rằng hạ đã sang, ba mươi giây để nhận ra rằng hôm nay Hà Nội thật vắng
người lại qua.
Một phút để thả hồn vào một giai điệu trữ
tình du dương từ chiếc đài nhà hàng xóm, năm phút cho một tách cà phê sáng chủ
nhật, mười lăm phút suy tư khi bắt gặp một đứa trẻ lang thang giữa dòng người tấp
nập hai mươi phút cho những khoảnh khắc tĩnh lặng bên khung cửa sổ mùa đông.
Ba mươi phút cho một buổi bình minh trên
biển, một giờ để đi dạo quanh những con phố cổ thân quen, hai giờ cho những thước
phim kinh điển... hai mươi tư giờ cho một chuyến picnic ngoại thành, ba mươi
ngày cho một chiếc khăn len lần đầu tiên tập đan đầy vụng về dành cho ai đó đặc
biệt, và ba trăm sáu mươi lăm ngày cho những niềm vui nho nhỏ và một cuộc đời
cho những phút giây hạnh phúc giản đơn...
Có khó gì đâu. Dễ dàng thôi mà, hãy bước
chậm một chút, hãy kéo giãn xúc cảm một chút, một chút thôi. Chẳng phải sống chậm
cũng thú vị lắm sao? Sống chậm để không hời hợt!
Sống chậm hay nhanh đó là Paradox of life ,,,, phải có chậm và lẹ. Làm gì nhanh cũng có thể chấp nhận nhưng làm đồ ăn hay làm " &$%*# " mà nhanh là hỏng bét. Cứ chậm cho chắc thịt, nhanh nó lên nhanh mà xuống cũng lẹ thì lại khổ thân .... hehe Đừng để nhanh nó thành một quán tính thì khổ thân
Trả lờiXóaBiết ai comment bài này rồi nhé
Trả lờiXóa