Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

CẢM XÚC VỀ HÀ NỘI TRONG TÔI



Nếu như nhịp sống ở Sài Gòn luôn vận động ào ạt như thác lũ, nơi mọi người hối hả trong dòng đời mà dường như cũng không biết bao giờ mình sẽ dừng lại.
Trái lại, Hà Nội có một sự bình thản và một nhịp sống vừa phải để không ai bị cuốn vào mà không có lối ra.


Mùi Hà Nội đọng trong cái mát rượi của những hạt mưa xuân lất phất, cuộn bay trong những lọn gió "đông" nhè nhẹ xà lên đôi má đỏ hây hây của cô gái đang quàng chiếc khăn vàng ong như nắng.




Tôi ngửa mặt lên trời hít một hơi thật dài, dài chừng hai cái chớp mắt để cảm cho được cái bình yên thơm thơm mùi Hà Nội.

Nghi ngút khói nhang quyện đặc mùi trầm, hòa tan trong hương hoa đại phản phất đâu đó nơi góc chùa Quán Sứ những ngày cuối năm, làm cay cay sống mũi, làm nhẹ bước chân chư khách thập phương đang lạc vào cõi huyền không hư ảo.

Phố phường đông đúc người người tất tả đi sắm Tết để lại cái mùi ngai ngái đặc trưng mà chỉ phố phường Hà Nội mới có.

Hà Nội ngập tràn hương hoa. Nhắc tới Hà Nội những ngày năm cùng tháng tận, không thể không nhắc đến mùi của những gánh hàng hoa. Đa phần người Hà Nội ai cũng có cái thú chơi hoa trong những ngày Tết. Mùi thơm thanh khiết của những khóm thủy tiên quanh quẩn đâu đây. Con đường từ Hàng Lược chạy dài đến tận chợ hoa Quảng Bá, đâu đâu cũng ngập tràn màu và mùi của hoa.

Những cành bích đào còn e ấp, những cành đào phai khẳng khưu như vừa được ai đó hái từ một bức tranh thủy mặc nào đó. Quất nhuốm vàng một góc trời Hà Nội. Hồng, lan, thược dược, violet, lay ơn .. đủ màu tranh nhau khoe sắc.

Tết năm nào cũng vậy, nó chở về cho nhà một xe hoa đủ loại, như dù có, dù không cũng phải "tậu cho được" một cây đào và một cây quất. Bà ngoại Jennifer bảo đào là tượng trưng cho chữ "Phúc". Nó ẩn chứa sự may mắn, no ấm, đoàn tụ và sum họp. Để chọn một cây đào được thôi cũng không phải là dễ đâu nhé! Nào là xem thế, xem hoa, xem nụ, xem cành, xem lộc.

Quất thì tượng trưng cho chữ "Lộc", hàm ý phát tài phát lộc. Chọn quất cũng có đủ năm tiêu chí như chọn đào. Thế cây, lộc, quả xanh, quả chín, hoa. Chọn sao cho đủ, cho khéo để được cái "Phúc Lộc mãn đường".

Bàn thờ hay các cụ gọi là gường thờ thì ngoài mâm ngũ quả, nhất nhất phải có hải đường, cúc vạn thọ và một cành đào (hay ít đào răm). Bí quyết để cho hải đường nở hoa và lâu tàn là bọc lá bạc hà vào chỗ gốc cành. Bí quyết để giữ cúc vạn thọ không gì bằng chẻ gốc cành hoa làm bốn (khoảng 3cm). Cuối cùng là bí quyết cho đào lâu tàn là để cái gốc cành hoa "ngửi mùi khói lửa".

Tôi yêu Hà Nội cả ở sự yên ả của những ngày thu ngập nắng, những ánh nắng thu vàng lúc chiều xuống, những con phố nhỏ thoang thoảng mùi hương hoa sữa, những hàng hoa lúc tinh sương, những cơn mưa rào ngúng nguẩy bất chợt ảnh hưởng bởi đợt gió mùa và những chiều đá bóng dưới mưa đến tối mịt để đi về trên những con đường ngập nước đặc trưng của Hà Nội.

Hà Nội giống như cô thôn nữ đang lớn và bắt đầu quen với cuộc sống hiện đại. Ngược lại, Sài Gòn lại mang dáng vẻ của cô tiểu thư đài các và xinh đẹp nhưng có một cuộc đời gian nan và truân chuyên. Mỗi thành phố có một cuộc sống của nó, tâm hồn của nó và những trăn trở riêng chung.

Ở Hà Nội, tôi bắt gặp ông lão tóc bạc ngả chiếc mũ phớt trên đầu và xuống dắt xe khi gặp đám tang đi qua. Tôi yêu Hà Nội ở những nếp ăn, nếp ở mà người mẹ dạy cô con gái mới lớn lời mời khi ăn cơm. 

Người Hà Nội ăn uống rất thanh tao, đủ no, và bữa ăn rất ít khi phát ra những âm thanh xì sụp mà trong các quán sá người ta thường nghe thấy. Yêu ở việc cô gái lớn khi về nhà chồng có thể chế biến và làm những món ăn cho bữa cơm gia đình ấm êm, hạnh phúc. Tôi còn yêu Hà Nội trong cái ngữ điệu mà người Hà Nội phát âm, cái giọng âm ấm đệm sau mỗi chữ "ạ" đặc trưng sao mà thân thương thế.


Nhiều người Hà Nội hiện tại có chung một suy nghĩ, thành phố bây giờ bẩn quá, ồn ã và nhếch nhác quá! Cái bụi bặm của thị thành và sự biến đổi nhanh chóng của cuộc sống dẫn đến những biến đổi lớn hơn về tâm hồn con người. Hà Nội không còn là chính nó, đã lai-căng đi nhiều, đã mất đi những nét quyến rũ mà bây giờ chỉ còn gợi lại những hoài niệm trong các bài hát về mùa thu của Trịnh Công Sơn, Phú Quang...

Tình yêu Hà Nội ấy đã thành một điều gì đó như là tiếc nuối. Có những lúc cáu gắt vì đường sá, vì điện nước, vì tắc đường, vì ô nhiễm, vì sự thay đổi nhanh chóng của chính sách chưa thật sự hợp lý, của xã hội và quan niệm khác nhau của mỗi người dân nhập cư khiến Hà Nội mất đi những nét yêu kiều. Để đến khi xa Hà Nội, lại thấy nhớ vô cùng. Nhớ những quán cà phê vỉa hè trên phố Bắc Ninh xưa (nay là Nguyễn Hữu Huân) ngồi nhâm nhi không thuốc lá với cậu bạn thân. Nhớ cả những buổi tối chớm thu tháng 8 cùng người yêu phóng xe dưới những gốc si già trên con đường Hoàng Diệu rợp bóng. 

Nhớ những lần nắm tay ai đó chen chân ra Tràng Tiền ăn một cây kem đậu xanh và chỉ biết câu chuyện về kem Trang Tiền có từ bao giờ qua lời kể của bố. Nhớ những ổ gà trên những con đường chằng chịt sẹo, nhớ con phố Phan Huy Chú nhỏ, vắng mà chỉ có mình và người ấy mới hiểu tại sao bây giờ đó là kỷ niệm...

Không hiểu sao, những bài hát hay về Hà Nội, nhất là mùa thu lại được viết ra bởi những người không phải quê gốc ở Hà Nội. Có những điều thật thú vị ở Hà Nội mà phải chú ý lắm mới có thể cảm nhận được. 

Tôi đã tê lòng khi đi làm về qua bờ Hồ và nghe những giai điệu bồi hồi của bài hátHà Nội ngày trở về mà loa phường đang phát. Chẳng thể diễn tả được cảm xúc mà có lẽ, phải nghe lại ca khúc ấy, từng người mới thấu hiểu cảm xúc của mình mỗi khi đi xa, sau những chuyến công tác dài ngày.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp có ca khúc Nhớ về Hà Nội, với ca từ nhẹ nhàng nhưng xúc động lòng người: "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội", nghe sao mà da diết đến nhường ấy. Tôi chẳng thể biết được, vài năm nữa, mình sẽ ra sao lúc thành phố sinh nhật nghìn tuổi và tình cảm của mình với nó có sứt mẻ hơn nữa hay không? Nhưng tôi tin là thành phố này vẫn còn biết bao những nét đẹp ta chưa tìm ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét