Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

NGẪM NGHĨ VỀ CON SỐ 0.8 SÁCH/ NĂM





Mấy hôm nay, giới báo chí rất ồn ào về một con số làm nhiều người sốc. Đó là con số cho thấy người Việt không đọc nổi 1 cuốn sách / năm. Có người dựa vào con số này đặt câu hỏi “Cả năm không đọc nổi cuốn sách, tri thức ở đâu?” Nhưng đọc kĩ thì thấy hình như xuất xứ con số này rất đáng ngờ. Theo tôi thì con số người Việt đọc 0.8 sách/năm là … quá cao, vì tôi nghĩ trong thực tế, con số thấp hơn nhiều.


Bất cứ ai có liên quan đến việc in sách ở Việt Nam đều chú ý một điều là sách được in rất ít. Một cuốn sách thông thường chỉ in khoảng 1000 bản, hay cao lắm là 3000 bản. 


Do đó, tôi không ngạc nhiên khi báo chí đưa tin rằng người Việt rất ít đọc sách. Theo con số chính thức của Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch (gọi tắt là Bộ Văn Thể Du), tính trung bình, mỗi năm mỗi người Việt đọc 0.8 cuốn sách. Kể ra thì đó là một con số khá thấp. Có lẽ các bạn cũng như tôi sẽ hỏi: con số này xuất phát từ đâu. Theo bài báo trên Vietnamnet thì con số đó dựa trên “báo cáo của các thư viện gửi về Bộ”. Mà, thư viện thì phần lớn chỉ có mặt ở khi thành thị, chứ rất rất ít ở nông thôn. Do đó, con số 0.8 này theo tôi là cao hơn thực tế.


Một lí do khác cho nhận xét trên là dân số. Dân số Việt Nam hiện nay là khoảng 90 triệu người. Nếu tính bình quân 0.8 cuốn sách/năm, thì mỗi năm người Việt đọc khoảng 72 triệu cuốn sách. Có chứng cứ gì cho con số đó? Theo tôi là chẳng có chứng cứ gì cả. Thật ra, tỉ lệ đọc sách chắc chắn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập, nơi cư trú, v.v. Trẻ em 1 tuổi thì chắc chưa biết đọc sách, và người ở độ tuổi 20-30 chắc đọc sách nhiều hơn người ở độ tuổi trung niên khi cuộc sống đã bắt đầu “đa đoan”. Đối với nông dân thì việc đọc sách chắc không quan trọng bằng người làm công việc văn phòng. Nếu không có những phân nhóm như thế thì rất khó hiểu con số 0.8 sách/năm.


Trong bài “Cả năm không đọc nổi cuốn sách, tri thức ở đâu?” có trích dẫn ý kiến của một người làm nghề xuất bản sách cho rằng người Việt ít đọc sách hơn người Thái Lan và Mã Lai, nhưng không có con số nào làm cơ sở cho nhận xét đó. Quả thật, không có dữ liệu nghiên cứu thì rất khó nói ai hơn hay kém hơn ai.

Ở Thái Lan, một cuộc điều tra xã hội trên 53000 hộ gia đình vào năm 2011 cho thấy gần 70% người Thái (6 tuổi trở lên) đọc sách sau giờ học hay giờ làm việc. Con số này của năm 2008 là 66%. Đó là một con số rất “ấn tượng”. Trong bài viết đó, tác giả so sánh rằng trẻ em Thái Lan chỉ đọc 2-5 cuốn sách mỗi năm, trong khi đó trẻ em Việt Nam và Singapore đọc 50-60 cuốn mỗi năm. Nhưng không thấy tác giả cung cấp nguồn gốc con số này. Con số 50-60 cuốn mỗi năm có vẻ hơi … khó tin.


Thật ra, nói một cách nghiêm chỉnh thì con số x cuốn sách/năm chẳng có ý nghĩa gì cả. Khái niệm “cuốn sách” ở đây là gì, bao nhiêu trang, thì chúng ta chưa rõ. Chẳng hạn như 0.8 của một cuốn sách 80 trang rất khác với 0.8 cuốn sách 600 trang. Sách giáo khoa khác với tiểu thuyết, và càng khác với sách dạy học làm người. Do đó, thay vì mô tả qua con số trung bình, có lẽ cách tốt hơn là đặt câu hỏi: có bao nhiêu người đọc sách trong năm qua? Đó là loại câu hỏi mà các chuyên gia xã hội trên thế giới quan tâm. Tôi nghĩ giới xuất bản Việt Nam rất cần một điều tra xã hội để có câu trả lời cho câu hỏi đó.


Hiện tượng ít đọc sách không phải chỉ có ở VN mà cả ở những nước tiên tiến như Mĩ cũng có vấn đề. Kết quả của một cuộc điều tra xã hội cho thấy một vài xu hướng đáng ngại:

  • 42% người tốt nghiệp đại học không bao giờ đọc một cuốn sách nào sau khi tốt nghiệp;

  • Một phần ba học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không bao giờ đọc sách suốt đời còn lại;

  • 80% gia đình Mĩ không mua hay đọc sách trong năm qua.

Như vậy, có lẽ Mĩ cũng chẳng hơn gì ta? Không hẳn vậy, vì sự phát triển của internet và ebook đã làm lu mờ bức tranh đọc sách theo cách hiểu truyền thống. Tôi nghĩ có thể người Mĩ ít mua sách từ nhà sách, nhưng có thể họ mua ebook nhiều hơn. Bằng chứng là amazon.com và các công ti tương tự có doanh thu rất khá trong thời gian qua. 


Nhưng nói gì đi nữa thì tôi vẫn nghĩ người Việt chúng ta ít đọc sách báo. Ở trong nước, mỗi lần về quê là tôi mù thông tin vì không có cách gì mua báo hàng ngày để đọc. Muốn có báo để đọc thì phải lái xe đi 20 km! Có lần tôi thấy cơ hội bán sách báo và cho mướn sách, nên bàn với cô em tôi rằng nhà mình nên mở tiệm bán sách báo, nó nhìn tôi như người ở hành tinh khác đến. Tôi lại thuyết phục rằng nếu bán không được thì mình mở tiệm cho mướn sách, nó nói ở dưới chợ đã có một tiệm như thế và đã đóng cửa 10 năm rồi. Không chỉ ở trong nước, ngay cả ở nước ngoài nơi mà dân trí có phần khá hơn, trong cộng đồng người Việt, nhà sách rất èo uột bên cạnh những tiệm bán thực phẩm, rau quả, và nhà hàng. Hình như đối với người Việt, ăn uống được ưu tiên cao hơn chuyện sách vở và tri thức.


Nhưng sách dĩ nhiên là rất quan trọng. Quan trọng đến nổi ông Thomas Jefferson từng nói rằng ông không thể nào sống nổi nếu không có sách bên cạnh. Đó không phải là cách nói ngoa. Đọc sách là một thói quen quan trọng, vì nó chẳng những là một cách mở cánh cửa thế giới quan, mà còn là một môn thể thao trí tuệ tuyệt vời. Xem tivi có thể cũng là hình thức thu thập thông tin, nhưng đọc sách đòi hỏi người đọc phải tương tác hơn và tập trung hơn là xem tivi, và do đó là một cách luyện trí óc rất hiệu quả.


Đọc sách được xem là học, và điều đó khá hiển nhiên. Trong đại học Anh và Úc, học đại học có khi được xem làreading (ví dụ she read history at Sydney – cô ấy từng học sử ở Đại học Sydney). Ngoài ra, người giảng dạy đại học còn có chức danh Reader (trên giảng viên cao cấp và tương đương với phó giáo sư).


Cá nhân tôi xem sách như những người bạn đồng hành, những người cố vấn kiên nhẫn nhất. Bất cứ lúc nào cảm thấy buồn phiền tôi đều tìm đến sách để giải sầu. Chả thế mà có một triết gia La Mã nói rằng (chỉ nhớ lõm bõm) “một căn phòng không có sách thì cũng giống như một cơ thể mà không có linh hồn”
.  

Nhưng sách cũng là nguồn đe doạ cho những người có đầu óc độc tài. Napoleon từng nói rằng ông ta sợ 4 người biên tập kém thân thiện hơn là 1000 cái lưỡi lê. Chế độ Đức Quốc Xã từng là những kẻ nổi tiếng không chỉ tàn ác mà còn là những kẻ đốt sách, nhân danh làm sạch tinh thần Đức. Trung Cộng cũng từng có chủ trương đốt sách Khổng Tử. 

Nên nhớ là Khổng Tử từng khuyên đồ đệ rằng dù bận rộn cỡ nào, cũng nên dành thời giờ để đọc sách, nếu không thì sẽ tự chôn mình vào sự dốt nát. Nói người cũng nhìn ta: Việt Nam cũng không khá hơn, vì sau 1975 cũng có chính sách đốt sách vở xuất bản ở miền Nam. (Trớ trêu thay, sau 30 năm thì người ta bắt đầu tái bản những cuốn sách từng nằm trong danh sách bị đốt)! Với một  "tiền sử" như thế thì tôi đoán hiện tượng ít đọc sách cũng không phải là điều gì quá ngạc nhiên vì nhiều độc giả của những cuốn sách đó đã không còn. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét