Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

CÓ NÊN KO? NGUỒN VỐN? SỬ DỤNG VỐN???


Hôm nay đọc tin mà giật cả mình: Thủ tướng sẽ ký ngay Nghị định thành lập VAMC.



Để giải quyết khối nợ xấu của các Ngân Hàng, Chính phủ có kế hoạch thực hiện nhiều biện pháp mà trong đó quan trọng nhất là thành lập một công ty quản lý, xử lý nợ xấu (VAMC : Vietnam Asset Management Company). 

VAMC sẽ có nhiệm vụ là mua lại các khoản nợ xấu mà Ngân hàng đã cho vay trước đây nhưng nay không thu hồi lại được , sau đó VAMC quản lý và khai thác khối tài sản đã mua lại để bù đắp phần tiền đã bỏ ra để mua nợ). Thực chất, nhiệm vụ chính của VAMC là mua lại nợ xấu, như vậy là vừa làm sạch sẽ bán báo cáo tài chính của ngân hàng, vừa giúp ngân hàng thu hồi lại một phần của nợ xấu. 


Nhưng trước khi thành lập VAMC, những vấn đề chính sau đây phải được làm rõ :

1. Nguồn vốn hoạt động ? hay nói cụ thể là lấy tiền ở đâu ra để mua lại các nợ xấu của ngân hàng ? điều này lâu nay đã được các chuyên gia thảo luận với nhiều ý kiến trái ngược.

2. Chắc chắn là VAMC sẽ không đủ vốn để mua lại tất cả nợ xấu ? vậy thì sẽ mua lại nợ xấu của ngân hàng nào ? nợ xấu đó là của khách hàng vay nào ? và mua lại theo giá cả thế nào ?

Lâu nay, tôi chỉ thấy các chuyên gia và dư luận hầu như chú ý đến vấn đề nguồn vốn của VAMC (điểm 1), nhưng không thấy nêu lên vấn đề như điểm 2. Nếu không làm rõ, đây chính là kẻ hở của chính sách để các Ngân hàng quen biết, các doanh nghiệp sân nhà.. tìm cách quan hệ “trên mức tình cảm”với VAMV để hưởng lợi thế hơn các ngân hàng, doanh nghiệp khác.




1. Về vấn đề nguồn vốn : Nay thì dường như đã có câu trả lời từ chính phủ. Sau khi dư luận phản đối mạnh mẽ khả năng dùng vốn ngân sách để cấp cho VAMC mua lại các nợ xấu (vì như thế là lấy tiền của dân để bù đắp cho việc kinh doanh lỗ của Ngân hàng do cho vay sai lầm), thì Nhà nước chủ trương để VAMC dùng trái phiếu trả cho các ngân hàng khi mua lại các nợ xấu (thay vì trả bằng tiền mặt)

- Trái phiếu này có phải là trái phiếu chính phủ, hoặc trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của chính phủ (được phân loại vào nợ công) ? Nếu đúng là như vậy, thì việc này cũng không khác gì lấy tiền từ ngân sách nhà nước để mua lại các nợ xấu ngân hàng, chỉ khác đi là thay vì trả ngay cho ngân hàng bằng tiền mặt, thì sẽ trả dần dần sau nhiều năm. Rốt cục, đó cũng là tiền của người dân mà ra.

- Còn nếu đây là trái phiếu thông thường do VAMC phát hành (không bảo lãnh của chính phủ) thì việc các ngân hàng bán nợ xấu doanh nghiệp để đổi lấy các trái phiếu của VAMC cũng không khác gì một hình thức đảo nợ : chuyển đổi từ nợ xấu của một doanh nghiệp A thành nợ mới của VAMC. Việc này có thể làm sạch, làm đẹp báo cáo tài chính của ngân hàng, nợ xấu nhóm 3,4,5 sẽ trở thành nợ nhóm 1. Tuy nhiên về thực chất thì có gì tốt hơn, ngân hàng thực tế có thu được nợ xấu không ? doanh nghiệp mắc nợ xấu có cải thiện được tình hình tài chính, thanh khoản và trả nợ được không…. ?

Theo tôi, việc đảo nợ về mặt hình thức như trên còn tệ hơn là cách cơ cấu lại nợ xấu cho doanh nghiệp (gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ). Nếu được cơ cấu lại như trên, thì khả năng doanh nghiệp tự hồi phục sản xuất kinh doanh dù sao cũng lớn hơn nhiều so với khi khoản nợ xấu trên được ngân hàng bán lại cho VAMC, và rồi VAMC quản lý toàn bộ tài sản thế chấp, tai sản còn lại của doanh nghiệp. VAMC làm sao có đủ nhân lực và chuyên môn sâu để có thể quản lý và hồi phục sản xuất của một doanh nghiệp bằng chính bản thân doanh nghiệp đó ? 


Hơn nữa, VAMC sẽ phải quản lý hàng nghìn, hàng chục nghìn doanh nghiệp như thế khi mua lại nợ xấu. Sao không để cho chính doanh nghiệp đang mắc nợ cố làm việc này dưới sự quản lý của ngân hàng cho vay, vì sự nghiệp của doanh nghiệp nên họ sẽ làm hết sức có thể, và ngân hàng cũng thế. Còn hơn là thông qua VAMC, nhiều tầng nấc trung gian, lại không có trách nhiệm không quan tâm vì đó đâu phải là tài sản của họ, và lúc này doanh nghiệp cũng không cần tha thiết quan tâm đến việc hồi phục nữa, tài sản của họ đâu còn gì mà đã thuộc về VAMC rồi…


Vậy thì sau một thời gian VAMC mua lại nợ, nếu các doanh nghiệp mắc nợ xấu không hồi phục được và VAMC không có khả năng khai thác được tài sản của doanh nghiệp đó, thì VAMC lấy tiền đâu ra để trả cho các trái phiếu Ngân hàng nắm giữ ? Thế là các trái phiếu đó cũng sẽ biến thành nợ xấu…

Rốt cục, vấn đề nguồn để giải quyết nợ xấu vẫn chưa thể giải quyết được. Một số người còn đề cập đến việc vay quốc tế để giải quyết nợ xấu. Nhưng vấn đề là ai vay, ai chịu trách nhiệm trả các khoản vay quốc tế đó ? Nếu là nhà nước trả thì … cũng như phát hành trái phiếu chính phủ mà thôi, cuối cùng là vào đầu cổ người dân.

2. Trên là quan tâm của người dân khi lo ngại chính mình phải è cổ gánh vai cho các khoản làm ăn bê bối dẫn đến thất thoát, thua lỗ của ngân hàng. Về phía các ngân hàng thì họ lại rất quan tâm, rất muốn tìm cách làm sao để bán được nợ xấu của mình cho VAMC sớm nhất, được giá nhất, và nhiều nhất .

Điều này cũng dễ hiểu, khi số vốn VAMC được cấp hay số trái phiếu để mua lại nợ xấu không thể đủ để mua tất cả. Vậy thì sẽ có sự cạnh tranh, giành giật của các ngân hàng để tranh phần này cho mình. Sẽ chia chác như thế nào ? Điều này chưa hề được nêu rõ và minh bạch trong qui chế của các công ty mua bán nợ trước đây của Bộ tài chính. Ai cũng biết, phải có quen thân, có thế lực, hoặc tiền hoa hồng cao… thì các khoản nợ xấu của ngân hàng mới được công ty mua bán nợ của nhà nước mua giùm.

Ví dụ khoản nợ xấu 100 tỉ, khả năng thu hồi từ tài sản thế chấp chỉ 10 tỉ. Nhưng nếu quen biết, có thế lực, hoặc chi lại quả cho đẹp… thì công ty mua bán nợ dám mua lại giá 20 tỉ ! Thiệt thòi thì đã có ngân sách nhà nước chịu, lợi thì ngân hàng và công ty mua bán chia nhau !

Vậy thì khi VAMC ra đời (trước đây cũng có, nhưng qui mô nhỏ và thuộc bộ tài chính) thì ngân hàng nào sẽ hưởng lợi ? sẽ được VAMC chiếu cố mua lại nhiều khoản nợ xấu nhất, với giá cao nhất…


Còn nếu tớ làm Thống đốc Ngân hàng, thì cứ để cho các ngân hàng có nợ xấu tự giải quyết, làm gì phải cứu, phải mua lại nợ xấu của chúng ! Cứ trừ vào lãi kinh doanh khủng các năm trước, thậm chí trừ luôn vào vốn (cũng chả đến nổi âm vốn điều lệ đâu, tớ biết).

Nhưng có người cho rằng làm thế thì chết doanh nghiệp đang có nợ xấu. Thế thì việc VAMC mua lại nợ xấu là chỉ giúp ngân hàng chứ có cứu gì doanh nghiệp đâu ? Thà cứ để vậy, mà có thể ngân hàng phải tìm cách cơ cấu lại nợ để giúp doanh nghiệp và tự cứu mình.

Nếu ai đó (chỉ có thể là mấy ông chủ ngân hàng thôi !) nói rằng nếu Nhà nước không giải quyết nợ xấu thì Ngân hàng sập tiệm, ảnh hưởng đến tiền gửi người dân, thì cũng không chính xác. Tớ đã nói trên, số tiền lỗ do nợ xấu chưa bằng lãi tích lũy hàng chục năm qua của các ngân hàng, chưa thể âm vào vốn của họ đâu. Và nếu trong tình huống xấu nhất, theo luật ngân hàng và luật phá sản thì tiền gửi của dân phải được ưu tiên thanh toán hết, thanh toán trước ; sau đó nếu còn thừa thì sau cùng mới đến các cổ đông, các ông chủ ngân hàng.

Từ trước đến nay, trong cho vay luôn luôn xảy ra nợ xấu . Vì thế đã có các qui định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu. Cứ như thế mà làm thôi . Sao bây giờ cứ nhất định phải thành lập VAMC để giải cứu nợ xấu ???? Ăn nhiều rồi bây giờ không chịu nhả ra phải không ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét