Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

LÀM DOANH NHÂN CÓ SƯỚNG KHÔNG?


Càng ngồi trên vị trí cao thì càng cô đơn và áp lực

Họ mặc một bộ đồ đẹp, đi một chiếc xe hơi đẹp đến dự một hội nghị. Họ bắt tay, nói cười vui vẻ với mọi người. Họ hân hoan bước lên sân khấu tặng những món tiền lớn, nhận những vòng hoa và bằng khen... Bạn gọi họ là những con người hạnh phúc. Thế nhưng, tôi đảm bảo với bạn rằng họ là những con người đang chịu nhiều nỗi khổ nhất giữa giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.

Tôi không đưa ra với các bạn một phản đề đâu. Chưa có một đất nước nào mà lãi suất gửi tiền tiết kiệm hằng năm của khách hàng (cho ngân hàng vay) cao chót vót như ở nước ta. Trong nền kinh tế Mỹ, lãi suất ấy chỉ trên dưới 1%. Ở nước ta từ 15%, lãi suất đã được kéo xuống còn trên dưới 8%. 

Vay tiền cao nên ngân hàng cho doanh nghiệp vay lại cũng phải có lãi suất cao. Đối với doanh nghiệp được ngân hàng đánh giá là sản xuất tốt, lãi suất của ngân hàng cho vay là 12%. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng được đánh giá là “sản xuất tốt” nên đương nhiên khung lãi suất có thể cao hơn.
Điều này có nghĩa là có những doanh nghiệp không được vay vốn hoặc phải vay nóng với những tổ chức tín dụng, cho vay khác ngoài hệ thống ngân hàng. Lãi suất mà họ phải gồng lưng gánh là từ 13% cho đến 20% cũng không biết chừng!
Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hàng hóa sản xuất ra tồn đọng, doanh nhân làm gì để có thể trả được mức lãi đó mà vừa bảo đảm lương bổng đời sống cho công nhân, vừa có được đồng lời để đầu tư cho tái sản xuất. Rất nhiều doanh nhân đã ngậm ngùi nhìn nhà máy, xí nghiệp, công ty của mình hụt hơi chết tức tưởi; thiếu nợ công nhân; thiếu nợ ngân hàng và thiếu thuế nhà nước. Bốn cái lỗi ấy chỉ có một mình doanh nhân lãnh đủ, hoàn toàn không có ai chia sẻ với họ.

Thế nhưng, họ cũng là những người đi đầu trong cuộc vận động nhường cơm sẻ áo, xóa đói giảm nghèo. Sau một trận bão lớn, một cơn lũ lớn, họ tự động trích quỹ doanh nghiệp ra, đưa đến cho một cơ quan làm công tác từ thiện xã hội mà họ tin tưởng - thường là báo đài, để cứu trợ bà con nạn nhân. 

Chẳng những đã trích quỹ riêng, họ còn vận động anh chị em công nhân, viên chức trong đơn vị mình quản lý góp một vài ngày lương để chia ngọt sẻ bùi với bà con, gọi là của ít lòng nhiều.

Thấy họ làm được việc ấy, nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội đứng ra tổ chức bất kỳ nguồn quỹ từ thiện xã hội nào cũng gửi giấy mời các doanh nghiệp đến... đóng góp. Nếu chỉ là một vài cuộc mỗi năm thì không có gì đáng để nói. Đàng này, hết cấp trên thì đến tỉnh thành, hết tỉnh thành thì đến quận huyện, hết quận huyện thì đến phường xã, hết phường xã thì đến ngành này ngành kia... Tất cả đều kính mời doanh nghiệp đến đóng góp. Không đóng góp thì coi kỳ, họ đành bấm bụng xuất tiền ra. 


Khổ nhất là có những buổi lễ nhỏ xíu, những sự kiện nhỏ xíu cũng ráng mời doanh nghiệp đến tài trợ, đóng góp một món tiền để được treo... logo lên. Không hiểu trong trường hợp này, doanh nghiệp quảng cáo tiếp thị được cái gì cho đơn vị mình.


Đó là bề nổi. Ở bề chìm, doanh nghiệp là nơi sẵn sàng đón tiếp bất cứ khi nào những vị khách không mời mà tới. Họ phải “cõng” một số đơn vị lớn không lớn, nhỏ không nhỏ nhưng dứt khoát là có quyền có chức, hễ buồn buồn là ghé thăm họ.... Không nói thì cũng hiểu là ai

Doanh nghiệp cõng hết những khoản phí tổn, gọn nhất là phí tổn bao thư. Họ chỉ mong hai chữ bình an để sản xuất kinh doanh và như người ta thường nói “Hòa khí sinh tài” nên phải bấm bụng mà nộp tiền cõng.
Cái khổ của họ là thấy ai đến thăm cũng sợ. Họ thuộc lòng hai đoạn “thơ” ấm ớ cà chớn sau đây: “Chết vì không cõng/Cái chết u mê/Lòng ta mệt mỏi/Trí ta nặng nề” và “Chết vì được cõng/Coi cũng vinh quang/Lòng ta đau khổ/Trí ta nhẹ nhàng”. Tóm lại, tình hình cõng coi vừa buồn nhưng cũng vừa vui.


Nền kinh tế của chúng ta được gọi tên là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đất nước chúng ta mở cửa làm ăn với nhiều quốc gia khác; doanh nhân tất yếu phải đi đây đi đó đàm phán với doanh nhân nước ngoài để mở rộng thị trường, quan hệ thương mại. Nhà doanh nghiệp vẫn phải thường xuyên chịu một áp lực vô hình: Vừa phải nói chuyện với doanh nhân nước ngoài, vừa phải tự đề phòng để không chệch quỹ đạo xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là khi đàm phán tay đôi với doanh nhân nước ngoài, ngoài mặt họ phải tươi cười cởi mở mà trong lòng phải tự đề cao cảnh giác. Thật là mệt cho cái đầu doanh nhân.


Sự thay đổi nhanh chóng các chính sách kinh tế cũng khiến doanh nhân Việt Nam phải xoay như chong chóng mới thích nghi với thị trường. Giá điện tăng 5% thôi cũng đủ khiến cho bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất phải tính toán lại chi phí sản xuất của mình. Phí bảo trì đường bộ thu trên đầu xe mỗi năm vài triệu đồng cũng đủ khiến cho bao nhiêu doanh nghiệp vận tải phải thay đổi cơ cấu giá vận chuyển. 


Thị trường là một cái gì nhạy cảm như... điện giựt. Chỉ một chuyện lo điều chỉnh giá hàng hóa làm sao bán cho được kiếm lời chút đỉnh đã đủ khiến doanh nhân bạc tóc nhanh như Ngũ Tử Tư thời Chiến quốc!
Người ta thường coi chuyện nói thật là biểu hiện của đạo đức. Thế nhưng, đừng bao giờ bạn lãng mạn yêu cầu doanh nhân phải nói thật với bạn mọi điều. Họ sản xuất ra một cái vỏ xe giá 25.000 đồng thì họ phải bán cho đại lý với giá 30.000 đồng để còn có tiền lời trả lãi ngân hàng, trả lương công nhân và “cúng tế” bốn phương nữa chứ. 


Họ nhập một cái áo giá 100 đô la thì họ phải bán lại với giá 130 đô la nhưng họ vẫn nói “Tôi bán vốn cho anh”. Ta phải hiểu họ kinh doanh sản xuất là phải nói như vậy. 

Còn vấn đề lương tâm, đạo đức của doanh nhân là gì? Đó là họ làm ăn ngay ngắn, đóng thuế đầy đủ, quan tâm tới đời sống anh chị em nhân viên công nhân, chủ trương có lời vừa phải, có những trường hợp phải chịu lỗ để thu hồi được đồng vốn, biết kịp thời tham gia giúp đỡ người nghèo khó. 

Còn xin lỗi, họ có đi chơi với chân dài tới nách hay chân ngắn tới đầu gối thì kệ họ. Bởi suy cho cùng, họ xài đồng tiền của họ làm ra chứ không bòn rút đồng tiền từ công quỹ, từ tiền thuế của nhân dân như một bộ phận quan chức nhà nước vẫn làm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét