Cái này tớ không tin cho lắm trong thời đại này vì
ngày nay người ta còn bị ảnh hưởng của rất nhiều thứ như: tivi, phim ảnh hay
music này nọ, nhưng ở cuối thế kỷ 19 đầu 20 thì khác à nha, lúc này phụ nữ nước
ta đang tập làm quen với việc đọc sách và dường như tiểu thuyết dễ đi vào lòng
họ nhất, thì cũng giống như mấy phim Hàn Quốc hiện nay dễ đi vào lòng các bà
nội trợ đấy thôi…
Vừa qua, tớ có nghe về bài nghiên
cứu của tiến sĩ Nguyễn Nam “Phụ nữ tự sát, lỗi tại tiểu thuyết”, tuy không hiểu
nhiều về những cuốn của nhà văn Từ Chầm Á nhưng qua phân tích của vị tiến sĩ
này, tớ cũng phần nào đó cảm được cái lợi, hại và cá khía cạnh tiếu lâm của
việc tiếp cận tiểu thuyết của chị em chúng ta thời đó.
Lưu ý nha, đề tài này
không chỉ nhằm nhìn lại những sự kiện chấn động thời đó (phụ nữ tự tử á!), mà
còn lý giải tâm lý và tác động của văn chương đến xã hội loại người chúng ta.
Bài này được lên trang TTVH rồi
đó, khá lâu rồi.
Lịch
sử cho thấy, đầu thế kỷ 20 mới có nhiều phụ nữ Việt Nam biết chữ và ham mê đọc
sách, nhưng thưa ông, có phải phụ nữ thời này quá “yếu đuối” nên mới bị các tác
phẩm tân thư làm cho mất phương hướng?
- Phụ nữ Việt Nam đã
trở thành một công chúng đọc mới vào đầu thế kỷ 20. Họ chính thức bước vào học
đường, có diễn đàn công khai trên báo chí (khởi sự vớiNữ giới chung,
1918); họ đọc tiểu thuyết, và có một bộ phận đọc được cả tiếng Việt lẫn english hoặc tiếng Pháp
Một trong những tác giả được dịch
rất nhiều (đến trên 30 tác phẩm) vào thời kỳ này là Từ Chẩm Á (Trung Quốc).
Truyện của Từ Chẩm Á có rất nhiều thơ ca, và những vần thơ dịch đã phần nào
mang hơi thở Truyện Kiều qua ngòi bút tài hoa của các dịch giả
Việt Nam.
Tiểu thuyết Từ Chẩm Á mà tiêu biểu là Ngọc lê hồn vàTuyết
hồng lệ sử đã làm rung động giới nữ với những tình tiết
lãng mạn chưa từng thấy, và văn tài của người dịch cũng đã khiến họ say lòng.
Tiếng nói nữ quyền phát lên từ
giữa thập niên 1910 ở Việt Nam đã tìm được minh họa cho những vấn đề mà nó bênh
vực trong tác phẩm của Từ Chẩm Á.
Tất nhiên cũng phải nói thêm rằng tiểu thuyết
“ngôn tình” luôn có hai mặt: Nó có thể cảnh tỉnh người đọc trước hậu quả bi
thương của mê ái, nhưng nó cũng có thể mê hoặc độc giả, khiến họ chết đắm trong
biển tình của nhân vật tiểu thuyết. Tùy theo học vấn, tâm cảm, và ý thức của
chủ thể đọc mà một trong hai mặt tích cực và tiêu cực của đồng xu tiểu thuyết
ngôn tình sẽ lộ ra ánh sáng.
Thật
sự tác phẩm của Từ Chẩm Á có phải là nguyên nhân chính cho việc tự tử của thiếu
nữ trẻ Việt Nam thời bấy giờ. Hay còn những nguyên do khác?
- Khoảng đầu thập niên 1930, khi
phụ nữ tự sát đã trở thành “phong trào” hay “bệnh dịch”, người ta thường quay
lại “quy tội” cho tiểu thuyết Từ Chẩm Á (đặc biệt là Tuyết hồng lệ sử)
và Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách.
Tất nhiên, việc phụ nữ tự sát
có nhiều nguyên nhân, ví như do thất tình, hôn nhân sắp đặt, bạo hành gia đình,
hay chế độ đa thê. Cũng phải kể đến những yếu tố khác, chẳng hạn như khủng
hoảng kinh tế - xã hội năm 1932 dẫn đến thất nghiệp và đổ vỡ các hạt nhân gia
đình. Xét ở một mức độ nhất định, phong trào tự sát là phản kháng tiêu cực của
phong trào nữ quyền trước những áp chế xã hội - đạo đức đối với phụ nữ
.
Lý
do thì có nhiều như vậy, theo ông tại sao thời bấy giờ người ta cứ quy kết tội
cho tiểu thuyết? Phải chăng tiểu thuyết là cái gì đó quá xa xỉ thời đó, trong
một xã hội Việt Nam mà phần lớn còn mù chữ?
- Có thể lý giải vấn đề này theo
nhiều cách khác nhau. Ở đây, chỉ xin trình bày một cách nhìn. Báo chí Việt Nam đầu
thế kỷ 20 luôn có một vài cột (columns) hay thậm chí cả trang dành cho các vấn
đề nữ quyền như bình đẳng nam - nữ, giải phóng phụ nữ.
Nữ quyền được cổ vũ, nhưng thường
đi kèm với những lời cảnh cáo không nên đi quá đà. Các vấn đề nữ quyền hàm chứa
trong tiểu thuyết hẳn nhiên đi vào lòng bạn đọc nữ dễ dàng hơn nhiều so với
những bài luận thuyết khô khan.
Việc hình thành cộng đồng bạn đọc nữ và việc họ
công khai khẳng định quyền đọc tiểu thuyết là những việc chưa từng có trước
đây. Cùng với sự phát triển của in ấn và việc phổ cập của chữ quốc ngữ, sách
truyện và báo chí không còn là món ăn tinh thần quá xa xỉ. Tất nhiên, bạn đọc
nữ của những ấn phẩm này là phụ nữ ít nhiều có học, thuộc về tầng lớp “tiểu thị
dân”.
Họ đóng vai trò khá quan trọng trong việc tạo ra một lối sống “tân thời”,
có sức lan tỏa trước hết trong phạm vi đô thị, cùng với những khía cạnh tích
cực và tiêu cực của nó. Việc quy lỗi “bệnh dịch” này cho tiểu thuyết (Tuyết
hồng lệ sử hay Tố Tâm) là một cách nhìn phiến diện, tập
trung phản ứng đối với những lệch lạc của bộ phận chủ thể độc giả nữ này, mà
không thấy hết được những tác động xã hội lên chủ thể ấy.
Vậy
thì, dưới góc độ xã hội học, ông nghĩ việc tự tử có tác động gì vào việc thay
đổi văn học, xã hội thời bấy giờ? Hay chỉ là một “mốt” thời thượng?
- Việc phụ nữ tự sát và ảnh hưởng
trực tiếp hay gián tiếp của tiểu thuyết đối với hiện tượng này trong xã hội
hiện đại là một hiện tượng phổ quát xảy ra cả ở phương Đông và phương Tây. Việc
hình thành cộng đồng bạn đọc nữ và những yêu cầu của họ đã dẫn đến những thay
đổi nhất định trong sáng tác văn chương.
Chủ thể độc giả nữ không ngừng chuyển
hóa, tự ý thức và tự điều chỉnh theo những biến đổi văn hóa - xã hội mà chủ
nghĩa nữ quyền là một bộ phận. Tất nhiên, có một số trường hợp phụ nữ tự tử nơi
công cộng như hồ Gươm để được cứu sống, nhưng phụ nữ tự sát không phải là
chuyện thời thượng, mà là một phản ứng (dẫu có phần lệch lạc) trước những xung
đột cũ - mới, giữa nam quyền và nữ quyền nhằm tái khẳng định chủ thể xã hội và
chủ thể đọc của “một nửa thế giới” trong xã hội hiện đại.
Bonus thêm đoạn trích trong “Số
đỏ” của Vũ Trọng Phụng để giễu cợt thời kỳ của “vấn nạn” tự tử.
“Thoạt đầu người ta hay nhảy
xuống Hồ Tây, nhưng vì Hồ Tây sâu lắm, những kẻ tự tử chẳng may phần nhiều
không mấy ai thoát chết cả, thành thử người ta bảo nhau nhẩy xuống cái bên cạnh
là hồ Trúc Bạch nông hơn.
Vì lẽ nhà nước cũng khôn, đã cho trồng mấy cái bảng
lớn “Cấm ngặt đổ rác xuống Hồ Tây” nên hồ Trúc Bạch lại càng đắt khách. Ðêm
đêm, những bác phu xe ế khách, những kẻ trai tráng biết bơi mà thất nghiệp,
thường lên chờ ở đấy để hễ nghe thấy tiếng kêu thảm thương ai oán: “Ai cứu tôi
với!...” là nhẩy ùm xuống, là vớt ngay được một tiểu thư đẹp nõn lên, rồi đến
bót Hàng Ðậu lĩnh tiền thưởng, và sau cùng, thấy ảnh mình đăng trên báo kèm với
những cuộc phỏng vấn ỏm tỏi. Vì những lẽ ấy, hồ Trúc Bạch chẳng bao lâu mà trở
nên một cách oanh liệt, là một sân khấu của tất cả những tấn đại thảm kịch...”
(trích Số đỏ, chương 9)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét