Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

NÓI VỀ NGÀY TẾT


Xưa nay chúng ta vẫn thường dùng chữ "Tết" để chỉ cho cái ngày đầu năm mới hay những ngày cuối năm cũ và chuẩn bị bước sang năm mới "Năm hết tết đến", "Trước thềm năm mới", "Năm cũ bước qua, năm mới bước đến",v.v... Nhưng thật ra, trong thời buổi ngày nay, khi nhắc đến Tết thì không mấy người hiểu được nguồn gốc của cái danh từ tuy bình dị, đơn sơ nhưng đã ăn sâu vào vào lòng người dân Việt này.


Người ta gọi là ba ngày Tết, nhưng thật sự cái không khí Tết chỉ thật sự nhộn nhịp bắt đầu từ những ngày đầu hoặc giữa cho đến cuối tháng Chạp (tháng 12 âm lịch). Vì trong những ngày này người Việt và người Việt gốc Hoa nhộn nhịp mua sắm và chuẩn bị cho ba ngày xuân nhất. Ở Sài Gòn, người ta chỉ thật sự thấy và cảm nhận trọn vẹn cái không khí náo nhiệt, rộn ràng của ngày Tết trong những ngày cuối năm này (giáp Tết). Còn bước sang ngày mồng Một cho đến mồng Năm, mồng Sáu thì Sài Gòn vắng như chùa Bà Đanh vì người dân tứ xứ đã về quê ăn Tết hết rồi, người Sài Gòn thì vào những ngôi chùa xin xăm, hái lộc đầu năm hoặc đến chúc tết bà con quyến thuộc.
Ra đường vào ba ngày tết thì buồn não lòng các bạn ạ! Nhất là con đường hoa Nguyễn Huệ và những trục đường chính trong nội đô thì càng quạnh quẽ và đìu hiu hơn. Đây đó rải rác những khóm hoa vất bừa quanh những gốc cây cổ thụ lâu năm hay trên vỉa hè. Đường phố vắng teo, vắng ngắt, thưa thớt người qua lại, những tấm ba nô, áp phích, biểu ngữ bay phất phơ trong những cơn gió xuân mơn man, dưới cái nắng hanh vàng, trên những con đường vắng vẻ làm cho chúng ta không khỏi nao lòng cho cái không khí mùa xuân tại Sài Thành, kinh đô hoa lệ và trù phú nhất của cả nước, một thời được mệnh danh là "Hòn ngọc viễn đông" này.

Tết ta, Tết Nguyên Đán, Tết cổ truyền, Tết Cả, Tết âm lịch... Những danh từ đó đều gọi chung cho ngày Tết đầu năm của người Việt và người Hoa. Chữ "Tết" có xuất xứ từ chữ "Tiết" trong tiếng Việt cổ mà người ta đọc trại ra thành "Tết". Được phát xuất từ cụm từ "Tết Nguyên Đán" đã có từ xa xưa theo văn hóa Trung Hoa. Nước Việt ta đa phần chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa vì họ đã cai trị chúng ta hơn 1000 năm ròng rã.
Mười thiên niên kỷ đủ để chúng ta phải chịu ảnh hưởng quá lớn của văn hóa Trung Hoa từ hình thức cho đến nội dung. Chúng ta ăn Tết theo lịch Trung Hoa, sử dụng lịch Trung Hoa mà về sau khi đến thời nhà Nguyễn mới đổi sang thành "Lịch An Nam" tức là lịch âm (là lịch dưới) còn Lịch Dương là Tây lịch tức là lịch trên mà ngày nay chúng ta và cả thế giới đều sử dụng. Tết Nguyên Đán hay Tiết Nguyên Đán muốn ám chỉ cái tiết đầu năm. "Nguyên" là sự khởi đầu, "Đán" là buổi sáng sớm. Tết Nguyên Đán hay Tiết Nguyên Đán có nghĩa là buổi sáng sớm đầu tiên của một năm mới hay nói đúng hơn là muốn ám chỉ ngày mồng Một Tết.

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta mang những ý nghĩa tinh thần vô cùng độc đáo và đáng quý. Ngày Tết đi chùa cầu may, cầu lộc, cầu cho một năm mới luôn được nhiều an lành, hạnh phúc. Ngày tết đi thăm viếng ông bà, cha mẹ và người thân để thể hiện lòng kính trọng và tri ân của mình với thế hệ đi trước và với người thân, họ hàng cũng như ban bè.
Ngày Tết là dịp để chúng ta ôn lại và kế thừa những giá trị văn hóa nghìn đời của dân tộc qua sự tích cây mai, cây đào, sự tích bánh chưng, bánh dày... Và đặc biệt, ngày Tết là ngày để chúng ta chuẩn bị cho một năm mới với nhiều thành công mới trong công việc và trong cuộc sống. Ngày Tết còn rất nhiều những ý nghĩa quan trọng khác nữa tùy theo sự nhận định của mỗi người. Nhưng có thể nói, ngày Tết là một ngày vui trọng đại của dân tộc ta, dù hiểu theo cách nào đi nữa thì nó vẫn luôn là một di sản văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc Việt.
Giới trẻ ngày nay, khi được hỏi về ý nghĩa ngày Tết hay ý nghĩa của chữ "Tết" chắc là ú ớ không thể trả lời được vì trong chương trình giáo dục không đi sâu và phân tích rõ về vấn đề này lắm. Và họ cũng không quan tâm lắm đến ý nghĩa của những ngày lễ tiết trong một năm của văn hóa dân tộc. Điều đó thiển nghĩ là một thiếu sót rất lớn của giới trẻ ngày nay.
Có lần tôi xem chương trình trên VTV1 phỏng vấn các bạn trẻ trong dịp Noel cũng khá lâu rồi. Câu hỏi được phóng viên đặc ra là: Ngày 30 tháng 4 hàng năm là ngày gì? Và bạn ấy trả lời là: "Em không biết nữa, hình như là ngày Quốc Khánh hay sao ấy???" Có bạn lại trả lời là " Ngày thành lập Đoàn phải không chị?"... Buồn cười thật! Quốc Khánh là ngày 2 tháng 9, còn ngày Thành lập Đoàn là 26 tháng 3 thế mà các bạn sinh viên lại mù tịt là thế nào nhỉ? Còn ngày 30 tháng 4 hàng năm là ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thế mà các bạn lại không hề biết cái ngày trong đại vô cùng của tổ quốc như vậy.

Còn hỏi đến ý nghĩa ngày Tết cổ truyền thì chắc là càng mù tịt hơn nữa. Vì các bạn đã quen với những câu biểu ngữ Happy New Year hoặc Merry Christmas theo lịch Tây rồi cũng nên! Văn hóa phương Tây hay văn hóa phương Đông đều tốt cả vì nó góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam thêm phần sinh động và dồi dào, nhưng nếu cứ theo Tây mà quên Ta thì cũng không nên, nhất là văn hóa mang tính truyền thống đặc thù của dân tộc thì càng không thể quên được. Được biết, bắt đầu từ năm (2011), Bộ Giáo Dục và Đào Tạo sẽ đưa môn lịch sử vào tất cả các chương trình thi tốt nghiệp, đây là một dấu hiệu đáng mừng. Mong rằng các bạn trẻ sẽ lưu tâm nhiều hơn nữa đến những giá trị và di sản văn hóa độc đáo và lâu đời của dân tộc mình, nhất là lịch sử của dân tộc và những ngày lễ tiết trong năm. Vì đó chính là niềm tự hào, là tinh hoa, là cốt lõi và là một tài sản vô cùng to lớn của dân tộc Việt Nam ta, các bạn ạ!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét