Tôi
chưa bao giờ cho rằng viết lách là một chuyện dễ dàng.
Ít
ra thì đối với cá nhân tôi, khi viết một điều gì đó thì cần có hứng thú, mà ta
thì chẳng thể điều khiển hứng thú đến với bản thân mình được. Oái oăm hơn nữa
là cảm hứng của tôi chỉ xuất hiện sau 0h - thời gian mà phần lớn con người đã
chìm vào giấc ngủ, nhưng cũng là khoảng dâng trào nhiều xúc cảm nhất trong
ngày. (Chẳng thế mà mọi người hay tâm sự, tỏ tình tán tỉnh nhau vào lúc đêm đã
về khuya hơn là so với ban ngày- khi mà mọi thứ trở nên sáng, rõ ràng và tỉnh
táo )
Hồi
cấp 2, môn văn của tôi chẳng bao giờ vượt quá được điểm 7 - cho dù cố gắng đến
đâu đi chăng nữa. Nhưng cho đến kỳ thi vào lớp 10, và toàn bộ cấp 3, thì thấp
nhất là điểm 7. Là do cách nhìn nhận, cách
chấm, cách trình bày của môn Ngữ Văn cấp 3 khác so với cấp 2, hay là do ngòi
bút tôi thực sự đã rèn giũa được gì khi bước qua một dấu mốc nào đó của tuổi? Đó
là một thắc mắc thi thoảng lại lạc qua suy nghĩ của tôi nhiều năm về sau này.
Nhưng có lẽ, nếu ngày đó cô giáo dạy văn không tặng con điểm tối đa cho 1 bài
luận và nói rằng “Em viết hay mà, em có thể viết, viết tất cả những gì
mình suy nghĩ được.” Thì hẳn là suốt những năm tháng đi học, tôi chỉ dám rụt rè
bám lấy cuốn văn mẫu và chẳng bao giờ có nổi một chính kiến riêng cho mình.
Tôi
có một người bạn hơn tuổi, đi thi văn vào lớp 10 chỉ được 2 điểm. Thế nhưng anh
chẳng hề phải là người nông cạn và ít chữ. Thậm chí, những suy nghĩ của anh ta
rất có chiều sâu. Những ngày đầu tôi quen người bạn ấy, khi nhìn thấy một cảnh
tượng đẹp đến nao lòng, anh có thể sững sờ và thốt lên những lời miêu tả, ca ngợi
hay tuyệt. Nhưng bảo anh đặt bút viết lại, cả một trang giấy dài chỉ vỏn
vẹn 2 chữ : "Cảnh đẹp!".
Tuy
vậy, giờ đây, theo thời gian và sự cần mẫn, trên tất cả là mong muốn viết, được
viết, được lưu giữ lại những cảm xúc quý giá và bất chợt của mình bằng ngòi
bút, mặc dù chưa phải là một cây bút sắc sảo, nhưng anh ta đã có thể viết được
những đoạn tản văn khá dài, bằng cảm xúc thật sự của mình. Mà những gì chứa cá
tính và xúc cảm riêng, thì sẽ mang theo sự thu hút.
Điểm
số của môn văn thực sự chẳng thể ngăn bạn viết bất kỳ điều gì. Ban đầu có thể
chỉ là một đôi ba câu ngắn ngủi. Sau đó kéo dài dần lên. Ở trường học, chúng ta
được giao những đề văn năm trong khuôn khổ, những bài luận đòi hỏi barie chấm
chặt chẽ. Nhưng ở đây thực sự chẳng có bất kỳ một trường học nào, không ai chấm
điểm cho bạn, không con điểm nào dùng để tổng kết lực học, không gì làm sợ hãi
và ngăn trở bạn viết.
Qua
một bài tản văn của tác giả Phạm Lữ Ân mà tôi từng đọc khá lâu, cũng nói về vấn
đề này, tôi tình cờ được biết một chuyện khá thú vị, rằng có một cô Magaret
Mitchell – nhà báo chuyên về tiểu sử. Một người bạn của cô đã cười cợt và nói “Tưởng tượng xem, một
người ngờ ngệch như Peggy lại viết tiểu thuyết.” Và kết quả thế nào? Cho dù bạn chưa bao
giờ đọc tiểu thuyết hay xem phim, ắt hẳn bạn cũng từng biết đến cái tên “Cuốn
theo chiều gió” – tác giả Magaret Mitchell.
Tôi
biết, không chỉ riêng tôi, trong cuộc đời mỗi người dù ngắn hay dài đều
có ít nhất nhiều hơn một câu chuyện đặc biệt để kể. Vậy tại sao bạn không viết
nó ra, chẳng biết chừng, bạn sẽ không thể dừng bút lại nổi cho đến khi nó trọn
vẹn trở thành một cuốn tiểu thuyết.
Cũng
qua Phạm Lữ Ân, tôi biết được một câu nói rất hay của E.L DOCTOROW: “Viết là một cuộc
thám hiểm, bạn bắt đầu từ số 0 và học trên đường đi.”
Bạn
chọn cách viết, không chỉ là đơn thuần là thế, mà còn là tự chỉnh sửa kỹ
năng viết của bản thân, tự biết cách đặt câu, dùng dấu, biết vẽ lên mọi màu sắc
bằng ngôn từ riêng mình. Biết chăm chú quan sát những gì người khác viết ra, học
hỏi và cảm nhận sâu hơn về cuộc đời. Tất cả mọi thứ chung quanh đều có thể là
nguồn cảm hứng để bạn đặt bút, kể cả là từ một buổi sáng dậy và cảm thấy chẳng
biết mình muốn gì, cho đến một buổi tối thú vị ngồi góc phố cổ Tạ Hiện uống bia
cỏ. Tất cả, nhìn giản đơn, nhưng qua góc nhìn riêng, nó sẽ là một đề tài hấp dẫn
và thú vị với những độc giả khác.
Tôi
luôn mong muốn được viết truyện, mực dù trình độ của tôi mới chỉ dừng lại ở những
đoạn tản văn, nhưng biết đâu đấy sẽ có một ngày...^^
Cuối
cùng một lần nữa, tôi khẳng định viết chẳng hề dễ. Mọi thứ bạn viết ra và chia
sẻ sẽ nhận được những nhận xét nhiều chiều. Bạn hoàn toàn có quyền mong đợi những
lời khen và e dè những câu chê bai. Thế nhưng nếu không viết, làm sao bạn biết
được điều gì sẽ dành cho mình. Tôi bị ấn tượng mạnh bới một câu nói nổi tiếng :
"Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân,
nhưng sợ gãy chân mà không dám dước đi thì không khác nào
chân đã gãy."
Hy
vọng, bạn sẽ để ngôn từ giúp mình vững chắc bước đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét