Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

CON GÁI BẮC KỲ ĐẤY, THÌ ĐÃ SAO




Bạn nhắn một cái tin mà bất cứ ai đọc xong đều chẳng thèm bình luận gì nhiều chỉ nói duy nhất một câu: “Đứa nào mà vô duyên thế? Vô duyên hết cả phần người khác...!!!”.
Tin nhắn ấy thế này: “Đúng là dân Bắc kỳ, ăn rau muống lì như trâu!”
Thực sự, lúc ấy tôi đã không tin nổi vào mắt mình và càng không tin nổi tại sao một người như bạn, một người đã hơn một lần tôi tin tưởng vào sự chân thành ấy lại có thể nói ra một câu “hay ho” như thế. Cái cảm giác choáng váng, tím tái mặt vì tức giận và xấu hổ làm đầu óc tôi gần như mụ mẫm, miệng lưỡi cứng đơ không thốt nên bất cứ lời nào. Sock!
Tôi tức giận khi sự xúc phạm của bạn khiến lòng tự trọng trong tôi bị tổn thương ghê gớm, tôi xấu hổ với chính mình, với những người xung quanh tôi bởi không hiểu sao tôi lại đã từng có thể giao thiệp với một người thiển cận và thô lỗ đến thế. Tôi nghĩ, có lẽ cho mãi đến giờ phút này bạn chưa hẳn đã là một người đàn ông trưởng thành so với cái tuổi xấp xỉ 30…
Bởi thế nên tôi dễ dàng bỏ qua, tha thứ và… quên!
Tôi vẫn thường nghe người ta bảo, rằng con gái “Bắc kỳ” nào là ghê gớm, chua ngoa, đanh đá lắm; dân “Bắc kỳ” khôn ngoan kiểu cách quá, lại thêm khéo léo ngọt ngào cái kiểu “ngọt gọt tận xương”, hay người “Bắc kỳ” kiêu ngạo, lạnh lùng, giả tạo, sống thiếu hoà đồng và không… thật.
Tôi có cảm giác dường như mọi mỹ từ gợi những cảm giác mạnh như thế đều được dành riêng cho dân “Bắc kỳ” chúng tôi một cách ảm chỉ có chủ đích. Mới đầu nghe thì cũng thấy ấm ức, khó chịu trong lòng vì cảm nhận được rõ ràng sự miệt thị sâu sắc trong hai từ ấy. Mãi sau rồi cũng quen đi, thậm chí còn cảm thấy hãnh diện tự hào vì mình đúng là con gái “Bắc kỳ” chính hiệu khi có người hỏi: “Em quê ở đâu ta?”
Ừ, có thể con gái Bắc kỳ ghê gớm, chua ngoa, đanh đá thật, nhưng cái ghê gớm, chua ngoa, đanh đá ấy lại mang đầy sự tinh tế và ý nhị mà không phải con gái miền nào cũng may mắn có được. Mỗi khi “có chuyện” con gái Bắc thường chẳng thèm ầm ĩ, ra rả như hát hay mà chỉ mượn gió bẻ măng “xa xa gần gần” tí chút nhẹ nhàng thôi nhưng đủ sâu xa ở mức độ khiến người khác phải… nhột nhạt và tự nhắc mình đừng có dại gì mà đùa với… lửa.
Rõ ràng là họ mắng đấy mà lại không phải là mắng!!!
Cái khéo léo, khôn ngoan của những người tự biết độ nông sâu trong suy nghĩ, trong lời ăn tiếng nói để trông trước nhìn sau, để biết đối nhân xử thế làm đẹp ý vừa lòng mọi người mà “dĩ hòa vi quý” chứ không phải giảo hoạt, ngoa ngôn hay đầu môi chót lưỡi.
Ai đó bảo kiêu ngạo, lạnh lùng là một tính xấu thì có lẽ đâu đó trong lời nhận xét này đang có chút gì nhầm lẫn. Nếu không kiêu kỳ một tý, lạnh lùng một tý, đanh đá một tý, cứng đầu một tý, bướng bỉnh một tý, chua chát một tý cộng thêm một vài bản tính thường tình sẵn có sao thành cái Duyên con gái? Mà con gái Bắc kỳ lại là những người biết cách dung hòa cực kỳ khéo léo mỗi thứ “một tý” đấy nên mới tạo nên cái duyên ngầm, đặc trưng rất riêng xứ ấy.
Mọi người cũng chê ở đấy người ta sống giả tạo, khó gần và... không thật nhưng mọi người biết đấy, ở đâu mà chẳng có người nọ người kia, ở vùng miền nào mà chẳng có kẻ xấu người tốt. Thế nên chẳng thể quàng xiên mà đánh đồng cho riêng con gái, cho riêng dân Bắc kỳ được. Có chăng, các cô “Bắc kỳ nho nhỏ” ấy cũng lại chỉ khéo vận dụng cái câu “Đi với bụt mặc áo cà sa/Đi với ma mặc áo giấy…” vào trong mỗi lời ăn tiếng nói, trong mỗi ngữ cảnh của mình. Đôi khi, trong mỗi ngôn từ với những ý tứ sâu sa, sắc xảo quá khiến người nghe dễ hiểu thành ngang ngược, chua chát.
Cũng chẳng phải là đang tự biện ngôn cho cái xuất xứ Bắc kỳ của mình nhưng tôi dám chắc rằng nếu những người con gái có quá nhiều nét đặc trưng… xấu thế thì có lẽ đã không được ưu ái để trở thành nguồn cảm hứng và đi vào thi thơ nhiều đến vậy.
Chẳng thế mà Nguyễn Tất Nhiên đã từng thảng thốt kêu lên:
Đôi mắt tròn đen như búp bê
Cô đã nhìn anh rất… Bắc kỳ
Anh vái trời cho cô dễ dạy
Để anh đừng uổng mớ tình si…”
Và để đáp lại “tấm chân tình” của thi sỹ dành cho cô gái Bắc, Nhược Thu đã từng hồi đáp lại như một lời giải biện cho cái tính trái tính trái nết nhưng duyên dáng, khác biệt, đáng yêu rất cuốn hút người đối diện của mấy cô, rằng:
“Dễ dạy hay không chắc sẽ… tùy!
Môi hồng đâu dễ để phải đi
Hỡi cô em Bắc kỳ nho nhỏ
Nếu muốn hôn em phải trả gì???!!!”
Và tôi – một cô gái Bắc mang trong mình trọn vẹn một tâm hồn cũng rất ư là… Bắc. Bởi đấy không chỉ đơn thuần là quê hương xứ sở, là nơi tôi được sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng và trưởng thành, mà đấy còn là mảnh đất đầu tiên gieo xuống đó những hạt mầm yêu thương vẫn được nảy nở mỗi ngày, mỗi ngày một dày thêm, một nhiều hơn lên nơi sâu thẳm trái tim này.
Và tôi đã yêu – sẽ yêu – mãi yêu... Một tình yêu lâu bền và thủy chung, sâu sắc và ngọt ngào để rất kiêu hãnh mà thú nhận rằng: “Ừ, tôi là con gái Bắc – thế thì đã làm sao!?”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét