Thành công lớn nhất của một người phụ nữ là gì? Đôi lần, tôi tự hỏi mình như thế sau rất nhiều những kiếm tìm, hoài bão, khát vọng. Thành công của con người tùy thuộc vào mục đích mà họ theo đuổi trong cuộc đời. Đôi khi nó thuộc về tính cách, thuộc về sở thích hoặc thậm chí là thuộc về sự hào nhoáng háo thắng muốn chinh phục. Có một đam mê để theo đuổi là đã có được 50% khả năng thành công, 50% còn lại phụ thuộc vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tôi không biết cần bao nhiêu đam mê để người ta mới có thể biến những cơ hội thành thành công, dẫu vậy “hãy cứ khao khát, hãy cứ dại khờ” như Steve Jobs nói.
Khao khát là yếu tố cần, còn tại sao phải dại khờ để đủ cho một phương trình thành công thì tôi nghĩ rằng, cứ dại khờ để cuộc đời giản đơn hơn trong hành trình đi tới, dám dại khờ để học cách thất bại, dám dại khờ để học được cách trưởng thành, vì dại khờ nào cũng khiến người ta phải đánh đổi, mất mát, trả những cái giá rất đắt rồi mới kiên cường, mạnh mẽ được. Biết đau thì sẽ biết cách để vượt qua nỗi đau đó.
Thành công thường gắn với đàn ông, còn phụ nữ thành công của họ ít khi được nhắc tới, được trân trọng hay được đánh giá đúng. Vì họ sinh ra là để gắn cuộc đời với gia đình, với bổn phận làm vợ, làm mẹ. Người ta gọi đó là thiên chức để mặc định cuộc đời người phụ nữ chỉ để tìm kiếm một người chồng tốt mà nương tựa vào, sinh một vài đứa con rồi cuộc đời cứ thế trôi về già. Thật ra, cũng chỉ vì xã hội phong kiến ngày xưa trọng nam khinh nữ nên người phụ nữ phải coi việc hy sinh vì gia đình là bổn phận, nghĩa vụ tất yếu và người đàn ông làm chủ gia đình thì cần phải thành công hơn người vợ.
Và như thế, những người vợ ở nhà chăm lo cho gia đình, từ bỏ những ước mơ để đánh đổi một cuộc sống thầm lặng trong vai trò nội trợ thường không dám tự hào về mình, họ chỉ được phép cúi mặt im lặng khi nói về nghề nghiệp, không dám đề cao vai trò của bản thân cũng chẳng dám thở than về những muộn phiền, khó nhọc trong cuộc sống.
Tôi cho rằng, thành công của người phụ nữ là đã xây dựng được một gia đình bình yên, hạnh phúc, chăm lo cho con cái đủ đầy, khôn lớn, nhưng thành công lớn nhất là họ có thể tự hào ngẩng cao mặt để nói về nghề nghiệp của mình là nội trợ, là thoải mái nói về những khó khăn mình đã trải qua mà không phải cố gắng giữ cho mình một hình ảnh thầm lặng hy sinh vì gia đình. Ai cũng có quyền tự hào về những điều mình đã cố gắng bỏ công sức, tâm tư, tình cảm để đạt được, và phụ nữ đã bỏ rất nhiều trong một đời cho gia đình, điều đó không phải là nghĩa vụ, là hiển nhiên, mà đó là điều chúng ta được phép tự hào về mình không thua kém gì việc kiếm tiền. Sự thiếu tôn trọng chỉ có thể đến khi chính chúng ta không đề cao tự tôn cho mình, không trân quý cũng chẳng yêu thương bản thân.
Nước Nhật trả lương cho phụ nữ nội trợ như một cách đề cao vai trò người phụ nữ. Ở Việt Nam không có nhưng chúng ta có một cách để tự khẳng định mình là hãy ngẩng cao đầu tự hào với việc chúng ta đã chăm sóc gia đình mình như nào, đã nuôi dạy con cái ra sao khi nói về thành công của bản thân. Có thể có nhiều người sẽ đánh giá thành công của bạn dựa trên tiền bạc, địa vị nhưng tự ti về bản thân là hạ thấp chính mình trước định kiến cuộc đời.
Tháp nhu cầu của con người gồm nhiều tầng, ai cũng tìm đủ vinh quang, tiền bạc rồi mới lo xây đắp mái ấm gia đình. Nhưng hạnh phúc lại luôn nằm ở cái ngăn cuối cùng trong tháp nhu cầu ấy, vậy nên có nhiều người đã đánh rơi hết địa vị, quyền lực, tiền bạc trên con đường đến với hạnh phúc vì không giữ được cái ngăn cuối cùng ổn định, vững vàng và bình yên. Hoặc có nhiều người từ bỏ gia đình để tìm kiếm những điều vĩ đại khác để cuối cùng vì cô đơn, cái họ tìm kiếm vẫn chỉ là một mái ấm để trở về.
Suy cho cùng, thành công nào cũng đáng giá vì phải trả giá nên nếu có một gia đình để yêu thương thì đừng quên, thành công của người phụ nữ là căn bếp, thành công của người đàn ông là giúp người phụ nữ nguyện vì mình mà giữ lửa cho căn bếp ấm áp suốt cuộc đời.
hay lắm, làm quen nhé
Trả lờiXóathanks anh
Trả lờiXóa