Tôi đến cơ quan hằng ngày. Đúng giờ. Đều đặn. Chăm
chỉ. Chỉ thiếu mỗi một thứ: Sức sống! Từ hai tháng nay, tôi khó ở trong người.
Tôi đâm ra “nghiện ngập” đủ thứ. Tôi nghiện đi café một mình sau mỗi buổi tan
sở. Tôi đâm nghiện phim, cứ down đủ thể loại phim trên mạng về xem giết thời
gian, có những ngày xem đến 2-3h sáng mới ngủ. Tôi hay cáu gắt, ai nói động vài
câu là tôi quát. Tôi làm việc với cái tinh thần chán chường, ủ ê. Những ý tưởng
vừa mới đâm chồi đã héo úa.
Mỗi bà bán bánh cam tôi hay mua nhận ra, bà ấy dò
hỏi, rất quan tâm: “Dạo này thấy mặt cô không tươi nhỉ? Buồn gì à?“, rồi bà còn
thử tài bói toán: “tôi thấy ấn đường của cô u ám quá!”. Tôi cười: “Vàng lên
giá, không mua được nên cháu buồn quá!”. Bà ấy cười giòn như pháo tết.
Tôi không thất tình mà nhìn như thất tình. Nhưng
nếu xem công việc là một người tình thì đúng đấy! Tôi đang thất tình!
Tôi có cô bạn thân thời đi học, ngày cô bạn ấy
được giữ lại khoa làm giảng viên, chúng tôi mở tiệc linh đình chúc mừng. Gần đây
gặp lại, cô bạn tôi chỉ toàn thở dài đánh sượt, tôi nghe xong câu chuyện cũng
chẳng biết làm thế nào, cũng thở dài đánh sượt theo! Được nhận vào khoa, ừ thì
có oách đấy nhưng đúng chỉ biết người trong chăn mới biết chăn có rận. Cô bạn
tôi khổ sở với những phe phái trong khoa và mệt mỏi với những trận chiến ngầm
ẩn dưới cái vỏ bọc hào nhoáng và phẳng lì không tì vết.
Khổ thân thây, cô bạn tôi lại đứng giữa trận tiền.
Theo một phe khổ một, không theo phe nào thì khổ mười! Từ ngày vào khoa đến
giờ, cô bạn tôi chưa được đứng lớp mà làm “chân sai việc”, toàn phải làm những
việc linh tinh. Cứ coi như đó là bước khởi đầu của người mới chưa có kinh
nghiệm, nhưng có những chuyện khiến cô bạn tôi stress trầm trọng hơn. Trưởng
khoa có một công ty riêng và cô bạn tôi được mời về cộng tác thêm, một lời đề
nghị không thể chối từ!
Thế là từ đó, nghe chức thì cao nhưng cô ấy vừa
phải đi đóng tiền điện thoại hàng tháng cho sếp- trưởng khoa, vừa phải lên lịch
làm việc mỗi ngày cho sếp, vừa có thể là người nhập liệu nếu cần! Công việc
chồng chất, nhiều ngày đến 11h tối mới về nhà. Thứ 7, chủ nhật, người ta nô nức
đi chơi cũng phải lọ mọ đến cơ quan. Bị bóc lột sức lao động một cách trắng
trợn. Cô ấy cắn răng chịu đựng. Sếp trong khoa nhẹ nhàng bao nhiêu thì về
công ty mắng nhiếc cô ấy không tiếc lời bấy nhiêu! Có những lúc nghe những lời
ngọt ngào đến dựng tóc gáy, có những lúc thì phải bật khóc trước những lời thóa
mạ.
Cô bạn tôi stress liên tục, hiện giờ đang phải dùng
thuốc.
Tôi thấy buồn. Tôi và cô bạn của tôi cứ như hai đóa
hoa trên một mảnh vườn u ám, tưởng như cái hoa quắt quéo lại chỉ còn một mẩu,
đợi rụng thôi!
Người ta đi làm vì cái gì? Ai cũng có thể trả lời
câu hỏi này. Vì tiền, vì không thể “nhàn cư vi bất thiện”, vì thích, v.v. Nhưng
trên tất cả, hoặc là sau tất cả mọi thăng trầm của sự trải nghiệm, đó chính là
tình yêu đối với công việc.
Đôi khi, chúng ta yêu
việc cứ như là yêu một chàng trai. Chúng ta buồn vui với nó, chúng ta trắng đêm
vì nó, chúng ta nghiện nó và từng nghĩ sẽ sống trọn đời với công việc mà mình
yêu. Chúng ta làm việc để sinh tồn nhưng cũng là để thỏa mãn đam mê.
Chính vì vậy, tôi không
ngạc nhiên chút nào khi có những người chọn những công việc tưởng chừng không
hiểu nổi. Một ông lão làm nghề vớt xác trên sông Hoàng Hà. Một người đàn ông từ
thời trai trẻ đến trung niên đều đặn đi xin xác các hài nhi bị bố mẹ tước bỏ
quyền sống về chôn cất tử tế và anh cũng tình nguyện nuôi những cháu bé bị bỏ
rơi. Một bà lão gần bảy mươi tuổi mà đêm đêm ngồi vẫn ngồi vá xe ở giữa lòng
Sài Gòn hoa lệ, tay nghề của bà khiến cho nhiều thanh niên phải khâm phục học
hỏi. Phải yêu việc, chúng ta mới gắn bó với nó, mới có năng lượng để cháy hết
mình.
Yêu như yêu mối tình
đầu. Như tôi những ngày đầu tiên đi làm. Chính anh TGĐ là người đã
truyền đam mê với nghề cho tôi. Tôi làm việc bằng tất cả năng suất và trái tim
của một cô gái trẻ, bằng sự cảm mến và kính phục tôi dành cho anh. Và tôi đã
thấy mình giỏi lên nhiều, não căng vì phải suy nghĩ liên tục nhưng tôi hạnh
phúc trong bận rộn. Và anh, cũng là một nguyên nhân khiến tôi dù chán
việc đến vô cùng tận vẫn gắng gượng nở nụ cười mỗi ngày đến cơ quan. Dù muốn bỏ
việc nhưng không lại không nỡ bỏ anh mà đi. Và, với những gì tôi đã xây dựng
bấy lâu qua, thực sự, tôi không có can đảm từ bỏ.
Cô bạn tôi cũng trôi giữa lưng chừng “bỏ thì
thương, vương thì tội” giống tôi. Vào khoa, trở thành một giảng viên là niềm
đam mê cháy bỏng của cô bạn ấy. Nhất là khi đây là một trong những khoa của
ngôi trường thuộc hàng danh tiếng, là niềm mơ ước của không chỉ sinh viên mà cả
giảng viên các trường khác. Cô bạn ấy cũng biết, nếu cô bạn ấy chống lại người
có tiếng nói và quyền lực nhất khoa thì con đường sau này của cô bạn chắc chắn
là sẽ trải đầy gai, tương lai không dám nghĩ đến. Nhưng nếu tiếp tục, cô bạn
tôi sợ mình sẽ phát điên lên.
Nhưng tôi và cô bạn
đều hiểu, nhẫn nhịn và hèn nhát, chỉ cách nhau một gang tấc thôi! Và đôi khi,
chúng lẫn lộn đến mức ta không nhận ra, hoặc ta cố để đừng nhận ra nó.Chìm ngập trong những ngày
đáng chán, tôi bỗng nhớ tiếng cười giòn tan của bà bán bánh cam. Đã bao lâu tôi
không thể cười giòn và đầy sức sống như thế rồi?
Tôi nhớ đến một “đóa Hồng” trong Sex and the city
2, tuyệt phẩm dành cho phụ nữ, đó chính là Miranda tóc ngắn cá tính. Cô ấy là
một nữ luật sư, cô ấy xinh đẹp, cô ấy giỏi và bản lĩnh nhưng cô ấy luôn bị “lão
sếp” chèn ép ra mặt. Mỗi khi cô ấy cất tiếng trong một cuộc họp, y như rằng có
một bàn tay chặn ngay trước mặt cô ấy, ngăn chặn tất cả những lời nói và những
ý tưởng. Cô ấy thảng thốt nhưng chịu đựng. Những cảm xúc bi dồn nén thành một khối
u. Rồi một ngày Miranda nhận ra cô đã bị lão sếp bóc lột đến mức không thể chăm
sóc gia đình mình một cách tử tế, không thể chơi cùng con, không thể đến trường
với con. Cô ấy phải truy cập internet mọi lúc mọi nơi để xem mail, dù là đang
đi ăn cưới, vì đó là mail sếp! Tệ hơn, Miranda luôn phải chấp nhận một bàn tay
thô thiển luôn chực chờ khi cô ấy có ý kiến, bàn tay che đi gương mặt, tri
thức, trình độ và lòng tự trọng của mình!
Đến phút cuối, Miranda trả lại cho “lão sếp hắc ám”
một bàn tay ngay trước mặt và chạy về dự lễ trao giải phát minh của con trai.
Miranda cười vang hạnh phúc với cậu con trai và chồng mình. Cô ấy đã bỏ việc
một cách hoàng tráng và đầy gai góc, khán giả vỗ tay ầm ầm. Dĩ nhiên, Miranda
không khó để có một công việc ngay sau đó và như Carrie nói: “Miranda cuối cùng
cũng hiểu, một chỗ làm việc tốt là nơi mà mọi ý kiến của mình đều được tôn
trọng”.
Có những thứ mà khi
đã sống quá lâu với nó, ta sẽ dễ dàng chịu đựng nó như là một thói quen. Ta sẽ
thỏa hiệp với nó và bán đứng chính mình như một kẻ hèn nhát. Chúng ta đều không ai muốn
làm một đóa hồng ngoài tươi trong héo úa. Chúng ta đều muốn trở thành những đóa
hồng đầy kiêu hãnh!
Tôi lại đang nghe Đỗ Bảo: "Giờ đã là lúc mà
thời gian để yêu... Giờ đã là lúc sống giấc mơ đời mình..."
P/s: Chắp bút tặng
chính mình và một người bạn. Tôi- là ai không quan trọng. Quan trọng là: Hãy
can đảm lên! Những Đóa Hồng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét