Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

HOA ĐÀO NĂM NGOÁI CÒN CƯỜI GIÓ ĐÔNG


Trong thời công ăn việc làm thuận buồm xuôi gió, ít ai lằn khằn tự vấn đại loại "tại sao nhìn vào việc gì cũng chán ngán như thế?", hay đậm đặc siêu hình hơn "rốt cuộc thì sự cày bừa đem lại ý nghĩa gì?", như trong những tháng ngày này, khi mà tình trạng huyết áp của nền kinh tế được chẩn đoán là xấu, rất xấu.


Khái niệm "lạc nghiệp" trong câu thành ngữ rút gọn "an cư lạc nghiệp" của dân gian, hoặc đầy đủ hơn, theo Hán Thư, là "các an kỳ cư nhi lạc kỳ nghiệp" (tạm dịch: mọi người đều được an cư và vui vẻ làm việc) lại được đem ra chẻ làm tám, hòng lý giải cho tâm trạng làm ăn vào hồi mất lửa.

Lạc nghiệp, nói khái quát là niềm vui trong công việc, nghề nghiệp, theo kinh nghiệm người xưa, phải được đặt trên nền tảng của an cư. An cư hay sự ổn định vẫn được hiểu nôm na, ở tầng mức tối thiểu, là có nơi cư trú, cơ ngơi, ổn định về phương diện cơ sở vật chất. Người không an cư, theo nghĩa này, là kẻ "không có một tấc đất cắm dùi" (thì làm sao dám nói chuyện lớn được!), chẳng có tài sản gì để "thế chấp" ngoài cái mạng cùi.

Nhưng an cư còn là biểu trưng cho một tình trạng yên ổn khác, về mặt tinh thần, để có thể đạt đến phương diện an trú, hài lòng, vui vẻ với cuộc sống.
Sự an trú với cuộc sống có được khi con người thiết lập một cách hài hòa mối tương quan với thiên nhiên, và thứ đến, là với nhân quần, ngay từ trong cái cộng đồng nhỏ là gia đình đến những đơn vị rộng lớn là tập thể, đất nước, thế giới mà mình đang là một hạt nhân tích cực liên đới. Với nhiều người, sự an trú về tinh thần còn có được với đôi mắt hướng thượng để đối thoại hài hòa với đời sống siêu nhiên, trời đất, với người đã khuất qua một đời sống tâm linh lành mạnh.

Có được sự an cư rồi, thì cái ý nghĩa lao động, sự dự phần sáng tạo của con người vào đời sống qua công việc nghiễm nhiên được xác định. Công việc không chỉ đơn thuần thỏa mãn khía cạnh tạo ra của cải vật chất, mà là thông qua lao động, con người chia sẻ năng lực sáng tạo, kết nối xây dựng sự liên đới, tương giao tốt đẹp trong cuộc sống với môi trường chung quanh. Tự thân người ta hiểu rằng, làm việc là để sống và sống có chất lượng, mà không phải lên gân hô hào "lao động là vinh quang" chi cho ra vẻ sân khấu hóa. Sâu xa hơn, trong công việc đã là lối sống, tâm tình, sự dấn thân, nguồn hứng thú và tín thác của con người vào cuộc đời.

Việc làm ăn khó khăn, kiếm tiền khó hơn, nhiều dự án làm ăn bạc tỉ bày ra rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan giữa lúc thị trường hẩm hiu nguội lạnh, nhiều người từ đỉnh cao phú quý trở nên trắng tay không tấc đất cắm dùi chỉ sau một đêm, lắm kẻ hôm qua xênh xang phù phiếm siêu xe đưa rước, chân dài ỏn ẻn theo sau, nay điên đảo ca bài ca con cá của sự nợ nần, thất bát... Ngôi nhà vật chất đảm bảo cho sự an cư tối thiểu bị lung lay trong bối cảnh làm ăn đầy bất trắc. Nhưng, sự lung lay của ngôi nhà vật chất đó chỉ là một phần. Điều đáng nói hơn, là cái ngôi nhà tinh thần của xã hội, lẽ ra trong lúc này phát huy tác dụng như một cơ chế cứu vãn niềm tin con người, giúp con người thoát ra khỏi tình trạng điêu đứng buồn chán, hay gợi mở những triển hạn tương lai sáng sủa, thì ngược lại, đây là thứ tạo ra trạng thái bất an nặng sâu hơn.

Có thuyết nói rằng, đó là hệ quả của một đời sống, khi mọi giá trị được thị trường hóa, nghĩa là giá trị sống bị quy thành trị giá, thì tất yếu, khi trị giá kinh tế đi xuống kéo theo cái giá trị thuộc về tinh thần con người hàm chứa trong nó cũng tuột dốc. Nghe ra cũng có lý. Nhưng rồi có gì đó quá mức sòng phẳng và lạnh lùng. Không lẽ những giá trị muôn thuở làm nên nhân tâm, nhân cảm như nền tảng đạo đức hay lương tâm con người, tình thân ái, ruột thịt, cả sự liêm khiết trung thực nữa... cũng dễ dàng bị sai khiến bởi các chỉ số xanh đỏ, sự nóng lạnh của thị trường giá cả hay sự trồi sụt của biểu đồ phần trăm lãi suất ngân hàng đến vậy?

Mất nhà cửa, mồ côi cha mẹ, nhưng em bé Nhật Bản vẫn đứng đúng vị trí của mình trong hàng dài người chờ tiếp tế thức ăn sau thảm họa sóng thần hồi năm 2011, nhưng tại sao cũng trong tình cảnh tương tự, những thanh niên Philippines lại chọn cách tranh giành, bắn giết nhau để có miếng ăn sau thảm họa bão Haiyan 2013? Chưa vội kết luận tốt xấu, hay phán xét về mặt nhân phẩm, dân tộc tính, nhưng hãy thử lý giải xem điều gì xảy ra trong thần kinh con người chi phối hai lối phản ứng khác biệt trong cùng một tình huống?

Nhiều người nói rằng do tập tính, tính cách dân tộc. Có người lại lý giải đó là bởi văn hóa. Nhưng rồi, có người nhìn ra một vấn đề cốt lõi: niềm tin. Trong trạng thái suy vi vì cái đói, cái rét, nỗi hoảng loạn mất mát, khi thần thánh cũng trở nên xa vời, thì thành trì cuối cùng giữ con người ở lại với tính người, đó là niềm tin vào chính bản thân và sự trung thực nơi tha nhân. Nhìn ở góc độ chính trị, thì đó là niềm tin vào sự công bằng và minh bạch trong xã hội. Điều đó được bồi đắp, thiết lập từ trong tập quán, trong truyền thống chính trị, thể hiện qua quy ước hành xử mà biểu trưng cao nhất là cơ chế chịu trách nhiệm giữa chính quyền với người dân.

Em bé Nhật Bản tin chắc rằng, mình xếp hàng, những người khác cũng tuân thủ nguyên tắc đó, và tất cả đang được những người điều hành hoạt động cứu trợ thu xếp ổn thỏa công bằng trong trật tự, chu đáo. Điều đó chỉ có ở những xã hội ổn định về tổ chức. Còn chàng trai người Philippines thì không tin vào điều đó. Anh ta lồng lộn lên trong đám người hoảng loạn vì nếu không như thế, thì vợ con, cha mẹ, bản thân anh ta sẽ bị kẻ khác, bằng bạo lực cướp mất miếng ăn. Đó là phản ứng đường cùng trong một cơ chế xã hội sinh tồn hỗn loạn. Niềm tin vào sự tổ chức, khả năng điều hành xã hội rất yếu. Sự rối loạn bùng phát từ một đám đông có chung cảm giác bị bỏ rơi.

Rơi vào tình huống tương tự, chắc chắn rằng, đám đông ở nhiều xã hội khác còn có cách hành xử tệ hại hơn.
Khủng hoảng kinh tế xảy ra trên toàn cầu. Thất nghiệp, thua lỗ, khó khăn là chuyện của mọi quốc gia nhưng ứng xử với khủng hoảng của người dân mỗi nơi sẽ mỗi khác. Cũng là thất nghiệp, nhưng có người xem đó là cơ hội để dùng đồng tiền tích lũy đi du lịch ba lô, tranh thủ học những sàng khôn, chờ kinh tế phục hồi thì quay lại công sở, có người dân trở về nhà, coi sự thất bát trong làm ăn là một dịp thức tỉnh sau quá trình phung phí tiêu dùng, sống giản dị hơn, có người ngồi thử viết một cuốn sách, cũng có người dành sự rảnh rỗi để chăm sóc gia đình, con cái nhiều hơn...

Đó là những phương cách thích ứng với hoàn cảnh tích cực và cho thấy niềm tin vào tương lai, tin vào khả năng tự phục hồi của đời sống vật chất, công ăn việc làm trong một ngày không xa. Sự tiết giảm chi tiêu, thay đổi lối sống theo hướng thích nghi với hoàn cảnh sẽ phần nào giúp con người tìm thấy cảm giác sống mới mẻ, thậm chí, biết cách vẫn tận hưởng được đời sống trong khả năng giản dị nhất có thể.

Dĩ nhiên, sự thay đổi để an trú trong hiện tại sẽ dễ dàng hơn trong một điều kiện an sinh đảm bảo, đủ tạo cho người ta niềm tin rằng, trước mắt, có thể tình hình còn đầy thách thức, nhưng chúng ta vẫn còn sức để trụ được "qua mùa lửa đạn" và với những nỗ lực thay đổi từ cá nhân đến cộng đồng, từ thường dân đến trách nhiệm chính phủ, rồi đây mọi thứ sẽ sớm cải thiện.

Chúng ta thì sao? Mới cách đây vài năm, chỉ số hài lòng về đời sống của người Việt đứng hàng đầu thế giới, vậy mà chỉ qua một đợt khủng hoảng, chỉ số này đã giảm nghiêm trọng. Những ngày cuối năm, có cuộc điều tra xã hội học công bố 42% nông dân không hài lòng về cuộc sống. Hẳn con số không hài lòng cuộc sống sẽ còn cao hơn với khu vực tưởng chừng "an cư" nhất là kinh doanh địa ốc, và kể cả khu vực được coi là mạch máu nền kinh tế - khu vực tài chính ngân hàng hay kinh doanh báo chí...

Vậy có thể nói gì về tinh thần "lạc nghiệp" của mỗi người ở đáy của cuộc khủng hoảng toàn diện? Bằng mọi phương cách, hãy tìm về nhịp chuẩn đời sống để tự cứu mình thôi. Trong cuốn sách có tựa Alain nói về hạnh phúc, triết gia Pháp Émile Chartier (1868-1951) viết: "Những công việc uể oải giống như những cuộc bách bộ chầm chậm, vừa bước đi và thở dốc. Người ta mệt mỏi suốt cuộc dạo bộ đó và sẽ còn mệt khi về đến nhà. Ngược lại, trong công việc nặng nhọc nhất, người ta lại cảm thấy nhẹ nhàng, không uể oải, sau đó có thể tận hưởng sự nghỉ ngơi hoàn toàn và cuối cùng là một giấc ngủ ngon".

Ngay trong thời của mình, Alain đã bị khối người cho là kẻ lạc quan vô phương cứu chữa. Bất luận là vậy, người ta vẫn tìm đọc Émile Chartier. Số người tìm đọc ông từ bấy đến nay chắc cũng ngang ngửa với những hàng dài ghi danh vào các khóa yoga, thiền ngắn hạn sau giờ làm việc mà ta đang thấy.


Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

THƯƠNG THAY CÁI PHẬN ĐÀN BÀ


Thay đổi suy nghĩ của một người đã khó, thay đổi suy nghĩ, cách nhìn nhận của cả một xã hội là điều cực kỳ khó. Vài chục hay vài trăm năm chắc mới dám mơ đến.


Ở xã hội phương Đông, quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn rất nặng nề. Điều này bám rễ trong suy nghĩ của nhiều thế hệ. Ngay cả phương Tây, nơi được cho là có hệ tư tưởng cởi mở hơn rất nhiều, vẫn đặt phụ nữ là nguồn căn của tội lỗi khi cho rằng bà Eva là người dẫn dụ ông Adam ăn trái cấm. Và từ đó, những thứ liên quan đến dục tính xấu xa vẫn được người đời gắn cho đàn bà.

Bây giờ khi tôi nói đến một trang web sex, một cuốn phim sex, trừ những bạn gay ra, hầu hết mọi người, kể cả đàn bà, sẽ nghĩ đến một trang web ngập đầy hình ảnh đàn bà trần truồng, đóng vai trò giải trí về mặt thỏa mãn sinh lý cho đàn ông. Bản thân đàn bà, họ đâu muốn mình trở thành “biểu tượng” cho sự đồi trụy, nhưng do chính suy nghĩ còn thiên lệch của xã hội đã gắn điều đó lên đàn bà.

À, lại nói đến tình dục một chút.
Nhu cầu tình dục là một trong nhóm nhu cầu cơ bản của con người. Đàn ông có, đàn bà cũng có. Và do theo nhiều tài liệu cho biết, nhu cầu của đàn bà cao hơn đàn ông, chỉ là đàn bà không dám bộc lộ điều đó ra vì sợ bị cho rằng mình là người “dâm loàn, trắc nết”, trong khi, đàn ông nếu có nhu cầu tình dục cao thì được cho là bình thường, thậm chí còn được đánh giá là “khỏe mạnh”. 
Vậy mới thấy, ở một vấn đề cơ bản như tình dục thì đàn ông và đàn bà đã bị đánh giá rất khác biệt với nhau. Việc này cũng bắt nguồn từ suy nghĩ trọng nam khinh nữ mà ra.

Tôi có một người bạn, chị năm nay ba lăm, đã quyết định ly dị chồng cách đây ba năm,  do anh ta sau khi lấy vợ vẫn không bỏ được thói trăng hoa. Ngày chị cầm cái tờ giấy bắt anh ký vào, mẹ chị ngăn cản hết sức, “đàn ông năm thê bảy thiếp được mà con, chứ đàn bà một đời chồng rồi thì có ai còn thèm ngó đến”. 

Nhưng chị vẫn kiên quyết bỏ anh, hai người chưa có con nên cũng không có nhiều vướng bận. Thời gian dài sau đó, chị bị trầm cảm vì chịu rất nhiều điều tiếng từ họ hàng, chòm xóm dị nghị cho cái danh “đàn bà bỏ chồng”.

Tôi nhớ hoài câu chị nói trước lúc chia tay để đi định cư ở một đất nước khác, “Làm đàn bà đã khổ, làm đàn bà ở Việt Nam còn khổ hơn”. Thay đổi suy nghĩ của một người đã khó, thay đổi suy nghĩ, cách nhìn nhận của cả một xã hội là điều cực kỳ khó. Vài chục hay vài trăm năm chắc mới dám mơ đến. Thôi thì lại như lần trước, ngồi ngâm Kiều mà thương phận đàn bà.
"...Đau đớn thay, phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung..."

CHÀO EM, CÔ GÁI TUỔI 30


Thoắt cái đã đến mùa đông, mùa của những vòng tay ôm ấm áp. Cũng thoắt cái đã hết những ngày được rong chơi, chính thức bước vào tuổi băm - cái tuổi mà người phụ nữ có quá nhiều điều ngỡ ngàng.

Phụ nữ tuổi 30 nhạy cảm hơn với thời gian. Dấu vết của những ngày đã qua bắt đầu xuất hiện nơi gò má, đuôi mắt, đôi tay, khóe miệng và cả trong ánh mắt. Mỗi chiếc lá rơi đều có thể làm họ bồi hồi, nuối tiếc. Mỗi lần tạm biệt cũng đều làm dấy lên trong họ cảm giác xót xa.

Phụ nữ tuổi 30 nhớ nhiều về những ngày đã qua nhưng họ không để bản thân mình chậm lại với những hoài niệm. Họ bắt đầu nghiền ngẫm, kiểm kê xem mình đã có những gì, làm được gì và cần thêm gì... Họ bắt bản thân mình không được thất bại nữa.

Phụ nữ tuổi 30 như con chim sợ cành cong, đậu xuống rồi lại bay lên tìm kiếm sự che chở nơi bầu trời mẹ. Con đường họ đã đi qua khiến họ cảm thấy mình nhỏ bé, họ sợ những gai góc cuộc đời sẽ lại cào trúng những vết thương trên thân mình.

Phụ nữ tuổi 30 thấy mình kém xinh nhưng họ tự tin vì mình quyến rũ. Họ ghen tỵ với những tuổi xuân bên cạnh nhưng họ tặc lưỡi: "Rồi cũng giống mình thôi". Phụ nữ tuổi 30 có những lúc chơi vơi thấy mình cần một chút dịu dàng, yếu đuối. Họ muốn mình bớt mạnh mẽ lại, để được một ai đó dìu mình đi qua những sóng gió cuộc đời.

Phụ nữ tuổi 30 gọi nhiều nhất hai chữ "Con ơi". Họ đặt tất cả niềm tin, hy vọng và sự quan tâm chăm sóc lên những thiên thần bé nhỏ xung quanh mình. Người đã lập gia đình thì yêu con, người chưa lập gia đình thì yêu cháu. Bản năng làm mẹ cháy lên mãnh liệt qua đôi mắt trìu mến nhìn trẻ thơ.

Phụ nữ tuổi 30 biết mình không thể buồn vu vơ, nhưng họ vẫn thường xuyên rơi vào trạng thái trống rỗng. Có quá nhiều cảm xúc ngỡ ngàng với những điều đã mất, họ cố tình dứt đi những cái gai nhím trên lưng mình để thử làm một người phụ nữ như mơ ước giản đơn thời con gái.