Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

TẠI SAO PHỤ NỮ ÍT SAY XỈN


Như một lẽ thường, người ta ít bắt gặp phụ nữ say xỉn hơn đàn ông. Không phải vì phụ nữ giỏi uống hơn cánh đàn ông, mà vì họ sợ nhiều thứ khi say hơn đàn ông.

Tất nhiên ngoài những câu chuyện về trinh tiết đức hạnh và những bảo vệ về thể xác, còn có lí do khác để phụ nữ ngăn mình khỏi những cơn say. Phụ nữ thì lắm suy nghĩ và cảm xúc phức tạp hơn đàn ông, ai cũng biết thế, nhưng không phải đàn ông nào cũng hiểu, khi say cái phòng tuyến cảm xúc của phụ nữ trở nên mong manh và dễ bị xuyên thủng hơn bao giờ hết. 


Vậy nên, họ sợ người khác nhìn thấy những cảm xúc rất thật ấy của họ, và họ không để mình say...
Hoặc ít ra không để mình say trước mặt người khác. Tôi có một cô bạn, mạnh mẽ và hay cười. Đôi khi nhìn nụ cười ấy tôi cảm thấy như thể cô ấy chưa từng biết tới va vấp. Cô hay thích tụ tập bạn bè làm vài ly rượu và tán đủ chuyện trời biển, nhưng cô chưa bao giờ xỉn. Kể cả những lần cao hứng nhất mà tôi thấy, cô ấy cũng chỉ uống tới mức chân hơi loạng quạng huyên thuyên dăm ba câu tối nghĩa rồi tự kêu taxi về dù những người khác đã xỉn quắc cần câu. 


Nhưng tôi cũng biết có những ngày cô ấy mua rượu về nhà, uống cho say mèm nằm bết giường hơn ngày chưa tỉnh. Khi tôi hỏi lí do, cô ấy cười và nói rằng "Cậu biết không, khi say con người ta chân thật nhất mà cũng giả dối nhất. Chân thật nhất vì người ta có thể bộc lộ ra những cảm xúc vốn giấu kín, là khóc lóc, và gào thét, là chửi rủa. Giả dối nhất vì lúc đó với họ ai đó vô tình cũng có thể trở thành bạn hữu tốt nhất trần đời, hay là một người yêu quyến rũ say đắm nhất thế gian. Rất nguy hiểm, nên cậu chỉ nên thật sự say khi một mình"


Tôi từng nghĩ khi say con người ta rất thật, nhưng khi nghe điều ấy, tôi mới để ý rằng, đúng hơn là khi say con người ta rất cô đơn và yếu đuối. Vì cô đơn và yếu đuối nên muốn dựa dẫm vào hơi ấm của kẻ khác. Phần lớn những cái ôm siết hay nắm tay khi say đều không còn đáng tin vào hôm sau khi tỉnh rượu. Thứ cảm xúc nhất thời ấy đến phút cuối thì lộ ra những rạn xước dễ nứt vỡ tới kì lạ. Tôi từ đó cũng thôi tin vào những cái vỗ vai dịu dàng hay những vòng tay ấm áp bên bàn rượu, dù lúc đó nó dường như lấp đầy một hố trống sâu hoắm trong cái bản ngã cô đơn của con người. Tôi từ đó cũng thôi để bản thân say bên ngoài, liêu xiêu nhưng đủ tỉnh táo để buông những hơi ấm vừa chân thật vừa giả dối ấy. Vốn dĩ, phòng thủ của cảm xúc không nên bị lơi là, hậu quả của nó có thể là những hố sâu hơn chẳng ai biết trước


Có người từng nói với tôi "uống rượu cũng chẳng tốt đẹp gì, nhưng uống sữa cũng chẳng làm bạn thấy khá hơn". Khi say con người ta có thể nhận ra vài thứ nhưng cũng có thể cảm thấy mất mát vài thứ. Với phụ nữ chắc đa phần là mất mát. Nhiều hay ít, nhanh hay chóng, họ không muốn cho người khác thấy phần mất mát ấy, nên họ ít say xỉn ở giữa mọi người...

...vì biết đâu sau cơn say rượu lại vướng vào những cái say khác ma mị hơn mà họ ngu ngơ chẳng tự khống chế nổi.

CHẶNG ĐƯỜNG THÀNH CÔNG CỦA PHỤ NỮ LÀ ĐÂU?


Thành công lớn nhất của một người phụ nữ là gì? Đôi lần, tôi tự hỏi mình như thế sau rất nhiều những kiếm tìm, hoài bão, khát vọng. Thành công của con người tùy thuộc vào mục đích mà họ theo đuổi trong cuộc đời. Đôi khi nó thuộc về tính cách, thuộc về sở thích hoặc thậm chí là thuộc về sự hào nhoáng háo thắng muốn chinh phục. Có một đam mê để theo đuổi là đã có được 50% khả năng thành công, 50% còn lại phụ thuộc vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tôi không biết cần bao nhiêu đam mê để người ta mới có thể biến những cơ hội thành thành công, dẫu vậy “hãy cứ khao khát, hãy cứ dại khờ” như Steve Jobs nói.
Khao khát là yếu tố cần, còn tại sao phải dại khờ để đủ cho một phương trình thành công thì tôi nghĩ rằng, cứ dại khờ để cuộc đời giản đơn hơn trong hành trình đi tới, dám dại khờ để học cách thất bại, dám dại khờ để học được cách trưởng thành, vì dại khờ nào cũng khiến người ta phải đánh đổi, mất mát, trả những cái giá rất đắt rồi mới kiên cường, mạnh mẽ được. Biết đau thì sẽ biết cách để vượt qua nỗi đau đó.
Thành công thường gắn với đàn ông, còn phụ nữ thành công của họ ít khi được nhắc tới, được trân trọng hay được đánh giá đúng. Vì họ sinh ra là để gắn cuộc đời với gia đình, với bổn phận làm vợ, làm mẹ. Người ta gọi đó là thiên chức để mặc định cuộc đời người phụ nữ chỉ để tìm kiếm một người chồng tốt mà nương tựa vào, sinh một vài đứa con rồi cuộc đời cứ thế trôi về già. Thật ra, cũng chỉ vì xã hội phong kiến ngày xưa trọng nam khinh nữ nên người phụ nữ phải coi việc hy sinh vì gia đình là bổn phận, nghĩa vụ tất yếu và người đàn ông làm chủ gia đình thì cần phải thành công hơn người vợ.
Và như thế, những người vợ ở nhà chăm lo cho gia đình, từ bỏ những ước mơ để đánh đổi một cuộc sống thầm lặng trong vai trò nội trợ thường không dám tự hào về mình, họ chỉ được phép cúi mặt im lặng khi nói về nghề nghiệp, không dám đề cao vai trò của bản thân cũng chẳng dám thở than về những muộn phiền, khó nhọc trong cuộc sống.
Tôi cho rằng, thành công của người phụ nữ là đã xây dựng được một gia đình bình yên, hạnh phúc, chăm lo cho con cái đủ đầy, khôn lớn, nhưng thành công lớn nhất là họ có thể tự hào ngẩng cao mặt để nói về nghề nghiệp của mình là nội trợ, là thoải mái nói về những khó khăn mình đã trải qua mà không phải cố gắng giữ cho mình một hình ảnh thầm lặng hy sinh vì gia đình. Ai cũng có quyền tự hào về những điều mình đã cố gắng bỏ công sức, tâm tư, tình cảm để đạt được, và phụ nữ đã bỏ rất nhiều trong một đời cho gia đình, điều đó không phải là nghĩa vụ, là hiển nhiên, mà đó là điều chúng ta được phép tự hào về mình không thua kém gì việc kiếm tiền. Sự thiếu tôn trọng chỉ có thể đến khi chính chúng ta không đề cao tự tôn cho mình, không trân quý cũng chẳng yêu thương bản thân.
Nước Nhật trả lương cho phụ nữ nội trợ như một cách đề cao vai trò người phụ nữ. Ở Việt Nam không có nhưng chúng ta có một cách để tự khẳng định mình là hãy ngẩng cao đầu tự hào với việc chúng ta đã chăm sóc gia đình mình như nào, đã nuôi dạy con cái ra sao khi nói về thành công của bản thân. Có thể có nhiều người sẽ đánh giá thành công của bạn dựa trên tiền bạc, địa vị nhưng tự ti về bản thân là hạ thấp chính mình trước định kiến cuộc đời.
Tháp nhu cầu của con người gồm nhiều tầng, ai cũng tìm đủ vinh quang, tiền bạc rồi mới lo xây đắp mái ấm gia đình. Nhưng hạnh phúc lại luôn nằm ở cái ngăn cuối cùng trong tháp nhu cầu ấy, vậy nên có nhiều người đã đánh rơi hết địa vị, quyền lực, tiền bạc trên con đường đến với hạnh phúc vì không giữ được cái ngăn cuối cùng ổn định, vững vàng và bình yên. Hoặc có nhiều người từ bỏ gia đình để tìm kiếm những điều vĩ đại khác để cuối cùng vì cô đơn, cái họ tìm kiếm vẫn chỉ là một mái ấm để trở về.
Suy cho cùng, thành công nào cũng đáng giá vì phải trả giá nên nếu có một gia đình để yêu thương thì đừng quên, thành công của người phụ nữ là căn bếp, thành công của người đàn ông là giúp người phụ nữ nguyện vì mình mà giữ lửa cho căn bếp ấm áp suốt cuộc đời.

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

NHỮNG LẦN BUÔNG TAY NHAU TRÊN ĐƯỜNG


Tôi rất thích nhìn những cái nắm tay của các cặp tình nhân vô tình bắt gặp trên đường.

Không phải ôm, càng chẳng phải nụ hôn níu chặt.

Bởi tôi nghĩ, khi hai người ngừng ôm và hôn nhau, cảm giác còn đọng lại sẽ là dư âm của sự ngọt ngào ấm áp của hai tâm hồn hòa nhịp làm một. Nhưng, khi hai bàn tay buông ra khỏi nhau - dường như đi cùng bao giờ cũng là nỗi niềm hụt hẫng, xa xôi nhất định.

[...]

Vài tháng trước, tôi có nghe câu chuyện kể về giả thuyết "con chim và cái lồng", khi mà: "Tình yêu sẽ bền chặt hơn nếu một người làm con chim tự do bay nhảy, người còn lại sẽ là cái lồng để bảo vệ, chở che và luôn chờ đợi con chim bay về". Cũng tương tự như thế, tôi nghĩ, trong bất kỳ một mối quan hệ nào, đời đời chẳng bao giờ có cái gọi là "bên nhau mãi mãi", hay "nắm tay đi bên nhau suốt chặng đường dài". Bởi vì như nắm cát đặt trong bàn tay, nếu ta càng nắm chặt, càng muốn giữ nó mãi bên mình, thì cát cũng sẽ càng theo đó mà rơi ra khỏi tầm kiểm soát.

Tình yêu là chuyện của hai người, và trong hai người ấy thì phải có một bên đóng vai trò dịu dàng buông tay ra trước, kiên nhẫn ở bên khi đối phương nóng nảy tức giận vì những suy đoán nghi ngờ. Vì rõ ràng, có những lần buông, mới có thêm rất nhiều lần nắm giữ. Phải tự do một mình, mới trân trọng hơn những khi trọn vẹn bên nhau.

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

TRẢ LỜI CÔ TRANG

Nếu một đứa trẻ được sinh ra ở ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ và cả cha mẹ là Thường Trú Nhân thì chuyện gì sẽ xảy ra? Làm sao đứa trẻ có thể đi Mỹ được?



Một đứa trẻ được sinh ra ở ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ trong thời gian người mẹ là Thường trú nhân có thể được phép nhập cảnh Hoa Kỳ mà không cần chiếu khán (visa) di dân khi:
- Nếu người mẹ chỉ xuất ngoại trong thời gian ngắn, và

- Đứa trẻ nhập cảnh Hoa Kỳ dưới hai năm (dưới 2 tuổi), và

- Đứa trẻ đi theo cùng với người mẹ, và

- Đó là lần nhập cảnh lần đầu tiên trở lại Hoa Kỳ sau
khi người mẹ sinh con.

- Ðứa trẻ phải đến Mỹ trong vòng 2 năm, không được trễ hạn dù chỉ là một ngày.

Người mẹ phải đưa con mình đến Mỹ lần đầu tiên khi trở lại Hoa Kỳ sau khi sinh con. Luật không áp dụng nếu người mẹ muốn đưa con trở về Hoa Kỳ trong lần thứ hai hoặc thứ ba sau khi sinh con.

Người mẹ phải có khai sinh của đứa con, và đứa trẻ phải có sổ thông hành (passport) ở quốc gia mà đứa trẻ sinh ra.

Người mẹ mang tất cả giấy tờ của mình và giấy khai sanh, VN passport của người con đến LSQ để xin thư cho phép người con được nhập cảnh Hoa Kỳ.


Trường hợp Thường trú nhân chưa nhận được thẻ xanh: Có 2 trường hợp


1. Người vào Mỹ theo diện di dân chưa có thẻ Xanh

Đương đơn là di dân, ngay khi nhập cảnh vào phi trường đầu tiên của nước Mỹ đã được đóng dấu thị thực nhập cảnh có hình oval. Con dấu này được xem là thẻ xanh có giá trị một năm kể từ ngày nhập cảnh. Do vậy không thể nói là đương đơn chưa có thẻ xanh. Trong trường hợp có việc khẩn cấp, đương đơn lúc này với tư cách là thường trú nhân hợp pháp của Hoa Kỳ có thể sử dụng tạm passport có đóng dấu nhập cảnh như là thẻ xanh 1 năm để về Việt Nam trong thời gian ngắn. Đương đơn có thể quay về Việt Nam trong nhiều lần với điều kiện là thời hạn của thẻ xanh vẫn còn hiệu lực.

Vì đương đơn sử dụng VN passport còn hiệu lực nên không cần xin visa nhập cảnh VN.

2. Người vào Mỹ theo diện Fiancé(e): 

Có hai trường hợp

a. Nếu chưa có thẻ xanh thì phải dùng giấy Advance Parole (I-131) để trở lại Mỹ. Vì Passport Việt Nam còn hạn nên không cần xin Visa của VN.

b. Đã có thẻ xanh 10 năm hoặc thẻ Xanh 2 năm (Conditional Resident) thì có thể dùng thẻ Xanh này để trở lại Mỹ nhưng thẻ này phải còn hiệu lực ít sáu tháng. Xin nhớ Conditional Resident chỉ có hai năm hiệu lực. Nếu xin Re-Entry Permit (I-131) thì Re-Entry Permit chỉ có thời hạn hiệu lực bằng thời hạn hiệu lực trên thẻ Xanh. Nếu passport Việt Nam còn hiệu lực thì không cần xin Visa của Việt Nam.

Thường trú nhân du lịch ở các nước khác: Những người có thẻ Xanh muốn đi các nước khác (ngoài nước VN) thì phải xin Visa của nước đó và mỗi nước có một luật lệ khác nhau, có nước đòi phải có Re-Entry của Mỹ thì họ mới cấp visa, có nước chỉ cần có VN passport là họ cấp visa. Dĩ nhiên ở nước nào trở về Mỹ cũng có thể dùng thẻ Xanh để trở lại Mỹ được miễn là thời gian ở ngoài nước Mỹ không quá một năm.

THÊM VỀ GREEN CARD

Thẻ Xanh
Thẻ xanh, green card, hay còn gọi là thẻ Thường trú nhân. Thẻ xanh là từ gọi tắt của người được hưởng quy chế thường trú nhân. Nguyên thủy thẻ có màu xanh nên được gọi là thẻ xanh, sau này thẻ được đổi sang màu trắng và hiện nay là màu hồng. 

Image


Trên thẻ xanh có:
- Tên
- Ngày tháng năm sinh; giới tính; nơi sinh
- Ngày hết hạn thẻ xanh
- Số A: 8 hoặc 9 con số. Đây là số của Sở di trú Hoa Kỳ dùng để nhận biết mỗi người tương tự như số xã hội.

Bị sai thông tin trên thẻ xanh

Bạn dùng form I-90 và nộp cho USCIS để điều chỉnh các thông tin bị sai hoặc nếu bạn thay đổi tên, thậm chí sửa sắc đẹp nên hình không giống... thì bạn cũng có thể dùng form này để làm lại thẻ xanh.

Nếu lỗi bị sai là do USCIS làm thì bạn sẽ không bị đóng lệ phí. Còn nếu lỗi do bạn thì bạn phải đóng lệ phí.
Chú ý:
Phải đọc kỹ hướng dẫn để điền đúng và nộp đủ giấy tờ, lệ phí và địa chỉ gởi đơn. Đơn này cũng có thể nộp trực tuyến (online)

CR-1: Trường hợp bảo lãnh vợ/chồng của công dân Mỹ và cuộc hôn nhân dưới 2 năm tại thời điểm người được bảo lãnh được cấp visa thì sẽ được cấp thẻ xanh 2 năm.

F2A: Trường hợp bảo lãnh vợ/chồng của thường trú nhân và cuộc hôn nhân dưới 2 năm tại thời điểm người được bảo lãnh được cấp visa thì sẽ được cấp thẻ xanh 2 năm.

Immigration Marriage Fraud Amendments of 1986 (IMFA), Tu Chính Án Luật Di Trú về việc Hôn Nhân Gian Trá của năm 1986. Đạo luật này được lập ra để ngăn ngừa những vấn đề lập hôn thú giả để hưởng những điều luật di trú. Đạo luật này đã tạo nên rất nhiều sự khó khăn cho "người thừa hưởng" (Beneficiary) và "người bảo lãnh" (Petitioner).

Đạo luật này nói rằng người thừa hưởng sẽ được thẻ xanh có giá trị 2 năm nếu:

1. Người thừa hưởng được sự thường trú do sự hôn nhân với Công Dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân (tức là bảo lãnh theo diện phối ngẫu); và

2. Sự hôn nhân đó dưới 2 năm khi người thừa hưởng được sự thường trú.


Điều kiện của thẻ xanh 2 năm có thể bỏ đi nếu:


- Người thừa hưởng làm mẫu đơn I-751 chung với người bảo lãnh trong vòng 90 ngày trước khi thẻ xanh 2 năm hết hạn; Hoặc

- Làm mẫu đơn I-751 và xin miễn sự đòi hỏi làm chung với người bảo lãnh nếu ly hôn (không bắt buộc chờ đúng thời hạn đổi thẻ xanh); Hoặc

- Làm mẫu đơn I-751 và xin miễn sự đòi hỏi làm chung với người bảo lãnh vì người bảo lãnh đã chết (không bắt buộc chờ đúng thời hạn đổi thẻ xanh).

Điều kiện của thẻ xanh 2 năm đã cho Sở Di Trú cơ hội lần thứ hai để khảo sát sự hôn nhân của đương sự có gian trá hay không.

Nếu sự hôn nhân đã quá 2 năm khi người thừa hưởng được sự thường trú, thì đương sự phải được thẻ xanh 10 năm.
Trường hợp nào nhận thẻ 10 năm? 
1. Trường hợp bảo lãnh vợ/chồng của công dân Mỹ hoặc của thường trú nhân và cuộc hôn nhân trên 2 năm tại thời điểm người được bảo lãnh được cấp visa thì sẽ được cấp thẻ xanh 10 năm.

2. Trong tất cả các diện bảo lãnh thân nhân còn lại thì người được bảo lãnh sẽ nhận được thẻ xanh 10 năm.
Sang Mỹ bao lâu sẽ nhận được thẻ xanh? 
1. Giâý báo đóng phí nhập cư $165USD sẽ được gởi kèm với visa. Người bảo lãnh hoặc ngươì nhà bên Mỹ nên tiến hành đóng phí này càng sớm càng tốt để khi người được bảo lãnh làm thủ tục nhập cư tại Mỹ sẽ được đóng dấu hình oval, trong đó có ghi số A# và được dặn hoặc ghi đây là thẻ xanh tạm có giá trị 1 năm.

Nếu không hoặc chưa đóng phí này thì bạn sẽ không nhận được thẻ xanh cho đến khi nào bạn đóng phí. Tuy nhiên tình trạng thường trú nhân của bạn vẫn không bị mất, chỉ là không có thẻ xanh sẽ khó hoặc không xin được các giấy tờ khác khi bạn ở Mỹ.

Tất cả những ai đi định cư (visa định cư) đều phải đóng phí này.

2. Thẻ xanh thường sẽ được gởi về địa chỉ khai trong DS-260 (DS-230) sau 2 tuần đến 2 tháng, tuy nhiên họ đã đóng dấu thẻ xanh 1 năm trong VN passport của bạn để sử dụng tạm trong khi chờ thẻ xanh chính thức gởi về.

3. Trong một gia đình có thể sẽ nhận được thẻ xanh không cùng một lúc, điều này là bình thường, bạn phải chờ thôi.

4. Nếu quá thời gian trên mà chưa nhận được thẻ xanh (dù bạn ở đúng theo địa chỉ đã khai trong DS-230) thì bạn có thể:
+ Gọi USCIS: 1-800-375-5283. Hoặc

+ Lấy hẹn tại văn phòng di trú địa phương để hỏi.


Lưu ý:- Ngay khi đến phi trường quốc tế đầu tiên tại Mỹ, bạn sẽ qua thủ tục hải quan để làm thủ tục nhập cư. Bạn đưa hộ chiếu và hồ sơ của LSQ niêm phong giao cho bạn lúc nhận visa. Nhân viên ở đó sẽ lấy dấu tay, chụp hình. Nếu bạn đã đóng phí nhập cư $165 USD thì bạn sẽ được trả lại hộ chiếu có đóng dấu hình oval, trong đó có ghi số A# và được dặn đây là thẻ xanh tạm có giá trị 1 năm. Đó là thẻ xanh tạm trong thời gian chờ thẻ xanh chính thức gởi về. Thẻ xanh chính thức sẽ được gởi về theo địa chỉ trong DS-230. Nếu bạn chưa đóng phí nhập cư thì họ sẽ không làm thẻ xanh cho bạn.

- Với VN passport đã được đóng dâú như trên, bạn có thể:
1. Trở về VN ngay hôm sau. Khi nhập cảnh Mỹ lần thứ II bạn chỉ cần đưa VN passport đã có đóng dấu thẻ xanh tạm 1 năm là có thể nhập cảnh Hoa kỳ (chưa nhận được thẻ xanh chính thức); Nếu người nhà của bạn nhận được thẻ xanh của bạn thì gởi thẻ xanh về VN cho bạn và bạn dùng thẻ xanh chính thức này để nhập cảnh Hoa Kỳ lần II.

2. Copy passport (trang có hình, thông tin và trang dán visa nhập cảnh Hoa Kỳ có đóng dâú hình oval) để thay thẻ xanh nộp cho USCIS nêú muốn mở hồ sơ bảo lãnh cho con cái còn ở VN.

Phải làm gì khi thẻ xanh 2 năm hết hạn?
Đương đơn phải nộp đơn I-751 để chuyển đổi thẻ xanh 2 năm thành 10 năm trong vòng 90 ngày trước khi thẻ xanh 2 năm hết hạn (ngày hết hạn có ghi trên thẻ xanh 2 năm).

Chú ý: Vì lý do mẫu đơn có thể thay đổi bất cứ lúc nào nên phải:

1. Vào đúng website để dowwnload mẫu đơn mới nhất.

2. Đọc kỹ hướng dẫn (instruction) trước khi điền đơn.

3. Trong hướng dẫn có ghi rõ các giấy tờ cần thiết, bằng chứng nộp theo đơn; lệ phí; địa chỉ gởi đơn. 


Nhớ đọc kỹ hướng dẫn: giấy tờ, bằng chứng, địa chỉ, lệ phí... trước khi điền và nộp đơn I-751.


Bạn sẽ trở thành thường trú nhân (Conditional Resident hay viết tắt là CR) có điều kiện nếu bạn kết hôn với môt công dân hay với một thường trú nhân Hoa Kỳ chưa đến 2 năm khi bạn đặt chân đến Hoa Kỳ hay khi bạn được chấp thuận tình trạng thường trú nhân.

Thường trú nhân có điều kiện có quyền lợi hay trách nhiệm giống như một thường trú nhân.

Khi bạn được chấp thuận tình trạng thường trú nhân có điều kiện, Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ (USCIS) sẽ cho bạn biết về các điều kiện áp dụng cho tình trạng thường trú của bạn, các điều kiện để xin loại bỏ những điều kiện thường trú và chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không nộp đơn xin loại bỏ điều kiện thường trú.

Thông thường, bạn và và người hôn phối phải cùng nộp mẫu đơn I-751 (Petition to Remove the Conditions on Residence) để xin loại bỏ các điều kiện áp dụng cho tình trạng thường trú nhân của mình trong vòng 90 ngày trước khi đến thời hạn hai năm kể từ ngày bạn trở thành thường trú nhân có điều kiện. Nếu bạn không nộp đơn đúng thời hạn, bạn có thể mất tình trạng nhập cư của mình và bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.

Nếu bạn nộp đơn sớm quá, Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ (USCIS) sẽ gởi đơn trở lại cho bạn.

Hôn nhân chấm dứt trước khi thẻ xanh 2 năm hết hạn
Nếu không còn kết hôn với người phối ngẫu nữa, hoặc nếu người phối ngẫu đã ngược đãi bạn, hoặc người phối ngẫu qua đời thì bạn thể tự mình nộp mẫu đơn I-751. Trong những trường hợp này, bạn có thể nộp mẫu đơn I-751 bất cứ lúc nào sau khi đã được chấp thuận tình trạng thường trú nhân có điều kiện và cuộc hôn nhân chấm dứt, nhưng trước khi bị trục xuất.

Nếu bạn nộp mẫu đơn I-751 đúng thời hạn, USCIS sẽ gia hạn thêm tình trạng thường trú có điều kiện của bạn đến 12 tháng. Trong thời gian này, USCIS sẽ duyệt xét đơn xin bạn.

Bạn có thể nộp đơn I-751 dầu ở ngoài Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bạn phải trở lại Hoa Kỳ với con cái và người hôn phối để tham dự buổi phỏng vấn theo yêu cầu.

Giấy tờ nộp kèm theo đơn I-751 gồm có:

- Bản sao hai mặt của mẫu I-551 (Thẻ xanh) của bạn và của những người con thường trú có điều kiện mà bạn khai trong đơn I-751.

- Hai tấm hình của bạn và của những người con lệ thuộc vào bạn.

- Chứng từ về hôn nhân thật của mình (thí dụ: giấy khai sanh của con chung, hợp đồng thuê mướn hay mua bán nhà đứng tên hai vợ chồng, tài khoản nhà băng hay tiết kiệm định kỳ có tên hai vợ chồng, giấy khai thuế chung hai người, bảo hiểm nhân thọ, xe hơi hay nhà cửa có tên hai vợ chồng, hình ảnh chụp chung hai người ở những thờI điểm khác nhau, v.v…)

Bạn có thể nộp giấy tuyên thệ của ít nhất 2 người quen biết hai vợ chồng bạn từ ngày bạn được chấp thuận tình trạng thường trú nhân có điều kiện, biết rõ hôn nhân và quan hệ của hai vợ chồng bạn. Những người này có thể sẽ được mời làm chứng trước nhân viên của sở di trú về những thông tin cung cấp trong giấy tuyên thệ của họ. Giấy tuyên thệ phải chứa những thông tin sau đây về người đã làm giấy tuyên thệ: tên họ, địa chỉ, ngày và nơi sanh, quan hệ với hai vợ chồng bạn, thông tin đầy đủ cùng chi tiết giải thích tại sao họ biết hai vợ chồng bạn

Nếu bạn và người hôn phối cùng nộp đơn I-751 thì đơn I-751 phải được ký bởi hai vợ chồng bạn.

Nếu người hôn phối của bạn đã qua đời thì bạn nộp kèm theo giấy chứng tử của người hôn phối.

Nếu hôn nhân của bạn chấm dứt không phải do lý do người hôn phối qua đời thì bạn phải nộp kèm theo giấy ly hôn và chứng từ về hôn nhân chân thật của bạn. Nếu bạn đang ở trong tình trạng chờ tòa xét xử việc kiện ly hôn, bạn không thể xin nộp đơn I-751 một mình bạn dựa trên hôn nhân chân thật. Sau khi có quyết định ly hôn của tòa, bạn có thể tự nộp đơn I-751. Trong trường hợp nộp đơn I-751 không đúng thời hạn, bạn có thể kèm theo chứng từ không phải lỗi ở bạn.

Nếu bạn là nạn nhân của việc ngược đãi hay bạo hành trong gia đình thì bạn nộp kèm theo chứng từ về hôn nhân chân thật của bạn, chứng từ về sự ngược đãi hay bạo hành (như báo cáo hay tường trình của cảnh sát, quan tòa, bác sĩ, y tá, những người làm việc cho các cơ quan dịch vụ xã hội, giấy ly hôn do ngược đãi hay bạo hành, hình ảnh chụp những vết thương tích trên người bạn, chứng từ bạn tạm trú trong những nhà dành cho phụ nữ bị ngược đãi hay bạo hành, v.v…)

Nếu bạn là nạn nhân của việc ngược đãi hay bạo hành trong gia đình, bạn có thể liên lạc với các tổ chức được thừa nhận cấp dịch vụ pro bono (miễn phí) và những người đại diện của các tổ chức này. Các văn phòng USCIS địa phương thường có sẵn danh sách của các tổ chức này.

Bạn cũng có thể tìm sự trợ giúp thông qua Đường Dây Nóng Bạo Hành Gia Đình Quốc Gia (National Domestic Violence Hotline) theo số điện thoại: 1-800-799-7233 hoặc 1-800-787-3224 (dành cho người khiếm thính). Có cả dịch vụ trợ giúp bằng tiếng Tây Ban Nha và các thứ tiếng khác.

Nếu bạn là người hôn phối hoặc con cái của công dân hay thường trú nhân Mỹ và bị người đó ngược đãi, đạo luật Chống Bạo Hành Phụ Nữ (Violence Against Women Act) cho phép bạn “tự đề nghị” hoặc tự nộp đơn để trở thành thường trú nhân. Để biết thông tin chi tiết, hãy
xem trang web: http://uscis.gov/graphics/howdoi/battered.htm hoặc gọi đến Đường Dây Nóng Bạo Hành Gia Đình Quốc Gia.

Nếu bạn nộp đơn I-751 một mình vì lý do việc mất tình trạng nhập cư của bạn và việc bạn bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ sẽ là sự gian khổ cùng cực (extreme hardship) đối với bạn, bạn phải nộp kèm những giấy tờ chứng minh rằng việc bạn bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ sẽ gây cho bạn nhiều gian khổ cùng cực hơn những người bị trục xuất khác. Những chứng từ này phải liên hệ đến những yếu tố xảy ra sau khi bạn trở thành thường trú nhân có điều kiện bởi USCIS chỉ xét những yếu tố xảy ra kể từ khi bạn trở thành thường trú nhân có điều kiện.

Nếu bạn là một người con nộp đơn I-751 không cùng với cha mẹ, bạn phải viết thư giải thích lý do tại sao bạn lại nộp đơn riêng và bạn phải kèm theo giấy tờ biện minh cho trường hợp của bạn.

Một vài tuần sau khi đã nộp đơn I-751, bạn sẽ nhận được Receipt Notice (giấy báo nhận hồ sơ). Đây là một văn kiện rất quan trọng. Giấy này gia hạn tình trạng thường trú có điều kiện của bạn thêm một năm trong lúc đơn của bạn chờ xét. Đó là tờ giấy duy nhất chứng minh tình trạng pháp lý của bạn cho đến khi đơn I-751 được chấp thuận. Tờ này có thể sử dụng để xin việc, đi du lịch ra khỏi Hoa Kỳ, v.v… Tuy vậy, bạn vẫn phải mang theo với bạn thẻ xanh đã hết hạn tại vì nó có hình bạn trên đó.

Trước khi bạn đi du lịch ra khỏi Hoa Kỳ, bạn nên đến văn phòng USCIS địa phương với thẻ xanh hết hạn, giấy báo nhận hồ sơ và hộ chiếu của bạn. Họ sẽ đóng dấu I-551 lên hộ chiếu của bạn. Dấu đó là bằng chứng về tình trạng thường trú nhân của bạn và có hiệu lực thêm một năm.

Giám đốc văn phòng USCIS địa phương sau khi xét đơn I-751 của bạn sẽ quyết định xem có phỏng vấn bạn hay không. Nếu họ hài lòng về những chứng từ của bạn thì họ có thể chấp thuận đơn I-751 mà bạn không cần phải trả qua cuộc phỏng vấn. Nếu không, họ sẽ hẹn ngày phỏng vấn hai vợ chồng bạn.

Nếu bạn kết hôn với một công dân Hoa Kỳ và bạn vẫn còn sống chung vợ chồng với người đó thì bạn có thể nộp đơn xin nhập tịch nếu bạn hội đủ điều kiện 3 năm thường trú. Nếu lúc đó đơn I-751 vẫn chưa xét xong thì USCIS sẽ chỉ chấp thuận đơn xin nhập tịch của bạn sau khi đơn I-751 đã được chấp thuận.


Phải làm gì khi thẻ xanh 10 năm hết hạn, mất, hư?
Thẻ xanh 10 năm hết hạn không ảnh hưởng đến sự thường trú của bạn tại Hoa Kỳ, nghĩa là tình trạng Thường trú nhân của bạn không bị hết hạn. Do đó nếu bạn có nhu cầu cần thiết phải sử dụng thẻ xanh: Dùng làm ID hoặc đi du lịch thì bạn cần phải làm thẻ xanh mới (Renew green card). Nên renew trong khoảng 6 tháng trước khi thẻ xanh hết hạn. Nếu thẻ xanh chỉ còn hạn 6 tháng hoặc ít hơn bạn có thể sẽ bị từ chối nhập cảnh tại các quốc gia mà bạn đến du lịch.

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

NGUỜI ĐÀN BÀ ĐẸP


Nhan sắc là món quà số phận chỉ một số người nhận được, còn đẹp lại là hành trang một số người nhận ra được. Nên nhiều phụ nữ chọn đẹp để mang theo trong cuộc đời mình.

Đẹp có lẽ là duyên dáng hài hòa. Có những phụ nữ tô son đậm trước khi bước vào quán phở sáng, mặc đẹp chỉ để vào siêu thị chọn rau sạch, và còn kịp đeo nữ trang đồng bộ cả hoa tai, vòng cổ lẫn vòng tay khi đưa con vào bệnh viện cấp cứu. Có hoa hậu đã mặc điệu đàng và son phấn đẹp lộng lẫy khi đi làm từ thiện tại trại trẻ mồ côi. 

Cô bạn tôi đã may một bộ đồ đen vừa vặn vóc dáng để dành cho đám tang người thân sắp tới. Tôn nhan sắc là một quyền chính đáng của phụ nữ, nhưng những cái đẹp ấy vô cảm tới xa lạ. Có cái đẹp làm người ta ái ngại cho chủ nhân. Đó là khi ta phát hiện người đàn bà bán vàng đầu chợ bỗng một hôm xăm lông mày mới gợi cảm trên khuôn mặt đen hòng cứu vãn lại thời xuân sắc. 


Hay cô hoa hậu xăm một con rồng lên trên đôi mông đẹp của mình. Đẹp muốn duyên dáng hài hòa còn cần phải có hiểu biết, khi ấy đẹp đã trở thành văn hóa của chính người phụ nữ, không còn đơn thuần là một cảm xúc thị giác trong mắt của người nhìn nữa.


Đẹp có thể là đích thực phụ nữ. Chúng ta không cao, không eo thon ngực đầy, bạn tôi có người chỉ còn một bên ngực, có người gần ba mươi năm sống chung với một con mắt giả. Thế nhưng cái làm nên hạnh phúc của mỗi người gần như có chung một bí mật gần gũi: Tự tin sống, tràn đầy nữ tính, chăm sóc bản thân và chăm sóc mọi người quanh mình, làm bản thân đầy năng lượng sống và làm đầy đủ cuộc sống chung quanh, tới mức, một khiếm khuyết nào đó của thân thể không ngăn được người phụ nữ hạnh phúc. 


Tôi có một người bạn, cô ấy đẹp nhất là giọng nói. Không phải giọng nói êm ái mà là một giọng nói nhanh, rất nhanh nhảu, dứt khoát quả quyết như đàn ông, mạch lạc như ra lệnh. Song giọng nói ấy tràn đầy năng lượng sống, tràn đầy mong muốn được vươn tới và thành công, giọng nói ấy chân thành và đầy nhiệt tình, truyền cảm hứng và sức sống nồng nhiệt cho người nghe, cho dù nghe cách hàng ngàn cây số, nghe sau nhiều năm không gặp. Và tôi nghĩ cái đẹp ấy của một người phụ nữ đủ để làm cho người khác hạnh phúc.


Đẹp có thể là thơm. Thật thú vị, trong thời gian tôi phụ trách chuyên mục review nước hoa trên một tạp chí phụ nữ, nhiều đàn ông nhắc đi nhắc lại với tôi rằng, họ thích Trang Hạ viết về nước hoa lắm, nên họ tha thiết mong tôi viết về mùi hương bồ kết trên tóc những bà mẹ, mà trong tâm trí họ, mẹ vẫn còn trẻ y như trong ký ức của họ thời thơ. Và mùi da thơm của một người phụ nữ đang trong tình yêu, vừa bước ra khỏi bồn tắm, trên người đọng những hạt nước to trong veo, không lẫn lộn bất cứ một mùi hương nhân tạo nào của bất cứ thứ mỹ phẩm, kem dưỡng da nào. 

Thì ra trong cảm nhận của đàn ông, đẹp không chỉ là ngoại hình, và nhan sắc không nhất thiết phải là sự hấp dẫn mê hoặc của giới tính. Đẹp thậm chí là tên gọi của người phụ nữ đã hoặc từng làm cho họ yêu, cùng những cảm nhận trong ký ức không gợn lên dục vọng.


Đẹp chắc chắn là tươm tất. Nhiều người phụ nữ (trong đó có tôi) ngày càng ít thời gian chăm sóc bản thân. Những trách nhiệm và nghĩa vụ trong đời sống đặt nặng lên vai, mong muốn được làm nhiều hơn nữa cho con cái và gia đình khiến phụ nữ sẵn sàng ăn bớt thêm một chút thời gian soi gương mỗi ngày. 

Hoặc nhiều phụ nữ nghĩ rằng, con cái đẹp thay mình. Hoặc có những người đàn ông đã sẵn sàng nói dối một cách thiện chí – không cần suy nghĩ – rằng, em mập hơn lên trông đẹp hơn; em mộc mạc giản dị thế này trông dễ thương hơn; anh yêu tâm hồn em chứ anh đâu yêu bề ngoài của em... 


Thế nhưng, những đàn ông ấy, hay ngay cả những phụ nữ ấy, vẫn ngoái đầu nhìn theo những cô gái xinh đẹp và thời trang đi ngược chiều đường mình về đó thôi! Và nếu bản thân bạn không thật sự hài lòng về chính mình, không thích chính mình, thì làm sao đòi người khác nào đó sẽ thích bạn?


Mà cho dù chưa có tình yêu, để được làm đẹp cho một ai đó, để được yêu chiều bởi một ai đó, để được chăm sóc bởi một ai đó, thì phụ nữ vẫn phải yêu lấy chính mình và chăm sóc lấy chính mình, phải đẹp cho chính bản thân mình chứ, phải vậy không?


Đẹp có thể là những tích lũy từ những quãng đường sống không mệt mỏi của mỗi một người phụ nữ. Tôi nhớ hình ảnh nhà văn nữ Dạ Ngân ngồi bên tách cà phê phố cổ Hà Nội một ngày mùa đông, chiếc khăn choàng ấm áp trên vai. 


Đấy là bức ảnh chân dung một phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng được ngắm. Một phụ nữ già thì có gì hấp dẫn. Thế nhưng sự cuốn hút từ nội tâm và tính cách, những sóng gió trong đời đã vượt qua, những nỗ lực vì một xã hội văn chương đáng trân trọng khiến một người phụ nữ đẹp bằng những giá trị toát ra từ sâu thẳm con người mình. 


Thần thái của một người phụ nữ quan trọng hơn đường nét gương mặt họ, bởi nó là phản chiếu của tâm hồn, không bị thời gian bào mòn, và nhất là khi đã sống bên nhau mười năm, hai mươi năm, nhiều năm nữa, thần thái khí chất của một người phụ nữ mới là sợi dây bền hơn gắn người đàn ông ở lại với tình yêu. Chứ không phải là nhan sắc, chứ không phải là tình dục.


Làm một người đàn bà thực sự đẹp, khó biết chừng nào. Và nhan sắc thôi chẳng đủ!


Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

HẬU HÔN NHÂN




Có kẻ theo chồng với nụ cười nở trên môi, có kẻ ngậm ngùi ôm mối tình lặng câm để lại sau lưng hết thảy mọi thứ. Giờ đây cuộc sống của họ đã sang một trang mới. Một cột mốc.

Từ đây, có hai kẻ đã thực sự trưởng thành một cách trọn vẹn (có sự chứng nhận từ nhiều phía). Con cái sẽ ra đời, một tất yếu của cuộc sống hôn nhân. Một hành trình mới lại bắt đầu, những thế hệ mới sẽ lớn lên. Hôn nhân kéo dài (ràng buộc), có thể là đến hết quãng đời còn lại. Hôn nhân là một hành trình dài, đầy ngọt ngào, hạnh phúc và cũng không ít sóng gió, thử thách, đắng cay. Hôn nhân là một hành trình không thể đoán trước được gì.


Tại sao con người ta lại kết hôn? Trước hết là vì tình yêu. Người ta thường nói: khi tình yêu đã chin muồi thì hôn nhân là lúc thu hoạch trái ngọt. Người ta yêu nhau và tới một lúc nào đó cảm giác tới lúc nên dọn về sống chung một nhà, gần nhau hơn và trách nhiệm với nhau hơn, riêng tư hơn và hạnh phúc hơn... Cùng nhau chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống. Một giai đoạn mới sau tình yêu. Là kết thúc một tình yêu hay nuôi lớn một tình yêu bất tận. Ai mà không ao ước mọi sự tốt đẹp.


Cuộc đời sang một trang mới với những sự sẻ chia, san sẻ, cùng nhau nuôi dạy con cái, nhìn con cái lớn lên, nhìn mình già đi và mỉm cười nhìn đoạn cuối cuộc đời minh trôi qua thật đẹp.
Thứ hai, cũng lại là tình yêu. Sau một thời gian người ta yêu nhau, ngọn lửa tình yêu đang cháy và có thêm một yếu tố xúc tác nào đó thì ta cưới thôi. Không sớm thì muộn, thôi thì lúc này vậy. Để ba mẹ sốt hết cả ruột thì thật là không phải. Đã có công ăn việc làm ổn định, tuổi cũng đã phải lứa vừa đôi, thôi thì cưới vợ gả chồng coi như là hoàn thành mục tiêu lớn trong đời. Nghe có vẻ giống như một gánh nặng quá. Nhưng quả thật hôn nhân dường như là một gánh không nhẹ chút nào.


Và câu hỏi mình đã thực sự muốn dọn về sống chung hay chưa vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn. Nhiều khi sự việc cứ lưng lửng, khó mà chắc được gì. Như ta cứ tự thức mắc với lòng, thực sự mình đã yêu chưa. Cảm xúc thật là mơ hồ quá mà.


Cuộc sống hiện tại nói chung là êm đềm rồi, không có gì đáng phải phàn nàn hết. Nhưng biết đâu từ đây, đời ta có nàng, đời ta có chàng, sẽ tươi vui thì sao. Hôn nhân như là một mục tiêu trong đời - một thứ mà mọi người sẽ lo lắng, bận tâm khi nó chưa hoàn thành. (Dẹp đi nỗi lo này lại có một nỗi lo khác lại đến thôi, bản chất con người nó vậy).


Dù đã sẳn sang hay chưa, dù đã chuẩn bị chu đáo hay vội vàng, có thể nói hôn nhân là cột mốc và người ta sống với nhau như thế nào sau hôn nhân mới là điều còn quan trọng hơn.


Đi tìm lý do người ta kết hôn với nhau, thì không biết kể bao giờ mới hết. Nên thử suy nghĩ ra một lý do không phải là một biến khác của tình yêu thử xem sao. Vậy thì là cái gì? Có thể là một thứ cảm giác người ta cần có nhau. Anh cần một người vợ, và em cần một người chồng. Sao giống cái hợp đồng kinh tế quá. Như vậy là đủ cho một cuộc hôn nhân?


Chắc là hai kẻ khô khan gặp nhau nhau nên chẳng có cái gì là lãng mạn để có thể gọi là tình yêu. Đơn giản chỉ là thấy phù hợp. Đơn giản là yêu thương có thể vun đắp, quan trọng là có ngày càng càng nhiều hơn hay không thôi. Cảm xúc có thể bị chi phối bởi nhiều thứ xung quanh, giữa những đắn đo được và mất. Có lẽ ai đó quá cầu toàn nên chưa tìm đâu ra một người yêu hoàn hảo và đành chấp nhận một người chưa hoàn hảo mà lại hóa hoàn hảo theo một cách khác. Có thể chúng ta dành cho nhau. Và có hai kẻ quyết định dựa vào vai nhau.


Một lý do nữa là tình thế bắt buộc. Bác sĩ bảo nên cưới đi thôi. Hay ta tự nhận thấy nên cưới đi thôi. Quả thật là sức hút bản năng khá là mạnh mẽ, khi người ta ngày càng càng tự do thể hiện, bộc lộ những cảm xúc của riêng mình. Cũng có thể là sức hút ngày càng giảm, kết hôn thôi, để hâm nóng lại ọi thứ cho nồng nàn. Hẹn hò đã lâu, mọi thứ dần trở nên nhàn nhạt. Tuổi tác ngày càng càng chồng chất thêm. Bạn bè ai cũng cưới hết rồi... Môi trường khách quan tác động mạnh mẻ tới quyết định chủ quan là vậy. Thứ năm... Thứ sáu... Thứ bảy... Ta nên có chủ nhật đi thôi. Bởi có n những lý do khác nhau, mỗi người mỗi cảnh.


Nhưng mà nhìn tới nhìn lui, chung quy mọi thứ đều dẫn tới một lý do đó là tình yêu. Đúng là tình yêu định nghĩa theo kiểu này hay kiểu nọ, hay những trường hợp cá biệt không có tình cảm hay cảm xúc trong đó. Với lại có ai dám đứng lên tuyên bố mình không kết hôn vì tình yêu đâu. Nếu ai hỏi bạn: Tại sao lại kết hôn? Dù là nhớ lại hồi đó hay là tưởng tượng ra tương lai, hay là đang gấp rút chuẩn bị cho đám cới cận kề, bạn đã tìm ra lý do cho mình chưa?


Thật ra có những chuyện mà người ta khó lý giải nổi tại sao, như thế nào? Như các hiện tượng lạ, hiện tượng bí ấn đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra trên hành tinh này lẫn ngoài hành tinh này. Không tìm được câu trả lời cũng không sao. Quan trọng là bạn tin tưởng, vui vẻ với các quyết định và hành động của mình.


Hôn nhân đầy ngọt ngào và hạnh phúc. Hay cũng có thể là kết thúc của hạnh phúc và bắt đầu của của đắng cay gian khổ. Nghe sợ quá. Từ đây có hai kẻ sẽ chia sẻ với nhau nhiều thứ, mọi ranh giới đều được xóa nhòa, với nhiều thứ phải chung. Chung con cái, chung nhà cửa, chung mẹ cha... Tuy vẫn có những thứ riêng được sự bảo hộ của pháp luật như quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận này nọ. Có mỗi cái ít quyền đi, như quyền kết hôn chẳng hạn.


Có nhau, họ sống tốt hơn, tôn trọng nhau hơn. Quả là cuộc sống đáng ao ước. Có nhiều áp lực trong nhiều chuyện, có hai người cùng giải quyết, có thể sẽ thuận lợi hơn hay khó khăn hơn nếu có sự bất đồng. Có những bức tranh sáng sủa tươi vui và những bức tranh ồn ào giông tố hơn. Tùy nhân vật trong tranh và bối cảnh thế nào. Nếu khó hình dung ra, hãy nhờ con cái phác họa cho ta một bức.


Làm bánh hôn nhân làm sao cho ngon đây? Nếu bạn thích nấu nướng, thích làm ra những chiếc bánh ngon lành, bạn đã có một lợi thế. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào tay nghề khóe léo và sự tinh tế kết hợp, gia giảm nguyên liệu, gia vị của mình. Không có một công thức chung nào cả. Ngoài vài nguyên liệu cơ bản thường gặp, hay dùng, các nguyên liệu như cần có: tôn trọng, sẻ chia, quan tâm... các gia vị phải dùng là: vui vẻ, lạc quan, trách nhiệm, cảm thông thích nghi... Nhiệt độ nướng phải đảm bảo ở mức thấu hiểu, lúc nào nên cao lúc nào thấp, lúc nào kiềm chế, lúc nào liu riu nhường nhịn. Với những nguyên liệu, gia vị ,cách thức chế biến phù hợp, một chiếc bành hôn nhân sẽ ra lò và hai con người trưởng thành, không ngừng học hỏi, phát triển, làm mới mình, sẽ cũng tận hướng thành quả tuyệt vời mà mình tạo ra.


Có thể bạn thiếu nhuyên vật liệu, gia vị hay không biết cách chế biến. Bánh ra lò không được thơm ngon như ý, dù vậy vẫn có người thưởng thức nó cùng bạn và tấm tắc khen ngon. Như vậy chưa hẳn bạn đã thất bại. Sẽ có những chiếc bánh ngon lành khác nhờ tài biến hóa nào đó (có người hỗ trợ, có người lén đặt mua bánh, bạn đã học hỏi để nâng cao tay nghề...). Hãy tìm ra cách của riêng mình.


Phù... mệt hết cả người, có đủ thứ hầm bà lằng phải lo cho cái gọi là hôn nhân này. Có được bao nhiêu người chuẩn bị những thứ ấy, có được bao nhiêu người học hỏi những thứ ấy, và có bao nhiêu người không thể sống với những thứ ấy. Không biết được, nhưng nhiều người đã vượt qua, một cách khó khăn hay dễ dàng, có khi không cần biết đến nhiều thứ rắc rối của hôn nhân như thế.


Con người tự đặt ra cho mình những luật lệ và rồi cũng tự mình tìm cách phá bỏ những luật lệ hay nhẹ nhàng hơn là lách luật. Nhưng tính tất yếu của cuộc sống, nhiều luật lệ ta phải tuân theo. Khi nào tới lúc cưới thì cưới thôi. Ai mà biết trước được mọi sự sẽ như thế nào. Mà phiêu lưu, kỳ bí một chút lại càng hấp dẫn. Cái gì cũng có những rủi ro mà. Chẳng hạn rủi ro bài này không được đăng vì thiếu trầm trọng những kiến thức chuyên môn lẫn thực tiễn. Dù gì thì thích thì ta cứ làm thôi, với sự hiểu biết cả mình, hy vọng là ta sẽ làm những điều đúng. Dù có thể nó không đúng. Nhưng mà với ta nó lại đúng.


P.S.: Lý sự về hôn nhân, tôi thắc mắc và tôi thử đi tìm câu trả lời.