Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

NÓI VỀ NHẠC GABRIEL FAURE



Gabriel Faure: Nhạc sĩ người Pháp, sinh ngày 12/5/1845 và mất ở Paris ngày 4/12/1924. Cùng với Debussy, ông trở thành một trong những nhạc sĩ Pháp vĩ đại nhất đầu thế kỉ 20.

Les roses d'Estipan ( không nhớ rõ tên bản nhạc là d'Estipan hay là d'Histipan hoặc thứ tương tự như thế:P) : một khúc nhạc dân gian
Il pleure dans mon coeur : Khúc nhạc của Debussy


Âm nhạc của Faure bao giờ cũng giản dị và dịu dàng. Sự dịu lành toát ra từ một trái tim nhân hậu, từ nụ cười chắc hẳn là hóm hỉnh và nhu mì lắm.

Tôi nhớ Spleen êm đềm, Spleen bình lặng như hồ nước mùa thu. Không hiểu vì sao khi buồn chán, tâm hồn Faure vẫn có thể hiền hoà, trong trẻo đến thế. Bản nhạc ấy gồm từng đoạn ngắn, chầm chậm nối tiếp nhau tựa dăm ba tiếng thở dài. Những giai điệu chỉ khe khẽ thôi đủ để giải toả cảm xúc, và ru ngủ nỗi buồn hãy lắng xuống, lắng xuống rồi lặng im…

Tôi mường tượng Une nuit de Mai nhấp nháy trong đêm Tháng Năm. Một khung cửa sổ mở rộng vào khoảng không sâu và xanh ngợp gió… Tôi không còn nhớ từng rythmes của Đêm Tháng Năm, chỉ lưu giữ cảm giác về cái Tĩnh Lặng tuyệt đối đang dịch chuyển. Điều đó giống như sự xôn xao khi thỉnh thoảng nghĩ về tháng ngày xa.
Không phải ngẫu nhiên mà nhắc và nhớ đến Faure, đến những bản nhạc đã từ lâu rồi không còn nghe nữa. Cũng bởi vì Au bord de l'eau lúc này ngân lên hiền hoà quá mà giản dị quá. Mang đậm âm hưởng dân gian và thật nhiều Faure, Bên hồ nước cũng trong trẻo như Spleen, lao xao như Une nuit de Mai, tươi sáng như Les roses d'Estipan và cuối cùng trở nên nhạt nhoà như Il pleure dans mon coeur.


Tôi biết người nhạc sĩ muốn miêu tả điều gì. Đó là bức tranh vẽ một buổi chiều mùa hạ. Bên hồ nhỏ người thiếu nữ uyển chuyển nghiêng chiếc bình để múc nước, rồi nàng đặt nó lên bờ vai. Một tay nàng giữ bình nước, tay kia buông lơi duyên dáng theo từng bước đi. Nàng còn khe khẽ hát một bài dân ca vui nhộn và mỉm cười ý nhị với anh chàng mục đồng ở phía xa. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ đó nhất định phải là một cô gái Daghextan, hoặc ít ra cũng phải là thiếu nữ miền Tân Cương rộng lớn. Có lẽ những câu chuyện đẹp đẽ của Gamzatop và Aimatop từ ngày xưa đã gợi trong tôi mơ mộng về thảo nguyên và về những thiếu nữ miền núi đằm thằm.
Âm nhạc bao giờ cũng mở ra thế giới đầy ắp suy tưởng, làm thành một chuỗi hình ảnh, màu sắc và sự chuyển động. Tôi không biết Au bord de l'eau có ý nghĩa với người khác như thế nào , nhưng nó khiến tôi nghĩ và nhắc đến Faure. Tôi yêu sự giản dị, êm đềm cùng những đường nét ngắn nhưng không đơn điệu, những cảm xúc nhẹ nhàng mà biểu cảm. Tôi yêu giai điệu không lời.


Vào một ngày hè nóng nực như thế này, những bản nhạc dịu dàng luôn là cơn gió mát lành nhất để xoa dịu tâm hồn chúng ta.

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

NÓI VỀ NHẠC TRỊNH



Tôi rất thích nghe nhạc Trịnh vì những lời ca, khúc hát của bác Trịnh luôn tạo cho tôi một cảm xúc rất đặc biệt. Tôi đồng cảm, hoà mình và cảm nhận được cái hồn của nhạc bác truyền qua. Những tình khúc nhạc Trịnh đã và mãi sẽ là những tình khúc bất tử bởi ca từ luôn đẹp, làm người nghe phải nao lòng và không thời nào là lỗi nhịp.

Sự in dấu của một hạt bụi
Người ta nói nhạc Trịnh buồn thê thảm nhưng chính cái sự buồn buồn, day dứt đó mới là cái tâm tư, tình cảm luôn sống động tìm ẩn trong thẳm sâu tâm hồn con người dù là một người khô hạn nhất. Ở Nhạc Trịnh ta sẽ bắt gặp chính mình trong đó. Tình yêu luôn lãng mạn trong mỗi con người. Ta thường dằn lòng và kềm chế cảm xúc bằng cái lý trí cứng nhắc rằng đã quên được một người, thôi yêu và nghĩ đến một người, một việc nào đó nhưng không giấu được chính mình và giấu được sự quan sát tinh tế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

“Tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng,
Người ngỡ đã xa xăm bỗng về hoá thênh thang”.

Quên một người mới thật khó làm sao. Ở “Tình nhớ” bác Trịnh như là người đã đọc được tâm sự của tôi, một người chưa từng gặp gỡ và cách biệt về khoảng cách thế hệ. Chỉ có những tâm hồn đồng cảm về tâm tư con người mới có thể viết lên những ca từ cảm động như thế. Nhạc Trịnh còn đậm cái tình khi không chỉ con người mới có cảm giác, mới biết yêu đương. Những thứ ngỡ rằng vô tri như “sỏi đá” thì “cũng cần có nhau”. Nắng cũng biết lắng nghe để ta có thể “gọi nắng”, và “biển” thì lúc nào cũng dạt dào tình yêu, nỗi nhớ...


Sự in dấu của một hạt bụi
Nhạc Trịnh không đơn thuần là một bản nhạc mà thực sự là hơn cả một bài thơ, lắm vần điệu, mỹ từ. Bác Trịnh thường dùng rất nhiều những biện pháp nghệ thuật để nhạc mình giàu biểu cảm, lắng sâu hơn, có hồn hơn. Và khi thưởng thức nhạc Trịnh ta cần phải biết lặng đi để thả hồn mình theo nhạc mới có thể hiểu được cái ý mà nhạc sĩ muốn phả vào thính giả.


Đôi lúc nhạc Trịnh là chính cảm xúc đời thường nhất của chúng ta “Lòng thật bình yên mà sao buồn thế?” Hơn thế nữa ca từ của nhạc Trịnh còn là một triết lý, châm ngôn “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi về làm cát bụi”. Đúng thế, mỗi người chúng ta nhỏ nhoi như những hạt bụi, khi đến không mang theo, khi đi cũng hoá thành cát bụi nhưng những hạt bụi không tan biến đi mà in dấu lại trên cuộc đời này giống như nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã in dấu lại trên nền âm nhạc nước nhà và khắc sâu trong trái tim thính giả.


Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

20 CÂU NÓI BẤT HỦ KHI ĐÀN ÔNG MUỐN CHIA TAY




Khi theo đuổi bạn, mỗi chàng có một cách khác nhau. Tôi đã chứng kiến rất nhiều những chuyện tình yêu kiểu đó trong cuộc sống từ những người bên cạnh mình. Song hãy tin tôi đi.... rằng khi cuộc tình qua đi, “kịch bản chia tay” của họ chỉ có… 20 câu bất hủ

VẬY CÁC BẠN NỮ YÊU QUÝ CỦA TÔI, HÃY BƯỚC ĐI VÀ ĐỪNG BAO GIỜ PHẢI QUAY ĐẦU LẠI LUYỄN TIẾC BỚI NHỮNG NGƯỜI NHƯ VẬY. HỌ KHÔNG XỨNG ĐÁNG NHẬN NHỮNG TÌNH CẢM ĐÁNG TRÂN TRỌNG ĐÓ CỦA CÁC BẠN



1. “Anh chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ lúc này. Nhưng nếu sẵn sàng, em chắc chắn là người anh chọn”.
Bạn nên hiểu là: “Anh chưa sẵn sàng dành cả cuộc đời còn lại của mình để ngủ với chỉ một người. Nhưng nếu anh sẵn sàng, đó có thể là em”.
2. “Anh vẫn còn quan tâm đến em”.
Bạn nên hiểu là: “… Không đủ quan tâm để hò hẹn với em hay dành nhiều thời gian bên em, nhưng anh vẫn quan tâm!”

3. “Sau tất cả những chuyện này anh vẫn mong chúng mình là bạn và đi chơi với nhau”.
Bạn nên hiểu là: “… sau khi bị anh “đá”, em vẫn có thể giới thiệu cho anh mấy cô bạn nóng bỏng của em chứ?”.

4. “Lúc này đây anh thật sự cần tập trung cho việc học/ công việc/ Chúa… (ngàn lẻ một lý do!)”.
Bạn nên hiểu là: “Anh không nghĩ em có thể chấp nhận dễ chuyện chia tay này, song với những lý do như thế, em chẳng đôi co được đâu”.

5. “Anh sắp ra nước ngoài, nhưng anh sẽ gọi điện cho em ngay khi trở lại”.
Bạn nên hiểu là: “Anh cần phải thoát khỏi em, càng nhanh càng tốt”.

6. “Em tốt hơn anh nhiều…”.
Bạn nên hiểu là: “… Và anh biết anh tốt hơn em nhiều”.

7. “Thật vui vì đã biết em, nhưng anh nghĩ cả hai chúng mình cần dành thời gian bên những người khác nữa”.
Bạn nên hiểu là: “Anh đã gặp được người khác và anh muốn ở bên cô ấy hơn bên em”.

8. “Anh sợ ràng buộc…”.
Bạn nên hiểu là: “Anh sợ phải gắn bó cả đời với em”.

9. “Anh thấy ngột ngạt quá, anh chỉ cần chút yên tĩnh nghỉ ngơi thôi”.
Bạn nên hiểu là: “Em chõ mũi vào cuộc đời anh quá nhiều, đã đến lúc anh phải “mời” em ra”.

10. “Người đàn ông nào cưới được em quả thực rất may mắn”.
Bạn nên hiểu là: “Anh chỉ hy vọng mình không may đến thế!”.

11. “Anh nghĩ chúng mình cần gặp gỡ cả những người khác nữa và xem chuyện gì xảy ra”.
Bạn nên hiểu là: “Anh đã ngủ với người khác, và anh đang nói điều này trước khi em phát hiện ra thôi”.

12. “Anh vẫn muốn bên em, song anh cần nghỉ ngơi đôi chút”
Bạn nên hiểu là: “Anh đang đi tìm bạn tình mới, song vẫn muốn giữ em để “phòng xa”.

13. “Anh có rất nhiều việc phải làm lúc này”.
Bạn nên hiểu là: “Việc chính của anh là không ở bên em nữa”.

14. “Anh cảm thấy, với anh, em giống như một người bạn hơn là một người yêu”.
Bạn nên hiểu là: “Em không còn dễ thương như khi chúng mình bắt đầu hò hẹn nữa”.

15. “Anh cần điều gì đó hơn thế nữa”.
Bạn nên hiểu là: “Anh không biết chắc “cái gì đó” là cái gì, nhưng anh đang thấy nhàm chán”.

16. “Anh chưa quên được người yêu cũ”.
Đây là lý do chân thật nhất đấy!

17. “Ước gì 5 năm nữa mình mới gặp nhau”.
Bạn nên hiểu là: “Lúc này đây anh chưa thực trưởng thành. 5 năm nữa anh sẽ chín chắn hơn và có thể là một người chồng/bạn trai tốt”.

18. “Mình ở hai vị trí hoàn toàn khác nhau trong cuộc sống”.
Bạn nên hiểu là: “Vị trí của anh là “anh muốn ra ngoài uống rượu, tiệc tùng, ngủ lang…” còn vị trí của em là “hãy cùng kết hôn và ổn định cuộc sống”. Hai “vị trí” này không thể gặp nhau được.

19. “Anh rất tôn trọng em…”.
Bạn nên hiểu là: “Đừng nói với bạn bè em rằng anh là một thằng đểu nhé, vì anh còn muốn hẹn hò với vài người trong số họ”.

20. “Anh nghĩ chúng mình quá gần gũi, tiến triển quá nhanh…”.
Bạn nên hiểu là: “Khi em đặt bàn chải đánh răng của em cạnh bàn chải răng của anh trong phòng tắm, anh thật sự thấy hoảng!”.

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

BIỂN VẪN HÁT CHIỀU NAY

Một chút bình yên

Đã lâu lắm rồi nó mới thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng và yên bình thế này. Không vướng bận những lo toan của cuộc sống thường nhật.Không một chút đố kị, hờn ghen.
Nó thong thả rảo bước ra bờ biển.Cái nhẹ nhàng choàng lấy tâm hồn, thư thái và dễ chịu. Nó nhắm mắt tận hưởng những cơn gió trong lành hiếm hoi trong cuộc sống xô bồ hàng ngày của nó, cảm nhận một chút yêu thương lan tỏa như viên kẹo caramel ngọt ngào, một chút yêu đời cho niềm vui bất tận.Và một chút dừng lại, để yêu.
Yêu làn gió thoảng mùi hương của nắng đầu mùa.

Yêu những cành lá còn đẫm sương buổi sáng.
Yêu những tia nắng lả lướt tinh nghịch bên nụ hồng e ấp
Yêu nhiều lắm...
Và, muốn được yêu nhiều,nhiều hơn nữa...
Mái tóc nó tung bay theo làn gió biển. Làn gió mang mùi vị mằn mặn đặc trưng. Nó dang rộng đôi tay như muốn ôm trọn cơn gió ấy vào lòng. Nó yêu biển lắm. Không phải vì nó được sinh ra ở miền biển, cũng không phải là nó có kỷ niệm nào đặc biệt nơi ấy. Chỉ đơn giản là biển mang cho nó cảm giác yên bình, vậy thôi. Nó thích một mình chân trần đi dạo trên bờ cát mịn cùng những con sáng nhẹ nhàng vỗ vào bờ, nước mát lạnh. Nó thích một mình lặng lẽ đi dọc bờ biển, nhặt những con ốc nhỏ bị sóng đánh dạt vào bờ.
Những khi buồn, nó lại ra bờ biển hét thật to, mong những con sóng ào ạt kia có thể cuốn trôi đi nỗi niềm của nó về với biển. Có những lúc dở dở ương ương, nó lại ra biển hát thật to. Ở vùng bờ biển này "của nó", nó chẳng lo có ai đó nghe được giọng hát "thiên thần" của mình cả. Cứ thế hát, và hát thôi...
Nó ngồi trên cát, tay mân mê những hạt cát nhỏ. Rồi nghĩ vu vơ.Khi người ta cầm lên một nắm cát, nó sẽ dần dần bị cuốn đi theo gió nếu ta cần hờ hay rủ nhau trôi tuột xuống mặt đất qua kẽ tay khi ta siết chặt hơn một chút. Người ta sẵn sàng cầm nó lên và cũng sẵn sàng ngắm nó bay ra khỏi bàn tay...
Đôi khi... cũng phải chấp nhận để một điều gì đó ra đi nếu ta không phải là thế giới của nó... Cát không thuộc về chúng ta, nó sinh ra từ biển và mãi mãi thuộc về thế giới của biển. Ta không nên mang nó ra xa khỏi thế giới của mình. Ta có cuộc sống của mình và nó cũng vậy. Ta cầm một ít cát, ngắm nhìn nhưng lại không muốn giữ mãi trong lòng bàn tay. Ta nhẹ nhàng buông tay... những hạt cát bay đi, bay đi từng chút một... Ta chợt mỉm cười, thanh thản. Khi những hạt cát được bay tự do, chúng rất đẹp...
Có khi quá khứ đẹp nên người ta buồn vì tiếc chứ không phải buồn vì đau. Nhưng dù có đẹp thế nào ta cũng không thể giữ và sống mãi trong những khoảnh khắc ấy được. Cũng như những hạt cát kia, dù biết là đẹp nhưng vẫn thả cho chúng bay đi. Nó thấy mình ích kỷ khi chỉ muốn giữ lại những hạt cát, những cơn gió biển trong lành, những ký ức tươi đẹp cho riêng mình, chỉ riêng mình mà thôi. Có lẽ vì vậy mà nó thích những chiếc đồng hồ cát...


Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

THAN ÔI CÁI PHẬN ĐÀN BÀ


Đất trời sinh ra vạn vật vốn đã có tính giao hòa. Có âm, có dương, có giống đực thì cũng có giống cái. Và cuộc sống con người cũng vậy, có khổ đau thì cũng sẽ có hạnh phúc.

Nhưng có bất công không khi mà Thượng đế lại sinh ra Adam trước Eva, vì sợ Adam cô đơn nên Người mới tạo ra Eva từ dẻ sườn của Adam.

Vậy là từ đấy, đàn bà sinh ra. Đúng như cách được tạo ra, đàn bà khổ, khổ thật. Làm phận nữ nhi đã là một cái khổ - khổ đau đầu tiên và lớn nhất của một kiếp người.

Vốn mang tiếng: "Con gái là con người ta", những gia đình nào sinh con gái cũng đau lòng. Vất vả, cơ cực, mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" vậy mà khúc ruột ấy của người mẹ sắp phải chịu khổ đây.

Con gái ra đời, bố mẹ phải lo chăm bẵm, nuôi dậy con cho tốt. Uốn nắn từng cử chỉ, dáng đi, cách ăn nói. Nào là phải nhẹ nhàng, nết na, "liễu yếu đào tơ". Con gái phải chăm chỉ học hành, không được lười như con trai. Ngay từ nhỏ đã được uốn nắn, dậy dỗ. Lớn hơn một chút phải biết quét nhà, rửa bát, cơm nước tinh quân.

Nhà nào sinh vài ba lần toàn con gái, cố gắng lắm mới được cậu quý tử thì con gái coi chừng, biết thân biết phận mà nhường em. Có gì là ngon ngọt thì em ăn, chị nhịn, chị làm việc nhà cho em còn đá bóng, chơi game. Em đi học, đến giờ tan cả nhà cuống cuồng lo đi đón.

Con gái lớn lên phải tề gia nội trợ. Các bà, các mẹ phải uốn nắn từ nhỏ để sau này về nhà chồng không bị người ta nói là" không biết dậy con". Phải biết chăm chút chồng con, chắn vén gia đình. Và nguyên tắc là" Miếng nạc phần chồng, miếng xương phần vợ, miếng lòng phần con".

Nhà nào có phúc sinh ra được cô con gái xinh xắn là may lắm. Chứ mà tóc rễ tre, răng thì cái trước cái sau, cái trên cái dưới, cái ra cái vào, dáng người lại như cái cối xay, rồi thì "ngăm ngăm da trâu nhìn lâu mới thấy đẹp" thì bố mẹ cứ gọi là lo từ trong trứng lo ra. Sợ không có thằng nào nó dám rước. Từ trước đến nay chỉ nghe con gái ế chồng chứ có nghe con trai ế vợ bao giờ đâu. Con trai dù xấu, dù bẩn, dù lười thế nào đi nữa thì cũng là: "niềm mơ ước" của không ít cô nàng.


Đã mang tiếng là con gái là phải biết thân, biết phận. Các cô ngay từ thiếu nữ đã được răn dạy: "Phải biết giữ mình", rồi thì cẩn thận không lại: "Khôn ba năm dại một giờ". Yêu đương bao giờ cũng phải tỉnh táo, cảnh giác. Cô nào trót lỡ là mang cái dại vào thân, đời coi như có vết. Lấy được người bao dung, có học thức là may lắm không thì cứ chờ mẹ chồng lót lá chuối dắt về trả bố mẹ. Khổ không? Trong khi mà con trai thì cứ thoải mái, tung tăng hết cô nọ, cô kia cũng không sao. Có gì là vết tích đâu.


Con gái khi yêu thì còn được chăm chút, chú ý chứ khi đã là vợ người ta rồi thì liệu mà biết thân, biết phận, đừng có mà định "làm mình, làm mấy, làm mầu, làm mè". Sáng ra cả nhà đang ngủ say sưa thì dậy mà lo bữa sáng cho nhà chồng, quét tước nhà cửa, chợ búa. Xong thì là lượt quần áo, xếp ngay ngắn để chồng dậy là có sẵn quần áo đi làm. Cả nhà ăn xong thì lo rửa dọn rồi cuống cuồng đưa con đi lớp rồi phi như bay đến cơ quan. Chiều thì mau mau mải mải về sớm đón con, về nhà lại cơm cơm nước nước, lo tắm rửa cho con cái. Xong bữa tối tại dọn dọn dẹp dẹp rồi mới đến lượt đi tắm.


Con ngồi vào bàn học thì mẹ cũng phải chăm chút. Khi con còn bé thì xem xét sách vở, uốn nắn chữ viết. Lớn lên rồi thì chốc chốc mang nước, mang sữa cho con. Rồi thì lo giặt giũ quần áo cho cả nhà. Đêm hôm mò mẫm xem có việc cơ quan phải giải quyết thì làm cho xong, không thì được ngả lưng sớm. Chưa đặt lưng xuống giường đã phải để báo thức sáng sớm dậy rồi lại cơm cơm, nước nước, quần quần, áo áo.


Ngày còn con gái thì dáng vẻ nhỏ nhắn, dễ thương. Bây giờ sau vài lần sinh nở người cứ như phát phì. Rồi lại lo lắng ăn kiêng, chăm chút quần áo, đầu tóc. Chồng thì cứ thoải mái, vô tư. Bia nhiều, béo bụng rồi thì già đi, xấu đi cũng không ai chê, không phải lo lắng. Vợ mà cứ như vậy xem, mất chồng ngay.


Chồng mà tụ họp bạn bè cafe, nhậu nhẹt, họp lớp cấp 2, cấp 3 hay đại học có đi đến khuya cũng chẳng sao. Vợ mà cứ vậy xem, được vài hôm là nhà cửa chẳng khác gì bãi chiến trường. Mà nào có được như vậy chứ. Chị nào, cô nào may mắn có bà mẹ chồng tốt bụng, thương cho là may. Gớm, vớ phải bà mẹ chồng nào ghê gớm, xét nét từng tí một thì chỉ có chết. Có thở cũng không được thở mạnh ý chứ đừng nói là tự tung tự tác.
Đã thế chồng là lại nghe mẹ, nhất mẹ mà nhì cũng mẹ nữa thì các bà vợ cứ gọi như là cả đời khổ.


Cái vòng khổ ấy nó cứ quẩn quẩn quanh quanh rồi cũng hết cả đời người. Chăm bẵm chồng con mãi rồi cũng đến lúc con cái nó lớn hết cả, đủ lông đủ cánh thì nó lập gia đình, lại lo đến chăm cháu nội, cháu ngoại. Lúc này gánh nặng mẹ chồng không còn thì lại đến cháu chắt.


Bà chăm cháu mà không cẩn thận để cháu ngã hay mắc phải "gai mồng tơi " xem có yên với bố mẹ chúng không.


Rõ khổ. Thế là hết cả đời người rồi còn gì. Đàn bà sao mà khổ thế! Có khi đến chết mới hết khổ. Thế là hết một kiếp luân hồi. Khổ cả đời người rồi còn gì, nếu mà có kiếp sau cũng xin một lần được làm đàn ông cho nhẹ cõi lòng.



Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

LẠI MẤT NGỦ



Cả đêm tôi trằn trọc vì cơn đau đầu. Đó là hậu quả của mấy ngày sống miệt mài công việc và bán hàng trên Facebook với ảo tưởng ngu ngốc rằng não mình sẽ to lên đáng kể, hay lang thang trên mạng lượm lặt những entry rác rưởi từ blog của vài kẻ rỗi hơi tự cho rằng mình là "hot blogger".


"Kẻ nào dám phí phạm một giờ đồng hồ của đời mình thì kẻ đó không biết quý trọng cuộc sống" (Charles Dickens). Kẻ đó chính là tôi đây, tàn phá sức khỏe trong những đam mê vô bổ, chìm đắm trong windows shopping với những thứ mà tôi biết mình chẳng bao giờ mua nổi. 


Đây không phải cuộc sống mà tôi mong ước.
Những khi cần xin lỗi bản thân như thế, tôi lại ước giá như có ai đó đang đợi tôi. Đó là tên một quyển sách bán khá chạy của Anna Gavalda. Mặc dù tôi có cảm giác Gavalda cố tình đặt tên sách như vậy để câu khách, vì 12 truyện ngắn bà kể chẳng có gì liên quan đến câu nói đấy, nhưng tựa đề cuốn sách lại làm tôi thích thú.


Biết bao nhiêu lần tôi tự nhủ với mình câu nói đó. Đó là những lúc nằm bẹp dí trên giường trong căn phòng trống trải, là lúc tôi biết mình không được học bổng nhưng mọi người trên phố vẫn đi lại cười nói vui vẻ, là lúc tôi muốn bàn luận với ai đó về quyển sách To kill a mockingbird (Giết con chim nhại) nhưng chẳng một ai biết đến tác phẩm để đời của Harper Lee, là lúc một người bạn nói rằng: "Tôi với bà quá hiểu nhau rồi còn gì" trong khi tôi còn chẳng hiểu hết bản thân mình.


Mệt mỏi, chán chường, thất vọng và bế tắc với bản thân. Tôi đã mang những trạng thái cảm xúc này từ khi mới 12 tuổi và rất có thể sẽ phải mang theo suốt cả cuộc đời mà không có cách nào hóa giải. Tôi thật sự rất tiếc nuối khi sự hồn nhiên ngây thơ đã rời bỏ tôi quá nhanh, như cơn mưa rào chợt đến rồi chợt đi. Tôi thấy mình giống nhân vật Cristina trong Vicky Cristina Barcelona, luôn đi tìm ý nghĩa của tình yêu và cuộc sống nhưng kết thúc một chuyến đi cô luôn quay trở lại vạch xuất phát.


Tôi luôn ước mình được bận rộn để chẳng có thời gian nghĩ đến những nỗi buồn nhân tình thế thái như thế. Tôi luôn than thở công việc ngập ngụa nhưng từ trong sâu thẳm tôi biết công việc sẽ giúp tôi quên đi rằng "mỗi chúng ta là một diễn viên trên sân khấu của cuộc đời" (Shakespeare), rằng cuộc đời là một hội chợ phù hoa, nếu bạn dừng lại và rời khỏi thì người ta vẫn tiếp tục tiến lên mà thưởng thức những thứ phù du


Tôi tin vào khái niệm đa nhân cách, rằng trong mỗi chúng ta có ít nhất hai con người tồn tại. Một người sẽ gồng mình lên để đối phó với cuộc sống khắc nghiệt, nhưng toan tính của người đời, những bon chen của xã hội. Người thứ hai là người có mặt cùng lúc với thời điểm chúng ta chào đời, cùng chúng ta tận hưởng cái ôm, lời ru, lời dạy bảo của cha mẹ. Đó là lý do vì sao tôi bắt đầu thích Beyonce.


Qua album thứ ba I am... Sasha Fierce của cô, tôi phát hiện ra cô không phải là một Beyonce kiêu kỳ phù phiếm với những bài hát thị trường mà tôi vẫn nghĩ. Trong thế giới showbiz hào hoa, tráng lệ mà 1mg thiếu hụt ý chí đồng nghĩa với sự thất bại, cô buộc phải dũng mãnh (fierce) và giữ cái đầu lạnh để đạt được giấc mơ thành ngôi sao. Nhưng khi đã tẩy sạch lớp make-up, Beyonce cũng chỉ là một cô gái nhạy cảm, có những niềm vui nỗi buồn như mọi người khác.


Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao nhiều người lớn phải ước có được tấm vé quay lại tuổi thơ, tại sao có những lúc "bỗng dưng muốn khóc", tại sao lại để cho lòng tốt của mình bị gió cuốn đi, nhường chỗ cho lòng ích kỷ và sự vô tình.


Tôi luôn ước tuổi thơ ngây của mình đừng trôi qua ngắn ngủi như vậy. Nhưng tôi không phải người bi quan. Tôi buồn và trăn trở, rồi tôi lại đứng lên và tiến về phía trước.
Bởi tôi hiểu thời gian hững hờ vốn chẳng có chỗ cho từ "giá như".
Bởi hôm qua là quá khứ, hiện tại là món quà và ngày mai là tương lai.
Bởi ta không sống cho bản thân mình.
Bởi còn có ai đó yêu thương ta và sẽ khóc thương ta ngày ta rời sân khấu.



NGHĨ VỀ SƠI DÂY ĐÀN


Người xưa có câu: "căng như dây đàn", thường là ngụ ý tâm trạng căng thẳng của một người trong hoàn cảnh khó khăn nào đó. Thông thường, nghe câu này, đa phần mọi người hay liên tưởng đến những điều tiêu cực, đến sự rối lòng mà người kia đang mang.

Riêng tôi thì cho rằng, "căng như dây đàn" không chỉ mang hàm ý tiêu cực mà ở mặt nào đó, nó còn có ý nghĩa rất tích cực.


Những ai từng chơi đàn ghita đều biết, để cao độ của nốt nhạc từ cây đàn phát ra được tròn đầy và trong sáng thì phải lên dây ở mức độ cần thiết. Từng sợi dây phải được kéo căng lên thật thích hợp. Nếu dây quá trùng thì âm thanh phát ra u tối. Còn lỡ như dùng lực kéo quá mạnh thì có thể làm đứt dây không chừng.


Thiết nghĩ, đời người cũng vậy. Những cung bậc tình cảm, tâm lý của con người cũng tựa hồ như âm thanh phát ra từ cây đàn. Có khi trầm, có lúc bổng. Có lúc réo rắt, có lúc thê lương. Nhưng tất cả những âm thanh tuyệt diệu được phát ra từ cây đàn đều phải cần có một độ căng dây chuẩn xác.


Đời người là một chuỗi ngày tranh đấu.
Một người có chí hướng khác với một người an phận thủ thường.
Một người ấp ủ nhiều hoài bão sẽ khác với một người vô lo.


Người mang hoài bão lớn thì thường có áp lực nặng. Tuy nhiên, nếu như một người có quá nhiều áp lực, cuộc sống hàng ngày không có tiếng cười, chỉ có nỗi sầu khổ và căng thẳng dồn dập thì quãng đời đó cũng mất đi thi vị. Hương vị của cuộc sống cũng vì thế mà kém phần ngọt ngào.


Giả dụ như, những gánh nặng trong đời sống quá lớn mà bản lĩnh lại quá yếu, bản thân không thể đương đầu trước những nghịch cảnh thì rất dễ xảy ra những điều tiêu cực. Và đỉnh điểm là tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân. Con người đó cũng giống như sợi dây đàn bị đứt vì so dây không khéo vậy.


Còn người khác thì lại có cuộc sống trái ngược hẳn với dạng người trên. Chỉ biết sống cho qua ngày, mỗi ngày như mọi ngày. Không hề có một chút áp lực hay trách nhiệm nào, cũng chẳng bận lòng đến những gì xảy ra xung quanh. 


Khi ấy rất khó có ý muốn phấn đấu để hoàn thiện bản thân mình. Dần dần chí hướng, khí phách sẽ tiêu tan. Cuộc sống mất hết ý nghĩa. Hoài bão lúc này tựa như một sợi dây đàn chùng, chỉ có thể phát ra những âm thanh tẻ nhạt.


"Căng như dây đàn", có gì là không tốt? Khi bạn lâm vào tình thế khó khăn, có nhiều áp lực thì cũng là dịp để bạn thể hiện bản lĩnh của mình, là cơ hội để bạn thử sức bản thân, bền bỉ leo đến đỉnh núi mơ ước. Áp lực "căng như dây đàn" chẳng phải là động lực để bạn bước tiếp đến đỉnh vinh quang và hạnh phúc sau này, chẳng phải là thứ khiến bạn phải tung hết sức để lập kỳ tích hay sao?


Nhưng nếu như cây đàn của bạn, dây căng quá mức, thì bạn cần phải nhanh chóng tìm cách nới dây, thả lỏng lực lại. Còn nếu dây quá chùng, bạn cũng nên kéo căng hơn lên, tạo áp lực cho nó. Như vậy thì cây đàn đó mới có thể phát ra những âm thanh tuyệt đẹp, phát huy hết tinh tuý trong bản nhạc của đời mình.


"Căng như dây đàn" có gì là không tốt? Chỉ cần giữ cho dây căng ở mức cần thiết và bản thân mình là một nhạc sĩ tài hoa thì sẽ tạo ra được những cung bậc tuyệt vời trong âm thanh kỳ diệu.