Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

NẾU NGƯỜI ĐÓ LÀ ANH


Người ta nói ranh giới giữa "sự quan tâm" & "làm phiền" rất mong manh.
Nó tùy thuộc vào đối tượng & tình cảm của mình với đối tượng ... Điều này thật đúng lắm ...

Người đó lại vừa gọi điện hỏi thăm em ... và cũng như bao lần khác ... em khước từ những lời mời, sự quan tâm của người đó đối với em bằng lý do ... em đang bận việc ... bận lắm lắm ... không biết đến khi nào mới về nữa ...

Người đó cười buồn, hỏi lại em "Định cống hiến hết tuổi thanh xuân của mình cho công việc & công ty hay sao? Có ai ghi nhận công đức của em không?" ...

Đáp lại, em trả lời với sự miễn cưỡng "Biết sao được giờ ... công việc mà ... do tính chất công việc thôi ... làm ở đâu cũng thế ..." ...

Trả lời qua quýt ... để nhanh chóng kết thúc cuộc nói chuyện không như ý muốn của mình ...

Trả lời người ta vậy đó, nhưng thực tế là thế nào?
Bởi vì em không yêu người ta, nên sự quan tâm của người ta dành cho em ... em lại cảm thấy đó là sự làm phiền ... không thích sự quan tâm ấy ...

Cũng bởi thế mà em luôn tìm được lý do ... chính đáng để từ chối những lời mời từ người đó ...

Người ta đặt câu hỏi "Nếu em có gia đình, thì em cũng suốt ngày bỏ nhà mà lên công ty làm việc hay sao?" - Em chỉ biết cười trừ ...

Nếu đổi lại, người đó là anh, là người em yêu thương và mong muốn được cùng nhau đi suốt cuộc đời ... thì sao?

Em sẽ không phải mệt trí nghĩ ra những nguyên nhân để từ chối đâu ... bởi lẽ, em luôn muốn được bên anh mà ...

Bất cứ khi nào anh cần, ở bất cứ đâu ... chỉ cần anh nhắn tin thôi ... em sẽ bỏ hết công việc ở đấy mà đến bên anh ...

Nếu là gia đình, và người đang chờ em ở nhà là anh, người em yêu thương, em sẽ tranh thủ từng giờ từng phút để mau chóng về nhà ...
Chỉ cần người đó là anh thôi ... thì mọi chuyện đã khác rồi...
Nếu người đó là anh, chỉ cần một câu hỏi thăm bình thường thôi cũng làm em xúc động lắm, hạnh phúc lắm ... em sẽ lưu và đọc đi đọc lại mãi thôi ...
Nếu người đó là anh, có lẽ ... em đã là người hạnh phúc nhất trên đời rồi ...
Nếu người đó là anh ...


CẢM XÚC XUỐNG PHỐ CHIỀU NAY



Chiều nay tan sở sớm chuẩn bị cho chuyến công tác... tôi vội ghé quán cà phê gió Bắc trên đường Phạm Ngọc Thạch cho một cuộc hẹn với bạn cũ. Vừa tấp vào quán thì trời lại mưa lất phất. 


Tôi chọn một góc quen thuộc ngồi nhìn trời và người qua lại. Bạn tôi bị mắc mưa nên tới trễ một chút. Tôi thích cái khoảng thời gian chờ đợi trước một cuộc hẹn, nó khiến cho tôi suy nghĩ được nhiều điều, tôi có thể thả hồn mình lang thang một nơi nào đó vô định...


Qua khung cửa kính là dòng người vội vã đi dưới mưa. Cái buồn đến ảo nạo.


Hồi xưa tôi vẫn nghêu ngao hát 1 bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:


 Trời còn làm mưa
Mưa rơi mênh mang
Từng ngón tay buồn
Em mang em mang
Đi về giáo đường ngày chủ nhật buồn
Còn ai còn ai
Đóa hoa hồng cài lên tóc mây
Ôi đường phố dài
Lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em nồng nàn
Ru em nồng nàn.

Trời còn làm mây

Mây trôi lang thang
Sợi tóc em bồng
Trôi nhanh trôi nhanh
Như dòng nước hiền
Ngày chủ nhật buồn
Còn ai còn ai
Đóa hoa hồng vùi quên trong tay
Ôi đường phố dài
Lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em giận hờn
Ru em giận hờn.


Trời còn làm mưa

Mưa rơi mưa rơi
Từng phiến băng dài
Trên hai tay xuôi
Tuổi buồn em mang
Đi trong hư vô
Ngày qua hững hờ.

Trời còn làm mưa

Mưa rơi mưa rơi
Từng phiến mây hồng
Em mang trên vai
Tuổi buồn như lá
Gió mãi cuốn đi
Quay tận cuối trời.

Trời còn làm mưa

Mưa rơi thênh thang
Từng gót chân trần
Em quên em quên
Ôi miền giáo đường
Ngày chủ nhật buồn
Còn ai còn ai
Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi
Em gầy ngón dài
Lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em muộn phiền
Ru em bạc lòng.
 
Bài hát như nhắc về một thời xa lắm, về những chàng trai 1 thời sinh viên đã theo đuổi tôi...họ ôm đàn hát cho tôi nghe những bản nhạc Trịnh, những ca khúc Ngô Thụy Miên, Lam Phương....


Bạn bè tôi vẫn nói  số tôi là số hồng nhan, đa sầu đa cảm, tôi sẽ khổ về đường tình. hjhj ..... Ngày đó tôi chỉ có biết học.... nên nghe mọi người nói vậy thì chỉ cười trừ....

Thời gian 5 năm đại học trôi qua cái vèo.... những người đã 1 thời ôm đàn hát cho tôi... họ rồi cũng ra đi …Không để lại gì, không còn gì.... họ nói tôi là băng giá, là gỗ đá.....bởi lúc đó mục tiêu tôi là học và đi lam....Giờ tôi lại nghĩ.....có lẽ đó là một khoảng thời gian tôi đã lãng phí cho tuổi xuân của mình. 


Nhưng đôi khi tôi cũng tự an ủi: “nếu chúng mình có cùng chung lối, chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?”.hjhjhj Rồi tự ru mình vào những cơn mê mải, trong nỗi cô đơn tột cùng.


Ngồi một mình trong quán vắng, với bộ đồ công sở trang nghiêm gọn gàng, đôi mắt buồn thoáng mơ màng, mái tóc xõa dài trong một buổi chiều buồn mưa tầm tã, hình ảnh ấy hiện lên thật thơ mộng. 


Một vài anh chàng bàn bên thỉnh thoảng liếc qua, trong đầu tự hỏi cô ấy đi một mình hay với ai, có nên bắt chuyện không! Tôi tránh những ánh mắt dò hỏi đó rồi lại tiếp tục trôi theo những suy tư…


Lâu lắm rồi tôi mới ghé quán cà phê này, lâu lắm rồi từ khi công việc mới làm tôi trở nên bận rộn, từ khi tôi thấy một số mối quan hệ đã trở nên mất thời gian phù phiếm, từ khi tôi tất bật với việc của gia đình,… 


Đến hôm nay tôi mới ngồi đây, quán cà phê gió Bắc rất quen thuộc, để nhâm nhi với người bạn thân. Điều đó làm cho cảm xúc của tôi sống lại, làm cho tôi bắt đầu nghĩ được và viết được, những nơ ron thần kinh bắt đầu cựa mình hoạt động, mặc dù những cảm xúc ấy không hoàn toàn là tích cực…


Bạn tôi đến, cậu bạn thân đã mười năm nay.... tình cảm vẫn vậy. Ngày xưa lúc cậu ấy chưa có gia đình, hai đứa có những khoảng thời gian lang thang khắp nơi, lúc quán cà phê, lúc quán nhậu… Giờ có vợ rồi thì lúc nào cũng tất bật, điện thoại reng liên tục nên gặp nhau cũng vội vàng, chỉ kịp nhìn nhau và hỏi thăm dạo này sống tốt không mà thôi. 


Câu chuyện xoay quanh gia đình, công việc và vài mối quan tâm bạn bè khác. Cậu bạn khoe khoang những tin nhắn của mấy cô em 9x gửi đầy tự hào.... haizzz

Tôi ngồi gật gật gù gù rồi đưa vài lời khuyên mà có lẽ cậu ta thừa biết nhưng chẳng chịu nghe. Tôi chợt thì thầm: không biết mai mốt chồng mình có vậy không ta? Ờ thì, có thể như vậy, có thể không, hên xui…


Bạn tôi than thở mệt mỏi vì cuộc sống cuốn cậu ta quá nhanh, nhìn đi nhìn lại thấy thời gian trôi vèo vèo. Rồi già, rồi hối tiếc.....

 
Tôi vuốt mái tóc xõa dài và thơm mùi hoa oải hương, nhìn bầu trời , dòng người thưa thớt dần và nhắc chừng bạn tôi không về công ty nữa thì về nhà sớm kẻo vợ mong, con ngóng. Nó cười chê tôi lạc hậu nói vợ nó đón con rồi... giờ chưa đến lúc tan sở về làm gì. Tôi cười nhẹ... tôi lại nghĩ" sau này không biết chồng tôi có thế không???"


Bắt taxi về, trong lòng nhẹ tênh. Cuộc đời đã cuốn trôi mọi thứ quá nhanh. Tôi lúc này đã trở nên lạc hậu trong mắt ai đó. Cuộc sống vẫn bận rộn, công việc vẫn đều đều...vẫn yêu, vẫn nhớ, vẫn thương… nhưng sao tôi thấy yêu thương quá mong manh? Cuộc sống rất vô chừng?


Về nhà, vừa thay bộ quần áo công sở trang nghiêm lịch lãm, tôi muốn nhắn tin cho một nguời nào đó mà tôi thích một câu: "em nhớ anh" mà sao lòng trống không .....BỞI VÌ TÔI VẪN CHƯA  GẶP ĐUỢC HỌ

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

CON GÁI BẮC KỲ ĐẤY, THÌ ĐÃ SAO




Bạn nhắn một cái tin mà bất cứ ai đọc xong đều chẳng thèm bình luận gì nhiều chỉ nói duy nhất một câu: “Đứa nào mà vô duyên thế? Vô duyên hết cả phần người khác...!!!”.
Tin nhắn ấy thế này: “Đúng là dân Bắc kỳ, ăn rau muống lì như trâu!”
Thực sự, lúc ấy tôi đã không tin nổi vào mắt mình và càng không tin nổi tại sao một người như bạn, một người đã hơn một lần tôi tin tưởng vào sự chân thành ấy lại có thể nói ra một câu “hay ho” như thế. Cái cảm giác choáng váng, tím tái mặt vì tức giận và xấu hổ làm đầu óc tôi gần như mụ mẫm, miệng lưỡi cứng đơ không thốt nên bất cứ lời nào. Sock!
Tôi tức giận khi sự xúc phạm của bạn khiến lòng tự trọng trong tôi bị tổn thương ghê gớm, tôi xấu hổ với chính mình, với những người xung quanh tôi bởi không hiểu sao tôi lại đã từng có thể giao thiệp với một người thiển cận và thô lỗ đến thế. Tôi nghĩ, có lẽ cho mãi đến giờ phút này bạn chưa hẳn đã là một người đàn ông trưởng thành so với cái tuổi xấp xỉ 30…
Bởi thế nên tôi dễ dàng bỏ qua, tha thứ và… quên!
Tôi vẫn thường nghe người ta bảo, rằng con gái “Bắc kỳ” nào là ghê gớm, chua ngoa, đanh đá lắm; dân “Bắc kỳ” khôn ngoan kiểu cách quá, lại thêm khéo léo ngọt ngào cái kiểu “ngọt gọt tận xương”, hay người “Bắc kỳ” kiêu ngạo, lạnh lùng, giả tạo, sống thiếu hoà đồng và không… thật.
Tôi có cảm giác dường như mọi mỹ từ gợi những cảm giác mạnh như thế đều được dành riêng cho dân “Bắc kỳ” chúng tôi một cách ảm chỉ có chủ đích. Mới đầu nghe thì cũng thấy ấm ức, khó chịu trong lòng vì cảm nhận được rõ ràng sự miệt thị sâu sắc trong hai từ ấy. Mãi sau rồi cũng quen đi, thậm chí còn cảm thấy hãnh diện tự hào vì mình đúng là con gái “Bắc kỳ” chính hiệu khi có người hỏi: “Em quê ở đâu ta?”
Ừ, có thể con gái Bắc kỳ ghê gớm, chua ngoa, đanh đá thật, nhưng cái ghê gớm, chua ngoa, đanh đá ấy lại mang đầy sự tinh tế và ý nhị mà không phải con gái miền nào cũng may mắn có được. Mỗi khi “có chuyện” con gái Bắc thường chẳng thèm ầm ĩ, ra rả như hát hay mà chỉ mượn gió bẻ măng “xa xa gần gần” tí chút nhẹ nhàng thôi nhưng đủ sâu xa ở mức độ khiến người khác phải… nhột nhạt và tự nhắc mình đừng có dại gì mà đùa với… lửa.
Rõ ràng là họ mắng đấy mà lại không phải là mắng!!!
Cái khéo léo, khôn ngoan của những người tự biết độ nông sâu trong suy nghĩ, trong lời ăn tiếng nói để trông trước nhìn sau, để biết đối nhân xử thế làm đẹp ý vừa lòng mọi người mà “dĩ hòa vi quý” chứ không phải giảo hoạt, ngoa ngôn hay đầu môi chót lưỡi.
Ai đó bảo kiêu ngạo, lạnh lùng là một tính xấu thì có lẽ đâu đó trong lời nhận xét này đang có chút gì nhầm lẫn. Nếu không kiêu kỳ một tý, lạnh lùng một tý, đanh đá một tý, cứng đầu một tý, bướng bỉnh một tý, chua chát một tý cộng thêm một vài bản tính thường tình sẵn có sao thành cái Duyên con gái? Mà con gái Bắc kỳ lại là những người biết cách dung hòa cực kỳ khéo léo mỗi thứ “một tý” đấy nên mới tạo nên cái duyên ngầm, đặc trưng rất riêng xứ ấy.
Mọi người cũng chê ở đấy người ta sống giả tạo, khó gần và... không thật nhưng mọi người biết đấy, ở đâu mà chẳng có người nọ người kia, ở vùng miền nào mà chẳng có kẻ xấu người tốt. Thế nên chẳng thể quàng xiên mà đánh đồng cho riêng con gái, cho riêng dân Bắc kỳ được. Có chăng, các cô “Bắc kỳ nho nhỏ” ấy cũng lại chỉ khéo vận dụng cái câu “Đi với bụt mặc áo cà sa/Đi với ma mặc áo giấy…” vào trong mỗi lời ăn tiếng nói, trong mỗi ngữ cảnh của mình. Đôi khi, trong mỗi ngôn từ với những ý tứ sâu sa, sắc xảo quá khiến người nghe dễ hiểu thành ngang ngược, chua chát.
Cũng chẳng phải là đang tự biện ngôn cho cái xuất xứ Bắc kỳ của mình nhưng tôi dám chắc rằng nếu những người con gái có quá nhiều nét đặc trưng… xấu thế thì có lẽ đã không được ưu ái để trở thành nguồn cảm hứng và đi vào thi thơ nhiều đến vậy.
Chẳng thế mà Nguyễn Tất Nhiên đã từng thảng thốt kêu lên:
Đôi mắt tròn đen như búp bê
Cô đã nhìn anh rất… Bắc kỳ
Anh vái trời cho cô dễ dạy
Để anh đừng uổng mớ tình si…”
Và để đáp lại “tấm chân tình” của thi sỹ dành cho cô gái Bắc, Nhược Thu đã từng hồi đáp lại như một lời giải biện cho cái tính trái tính trái nết nhưng duyên dáng, khác biệt, đáng yêu rất cuốn hút người đối diện của mấy cô, rằng:
“Dễ dạy hay không chắc sẽ… tùy!
Môi hồng đâu dễ để phải đi
Hỡi cô em Bắc kỳ nho nhỏ
Nếu muốn hôn em phải trả gì???!!!”
Và tôi – một cô gái Bắc mang trong mình trọn vẹn một tâm hồn cũng rất ư là… Bắc. Bởi đấy không chỉ đơn thuần là quê hương xứ sở, là nơi tôi được sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng và trưởng thành, mà đấy còn là mảnh đất đầu tiên gieo xuống đó những hạt mầm yêu thương vẫn được nảy nở mỗi ngày, mỗi ngày một dày thêm, một nhiều hơn lên nơi sâu thẳm trái tim này.
Và tôi đã yêu – sẽ yêu – mãi yêu... Một tình yêu lâu bền và thủy chung, sâu sắc và ngọt ngào để rất kiêu hãnh mà thú nhận rằng: “Ừ, tôi là con gái Bắc – thế thì đã làm sao!?”


Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

KINH NGHIỆM NẤU PHỞ

Cách tự nấu phở bò tại nhà:

 1 Rửa sạch xương bò. Bắc nồi nước 13 lít nấu sôi lên, bỏ xương bò vào nấu cho sôi lên, tắt bết, đổ nước dơ, rửa sạch xương bằng nước lạnh, lấy đũa moi hết tuỷ và mỡ trong xương ra, rửa thật sạch lại phía trong và ngoài, để riêng ra cái thau. 

2 Bắc nồi nước lạnh lớn trên bếp nấu cho sôi lên, bỏ xương vào cho ngập nước + gừng + 1 onion nướng, không đậy nấp, mở lửa riu riu hầm trong vòng 6-8 tiếng hoặc 12 tiếng cho chất ngọt của xương thấm vào nước. 

3 Sau khi hầm xương xong, cho vào: Hột ngò cho vào lò nướng 350 độ cỡ 15-20 phút  + 2 trái thảo quả khô + 4 hoa hồi + quế, hầm thêm 15-20 phút. Tắt bếp. Vớt hết ra trừ xương. 

4 Cho vào nồi 1 muỗng canh muối + 1 cục đường phèn bằng ngón chân cái. Nhớ vớt bọt thường xuyên. 

5 Hầm thịt: thịt bò bắp + nạm + gân rửa sạch bằng nước lạnh pha muối. Cho vào nồi khác, nêm chút muối + đường, hầm 45′-1 tiếng cho bắp + nạm mềm lấy ra xả nước lạnh, xắt thật mỏng để riêng ra. Còn gân bò thì hầm 3-4 tiếng cho đến khi mềm. Nhớ vớt bọt thường xuyên. 

Khi gân mềm lấy ra xả nước lạnh, xắt miếng vừa ăn, xếp lên dĩa nạm + bò bắp cho gọn. Còn nồi nước xúp thì lấy 1 cái khăn sạch rửa sạch hoặc miếng vải mỏng rửa sạch, lọc lấy nước xúp và trong cho vào nồi xúp phở. 


6 Thái thịt bò nạt thật mỏng. Còn “sách” thì lửa tổ ong thật là mỏng mới ngon, trụng sơ với 1 chén dấm + nước sôi, lấy ra xả nước lạnh, xắt miếng vừa ăn, xếp lên chung với bước 5. 


7 Rửa sạch rau sống để qua một bên. Hành lá xắt nhỏ + ớt hiểm xắt nhỏ, hành tây xắt sợi. 

8 Trình bày: Ăn tới đâu thì luộc phở tới đó. Nấu nồi nước sôi chần sơ bánh phở để vào tô, xếp hết các thứ thịt mỗi thứ một ít lên trên, chan nước lèo lên, cho vào rau sống. 


Dùng nóng. Lưu ý cách nấu nước dùng ngon Nước dùng được sử dụng rất nhiều trong các món ăn của người Việt. 

Để có nồi nước dùng ngon cũng cần những bí quyết riêng. Mời bạn cùng tham khảo nhé! Thời gian ninh Thời gian nấu các loại nước dùng tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu. 


Chẳng hạn, nước dùng gà và lợn xưa thường nấu 4-6 giờ (vì trước chủ yếu là chăn thả tự nhiên, thịt chắc, vị ngọt, thành phần dinh dưỡng bền vững), nay thời gian đun ít hơn. 


Riêng nước dùng bò thì ninh lâu hơn, từ 8 đến 10 giờ. Nước dùng thủy sản không nên đun quá 45 phút, nếu không sẽ đục và chua. 

Cách ninh Điều kiện đầu tiên để có nồi nước dùng thật trong, ngọt là bạn phải chọn nguyên liệu thật tươi, ngon rồi sau đó dùng kỹ thuật chế biến phù hợp. 


Chẳng hạn, với nước dùng gà và lợn không nên sử dụng xương đầu nấu vì ôi. Xương hom và xương đuôi vừa ngọt vừa thơm. Trước khi cho vào ninh, thịt, xương lợn gà cần chần qua một lần nước sôi (đun sôi, cho xương vào rồi bỏ nước này đi) để khử mùi hôi của thực phẩm và làm nước dùng trong. 


Với xương bò, nhất là xương ống, trước khi ninh cần nướng với nhiệt độ cao thì nước dùng thơm, trong và ngon hơn. 


Kỹ thuật đun 
- Cho xương đã chần vào nước lạnh, đun to cho sôi lại nhanh, sau đó hạ nhỏ lửa cho sôi lăn tăn vài phút cho các bọt cứng lại rồi hớt sạch. 

- Sau đó, cho cả quá trình sôi liu riu. Gia vị đặc trưng cần thêm vào Nước dùng bò 

- Nước dùng bò không thể thiếu quế chi, thảo quả, hoa hồi, gừng, hành khô. 



- Hành và gừng cho xuống gầm lò nướng cho chín nhưng không cháy vỏ (chính lớp vỏ đỏ của hành khô có tác dụng làm nước trong, màu đẹp), hoa hồi bẻ từng cánh, quế bẻ nhỏ, quả thảo lấy hạt vàng khô thơm dùng khăn chà xát cho sạch, giã, rồi gói bằng vải sạch, cho vào nồi nước dùng. 

- Trên nồi nước dùng bò thường có lớp mỡ để giữ nhiệt, giữ được các tinh dầu thơm. 

Nước dùng gà - Nước dùng gà lợn thường có hành, hạt tiêu đập giập, gừng, nấm hương, chân nấm. Nước dùng gà lợn dùng ăn bún thang, tần, các món canh… Lời khuyên & Cảnh báo Cách khắc phục nếu trót nấu nước dùng đục - Lòng trắng trứng đánh tan, cho vào nước dùng (lúc nguội), đặt lên bếp vừa đun vừa khuấy đều cho các vẩn đục bám hết vào trứng. - Băm thịt (nước dùng gì thì băm thịt ấy), trộn lòng trắng trứng, nấm hương cho vào nước dùng nguội sẽ làm nước dùng vừa trong vừa ngon hơn. - Nếu nấu nước gà bị đục, cho tiếp xương gà vào đun cũng làm nước trong và ngon hơn.

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

GỬI CÁC ANH ĐÀN ÔNG


Những người phụ nữ ở thời nào thì cũng khổ. Ấy là nói đến số đông chứ không kể riêng ai. Thời con gái, ngay cả khi đang "sắc nước hương trời", mấy ai đã dám khẳng định mình sẽ tìm và xây đắp được hạnh phúc trọn vẹn, bởi điều kiện ban đầu dù thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải phụ thuộc vào nửa kia còn lại; mà cái nửa ấy thì đâu phải chỉ 50%, có khi nó còn cao hơn nữa ấy chứ. Các cụ ngày xưa đã nói nhiều điều, nghiệm ra cái gì các cụ nói cũng đúng. "Thân người con gái như hạt mưa sa…", thế cho nên ai chả muốn "gặp bến trong, khỏi hờn duyên má hồng".


Nhiều lúc tôi hay rỗi hơi để nghĩ nhiều về số phận con người. "Con người ta sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ quyền được sống, được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Câu nói đó của Bác Hồ trong "Tuyên ngôn độc lập" cùng cái giọng trầm ấp áp của Người luôn âm vang trong tôi mỗi khi tôi nghĩ và suy ngẫm đến nó. Vậy mà tôi lại tin rằng có rất nhiều người không nhớ, thậm chí không biết đến câu văn bất hủ ấy.







Tôi không nghĩ rằng những người vợ, những người phụ nữ phải đi tìm hay đi đòi cái quyền bình đẳng ấy. Đấy phải là trách nhiệm của những người đàn ông, những người được làm chồng và họ phải có bổn phận đem lại cái quyền ấy cho những người vợ, những người phụ nữ với cách thực lòng chứ không chỉ là hô khẩu hiệu. 


Tiếc thay, người ta lại thường chỉ nhớ đến quyền lợi là chính và rất hay quên đi trách nhiệm. Mà không phải chỉ là những thường dân đâu nhé. Những người tôi thấy và suy nghĩ đa phần lại là tầng lớp được coi là phía trên. Tôi nghiệm ra rằng những người vất vả về cơm áo gạo tiền thường lại là những người sống tốt và giàu nhân ái, có lẽ vì họ không có thời gian để làm những điều này điều khác nên rất quý cuộc sống, không phải chỉ của riêng mình mà của cả những người xung quanh.


Sếp  công ty khác tôi biết  hay chê vợ. Khi ở cơ quan, ông thường tán tụng các cô, đôi khi hết lời. Ông cũng hay khoe những ý tưởng này nọ của ông, mà theo ông là không phải ai cũng nghĩ ra được. Tất nhiên thôi, vì ông là sếp mà. Nhưng nhiều khi họp, ngồi thu mình dưới góc hội trường, nhìn ông hoa tay múa chân trên bục sân khấu, tôi lại nghĩ tới một câu nữa của các cụ: "Văn mình, vợ người". Thế tại sao lại không có một câu đối lập lại là "văn mình, chồng người" nhỉ. Tất nhiên cả hai câu đó đều không tốt nếu nó cứ xảy ra. Nhưng như vậy cũng là bất bình đẳng chứ gì. Một đằng là quá hợm hĩnh và tham lam mà xã hội xưa nay vẫn xảy ra, còn một đằng là sự phá phách, may mà nó không được công nhận. Thế mà trước khi đi đến hôn nhân thì hầu như ai cũng thề thốt, ai cũng cho rằng mình đã tìm được nửa cần tìm kia đấy.


Lại còn những kẻ đánh vợ nữa chứ, thật là đồ hèn. Người đánh người, là một tội. Đàn ông đánh đàn bà, ấy là hai tội. Lại là chồng đánh vợ nữa, tất là ba tội. Thế thì những lúc ái ân, có ai liên tưởng đến những lúc như thế không nhỉ. "Chuyến đò nên nghĩa", "một đêm nằm một năm ở". Mỗi đêm nằm bằng một năm ở. Ba năm đêm nằm là hơn một nghìn năm ở, còn nếu ba mươi năm đêm nằm thì đã là hơn mười nghìn năm ở rồi, gần gấp ba lần thời gian sống từ đời Vua Hùng đến nay còn gì, thật là thọ ngang trời đất. Những ai đã một lần thô bạo với vợ, có nghĩ đến điều này không?

Phải chăng vì người vợ kém cỏi hơn người chồng? Dứt khoát không phải vậy. Tôi đã gặp những cặp vợ chồng biết suy nghĩ thấu đáo khi mở Công ty riêng. Có thể là người chồng đóng vai chính, định hướng đi và đưa ra được cả những cách kinh doanh cụ thể cho Công ty, nhưng họ lại sắp đặt vợ là Giám đốc, còn chồng sắm vai phó Giám đốc. Tôi cho như thế là quá khôn, bởi người phụ nữ bao giờ cũng có khả năng thu vén, lo xa và có ý thức xây dựng gia đình cao hơn. 


Họ còn có khả năng ôn hòa, khéo léo hơn trong giao tiếp, ứng xử với đối tác (kể cả các loại đối tác lượn lờ như mấy anh quản lý thị trường hay mấy gã thu thuế…) nên ít mắc sai lầm. Trong khi đó đàn ông thường huênh hoang tự phụ hơn. Có ít tiền trong túi thì không sao, nhưng cầm nhiều tiền trong tay là có khi các bố lại ngứa ngáy…, mà đã ngứa ngáy là hay sinh chuyện, dễ mắc sai lầm đáng tiếc, có khi dẫn đến đổ bể Công ty.


Tôi chưa thấy cảnh người chồng thất cơ lỡ vận quay về nhà mà thất vọng bao giờ. Vợ là hậu phương, biết lo xa và bao giờ cũng biết dành dụm chút đỉnh phòng khi trái gió trở trời. Nhưng nếu đặt hậu phương vào tay người đàn ông thì nơi cuối đường có khi không còn có chỗ lùi. Người đàn ông nhiều khi cầm một đồng trong tay hay cầm một triệu trong tay là giống nhau. Những gia đình mà vợ tay hòm chìa khóa thường an toàn và hạnh phúc hơn những gia đình để chìa khóa hòm vào tay người chồng.


Tôi là kẻ ngoại đạo trong thế giới đàn bà, nói ra những điều trên thật như múa rìu qua mắt thợ. Các chị em phụ nữ biết rõ giá trị của mình hơn, xin hãy mạnh dạn nói hết ra để cảm hóa và tu tỉnh bọn đàn ông nhé./.