Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

VÀNG HAY TIỀN


Năm 2012-2013, Việt Nam chịu cùng lúc ba sức ép lớn nhất góp phần chính làm cho nền kinh tế suy thoái sâu, mà trước đấy may mắn không bị vướng phải.

Đó là: thị trường bất động sản, thị trường ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Ba sức ép cùng hội tụ, tạo ra sự cộng hưởng và gây ra những nguy hiểm chưa bao giờ có cho nền kinh tế nước nhà. Các lời giải cho từng điểm một đã được đưa ra, nhưng lời giải tổng thể thì chưa tới.Điều ngạc nhiên là trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, vấn đề quản lý thị trường vàng vẫn bị bỏ ngỏ. Đây là một lĩnh vực rất nóng, cực mới nhưng chưa hề được nhắc đến, kể cả cấp cao và những hội nghị, hội thảo lớn.
Thứ nhất, muốn chống "vàng hóa" tiền tệ nhưng lại quản lý bằng cách tiệm cận hóa vàng, bằng việc quy định về vàng miếng, vàng thương hiệu quốc gia và để cho giá trị của vàng miếng thương hiệu cao hơn tới gần 5 triệu đồng so với vàng bình thường cùng hàm lượng 9999. 
Như vậy, đã vô tình biến vàng thành tiền. Cách làm này dù vô tình hay cố ý đã gây tác động ngược và biến nó thành một mô hình rất nguy hiểm, điều này cần phải được xem xét.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) năm 2005 đã khẳng định, trừ vàng với tư cách là vàng tài chính dự trữ quốc gia, còn lại vàng hàng hóa có hàm lượng như nhau thì phải được đối xử như nhau. Như vậy, không lý nào lại thực hiện việc dùng một cái dấu SJC để biến vàng bình thường thành vàng "thương hiệu" quốc gia!

Thứ hai, quản lý tập trung và độc quyền nhà nước mâu thuẫn với kinh tế thị trường. Rất tiếc, cho đến nay, mới có lời tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thương hiệu vàng miếng mà chưa có một đề án chính thức mang tính pháp lý về vàng thương hiệu, không có quy trình, quy chế, mà trách nhiệm, lợi ích cũng không rõ ràng.

Ngay cả Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ cũng chỉ quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chứ chưa quy định liên quan đến thương hiệu vàng miếng, thương hiệu vàng quốc gia. Nói "tùy tiện" thì hơi nặng nhưng thực sự là rất duy ý chí.

Hơn nữa, nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 được thông qua, phần về vàng ghi: "Khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế”. Đây như một tiêu chí được mọi người ủng hộ.

Năm 2011, khi giá vàng trong nước đắt hơn giá vàng thế giới 2 triệu đồng/lượng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ đưa mức chênh lệch này về 400 ngàn đồng, nhưng đến cuối năm 2012, chính ông lại cho rằng, không có lý do gì để bình ổn giá vàng.

Mục tiêu mà ông quan tâm là chống đầu cơ vàng. Như vậy, quan điểm của ông Thống đốc đã thay đổi rất mạnh, rất cơ bản và rất ngược nhau.

Thứ ba, việc độc quyền của Nhà nước về vàng có gắn với lợi ích nhóm và lợi ích DN hay không khi mà mức chênh lệch giá lớn đã và đang kéo dài trong nhiều tháng qua? Tiền chênh lệch đến gần 5 triệu đồng giữa giá vàng trong nước và thế giới, chênh lệch đến 400 ngàn đồng/lượng giữa vàng thương hiệu SJC với các loại vàng khác, đã đi đâu?

Nếu tiền được bổ sung vào ngân sách nhà nước thì rất tốt, nhất là khi ngân sách nhà nước đang khó khăn. Nhưng đến nay, trách nhiệm giải trình của cá nhân về các vấn đề liên quan đến thị trường vàng vẫn chưa có.

Không dừng lại ở đó, khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ áp đặt biên độ giá vàng. Nhưng biên độ giá đó sẽ căn cứ vào đâu, nếu giá vàng trong nước không liên thông với giá quốc tế, nếu không lấy cơ chế thị trường, giá thị trường làm căn bản? Những điều này, không rõ Quốc hội có biết không, Chính phủ có biết không, nhưng rõ ràng người dân không được biết.

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

BỞI VÌ TÔI LÀ ĐÀN BÀ



" Chỉ muốn viết vài dòng...cho tôi...người đàn bà có trái tim trầy xước..."
Tôi nhớ, "Đàn bà" là danh xưng ngày xưa người ta gọi những phụ nữ có chồng...
Ngày nay, "đàn bà" là 2 từ dùng cho người phụ nữ đã lên giường với đàn ông, dù ngươi đàn ông đó chưa hoặc không phải là chồng họ...
Còn với tôi..."đàn bà" là những người phụ nữ với tâm hồn mang đầy vết xước.
Khi một cô gái biết yêu và bị tình yêu làm cho đau khổ, tuyệt vọng, mù quáng....khi họ bắt đầu biết oán trách, từ bỏ, và chấp nhận...khi đó họ trở thành đàn bà.
Tôi thấy trong "Nhật ký son môi", cô gái ấy gọi khoảng thời gian mà tôi cũng đã từng trải qua là 'khủng hoảng tuổi hai mươi"...Uh thì ít nhất nó còn có thể được gọi bởi một cái tên "mĩ miều" như thế,...Còn tôi, những ngày tháng ấy, tôi gọi nó với cái tên "tuyệt vọng".


Blog này ra đời cùng với những đêm tôi mất ngủ, là nơi để tôi trút những nhớ thương, hờn giận, và đôi khi có cả sự bất mãn..nhưng sau này tôi nhận ra, ta đau cũng bởi vì ta đã yêu quá nhiều, yêu đến cạn kiệt....

Tôi đã một mình lang thang không biết bao nhiêu quán cà phê, đã nằm nghe tiếng đồng hồ và gặm nhấm những kỷ niệm ít ỏi của 1 thời sinh viên, cái thời đẹp mà bình yên nhất...để vô tình nhận ra có cái gì âm ấm vẫn cứ lăn mãi, lăn mãi trên gò má ngày một xanh xao...

Và cho đến một hôm, tôi tìm thấy "đàn bà nhẹ dạ" của chị A mà tôi quen trên mạng.

Tôi đã sống với từng nhân vật trong truyện chị viết, đau cho nỗi đau của riêng mình và nhiều người đàn bà như tôi...để cuối cùng tôi nhận ra cái "chân lý" giúp tôi vượt qua nỗi tuyệt vọng và cái tình yêu mù quáng đang đốt cháy tôi mỗi ngày là trở thành một "người đàn bà độc lập"...

Người đàn bà độc lập” không cần phải hô hào đòi hỏi “Nam nữ bình quyền” theo kiểu “Ông ăn chả bà ăn nem”. Để rồi ở một góc khuất nào đó, bản chất đàn bà vẫn ngọ nguậy như con giun mà không thể búng ra khỏi cái ao tù nhỏ nhoi do chính mình tạo ra. Tôi muốn nhìn thấy người đàn bà của tôi hiểu được các giá trị đích thực của cuộc sống, của chính cuộc đời cô ta. Khi hiểu được các giá trị ấy, đó là lúc cô ta sẽ biết cách “chấp nhận và từ bỏ” đúng lúc.

Tôi đã học cách từ bỏ, quan sát cuộc đời bằng 1/2 trái tim, đủ để cảm thông nhưng không sa đà, tự kỷ. Đôi khi, nhìn lại tôi tự hỏi, tại sao đàn bà chúng tôi lại yếu đuối và nhẹ dạ đến vậy. Họ ngập chìm trong sự ích kỷ của chính bản thân nhưng lại ngụy biện bằng lòng hi sinh và tha thứ...

Họ chẳng thể rời xa người yêu, người chồng của mình không phải nhờ vào lòng vị tha mà vì những nỗi sợ hãi của chính họ. Họ sợ cô đơn, sợ cái cảm giác mình là kể thất bại khi người yêu bỏ họ ra đi cùng cô tình nhân mới, sợ nuôi con một mình, sợ dư luận, và muôn vàn những nỗi sợ khác...

Tôi cũng chỉ đơn giản là một người đàn bà, với những ước mơ nhỏ nhoi là yêu và được yêu... Nhưng tình yêu với tôi bây giờ đơn giản lắm chỉ có thể gói gọn đó là "chấp nhận và từ bỏ".

Tôi chấp nhận nếu người yêu tôi cả tuần bận rộn, chẳng có thời gian đưa tôi đi dạo phố, shopping... Tôi cũng chẳng nề hà gì khi anh ấy bảo tôi nhà anh ấy không giàu có... Và tôi cũng học cho mình cái cách yêu cả những tật xấu của anh...

Nhưng tôi cũng học cả cách từ bỏ, khi tôi thấy anh tay trong tay cùng người khác,...từ bỏ khi anh chọn lựa danh vọng, tiền tài chứ không phải là tôi...và từ bỏ khi người tôi yêu lại không biết cách yêu và tôn trọng gia đình tôi, hay những người tôi yêu quý...

Có quá cầu kỳ không khi tốn quá nhièu nước mắt để hiểu những điều giản đơn ấy. Để thôi ích kỷ, níu kéo những thứ không thể thuộc về mình. Để tự hào với mọi người khi sánh vai cùng anh bước ra đường nhưng đêm về lại khóc rấm rứt vì hiểu rõ chẳng có chỗ nào mình có thể tồn tại trong trái tim anh.

Dẫu đơn giản thôi, nhưng tôi dã phải trải qua rất nhièu nỗi đau và để lại muôn vàn vết xước nơi tâm hồn để hiểu những điều ấy.
Tôi, là một người đàn bà, một người đàn bà độc lập...

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

THẬP KỶ MẤT MÁT???


Hiện nay, trên diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại Việt Nam sẽ rơi vào thập kỷ mất mát. Vậy thập kỷ mất mát là gì? Nếu điều đó xảy ra thì ai lợi, ai thiệt? Xin chia sẻ góc nhìn cá nhân tôi

1. Tiền và hàng hóa: Trong nền kinh tế thị trường, tiền và hàng hóa như hai mặt của một đồng xu, có tiền bạn mua được hàng và có hàng thì bán được tiền. Mọi cá nhân tham gia hoạt động kinh tế cũng nhằm mục đích là có nhiều tiền. Tiền và hàng hóa liên kết với nhau qua hệ thống giá, khi hệ thống giá ổn định thì ta có mặt bằng giá. Dựa trên hệ thống giá này các chủ thể kinh tế có thể cung ứng cho thị trường sản phẩm và tính được hiệu quả kinh tế. Hiệu quả kinh tế làm cho tiền và hàng hóa giữ được tỷ lệ, tức là giữ được giá. Ví dụ tôi vay ngân hàng 100 triệu đi chăn nuôi gà, tôi làm ăn hiệu quả tức là tạo ra số gà tương ứng với số tiền (cả tiền lãi), và đồng tiền giữ giá.

2. Phá sản và lạm phát: Khi một chủ thể làm ăn ngoài vốn tự có, họ thường huy động tiền từ các chủ nợ (bank, hoặc chứng khoán), nếu làm ăn hiệu quả thì họ có tiền và chủ nợ cũng có đồng lãi. Nếu họ làm ăn không hiệu quả dẫn đến không thu đủ tiền để trả nợ thì họ  buộc phải tuyên bố phá sản, lúc bấy giờ chủ thể kinh tế và chủ nợ chia nhau khoảng lỗ. Ví dụ vì một lý do nào đó-dịch bệnh chẳng hạn-gà chết sạch, tôi không bán được gà để thu tiền trả nợ, tôi phải tuyên bố phá sản. Lúc bấy giờ tôi và chủ nợ cùng mất vốn cho phi vụ làm ăn này. Lúc này hàng không có, tiền cũng không thêm nên tiền vẫn giữ giá. Kinh tế thị trường là lời ăn lỗ chịu, chủ nợ cũng phải chấp nhận cuộc chơi này. Chính điều này làm cho bên cho vay rất cẩn trọng trong việc cho người khác vay tiền làm ăn.

Trong trường hợp tôi là con quan chức cỡ bự-cậu ấm Vinashine chẳng hạn-tôi đến Bank vay 100 tỷ để nuôi gà. Tiền rút ra, tôi lại quả cho các vị ở đây 20 tỷ, ăn chơi xả láng 50 tỷ. Còn 30 tỷ tôi mua vài cái chuồng gà ộp ẹp của anh hàng xóm và vài trăm con gà rù về nuôi, cho ăn thất bát cho có việc để báo cáo. Đến hạn trả nợ tôi tuyên bố phá sản, bank tiếp quản, bán phát mãi chuồng gà tôi được 1 tỷ, mất vốn 99 tỷ. Lẽ ra theo nguyên lý thị thường những khách hàng cho tôi vay phải mất đứt khoản tiền này nhưng vì tôi là cậu ấm và chủ nợ không chấp nhận mất vốn nên được ông bố quyết định tái cơ cấu 99 tỷ đó thành trái phiếu trả dần trong 12 năm với lãi suất a%. Đây có thể gọi là cách khoanh nợ và đẩy nợ cho thế hệ tương lai trả dần. Xem cách làm đó tại đây và đây.
Đó là khoản nợ bank tư nhân hoặc bank quốc tế, nếu tôi vay bank quốc doanh thì khỏe nữa. Ông bố tôi chỉ việc ký cái rẹt xóa nợ và lệnh cho NHNN tái cấp vốn cho khoản bị mất trên. Chẳng ai thiệt trong vụ này nên chắc chắn không ai lên tiếng phản đối, có thiệt là thiệt thằng dân nhưng dân là thằng rất mông lung. Nếu ai theo dõi kinh tế VN thì sẽ biết vở diễn khoanh nợ và xóa nợ xảy ra rất nhiều lần cho các cậu ấm giống tôi-doanh nghiệp quốc doanh. Trong trường hợp này một lượng tiền mới đưa vào lưu thông mà không có vật chất làm ra trong xã hội nên đồng tiền mất giá (đây là lí do vì sao vàng từ 500k/chỉ lên 4,5 triệu/chỉ, thịt từ 30k/ký lên 100k/ký). Lạm phát là thuế đánh trên toàn dân, mọi người chịu một ít. Ai có tiền nhiều mất nhiều, ai có ít mất ít. Công nhân viên chức thì tô cơm bị vơi mất đi một phần (vì sức mua giảm).
3. Bong bóng và suy thoái: hiện nay loại cậu ấm như tôi hoặc họ hàng của tôi rất nhiều, chúng tôi ùn ùn đến bank ký giấy vay, rút tiền ra ăn chia như trên (Ông Nguyễn Bá Thanh cũng đã chỉ ra chiêu này), lúc này món đầu tư không phải gà mà là nhà đất. Vài năm trước đây chúng tôi tạo ra vui vẻ cho cả xã hội, ai ai cũng có nhiều tiền. Một số lớn đã nhanh chóng chuyển đồng bạc VNĐ sang khoảng có giá trị thực hơn là vàng và đola để gửi ra nước ngoài. Bằng cách mua bán, thế chấp, vay mượn quay vòng như vậy chúng tôi đã cùng nhau đẩy giá nhà đất lên vài lần so với giá thực của nó nếu hoạt động đúng với hệ thống giá. Đây là tình trạng bong bóng giá tài sản. Cuộc vui nào cùng đến lúc tàn, và hiện giờ cuộc vui đã tàn. Kết quả của cuộc vui là khoảng nợ tầm 2 triệu tỷ trong đó khoảng 500.000 tỷ là khoản mất đứt như 99 tỷ trong phi vụ nuôi gà trên. Đúng theo nguyên lý thị trường chúng tôi phải giao lại cả vốn lẫn lãi cho bank như trường hợp những gì ông già Alan đã làm bên Mỹ năm 1987 khi thị trường bể bóng bất động sản, nhưng Việt Nam mình nó khác. Ở đất nước Việt Nam này, không ai khác, chỉ có chúng tôi là có súng (một đảng nắm quyền) và tất nhiên chúng tôi không thể tự bắn vào chân mình được. Hiện tại không một ai có đủ sức để buộc chúng tôi phải làm cái việc đau đớn đó.

Xin lỗi các bạn là chơi không fairplay “lời ăn lỗ chịu”  nhưng vì tương lai mình và con cháu, chúng tôi buộc phải tiến hành theo hai cách trên, đó là đẩy nợ vào tương lai để mọi người cùng trả hoặc xóa nợ, bơm tiền tạo lạm phát để mọi người đưa vai vào gánh giúp chúng tôi.
Khi nền kinh tế tạo bong bóng, những đối tượng hưởng lợi đã rút tiền đi mua sắm vàng, ngoại tệ. Nền kinh tế không chấp nhận phá sản để chủ nợ mất vốn thì sẽ tạo ra suy thoái.

4. Thập kỷ mất mát: Tiến trình như phân tích trên, Việt Nam chắc chắn sẽ đi vào thập kỷ mất mát. Thập kỷ là thời gian cần có để làm cho bong bóng bất động sản xì hơi xẹp vừa phải, đủ để cả đất nước lao động tạo ra thặng dư của cải để trả món nợ hiện nay thay vì phải phá sản.

Trong 10 năm tới hàng triệu người Việt Nam lao động quần quật nhưng gần như chỉ đủ ăn, dù đồng lương danh nghĩa có thể tăng. Thặng dư thực chất của sức lao động đã bị bòn rút qua lạm phát hoặc qua thuế để trả các khoản nợ khổng lồ hiện nay. Đây là trường hợp may mắn kinh tế tăng trưởng để mọi người có cơ hội nai lưng ra cày trả khoản nợ chung.

Trường hợp như vậy là rất hiếm vì quá trình xử lý bong bóng không qua phá sản, thường dưới sức mạnh của lợi ích phe nhóm sẽ làm cho nguồn tiền tiếp tục chảy vào nuôi các Zombie như Vinaline, Vinashine,….làm cho nền kinh tế suy thoái sâu hơn, làm thời gian trả nợ dài hơn có thể đến vài ba thập kỷ. Những nước lâm vào cảnh này được gọi là bẫy thu nhập trung bình tức là làm hoài mà không khá.

Hiện nay tôi chỉ 30 tuổi, nếu không gì xảy ra, trong 20 năm tiếp theo, tôi và hàng triệu người khác làm ra của cải để trả cho các món nợ khổng lồ mà các đại gia mới nổi vài năm gần đây có được nhà lầu xe hơi-gây ra. Lẽ ra, đúng nguyên tắc của trời đất (nguyên tắc thị trường) họ phải nghèo đi nhưng không, họ đã khôn khéo dựa vào quyền lực chính trị để chuyển các bill thanh toán cho chúng tôi trả trong 20 năm tới. Cuộc đời mình xem như phấn đấu làm lụng để trả nợ cho người khác.
Còn gì bất công hơn điều này không?
Qua phân tích trên, hẳn các bạn biết vì sao ở các xứ tự do, khi kinh tế khủng hoảng là phải thay chính phủ?

P.s: Những người đấu tranh cho nền dân chủ VN cần phải tiếp cận vấn đề dưới góc độ kinh tế để mọi người, nhất là người trẻ thấy được quyền lợi và trách nhiệm trong công cuộc dân chủ hóa đất nước. Lớp trẻ sẽ không còn thờ ơ khi họ biết là mình làm quần quật để gánh nợ cho người khác đang vi vu du lịch với bồ nhí bên trời Tây.


Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

EM LÀ VỢ, LÀ MÁI ẤM ĐỂ ANH TRỞ VỀ SAU MỖI CHUYẾN ĐI


Bài này trả lời hết cho mấy anh comment hỏi lúc trưa nhé, haha, quyền lợi khi lấy vợ, và khi chỉ đơn giản là người tình hjhjh

Nếu em chỉ là người tình...

Thì anh ạ, anh sẽ chỉ thấy một sớm mai tinh khiết. Anh sẽ yêu em dịu dàng như yêu buổi ban sơ, trẻ trung và mới mẻ.

Nếu em chỉ là người tình...

Thì anh ạ, anh sẽ chỉ thấy những tia nắng sớm mong manh, dịu dàng như sợi tơ trời. Anh sẽ bị lóa mắt bởi những lấp lánh và sẽ yêu em nồng nàn như yêu hơi ấm của nắng.

Nếu em chỉ là người tình...

Thì anh ạ, anh sẽ chỉ thấy một làn gió mát vờn nhẹ bên anh. Anh sẽ thấy êm ái vì được vuốt ve và yêu em nhẹ nhàng như gió.

Nếu em chỉ là người tình...

Thì anh ạ, anh sẽ chỉ thấy những hạt sương nhẹ rơi trên trên mái tóc. Anh sẽ thấy nao lòng vì những giọt trong veo đến yếu đuối. Anh sẽ yêu em tinh khiết như yêu giọt nước mắt lăn dài trên má em.

Nếu em chỉ là người tình...

Thì anh ạ, anh sẽ chỉ thấy bờ cát dài êm ái nơi anh vô tình đi qua. Anh sẽ yêu em như biển yêu bờ cát, nồng nhiệt như con sóng xô bờ.

Nếu em chỉ là người tình...

Thì anh ạ, anh sẽ chỉ thấy một ngày xuân hoa từng bừng nở. Anh sẽ xốn sang vì vẻ rực rỡ của mùa xuân và sẽ yêu em đắm đuối như yêu nàng Xuân tươi trẻ.

Nếu em chỉ là người tình...

Thì anh ạ, anh sẽ chỉ thấy một ngày thu vàng rụng lá. Anh sẽ lao xao vì những thảm lá vàng và sẽ yêu em thiết tha như đám mây trắng yêu bầu trời xanh thẳm.


Là cả một ngày dài sáng trưa chiều tối

Là cả một năm ba trăm sáu mươi nhăm ngày

Là cả bốn mùa Thu Đông Xuân Hạ


Em không chỉ là ban mai mà còn là hoàng hôn mỏi mệt

Không chỉ là tia sớm mong manh mà còn là nắng trưa gay gắt

Không chỉ là gió mát mà còn có thể là cơn giông chớp giật

Không chỉ là hạt sương mà còn có thể là bão tố

Không chỉ là ngày xuân hoa nở mà còn là những ngày gió bấc mưa phùn

Không chỉ là ngày thu dịu dàng mà còn là ngày hạ chói chang

Không phải là bờ cát vô tình mà là vùng đất nơi bàn chân anh đã đi mòn mỏi

Nhưng anh ạ, dù anh đã đi mòn mỏi

Thì em vẫn không phải là mái ấm nơi anh trở về sau những chuyến đi

Vì ANH biết người ta không thể xây nhà trên cát






* Nếu sau này em là vợ của anh!

Là tối nào anh và em sẽ cùng nhau đi ngủ, sáng nào thức dậy anh cũng được nhìn thấy em. Em sẽ luôn hôn anh đánh thức anh dậy, chuẩn bị bữa sáng thật ngon, em sẽ nấu những món ăn mà anh thích nhất bởi em là người thứ 2 sau mẹ biết những món ăn đó mà!

Nếu sau này em là vợ của anh!

Vợ chồng mình sẽ cùng đi làm, chiều về em lại chờ anh tới đón và mỗi tối em cùng anh dạo phố tay trong tay thật hạnh phúc.

Nếu sau này em là vợ của anh!

Sáng chủ nhật em sẽ để anh ngủ nướng, em sẽ làm việc nhà thật nhẹ tay để anh không thức giấc nhưng em sẽ để dành một phần việc nhà cho anh đấy nhé, anh sẽ hút bụi cho ngôi nhà và những ngày bình thường khác anh sẽ giúp em nhặt rau và rửa bát nữa.

Nếu sau này em là vợ của anh!

Anh cứ đi gặp và ăn uống với ban bè, em sẽ đơi anh về cùng ăn cơm, anh sẽ về ăn cơm cùng em nhé! Đừng để em ăn cơm một mình, anh biết em sẽ ăn ít đi rất nhiều nếu không có anh ăn cùng em mà.

Nếu sau này em là vợ của anh!

Em sẽ làm bác sĩ của riêng anh em sẽ nấu một nồi nước xông nếu anh bị cảm lạnh.

Nếu sau này em là vợ của anh!

Chúng ta sẽ có 2 con cùng hiện diện và đồng hành cùng anh và em trong cuộc đời này, để chúng ta trở thành một gia đình thật sự, gia đình Cầu Vồng... Anh làm bố Trà Sữa, em được làm mẹ Kẹo Bông, anh sẽ được ngắm 2 con ngủ trong vòng tay của em. Trong ngôi nhà của chúng ta sẽ luôn có một loại hoa, hoa phăng - xê cho gia đình cầu vồng, loại hoa có cánh nhỏ và nhiều màu sắc như màu sắc của cuộc sống như màu sắc của gia đình chúng ta vậy!

Nếu sau này em là vợ của anh,

Em sẽ hát ru, đọc truyện cổ tích cho các con ngủ. Anh sẽ dạy Hạt Tiêu chơi đàn ghita, em sẽ dạy Hạt Cải đánh đàn piano. Anh sẽ dạy những môn tự nhiên cho con và em sẽ dạy thêm những môn xã hội và còn nữa Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ thứ hai cho gia đình cầu vồng.


Nếu sau này em là vợ của anh,

Anh phải giận em khi em làm điều gì đó sai, để em nhớ và biết sửa lỗi của mình. Nhưng anh đừng giận em lâu quá nhé!

Nếu sau này em là vợ của anh,

Anh sẽ được 2 con và em hôn lên má anh chúc mừng sinh nhật. Anh phải chạy khắp nhà tìm món quà mà 3 mẹ con em đã giấu, anh sẽ được nhận thiệp sinh nhật tự tay em làm và anh sẽ được đọc những lời chúc đáng yêu của 2 con. Anh sẽ luôn được em tháo kính đăt lên bàn khi ngủ, em sẽ mãi là người suốt đời tìm cặp kính cho anh mỗi sáng.

Nếu sau này em là vợ của anh,

Em, 2 con sẽ giúp anh tìm đường quay về khi anh bị lạc lối. Em tin chỉ tại cơn gió lạ nào đó thổi qua làm anh xao xuyến thôi! Gió đến và gió sẽ đi. Anh sẽ quay về với em, với gia đình Cầu Vồng. Em sẽ lại là em bao dung và kiên nhẫn như em đã làm với anh và các con.

Nếu sau này em là vợ của anh,

Anh sẽ nhìn thấy mọi cảm xúc trên khuôn mặt của em, nhăn nhó, cáu gắt, mếu máo, khóc hay cười thật hiền… Nếu anh biết cách chọc em cười, anh sẽ thấy những điểm đáng yêu của em… và thật may mắn hơn nữa anh sẽ thấy hết những tật xấu của em đó.

Nếu sau này em là vợ của anh,

Là em phải bỏ bớt đi hơn một phần nữa cái tôi cá nhân của em để hòa mình vào một đại gia đình mới, một cuộc sống mới và khi em có lỡ làm gì sai, Mẹ có giận và mắng em anh đừng bênh vực em. Như vậy, Mẹ lại càng giận hơn có thương em đến mấy anh cũng để trong lòng thôi nhé để về đến phòng của chúng ta anh an ủi vổ về em là được mà.

Nếu sau này em là vợ của anh,

Em sẽ chăm sóc và yêu thương bố mẹ anh như là bố mẹ của em vậy. Anh sẽ cùng bố đi chợ hoa em sẽ cùng mẹ đi mua sắm, cùng mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng đầu năm. Em sẽ mua những cuốn sách mẹ thích, mua đĩa yoga cho bố mẹ cùng tập thể dục và thêm nữa em sẽ luôn ở bên anh dù anh gặp bất cứ chuyện gì em sẽ luôn là người tiên phong tiếp sức cho anh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống này trà sữa của em ah!

Nếu sau này em là vợ của anh,

Em sẽ giống như bao bà mẹ trên trái đất này, dạy 2 con ngoan ngoãn lệ phép với mọi người, em sẽ dạy con phải biết yêu thương trung thực, biết dũng cảm, có trách nhiệm trong lời nói và hành động của mình .

Em sẽ làm giống như bà mẹ của Asari tinh nghịch, em sẽ tự tay may áo quần, váy cho 2 con. Em sẽ lại giống như bà mẹ của Totochan nữa , em sẽ dấu đi những lời nói vô tình của mọi người để trái tim nhỏ bé của 2 con không bị tổn thương, để 2 con có niềm tin vào bản thân mình 

Chi tiêu cận thẩn dành dụm để tiền cho 2 con ăn học và bảo vệ 2 con bằng cả mạng sống của mình.

Nếu sau này em là vợ của anh,

Là mỗi ngày anh sẽ mở một mảnh giấy em đã gấp ...mỗi một mảnh là một lời nói yêu thương của em mỗi một con là một câu chuyện nhỏ. .

Nếu sau này em là vợ của anh,

Là em, em sẽ là một người vợ như thế với anh là người con dâu như thế với bố mẹ là người mẹ như thế với 2 con em là như thế đó


Love you tender
Love you sweet
Never let me go
Tất cả những gì em làm không phải là tự nhiên mà là vì em yêu anh 

‘Tình yêu vốn không lời tất cả đều nằm trong những lời không nói …’’

Có một câu nói mà tôi em thích: “Người ta sống trên đời này! Không phải tìm kiếm một người hoàn hảo để yêu mà học cách yêu thương một người không hoàn hảo một cách trọn vẹn nhất!”

Em đã học cách yêu anh như thế đó!

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

NẾU NGÀY MAI EM LÀ VỢ CỦA ANH




GỬI NGƯỜI ĐÀN ÔNG NÀO SẼ CÙNG TÔI ĐI ĐẾN CUỐI CON ĐƯỜNG


Này anh, khi mình là vợ chồng, em muốn ngày ngày dậy hơi sớm một chút, dẫu em ngủ không đủ giấc (và có thể đi làm có lúc ngáp ngắn ngáp dài ) thì em vẫn muốn vợ chồng mình ăn sáng ở nhà, một bữa sáng ấm cúng đón chào một ngày mới .


Khi mình là vợ chồng, em thích chồng em ăn mặc tươm tất, từ đầu tóc, quần áo cho đến mùi nước hoa để cho con gái trong công ty anh phải ghen tị với em. Kiểu như trông anh “ngon” thế mà không làm được gì vì anh đã có chủ. Em còn thích vợ chồng mình mặc đồ đôi, sẽ là tông xuyệt tông mỗi ngày anh nhé, để cả thiên hạ biết mình là cặp đôi hoàn hảo.

Khi mình là vợ chồng, em sẽ vẽo vọt ngồi sau xe anh hàng ngày. Em sẽ được anh đưa đi làm, thơm anh một cái và chúc chồng em có một ngày làm việc thật hiệu quả. Em sẽ nói nhỏ vào tai anh là “Đừng nhớ em nhiều đến mức không làm được việc gì nhé!”.

Khi mình là vợ chồng, buổi trưa sẽ có lúc em đi ăn cùng đồng nghiệp nhưng sẽ có khi em bắt chồng qua đón và mời em một bữa trưa thật thịnh soạn. Và cũng có những hôm em sẽ bất ngờ qua công ty anh, bắt cóc anh 2 tiếng nghỉ trưa với lý do “em mới được tăng lương mình ạ”.

Khi mình là vợ chồng, em muốn thỉnh thoảng, trong lúc công việc bộn bề, em bỗng cầm điện thoại lên, nhắn tin cho anh, hoặc sign in YM, gửi offline hoặc Buzz anh nếu anh đang online. Chỉ là muốn nói: “Em yêu anh lắm”. Cứ như khi mình còn đang yêu anh nhỉ?


Khi mình là vợ chồng, anh sẽ đợi em dưới cửa công ty, và vợ chồng mình sẽ cùng đi chợ chuẩn bị cho bữa tối. Đừng mơ rằng anh có thể đi tắm, đọc báo, xem tivi hay làm những việc đại loại như thế khi em đang nấu cơm. Em sẽ lôi anh vào, dẫu cho anh vụng về đụng vào cái gì là hỏng cái đó. Cái em cần là một người chồng cùng em chia sẻ công việc gia đình, hoặc đóng vai một cái radio, kể cho em những câu chuyện của anh suốt một ngày qua. Và em sẽ cười, sẽ cho anh những lời khuyên, hoặc muốn anh thử món canh em nấu đã vừa chưa.


Khi mình là vợ chồng, anh sẽ phải chọn giữa rửa bát hoặc đi lau nhà, vì em không đủ sức để có thể làm hết như một người giúp việc. Em sẽ nghiêm khắc với anh vì các đức ông chồng được vợ chiều hay hư lắm. Nhưng anh biết không, hàng ngày ở công ty, em vẫn khoe với đồng nghiệp của mình là em có một người chồng rất chăm chỉ và biết chia sẻ công việc với vợ, dẫu cho nhiều lúc em nói khản cổ anh mới chịu rời cái tivi để đi phơi quần áo.


Khi mình là vợ chồng, em sẽ chuẩn bị quần áo cho anh đi tắm, rồi em sẽ sấy tóc khô cho anh vì em biết anh cẩu thả, sẽ để tóc ướt mà đi ngủ. Và em cũng muốn những hôm gội đầu xong, đến gần anh, dí cho anh cái khăn bông to và nói: “Mình ơi giúp em với!”.


Khi mình là vợ chồng, anh sẽ không được tự ý thức khuya nữa đâu. Em sẵn sàng đét đít anh nếu anh cứ ngồi ôm lấy cái tivi ko chịu ngủ sớm. Em sẽ pha cho anh 1 cốc sữa nóng anh khi anh đang làm việc, sẽ nhắc khéo anh đi ngủ với lý do “ngủ một mình em sợ ma”. Thực ra em sẽ cười thầm trong bụng vì em vốn chẳng sợ gì.

Khi mình là vợ chồng, mình sẽ cùng nhau “kiểm duyệt” lại đống quần áo trong tủ mỗi khi chuyển mùa. Mình sẽ cùng nhau ướm những bộ đồ vào người và cùng quyết định xem cái gì nên thải đi để thay vào đó là những bộ mới. Em muốn những hôm gió mùa Đông Bắc, sẽ chẳng đi đâu cả anh nhỉ, sẽ là một bữa cơm nóng và những cuộc nói chuyện không biên giới, hoặc em sẽ nằm trong vòng tay anh, một cái chăn nhỏ, căn phòng tối om và một bộ phim kinh dị.


Khi mình là vợ chồng, cuối tuần, mình sẽ không về nhà thăm mẹ em, và cũng không về nhà thăm bố mẹ anh. Vì sao ư, vì mình sẽ đón bố mẹ, đưa các cụ đi chơi cuối tuần ở một nơi không khí trong lành. Em tin như vậy sẽ tốt cho bố mẹ già, và tốt cho vợ chồng mình sau một tuần làm việc căng thẳng.
Khi mình là vợ chồng, em muốn mua cho anh, cho bố mẹ của chúng ta những gì tốt nhất.  Em thích mua cho những người thân yêu của mình và nhìn họ thích thú hơn là ngắm mình xinh đẹp trong bộ váy mình tự mua. Và em sẽ đưa hai mẹ của chúng ta đi shopping, đi làm tóc và cả massage vì phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều thích làm đẹp. Và em muốn hai gia đình sẽ là một.


Em muốn mọi thứ trong nhà đều màu mè, lòe loẹt và nhỏ xinh như em vậy.

Em vẫn muốn nhận những món quà từ anh dù là rất bé nhỏ. Vì em muốn sự bất ngờ, muốn thấy mình được yêu thương hơn bao giờ hết. Và quan trọng hơn, em muốn khẳng định hôn nhân không phải là kết thúc một tình yêu.

Em muốn ngủ trong vòng tay anh, nửa đêm thức giấc, ngắm anh chút thôi, thơm anh một cái, nhẹ thôi để anh không tỉnh, rồi em lại tiếp tục ôm anh ngủ cho đến sáng hôm sau. Em muốn mỗi sáng tỉnh dậy, điều đầu tiên em thấy sẽ là khuôn mặt ngái ngủ, một cái ngáp dài và đôi mắt ti hí nhìn ra cửa sổ của người chồng em rất mực thương yêu.

Em muốn những đứa trẻ tài giỏi và mạnh mẽ như anh, thông minh và dễ thương như em.

Em muốn chúng mình, không chỉ là vợ chồng mà còn là những người bạn thân.

Em muốn…

Em muốn…

Em muốn…
Và khi mình là vợ chồng, em biết sẽ có lúc mình cãi nhau hay gặp phải những sóng gió. Nhưng xin anh, hãy mạnh mẽ và đừng bao giờ hối hận vì đã chọn em – vợ của anh. Vì em, đã, đang và sẽ vun đắp cho gia đình mình. Dẫu cho em là một người cầu tiến, hiếu thắng và tham vọng nơi công sở,thì về nhà, em vẫn là người vợ bé nhỏ nhưng có sức mạnh phi thường của anh. Tin em đi, đấy mới là điều quan trọng nhất!
Vậy, Chồng tương lai thân yêu, nếu chúng ta lấy nhau:

Chúng ta sẽ quan tâm và chăm sóc nhau mỗi ngày và mọi ngày..............

Chúng ta sẽ chân thành, cởi mở và thẳng thắn trong mọi vấn đề, đừng để một hạt bụi nhỏ len giữa tình cảm của chúng ta, đừng để những dấu hỏi chồng chất trong đầu chúng ta. Điều đó sẽ khiến cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn càng thêm nặng nề và mệt mỏi.

Chúng ta phải luôn học cách chia sẻ và lắng nghe, động viên, an ủi, nương tựa nhau lúc một trong hai hoặc cả 2 chúng ta gặp trăn trở khó khăn trong cuộc sống. Anh dỗ dành em những lúc em hờn dỗi hay khóc vì những chuyện vẩn vơ, và em sẽ là bờ vai cho anh nếu anh mệt mỏi yếu đuối vì sức ép công việc hay xã hội.

Chúng ta sẽ cùng học cách điềm tĩnh và nhẹ nhàng trong những lúc nóng giận. Vì nóng giận chỉ gieo vào lòng những vết sẹo không bao giờ mờ. Trong muôn ngàn khó khăn, hạnh phúc thật đơn giản, nhưng cũng thật hiếm hoi. Đừng để vì nóng giận mà mất đi những giây phút đó anh nhé.


Anh thấy đấy một mái ấm gia đình để chúng ta nương tựa thật đáng quý biết bao. Ở đó có anh, có em, có tình yêu, và sau này có những đứa trẻ gọi chúng ta là cha mẹ…
Ở đâu có chúng ta, ở đó có tình yêu, anh nhỉ?