Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

VĂN NGHỆ - VĂN GỪNG












KIẾN THỨC CHUNG VỀ CÁC LOẠI RƯỢU

HÔM QUA CÓ BÁC NÓI VỚI EM VODKA DIVA XUẤT XỨ TỪ NGA LÀM CHO EM BUỒN QUÁ.... CHẮC SCOTLAND MÀ NGHE ĐƯỢC HỌ KIỆN BÁC CHẾT LUÔN. KHÔNG PHẢI CỬ VODKA LÀ ĐƯA SANG NGA NHÉ



Hôm nay, tôi xin gửi đến các bạn yêu thích thức uống những hiểu biết cơ bản về rượu, thành phần góp phần làm cho cocktail, demi-cocktail trở nên hấp dẫn, tạo khẩu vị vô cùng phong phú nhưng cũng riêng biệt cho từng người.

Đi vào thế giới của thức uống, bạn như lạc vào 1 khu rừng vậy, đầy những phám phá mới lạ mà bạn chưa từng thấy hoặc chưa từng nghĩ tới. Các bạn nghĩ rằng thức uống hàng ngày như nước lọc, nước trái cây, nước từ ngũ cốc, sinh tố, bia và rượu là chấm hết. Thế thì bạn mất đi những khám phá thú vị rồi đấy.

Thức uống giải khát đâu phải chỉ để cung cấp nước cho cơ thể hay để các bạn nếm mùi vị đơn thuần như các thức uống nêu trên. Bạn sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác mà.

Xin giới thiệu họ rượu đầu tiên trong 8 nhóm rượu được thế giới công nhận

I. XIN NÓI ĐẾN LÀ GIN

- Có 1 nhóm rượu mạnh rất được ưa chuộng nhưng hầu như người ta không bao giờ uống nguyên chất - đó là Gin. Có thể nhiều người không biết về Gin, nhưng Gin thì quá đặt biệt để bạn khám phá về nó.

- Được chưng cất từ quả bách xù (Juniper berry) và nhiều loại thảo mộc, Gin tỏa hương rất lạ làm nhiều người lầm tưởng là mùi vỏ bưởi. Hương thơm kỳ lạ nhưng hắt rất mạnh vào mũi nên người ta không uống nguyên chất cũng là vì thế. Thức uống từ Gin được ưa chuộng nhất là Gin Tonic (Tonic là 1 loại soft drink có vị hơi nhẫn, có chứa quinine).

- Là 1 nhóm rượu mạnh nên Gin cũng có độ cồn xấp xỉ 40. Hai quốc gia sản xuất Gin chủ yếu của thế giới là Hà Lan và Anh. Chúng ta có thể bắt gặp trên chai rượu từ "Genever" (tiếng Hà Lan, do rượu có xuất xứ đầu tiên ở Hà Lan), thật ra Genever là tên đầu tiên của nhóm rượu này, nhưng do thói quen gọi tắt nên dần dần người ta chỉ dùng từ Gin làm tên chuẩn của rượu.

- Gin có 3 loại:

+ Clear Gin: rượu trong suốt, không màu, là loại phổ biến nhất. Lưu ý: nếu trên chai rượu có từ "Dry Gin" tức là ám chỉ loại rượu ít ngọt, ít đường khi sản xuất.

+ Golden Gin: rượu có màu vàng nhạt do được ủ trong thùng gỗ (không nhất thiết là thùng gỗ sồi). Loại này rất ít được sản xuất trên thế giới.

+ Flavoured Gin: rượu được sản xuất kếp hợp trái cây hay các loại thảo mộc khác tạo ra Gin với mùi vị phong phú.

- Các nhãn hiệu Gin nổi tiếng thế giới: Gordon's, Beefeater, London, Gilbey's, Tanqueray, Bombay Sapphire, Old Lady's, . . .

- Tuy Gin không được uống nguyên chất nhưng có thể nói Gin là nhóm rượu được sử dụng pha chế cocktail nhiều nhất với rất nhiều món lừng danh: Martini, Singapore Sling, White Lady, Paradise, . .


II. TEQUILA là loại rượu mạnh có độ cồn trung bình 40.

- Được chưng cất từ 1 loại cây có gai thuộc họ xương rồng, cây có tên là Blue Agave (tiếng Việt tạm gọi là cây thùa). Loại cây này mọc ở nhiều nơi, nhưng cây mọc ở thành phố Tequila (thuộc bang Jalisco của Mexico) cho chất lượng tốt nhất. Chính vì thế mà họ rượu này được gọi tên Tequila.

- Chính vì được sản xuất từ loại cây thuộc họ xương rồng như thế mà Tequila có đặc tính nóng (mặc dù rượu mạnh nào độ cồn cũng xấp xỉ 40), gây cảm giác hưng phấn tinh thần cho người uống, đặc biệt là giới trẻ.

- Màu sắc của Tequila: trắng trong suốt (white/silver tequila) hay vàng nhạt (gold tequila), màu vàng do rượu được ủ trong thùng gỗ sồi trong thời gian từ 01 đến 07 năm.

- Cách uống:

1) Uống nguyên chất: xoa chanh lên "trái chanh" (nắm bàn tay lại, phần giữa nhô lên của ngón cái và ngón trỏ), cho lên trên đó 1 ít muối, nếm muối chanh đó trong khi uống rượu trong ly sherry hoặc ly pony. Đây là cách uống mang tính chất tự do, thoải mái và dân dã nhất. Lịch sự hơn, người ta xoa chanh lên miệng ly, nhúng miệng ly vào muối, sau đó mới rót rượu vào ly, khi uống sẽ nếm cùng với muối chanh đó.

2) Uống kiểu Tequila-Pob: rượu được pha với chút nước ngọt có gas màu trắng ướp lạnh như Sprite, 7up, Soda Water, . . . trong ly old fashioned. Dùng 2 miếng đế ly, 1 miếng lót dưới đáy ly, 1 miếng đậy miệng ly, đập ly thẳng góc trên mặt bàn hay quầy bar, bỏ miếng lót trên miệng ly ra và uống hết ngay. Thức uống này dễ uống, dễ hưng phấn tinh thần do đặc tính rượu và tiếng vang của ly tạo ra. Do đó, kiểu uống này hay được các bạn trẻ dùng trong vũ trường, quán bar hay câu lạc bộ.

3) Uống kiểu cocktail: pha chế với 1 vài loại rượu khác hay nước ép trái cây sẽ tạo ra rất nhiều món cocktail hay demi-cocktail mang hương vị phong phú và hấp dẫn. Món cocktail lừng danh thế giới từ Tequila đó là Margarita

- Những nhãn hiệu Tequila nổi tiếng toàn thế giới: José Cuervo, Camino, La Cava, Pepe Lopez, Sombero Negro, Sauza, . . . Trong đó nước sản xuất Tequila nổi tiếng không ai khác hơn là Mexico.



III. Vodka:

Nguyên là thứ rượu có nguồn gốc từ một số nước Đông Âu nhất là Nga, Ba Lan và Litva. Nó cũng có truyền thống lâu đời ở Bắc Âu. Các khu vực này thường được gọi là vùng Vodka (Vodka Belt) không chỉ vì Vodka có nguồn gốc ở đây mà còn vì đây là nơi sản xuất và tiêu thụ vodka nhiều nhất thế giới. Ở Nga có hẳn một bảo tàng về vodka.

Vodka là loại rượu chưng cất, thường là k màu (trừ phi pha thêm hương liệu) và có độ cồn tương đối cao từ 35% - 50%. Nguyên liện để sản xuất vodka thường là khoai tây hoặc một số loại ngũ cốc lên mẹn..

Theo truyền thống, vodka thường được uống xuông, nhất là Đông Âu và Bắc Âu. Song ở nhiều nơi khác trên thế giới, nó có thể được thưởng thức dưới hình thức cocktail, làm rượu thuốc, v.v...

Tên gọi vodka còn thường được dùng để chỉ một số loại rượu khác có những đặc điểm chung với voda về hình thức và cách sản xuất. Vodka tiếng Nga là Водка, bắt nguồn từ Вода nghĩa là "nước nhỏ".

Rượu shōchū của Nhật Bản thường được gọi không chính thức là "vodka Nhật". Rượu baijiu của Trung Quốc thường được gọi không chính thức là "vodka Tàu". Ở Việt Nam có một số sản phẩm của Công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội mang nhãn hiệu "Vodka Hà Nội" là một thứ rượu gạo lên men có độ cồn là từ 29% đến 39% và nhãn hiệu "Vodka New Rice" ("Lúa mới") có độ cồn là 45%.

- Nghe qua cái tên Vodka, hầu hết chúng ta sẽ liên tưởng đó là 1 cái gì xuất thân từ Nga (Liên Xô cũ) và các vùng Đông Âu lân cận. Đúng như vậy, Vodka là 1 trong 8 nhóm rượu mạnh được công nhận của thế giới, sản xuất đầu tiên tại Liên Xô và Ba Lan vào đầu thế kỷ XII.

- Người Pháp thì vỗ ngực xưng tên với Brandy, trong khi Vodka là niềm tự hào của người Nga. Tuy nhiên, không được thiên nhiên đặc ân như Pháp với giống nho đặc sắc vùng Cognac hay Armagnac, các cường quốc về Vodka giờ đây không chỉ có Nga mà còn có Mỹ, Thụy Điển, . . .

- Có độ cồn trung bình 40, Vodka được chưng cất từ nguồn nguyên liệu khá phong phú: lúa mì, bắp, khoai tây, củ cải đường, . . . Có nhiều người thắc mắc, các loại rượu nổi tiếng của Việt Nam như Đế Gò Đen, Hương Nếp Vàng, Bàu Đá, . . sao không nghe nhắc tới trong chuyên ngành về rượu. Xin thưa, rượu Việt Nam không có tên trên bản đồ hàng trăm loại rượu trên thế giới. Nếu phải xếp nhóm cho các loại rượu từ gạo, nếp của Việt Nam, có thể xem Vodka là nhóm gần nhất.

- Có 1 sự thật ở Nga, hầu như không ai không uống Vodka. Lý giải cho nguyên nhân trên: đất nước này lạnh giá quanh năm, rượu Vodka được xem là thức uống hàng ngày để giảm cái lạnh. Món khoái khẩu nhất của người Nga và các nước Đông Âu là ăn trứng cá muối cùng uống với Vodka ướp lạnh.

- Vodka phân làm 2 loại: vodka đơn (clear Vodka) và Vodka mùi (flavoured Vodka). Vodka là loại rượu trong suốt, không màu, riêng Vodka đơn thì không cả mùi vị (khi uống, chúng ta chỉ cảm nhận được độ nồng của rượu, không có mùi đặc trưng). Để phong phú chủng loại cho Vodka, người ta cho thêm nguyên liệu như chanh, cam, mật ong, tiêu, . . . vào Vodka tạo ra các chủng Vodka mùi.

- Cánh thưởng thức Vodka: uống ướp lạnh hay pha chế 1 số cocktail.

* Có 1 giai thoại về loại cocktail nổi tiếng mang tên Screwdriver (tuốt-nơ-vích): thời nước Nga lừng danh với ngành sản xuất dầu mỏ thế kỷ trước, các công nhân làm việc trên giàn khoan theo quy định tuyệt đối không được uống rượu. Nhưng Vodka đã ăn sâu vào cuộc sống của những người Nga này, họ lén lút uống Vodka bằng cách pha nó với nước ép cam để qua mặt các quản lý. Do Vodka đơn trong suốt, không màu và không mùi, họ đã thưởng thức được Vodka bằng 1 cách khác. Từ đó, cocktail pha trộn giữa Vodka và nước ép cam ra đời, mang tên Screwdriver, ám chỉ về sự sáng tạo của các công nhân giàn khoan trên.

- Các nhãn hiệu Vodka nổi tiếng thế giới: Smirnoff, Skyy, Absolute, Stolichnaya, . . .



Phần 2: Brandy, Whiskey và Các loại rượu mùi


Trong 8 họ rượu được thế giới công nhận thì Brandy là họ rượu được xếp vào loại đắt tiền nhất. Quốc gia sản xuất Brandy lừng danh thế giới chính là Pháp. Chúng ta sẽ tìm hiểu về Brandy và lý do tại sao Pháp vỗ ngực tự hào là đất nước khai sinh của rượu.

- Brandy là loại rượu mạnh (tất cả rượu mạnh được gọi là spirit) có độ cồn trung bình 40, được sản xuất qua một quy trình phức tạp, tốn kém.

- Rượu được sản xuất từ sự lên men của trái cây, hoa quả, thảo mộc, . . . nhưng phần lớn là từ nho và táo. Thỉnh thoảng chúng ta nghe đến rượu Cognac hay Armagnac, chúng đều là họ rượu Brandy (Cognac và Armagnac chính là Brandy nhưng không phải Brandy nào cũng được gọi là Cognac hay Armagnac).

- Lý giải cho vấn đề trên có thể bắt đầu từ nguyên liệu làm rượu. Miền tây nam nước Pháp có vùng đất tên Cognac (gần Bordeaux) nổi tiếng với một giống nho trắng, nó chỉ cho chất lượng ngon nhất khi trồng tại đây. Rượu được sản xuất từ nho trồng tại vùng này mới được quyền gọi là rượu Cognac. Nhiều người đã thử đem giống này trồng nơi khác, kết quả thu hoạch nho không đủ tiêu chuẩn sản xuất rượu ngon như thế nên dân địa phương cũng chẳng ngại gì giống nho này bị người khác đem đi trồng nơi khác, họ chỉ thêm tự hào mà thôi. Armagnac là 1 vùng lân cận Cognac, trồng 1 giống nho khác tương tự nho trắng ở Cognac nhưng chất lượng rượu vẫn được xếp vào loại hàng đầu thế giới (chỉ sau Cognac). Chính phủ Pháp đã đăng ký tên Cognac và Armagnac như là 1 sỡ hữu độc nhất cho 2 vùng trên. Từ đó, các loại rượu sản xuất từ nguyên liệu không phải của 2 vùng trên, mặc dù cùng công thức sản xuất, chất lượng có cao đến đâu cũng chỉ được ghi trên nhãn là Brandy.

- Nho thu hoạch làm rượu thường được thu hoạch vào tháng 10 hàng năm. Để có chất lượng nho cao nhất, người trồng nho phải cố gắng thực hiện các yêu cầu sau: nụ nho phải nở muộn để trái nho ngon nhất, trái nho phải chín muộn để tính acid cao, các chùm nho phải cách xa để tránh sâu, nấm.

- Tất cả Brandy đều trải qua giai đoạn chưng cất phức tạp (2 lần). Thuật ngữ chuyên ngành rượu hay dùng từ "eaux-de-vie" (nước của cuộc sống) ám chỉ rượu Cognac sau giai đoạn chưng cất kép (lúc này rượu có màu trắng trong suốt, độ cồn xấp xỉ 70, không thể uống). Sau đó, rượu này mới được ủ trong thùng gỗ sồi (oak) trong thời gian quy định ít nhất phải 4 năm. Gỗ sồi chỉ cho chất lượng đủ tiêu chuẩn khi cây sồi được ít nhất 80 năm tuổi. Sau khi đốn xuống, cây sồi được để 2-3 năm mới sử dụng. Thùng gỗ sối làm từ 100% gỗ, tuyệt đối không dùng keo hay hóa chất để kết dính hay hàn kín.

- Sau khi ủ rượu trong thùng gỗ sồi trong thời gian quy định, rượu sẽ dần giảm độ cồn xuống còn xấp xỉ 40 và ngã sang màu vàng óng của hổ phách do thẩm thấu với gỗ sồi.

- Các ký hiệu mà ta thường thấy trên chai rượu Brandy như V.S, V.O, V.S.O.P hay X.O để mô tả chất lượng và giá cả rượu có quy ước sau:

+ V.S (very special): rượu được pha trộn từ khoảng 40 hầm rượu khác nhau, trong đó hầm rượu nhỏ tuổi nhất khoảng 4 năm.

+ V.O (very old) và V.S.O.P (very superior old pale): rượu được pha trộn từ khoảng 60 hầm rượu khác nhau, trong đó hầm rượu nhỏ tuổi nhất khoảng 4-6 năm.

+ X.O (extra old): rượu được pha trộn từ khoảng 100 hầm rượu khác nhau, trong đó hầm rượu nhỏ tuổi nhất khoảng 6 năm trở lên.

- Nút chai rượu Brandy phải được đóng bằng nút bần (một loại gỗ đặc biệt, có cả 1 ngành công nghiệp sản xuất nút bần cho Brandy). Đặc điểm của nút chai này sau khi đóng chai sẽ dãn nở khít chặt miệng chai tuyệt đối không cho không khí thẩm thấu. Lưu ý: chai rượu Brandy khi lưu trữ chỉ nên để đứng, không để nằm ngang vì rượu sẽ bị thấm vào nút bần sẽ bị hỏng mùi.


- Các nhãn hiệu Cognac nổi tiếng: Hennessy, Rémy Martin, Martell, Camus, Courvoisier, Prunier, Otard, . . .

- Các nhãn hiệu Armagnac nổi tiếng: Chabot, Larressingle, Janneau, . . .

- Brandy có thể thể uống nguyên chất trong ly Brandy Snifter (nên tráng nóng để tăng mùi vị), pha với soft drinks như nước suối, soda, coke, tonic, . . . và đá trong ly old fashioned hoặc pha 1 số cocktail



Brandy là tên gọi chung của các loại rượu mạnh được chế biến từ sự chưng cất của rượu vang hoặc từ trái cây nghiền nát rồi ủ lâu trong thùng gỗ một thời gian (ít nhất là hai năm). Sau đó được làm giảm nồng độ rượu bằng cách pha thêm nước cất.
Rượu brandy đặt tên theo gốc tiếng Hà Lan brandewijin (burned-wine, rượu đã cháy) xuất phát từ một thương gia Hà Lan gốc Đức tên là Den Helkenwijk, người chuyên buôn rượu chát từ Pháp sang Hà Lan. Ông đã sáng tạo ra cách chưng cất cách thủy rượu vang chát, hình thành nên một loại rượu mạnh hơn về nồng độ, có thể tích ít hơn và vì vậy, giảm bớt chi phí cho vận chuyển
Rượu brandy được ngâm trong thùng gỗ nhằm cho phép ôxy hoá nhẹ rượu, brandy ngấm màu của gỗ để trở thành màu hổ phách và hấp thụ hương thảo mộc từ gỗ.

PHÂN LOẠI:
Brandy có 3 loại chính:

Brandy nho: Được chế biến từ nước nho lên men, nước nho ép chứ không có thịt hay vỏ quả nho. Loại rượu này thường có thời gian lưu trữ khá dài trong thùng gỗ sồi để lên màu thêm mùi vị và trở nên ngon hơn.
Rượu brandy nho ở Mỹ chủ yếu sản xuất ở Califonia: Christian Brothers, Coronet, E&J, Korbel, và Paul Masson
Armagnac: loại Brandy cao tuổi nhất ở Pháp
Cognac hay cô nhắc
Lourinhã: thịnh hành ở Bồ Đào Nha

Brandy táo: (Loại Grappa của Italia và Marc của Pháp là hai điển hình của loại brandy này) là loại brandy được làm từ thịt quả, vỏ, thân và phần còn lại của quả nho sau khi đã ép lấy nước, do đó có vị gắt nên phải thời gian ủ khá dài. Brandy táo thường có thời gian lưu trữ trong thùng gỗ tối thiểu nên có hương vị nồng đậm và có mùi vị đặc trưng của loại nho được chế biến đã bị mất đi ở brandy ủ lâu năm trong thùng gỗ.

Brandy hoa quả là tên gọi chung cho tất cả các loại brandy lên men từ các loại trái cây nói chung trừ nho. Brandy hoa quả, trừ loại làm từ dâu, thường là làm từ các loại quả dùng để lên men rượu. Dâu không đủ độ ngọt để làm ra vang có đủ nồng độ cồn cần thiết để chưng cất và vì vậy thường được ngâm trong rượu mạnh để chiết lấy vị dâu và hương thơm.

Các ký hiệu
A.C.: Rượu có 2 năm ngâm trong thùng gỗ
Rượu Martell V.S. 3 sao
3 Stars (3 sao, tương đương với V.S.-Very Special): Loại rượu tương đối trẻ tuổi, từ 3 đến 5 năm. Giá rẻ, được tiêu thụ nhiều.
V.S.P. - Very Superior Pale: ít nhất 2 năm tuổi trong thùng gỗ
V.S.O.P. (Very Special Old Pale): Tuổi từ 7 đến 10 năm. Màu vàng nhạt. Đắt vừa phải nên khá phổ dụng trong cả giới bình dân và quý tộc.
Napoléon: Tuổi trên 10 năm. Napoléon không liên quan gì đến hoàng đế Napoléon của Pháp, mà chỉ mang nghĩa là "Hoàng đế của các lò rượu".
Cordon Blue, Anniversary, Reserve Prince Hubert: tương tự Napoléon.
X.O. (Extra Old): Khá đắt, tuổi thường trên 20 năm, chất lượng cao.
Extra, Extra Veille hay Grande Reserve: loại đặc biệt hiếm quý. Tuổi từ 45 năm trở lên.

[IMG]

Uýt ki (tiếng Anh, tiếng Pháp)

Whisky, tại Ireland và phần lớn nước Mỹ là Whiskey) là một loại đồ uống có chứa cồn được sản xuất từ ngũ cốc bằng cách lên men và chưng cất.
Từ Whisky được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1736 xuất phát từ usisge beatha trong tiếng Gaelic tại Scotland hay từ uisce beatha trong tiếng Gaelic tại Ireland và có nghĩa là "nước của cuộc sống" (uisge/uisce: "nước", beatha: "sống"). Khái niệm này đã phổ biến ngay từ thế kỷ 16 / thế kỷ 17 nhưng thời đấy người ta hiểu đấy không chỉ riêng là Whisky mà còn là những loại rượu chưng cất khác có thêm đồ gia vị.

Whisky được bán trên thị trường dưới nhiều tên khác nhau, trong đó một phần là tên loại ngũ cốc được dùng để sản xuất Whisky:
Malt là loại Whisky được làm từ mạch nha.
Grain là tên loại Whisky được sản xuất từ lúa mạch mà thông thường là sử dụng thiết bị chưng cất cột được gọi là "kiểu Coffey".
Rye là tên gọi loại Whisky chủ yếu được sản xuất từ lúa mạch đen, ít nhất là 51%.

Bourbon là tên gọi loại Whisky chủ yếu được sản xuất từ bắp (ít nhất là 51%) và được chưng cất với tối đa là 81 phần trăm thể tích rượu, đổ vào thùng chứa với tối đa là 63 phần trăm thể tích rượu.

Phân loại theo quy trình sản xuất
Mặt khác tên gọi một phần cũng thể hiện rõ quy trình sản xuất của từng loại Whisky:

Single là loại Whisky có nguồn gốc chỉ từ một lò nấu rượu riêng lẻ (thường dùng cho Whisky của Scotland: Single-Malt-Whisky).

Straight cũng là loại Whisky có nguồn gốc chỉ từ một lò nấu rượu riêng lẻ (thường dùng cho Whiskey của Mỹ)

Blend là một loại Whisky đã được pha trộn. Trong lúc sản xuất (blending) nhiều loại Whisky khác nhau từ nhiều lò nấu rượu khác nhau được pha vào với nhau. Trong một số sản phẩm có đến 70 loại Whisky khác nhau.

Pot Still là loại Whisky được sản xuất chỉ dùng loại bình nấu cổ điển (thường dùng cho một số loại Whiskey của Ireland).

Pure Pot Still là loại Whisky được sản xuất chỉ dùng mạch nha trong các bình nấu rượu cổ điển (thường dùng cho một số loại Whiskey riêng lẻ của Ireland).
Trước năm 2005 các tên Vatted (pha trộn Malt-Whisky từ nhiều lò nấu rượu khác nhau) hay Pure (tên không thống nhất có nghĩa là Blend hay Vatted) vẫn còn thông dụng.

Các tên khác

cask strength (độ mạnh thùng): Sau khi được trữ trong thùng người ta không cho thêm nước vào Whisky nữa để đạt đến một nồng độ rượu nhất định. Nồng độ rượu của những loại Whisky này khác nhau vì thay đổi tùy theo thời gian trữ, điều kiện môi trường, chất lượng của thùng chứa và nồng độ rượu của phần cất nguyên thủy.

vintage (năm sản xuất): Loại Whisky được sử dụng có nguồn gốc từ năm được ghi chú.

single cask (thùng riêng lẻ): Loại Whisky này có nguồn gốc từ một thùng rượu riêng lẻ (thường dùng cho Whisky của Scotland).

single barel (thùng riêng lẻ): Loại Whisky này có nguồn gốc từ một thùng rượu riêng lẻ (thường dùng cho Whisky của Mỹ).

Các tên gọi Scotch, Irish hay American tất nhiên là thể hiện xuất xứ của sản phẩm. Một số tên gọi xuất xứ này được luật pháp bảo vệ và gắn liền với một số điều kiện nhất định (thí dụ như tuổi tối thiểu).


Trong 8 nhóm rượu, nhóm rượu mùi (liqueur/liquor - Anh, cordial - Mỹ) là nhóm phong phú nhất về chủng loại. Nếu phải chia từng loại theo nguyên liệu sản xuất rượu thì không thể nào kể hết loại rượu mùi trên thế giới khi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới liên tục công bố sản phẩm rượu mùi mới của họ.

Đặc tính của rượu mùi đa dạng về màu sắc, hương vị và nguyên liệu (hoa, trái cây, thảo mộc, vỏ cây, rễ cây, hạt, . . .),có độ cồn trung bình 25-55. Thường thì không bao giờ chúng ta uống rượu mùi nguyên chất vì mùi rất đậm đặc. Trường hợp Bailey's Irish Cream (thường được gọi tắt là Bailey's) là 1 trong số rất ít rượu mùi được thưởng thức riêng lẻ.

Nếu chúng ta thưởng thức rượu mạnh đơn thuần là uống nguyên chất hay pha với chút soft drinks hoặc uống với đá, có lẽ chúng ta chưa thấy hết sự lý thú của thức uống. Chính rượu mùi là thành phần làm cho thế giới thức uống trở nên đa dạng, mới mẻ và hấp dẫn tuyệt vời cho chúng ta.

Trong phạm vi giới thiệu cơ bản về rượu mùi, xin trao đổi với các bạn một số rượu mùi phổ biến dùng trong pha chế cocktail và demi-cocktail.

AMARETTO

Rượu mùi hạnh nhân (almond) và vanilla nổi tiếng do Italia sản xuất đầu tiên trên thế giới.

BAILEY'S IRISH CREAM

Rượu mùi kết hợp giữa whisky, cream, dừa, chocolate, coffee, . . . lừng danh của Ireland chuyên chế biến thức uống cho nữ giới.

MIDORI

Rượu mùi dưa (nhiều loại dưa) đặc sắc của Nhật có màu xanh lá nhạt rất quyến rũ.

SAMBUCA

Rượu mùi từ hoa sambucus nổi tiếng của Italia, trong suốt, không màu và thơm.

STRAWBERRY LIQUOR

Rượu mùi dâu tây màu đỏ rất đẹp và thơm

ADVOCAAT

Rượu mùi kết hợp giữa Brandy và lòng đỏ trứng gà (eggfolks), cream và đường. Tương tự như Bailey's, Advocaat thường dùng pha chế thức uống cho nữ như cocktail mang tên Snow Ball.

CURACAO

Rượu mùi sản xuất từ Cognac kết hợp hương thơm của vỏ cam. Loại curacao có 3 màu dùng cho chế biến nhiều loại cocktail có hiệu ứng màu sắc: blue curacao, orange curacao và white curacao (còn gọi là triple sec).

MANGO LIQUOR

Rượu mùi xoài có màu vàng tươi bắt mắt.

MARASCHINO

Rượu mùi quả anh đào, không màu, trong suốt, xuất xứ từ Italia.

COFFEE LIQUOR

Rượu mùi cà phê. Tên này dùng chung cho nhóm rượu từ cà phê, chỉ có 2 thương hiệu lừng danh thế giới có tên riêng: Kahlúa (Mexico) và Tia Maria (Jamaica).

APRICOT BRANDY

Rượu mùi sản xuất từ Brandy và quả mơ, có màu vàng cam rất hấp dẫn.

MALIBU

Rượu mùi dừa kết hợp Rum trắng xuất xứ từ Nam Mỹ.

CREME DE CACAO

Rượu mùi chocolate đặc sắc kết hợp vanilla, rất nổi tiếng với cocktail mang tên Grasshoper và Brandy Alexandre.

BENEDICTINE

Rượu mùi thảo mộc kết hợp nhiều loại vỏ cây, rễ cây, độc quyền của Pháp. Cho đến hôm nay, công thức chính xác sản xuất rượu mùi này vẫn trong vòng bí mật. Tương truyền, khi xuất hiện, Benedictine là loại rượu dùng để dâng lễ trong nhà thờ nên chai Benedictine luôn có từ "D.O.M" (Deo Optimo Maximo - dành cho Chúa điều tốt đẹp nhất vĩ đại nhất).

CREME DE CASSIS

Rượu mùi quả dâu rừng đen (black currant).

DRAMBUIE

Rượu mùi rất thơm kết hợp giữa whisky của Scotland, mật cây và vài loại thảo mộc.

GRAND MARNIER

Rượu mùi độc quyền của Pháp do kết hợp giữa Cognac và vỏ cam. Điểm đặc biệt của Brand Marnier là chai hình hồ lô.

PEACH LIQUOR

Rượu mùi quả đào với món cocktail nổi tiếng Sex On The Beach.

PARFAIT AMOUR

Rượu mùi đặc sắc màu tím violet sản xuất từ vỏ cam, vỏ chanh, vanilla và nhiều loại thảo mộc. Parfait Amour đẹp và thơm ngay như tên gọi của nó: Tình Yêu Tuyệt Vời.

CHERRY BRANDY

Rượu mùi sản xuất từ Brandy và quả anh đào, có màu đỏ gợi cảm.

CREAM DE BANANE

Rượu mùi màu vàng nhạt có mùi thơm của chuối.

CAMPARI

Rượu mùi màu đỏ rực rỡ, độc quyền của Italia, có vị nhẫn và mùi quinine (quinine là 1 chất dùng trong chế tạo thuồc chống sốt rét).

DOOLEY'S

Rượu mùi độc quyền của Đức, sản xuất từ Vodka, cream và quả toffee (loại quả dùng sản xuất kẹo toffee nổi tiếng).

GALLIANO

Rượu mùi sản xuất từ hạt ani lừng danh của vùng Milan (Italia), có màu vàng nhạt và mùi thơm rất quyến rũ.

PASSION FRUIT LIQUOR

Rượu mùi sản xuất từ chanh dây (hay còn gọi là quả lạc tiên).

CREME DE MENTHE

Rượu mùi chưng cất từ lá bạc hà. Loại rượu mùi này có 2 màu đặc trưng: trắng và xanh.

COINTREAU

Rượu mùi độc quyền của Pháp, sản xuất từ vỏ cam. Đặc trưng hình dáng chai rượu là hình vuông.

* Các nhà sản xuất rượu mùi lừng danh thế giới: Marie Brizard, Cusenier (Pháp), Bols, De Kuyper (Hà Lan).


B-52 (B52 hay Bifi) là tên gọi của một loại cocktail ngắn nhiều tầng bao gồm một phần rượu hương cà phê, một phần rượu Baileys Irish Cream và một phần rượu hương cam Le Grand Marnier. Khi được pha chế một cách thích hợp và chính xác thì ly rượu cocktail này sẽ có ba tầng ba màu rõ ràng. Sự chia tầng này do mật độ rượu khác nhau của ba loại rượu được dùng.




Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

MÙA XUÂN BÊN CỬA SỔ VÀ TINH YÊU CỦA NGƯỜI LÍNH



Hôm nay Sếp đi vắng, công ty ít việc cần giải quyết. Mấy em bàn bên cạnh nói bật mấy bài hát Mừng xuân cho nó có không khí.  Đang xem mấy cái tư liệu lịch sử,  thì đứa em bên Phòng kế toán bật bài "MÙA XUÂN BÊN CỬA SỔ".  Hic,  tự nhiên có cảm xúc rất lạ.




Khi mặt trận bình yên, anh lính về thăm phố

Cô gái vừa tan ca
Họ hẹn nhau, và chờ nhau
Cùng khát khao hạnh phúc
Họ đón nhau và mùa xuân cũng theo về
Ôi hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp
Mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng
Cuộc đời còn cảnhững nụ hôn !









Khi tạm biệt mùa xuân
anh lính về biên giới cô gái vào ca ba
Họ tạm xa từng ngày qua càng thiết tha thầm nhớ
Họ vững tin rồi mùa xuân cũng quay về
Ôi hạnh phúc cô thợ ấy đơn sơ mà thắm nồng
Tình yêu của người lính lắng sâu nhưng cháy bỏng
Tạm biệt rồi vẫn đọng những nụ hôn
Tạm biệt rồi vẫn đọng những nụ hôn...





NGƯỠNG MỘ QUÁ






  • Bao thương nhớ gửi vào trong gió

    Người nơi xa tay súng vững vàng



NHƯ TRONG PHIM ẤY.







GIỜ MÌNH CẦN RESTART  LẠI BẢN THÂN


NƯỚC MỸ SẼ HỒI PHỤC???



Năm 2013 không là một năm chẵn, mà Quý Tỵ cũng chẳng là mở đầu một giáp, hay một vòng hoa giáp như Giáp Tý ( TUỔI EM LÀ GIÁP TÝ CÁC BÁC Ạ). Tức là chẳng phải một thời điểm gì đáng nhớ trong các quy ước về lịch pháp phổ thông của loài người. Từ ngày trước đến ngày sau, giờ trước đến giờ sau, thiên địa tuần hoàn vẫn không có gì khác lạ khi ta bước qua năm mới. Nhưng lòng người thì vẫn mong điều tốt đẹp hơn cho một vận hội mới, do chính mình định ra...

Mở đầu cho năm ngoái, cột báo này chẳng sợ "giông cả năm" mà viết về gánh nợ của Hoa Kỳ, so với các nước công nghiệp hoá khác thì vẫn là nhẹ hơn cả.

 Sau một năm tổng tuyển cử, cho đến mấy giờ cuối của ngày cuối, giới lãnh đạo nước Mỹ bên Hành pháp và Lập pháp mới chạy đôn chạy đáo để tránh bờ vực tài chánh sẽ khởi sự từ ngày đầu năm.

Trời đất nào có nói gì đâu? Cái bờ vực hay vách núi đó không là thiên tai mà do quy ước của con người với nhau, của giới lãnh đạo tại thủ đô Mỹ về một bài toán là số nợ nần của khu vực nhà nước đã từ 10 ngàn tỷ đô la tăng lên 16 ngàn trong bốn năm trời. Chúng ta hãy tạm quên các chính khách ở đó với những lời phân bua và cáo buộc của họ mà nhìn vào nước Mỹ thâm sâu.

Vào người dân.

Chuyện nợ nần của Hoa Kỳ, hay các nước công nghiệp hoá tiên tiến, thật ra khởi sự từ hơn ba chục năm trước, cứ tích lũy dần thành một gánh quá nặng và bắt đầu sụp đổ từ cuối năm 2007. Thuật ngữ tài chánh gọi chuyện đi vay là dùng đòn bẩy - để mượn sức - và gánh nợ quá sức trả đã gây tai họa. Chu kỳ trả nợ, hoặc "gẫy đòn bẩy", đã khởi sự từ đầu năm 2008. Vì vậy, năm năm qua mới có những sóng gió kinh tế tài chánh vượt quá khả năng ứng phó của mọi người, trước hết là của chính quyền, thành phần ồn ào nhất trong cộng đồng quốc gia.

Sóng gió ấy là nạn suy trầm rồi trì trệ kinh tế, với thất nghiệp tăng và lợi tức giảm. Chính quyền trám vào khoảng giảm chi của người dân để ráo riết tăng chi và chất thêm một núi nợ khác vì qua bốn năm liền, ngân sách bị bội chi mỗi năm hơn ngàn tỷ đô la. Các cuộc tranh luận về chính trị đều xoay quanh gánh nợ đó của khu vực công quyền, thuật ngữ kinh tế gọi là "công trái". Chuyện vực thẳm ngân sách đặt ra từ đầu năm 2011 chính là để tìm cách thu hẹp bội chi và giảm dần gánh nợ.

Chấn chỉnh chi thu là bài toán thực tế và phũ phàng của quốc gia.

Trong cộng đồng quốc gia đó, ngoài khu vực công quyền thì còn có tư nhân, người dân, là các doanh nghiệp và hộ gia đình. Họ chẳng họp báo tố cáo người này người kia mà bấm bụng xem là phải xoay trở thế nào. Họ tính nhẩm là nợ nần bao nhiêu so với lợi tức hay triển vọng tìm ra lợi tức. Họ làm bảng kết toán tài sản ở trong đầu, chỉ có ngần này mà nợ ngần này thì không khá!

Một số không khá thì quả là đã phá sản, tài sản bị chủ nợ tịch biên hoặc thẻ tín dụng bị thu hồi, nhiều người phải đi lại từ đầu, từ số không với bàn tay trắng. Người khác thì lặng lẽ thắt lưng buộc bụng để trả nợ.... Bảng kết toán tập thể ấy ít xuất hiện trên mặt báo hay màn ảnh truyền hình nhưng là thực tế xã hội của nước Mỹ thâm sâu.

Nếu viết cho nôm na - đầu năm làm khó nhau chi - thì người dân tính xem họ nợ những gì và hàng tháng phải trả bao nhiêu so với số thu nhập của gia đình, từ đó ra một tỷ lệ mà chúng ta có thể gọi là "tỷ lệ mắc nợ". Bên trái khoản là các khoản nợ đủ loại phải thanh toán, như tiền mua nhà, thuê nhà, tiền mua xe, bảo hiểm, y tế, thẻ tín dụng, v.v.... Từ năm 1980, tỷ lệ mắc nợ của người dân Mỹ đã tăng đều và lên đến đỉnh cao nhất là 18,88% vào cuối năm 2007. Nhưng trong năm năm khó khăn vừa qua, tỷ lệ mắc nợ ấy đã giảm tới mức 14,74%, xấp xỉ với sự thể của năm 1980 là khi người ta bắt đầu thu thập loại thống kê này. Nghĩa là trở về hoàn cảnh kế toán của thời kỳ "tiền hồ hởi", trước chu kỳ lạc quan hồ hởi và vay mượn quá sức.

Sự thể ấy, có lẽ nhà nào cũng đã bị hoặc mường tượng ra....

Giới kinh tế thích chuyện tổng hợp trừu tượng thì kể lại rằng từ ba chục năm nay, dân Mỹ đã chi tiêu và vay mượn quá sức, ngày một nhiều hơn cho đến năm 2007 mới thấy bàng hoàng. Tổng số nợ đủ loại của các hộ gia đình đã tăng vọt trong suốt 30 năm. Từ một ngàn 500 tỷ đô la vào năm 1980, khoản nợ này nhân gấp đôi trong 10 năm (ba ngàn tỷ), rồi gấp sáu trong 10 năm kế tiếp (chín ngàn tỷ vào năm 2001) trước khi lên tới đỉnh là hơn 13 ngàn tỷ vào năm 2007. Đây là một nỗ lực chẳng phải là lưỡng đảng mà của toàn dân!

Nhờ lãi suất hạ, tiền rẻ và vay muợn dễ dàng, kể cả vay mượn ngoại quốc, nước Mỹ hồn nhiên tiêu xài quá mức, thổi lên bong bóng đầu tư về cổ phiếu (2000) rồi địa ốc (2005) và bắt đầu phải trả nợ. Cuối cùng thì chu kỳ trả nợ ấy đang chấm dứt, những hoạn nạn kinh tế cũng vậy, nếu nhìn từ túi tiền của người dân.

Mà không chỉ có người dân mà các doanh nghiệp cũng thế.

Họ đã thu vén phương tiện, thanh toán nợ nần và lặng lẽ ghim sẵn hiện kim, tiền mặt, để phòng ngừa bất trắc, với cả ngàn tỷ đô la dự trữ. Khi thấy yên tâm hơn về môi trường kinh doanh và triển vọng kiếm lời thì các doanh nghiệp sẽ đầu tư, sản xuất thêm và tuyển dụng lại nhân viên....

Khi mà doanh nghiệp và các hộ gia đình đều thu vén như vậy trong mấy năm liền thì tất nhiên là tài hóa ít lưu thông và kinh tế bị trì trệ. Đấy là hậu quả và cái giá phải trả cho chuyện vay mượn quá sức. Khi sinh hoạt kinh tế bị đình đọng vì tư nhân tiết giảm chi tiêu, nhà nước đã tăng chi để đắp vào số thiếu hụt đó, nhân tiện hốt phiếu của cử tri, nên bội chi ngân sách mới thành vấn đề, nhất là vì nạn suy trầm kinh tế cũng đánh sụt nguồn thu về thuế khoá cho ngân sách quốc gia.

Từ năm 2010 cho đến nay, bài toán bội chi ấy chiếm trang nhất của mặt báo nhờ những phát biểu lại qua của các chính khách trong mùa tranh cử. Nhưng thực tế kinh tế không chỉ có đảng Dân Chủ kiểm soát Hành pháp và Thượng viện và đảng Cộng Hoà giữ đa số ghế tại Hạ viện và các chính quyền tiểu bang.

Thực tế kinh tế là giới lãnh đạo đã biết rằng họ không thể tăng chi mãi mãi và người dân thì đã lặng lẽ trả nợ. Đó là hoàn cảnh của ngày hôm nay, là khi chúng ta mở ra tờ lịch mới.....

Nếu chỉ ngao ngán nhìn vào chính trường thì ta thấy ra hình ảnh đáng xấu hổ của một siêu cường mắc nợ và công khai cãi cọ về việc chi thu trong hai năm liền, qua hai cuộc bầu cử, mà chưa tìm ra giải pháp. Nhưng nếu nhìn vào thị trường, vào khuôn khổ sinh hoạt chi thu của các gia đình, người ta đã thấy ra một nền móng tài chánh lành mạnh và quân bình hơn. Chính là nền móng ấy mới tạo ra sức mạnh, và sức bung của nền kinh tế.

Vì vậy, bài viết đầu năm về nước Mỹ tránh dùng sáo ngữ để nói về triển vọng không có mà nêu ra mấu chốt của sức bật trong năm mới. Hết cơn bĩ cực? Có thể lắm, nếu giới lãnh đạo đừng múa bậy với tiền thuế và lá phiếu của người dân.

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Ơ TỔNG THỐNG CÓ 51 TUỔI THÔI SAO?


Tôi copy nguyên văn tin này của đài VOA:
“…Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kỷ niệm 51 tuổi . 

Buổi sáng, ông đánh dấu ngày này bằng một chuyến đi đánh golf tại căn cứ Không quân Andrews, gần 
Washington. Sau đó ông đến Camp David, trại nghỉ ngơi của tổng thống, cũng ở bên ngoài Washington, để có hai ngày cuối tuần yên tĩnh.

Các lễ mừng sinh nhật của ông sẽ tiếp tục qua tuần tới, khi ông dự các buổi sinh hoạt gây quỹ tái tranh cử tại Chicago, lấy chủ đề đánh dấu sinh nhật ông.

Một trong những buổi gây quỹ sẽ diễn ra ngay tại căn nhà của ông tại
Chicago
…”

       Thôi, chuyện tổng thống Mỹ Obama mừng sinh nhật lần thứ 51 của mình hoành tráng hay đơn giản, không bàn tới. Đấy là quyền của ông ấy, nhưng tôi muốn bàn tới chuyện…ông Tổng thống Mỹ, chuẩn bị hết một nhiệm kỳ làm tổng thống mới 51 tuổi. 

Ngồi ngẫm nghĩ, chế độ tư bản, nhất là Mỹ, tại sao họ giỏi thế. Chọn được toàn những người trẻ, có tài để lãnh đạo đất nước. Như vậy khi ông Obama lên làm tổng thống một cường quốc về quân sự và kinh tế mới có 47 tuổi.Tôi biết, Đảng Dân Chủ, Đảng của tổng thống Obama, để chọn một ứng cử viên ra tranh cử với Đảng Cộng Hòa , thì trước ngày bầu Tổng thống, trong nội bộ Đảng Dân Chủ đã có một cuộc tranh cử khốc liệt của một số ứng cử viên để các Đảng viên Đảng Dân Chủ lựa chọn. Với tài hùng biện, mẫn tiệp về trí tuệ, biết thu phục nhân tâm…ông Obama được các Đảng viên Đảng Dân chủ nhất trí bầu lên làm ứng cử viên của Đảng Dân Chủ ra tranh cử với ứng cử viên Đảng Cộng Hòa và một số ứng cử viên của các Đảng khác, vào chức Tổng thống Mỹ.

             Ở Việt Nam,  độ tuổi từ 40 đến 50 làm bộ trưởng, đã thấy “kinh”, nhiều báo chí sẽ đưa tin, rồi khen nức nở… nhưng độ tuổi này mà làm Thủ tướng Việt Nam, hoặc hơn nữa Chủ tịch Quốc Hội, Chủ Tịch nước, ở Việt Nam, tính theo thời gian từ sau năm 1975 đến giờ thì thực sự đó là …công việc “hái sao trên trời”. 

           Nếu chọn cán bộ lãnh đạo, ở Việt Nam như hiện nay, chúng ta thấy, ít nhất người ta xét nét về … thành phần lý lịch, nếu không, cũng thuộc diện cơ cấu, con ông cháu cha…. tiếp nữa là đồng hương, vùng, miền… hay như là một lời đánh giá của tổ chức Đảng “… Có quá trình trưởng thành từ cấp cơ sở trở lên, luôn hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên đánh giá tốt…”, hoặc là  “  

            Được sự nhất trí cao trong Ban Thường vụ để đồng chí đó vào chức vụ này…”.  Lạ kỳ hơn là lời giải thích: “ …Vào chức vụ đó do Ban tổ chức Trung ương cử xuống để thử thách…” hay “Do Mặt trận Tổ Quốc giới thiệu…” Tất cả những lý do này không thể hiện tính dân chủ, gần như là sự áp đặt của một số người, một tổ chức, một nhóm lợi ích…. bỏ qua sự lựa chọn của Đảng  viên một Đảng đang cầm quyền, Nhân dân không được có ý kiến, chưa bầu cử đã biết ai trúng cử… cũng vì thế, ở Việt Nam hiện tại người ta hay nói đến chuyện chạy chức, chạy quyền, bêu xấu nhau trong nội bộ mỗi khi đến kỳ bầu cử, bằng cấp giả lan tràn, tạo ra nhiều khe hở cho những kẻ cơ hội lách vào… Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xã hội không ổn định, kinh tế khó phát triển, lòng dân không yên, họ thiếu tin tưởng vào cách điều hành của chính phủ… 
                   
          Suy đi tính lại, muốn chọn được lãnh đạo giỏi, chín chắn, đạo đức, lại trẻ tuổi không còn cách nào khác là thực hiện DÂN CHỦ, DÂN CHỦ THỰC SỰ.

         Không có bầu cử tự do, hoặc “ tự do dân chủ” chỉ là hình thức, chịu sự chi phối của một Đảng cầm quyền như đã nói ở trên, dứt khoát sẽ khó tìm ra người giỏi, trẻ tuổi, tài cao vào vị trí lãnh đạo đất nước.
Nếu không làm được như thế, để rồi  ở Việt Nam, nhìn sang nước Mỹ, sẽ có người thốt lên: “ Ơ! Tổng thống Mỹ mới có 51 tuổi thôi à.”

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

ĐÔI KHI TA SỢ CÁI TÌNH CẢM LẬP LỜ



Đôi khi ta sợ những tình cảm lập lờ. Thích thì là thích đấy. Thương thì không hẳn. Yêu lại chưa đến. Thế gian bao la rộng lớn, với từng ấy con người, tìm được người ấy quả là kỳ tích. Nhưng tìm được rồi có được gì đâu, với một tình cảm lập lờ thì đó là điều mãi không tưởng.
Đôi khi ta sợ những tình cảm chưa chín. Nhiều mong ngóng đấy, nhưng thỉnh thoảng lại như người dưng, lạnh lùng đến xót xa. Đôi khi sợ băn khoăn nghĩ đến những điều xảy đến trong tương lai, có thể hôm nay thế này nhưng mai đã là thế khác, giữ nhau được bao lâu?
Sẽ có hay không một bàn tay, khi nắm lấy rồi thì không dễ dàng từ bỏ? Thứ tình cảm lập lờ nhiều khi mang đến cho ta hy vọng không nguôi, nhưng đôi khi lại thấy mình nức nở giữa những hụt hẫng vô chừng.

Sẽ có hay không một bờ vai, khi tựa vào rồi cả đời này sẽ cảm thấy an toàn? Tình cảm lập lờ cứ mong manh như thế, mong manh đến nỗi những lúc tưởng chừng như đã thấu hiểu hết nhưng rốt cuộc vẫn chẳng giữ lại được cho mình.
Sẽ có hay không một cái ôm chặt thật chặt, để những lúc cô đơn sẽ không thấy mình trống trải? Hay chỉ nhận về những hoang hoải giữa đêm đông? Tình cảm lập lờ bao giờ cũng khiến bản thân mình ngơ ngác, phút chốc thấy gần rồi bỗng chốc thấy xa xôi.
Sẽ có hay không những hẹn thề để thấy mình can đảm giữa những bão giông? Tưởng chỉ cần những cái hẹn bất chợt, những nụ cười bất chợt, những giây phút có nhau bất chợt để không cảm thấy buồn, không cảm thấy lạc lõng, nhưng thật ra, rất cần một điều gì chắc chắn, một tình cảm chắc chắn.
Sẽ có hay không một người, luôn ở bên để che chở những nhỏ bé, hanh hao?
Chúng ta đôi khi cần một mối quan hệ không rõ ràng, không cần gọi tên, nhưng đến một lúc nào đó, tình cảm đạt đến một thời điểm nào đó, một vị trí nào đó, chúng ta lại sợ mối quan hệ mập mờ này. Tình cảm lập lờ luôn khiến cho chúng ta một cảm giác bất an, mong ngóng.
Thật ra, chúng ta luôn cần một bàn tay chặt, một cái ôm chật, một lời yêu chặt, một hạnh phúc chặt, không phải là lập lờ, và ta luôn mong, tình cảm ấy mãi đừng là lập lờ…

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

VÀI NÉT VỀ HIẾN PHÁP MỸ



Cách đây 230 năm, năm 1783, cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ giành được thắng lợi – đây là thành công đầu tiên trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của toàn thể loài người bị áp bức trong thời đại tư bản chủ nghĩa!
Điều “lạ kỳ” là sau thắng lợi đó, những nhàcách mạng Mỹ không thành lập một chính quyền cho tương xứng với công lao của những người đã khai sinh ra nền độc lập; hầu như họ không quan tâm đến việc ai sẽ giữ chiếc ghế nào, “ăn chia” ra sao chiếc bánh lợi quyền béo bở mà phải mất bao xương máu, suốt 10 năm trời mới giành được (17.12.1773-4.9.1783): Cách hành xử của những nhà cách mạng Mỹ chưa hề có tiền lệ – ai về nhà nấy, sau khi đã làm trọn bổn phận công dân, không cần biết đến chuyện nên (phải?) khen thưởng ai, như thế nào đối với sự “có công với cách mạng”!
Ý định đó của sự ấu trĩ của lòng tốt nhanh chóng bị thực tế tàn nhẫn của xã hội sau chiến tranh giày xéo, tình trạng vô chính phủ nhanh chóng xảy ra, tiểu bang nào cũng muốn giành cho mình sự độc quyền cao nhất, có lợi nhất, khiến cho 13 tiểu bang gây ra bao cảnh huynh đệ tương tàn, và “nước” Mỹ, theo cách nhận xét của George Washington, “giống như một lâu đài được xây bằng cát”. Muốn khắc phục tình trạng đó, giải pháp duy nhất là phải thành lập một chính quyền, đây là điều mà đến năm 1787, hầu như ai cũng biết. Nhưng, chính quyền đó sẽ ra sao? Nó giống với mô hình Pháp hay Anh? Những bậc tiên tổ của nhà nước Mỹ tương lai giật mình bởi họ đoan quyết rằng phải thành lập một mô hình nhà nước hoàn toàn mới, không giống với bất kỳ ai; và, quan trọng nhất, nó phải là nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Sáu chữ đó là sáu chữ vàng bởi nó trở thành nền tảng, cội nguồn, nguyên tắc bao trùm mọi nguyên tắc trong suốt quá trình soạn thảo Hiến pháp (HP).
G. Washington, nguyên là Tổng Tư lệnh quân Cách mạng trước đây, được mời giữ ghế chủ tọa Hội nghị Lập Hiến. 55 con người trẻ tuổi (đa số dưới 40 tuổi, riêng A. Hamilton, vào năm 1787, chỉ mới 30 tuổi; J. Madison mới 36 tuổi – họ được coi là những cha đẻ của HP Mỹ) chính là các tinh hoa chính trị được tập hợp từ các tiểu bang, về sau được ca ngợi đó là những người tinh anh nhất, “gần như là thánh thần” của nhân loại vào cuối thế kỷ 18. Những gì lịch sử ca ngợi về tài năng của 55 người đó không hề quá lời: Chẳng hạn, Benjamin Franklin (1706-1790) là một người đa tài: thợ in, chủ tòa báo, thẩm phán, Chủ tịch Hội Triết học Mỹ, thống đốc tiểu bang, nhà ngoại giao, thương gia giàu có, người thành lập Đại học Pensylvania, người phát minh ra cột chống sét, ống thông tiểu, đàn harmonica, kính hai tròng, công ty cứu hỏa tư nhân và, ông nói thành thạo 5 ngoại ngữ… Tài năng, nhân cách và tầm nhìn vĩ đại đã được cộng hưởng để làm ra bản HP đầu tiên trong lịch sử loài người mà hầu như, không có bất kỳ một lỗi văn bản lớn nào!
55 “cha đẻ” của nhà nước Mỹ, trong đó nổi bật nhất là Alexander Hamilton (hình của ông được khắc trên tờ 10 USD), James Madison (người có hình trên tờ 50 USD) và Benjamin Franklin (trên tờ 100 USD)…
Ngày 25.5.1787, Hội nghị Lập pháp được khai mạc tại Philadelphia – “thành phố của tình huynh đệ”. Gần bốn tháng ròng rã, những cuộc tranh luận quyết liệt đã nổ ra và tận cho đến lúc đặt bút ký (17.9), nhiều đại biểu vẫn còn chất chứa những bất đồng. Bản dự thảo và những bất đồng đó còn được 5 triệu người dân xem xét kỹ lưỡng trước khi được Quốc hội chính thức thông qua vào năm 1789. Nhìn chung, HP Mỹ đã được làm ra trên cơ sở những định hướng tìm tới sự hoàn hảo có thể; được cụ thể hóa thành nhiều nguyên tắc do nhiều đại biểu đề xuất, được A. Hamilton và J. Madison diễn đạt phần nào qua những bài báo rồi tập hợp thành tác phẩm Liên bang thư tập (The Federalist Papers).
Những nguyên tắc lập pháp
Chúng ta muốn tạo dựng một nền tảng (HP) sẽ trường tồn qua mọi thời đại, vậy thì, phải dự liệu đủ những thay đổi mà các thời đại đó sẽ tạo ra. Nguyên tắc này khẳng định rõ những điềukhông bao giờ thay đổi như quyền tư hữu là thiêng liêng và bất khả xâm phạm; quyền sống, quyền tự do và quyền kiếm tìm hạnh phúc như Tuyên ngôn Độc lập đã chỉ ra; quyền người dân ủy nhiệm cho chính quyền, nhân dân có quyền bầu lên và bãi nhiệm chính quyền đó… Tất nhiên, có rất nhiều điều sẽ thay đổi nên HP dự liệu các khoản bổ sung – Tu Chính Án (Amendment, TCA), chẳng hạn, TCA 22, thông qua năm 1951, quy định tổng thống không được làm quá hai nhiệm kỳ.
Việc thành lập một chính quyền thích hợp phải do chính người dân lựa chọn thông qua sự biểu quyết rộng rãi nhất. Không một ai có quyền áp đặt mô hình nhà nước không tương thích với mong muốn và lợi ích của người dân. Sau rất nhiều tranh cãi, nhân dân Mỹ đã chọn mô hình nhà nước tam quyền phân lập; theo đó, một trong ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, luôn bị hai cơ quan kia giám sát.
Xu hướng sửa đổi HP để mưu đồ quyền lực nhiều hơn cho một vài cá nhân là xu hướng lạm quyền của mọi quyền lựcvì thế, phải thiết lập một cơ chế sao cho có thể ngăn ngừa mọi ý đồ thao túng và sửa đổi HP. Theo nguyên tắc này, quyền tham gia của mọi công dân là tối hậu chỉ khi nào có trên 2/3 thượng nghị sĩ hoặc thống đốc bang yêu cầu thì việc xem xét sửa đổi HP mới được đặt ra. Quy định này có nghĩa là, nếu muốn xóa bỏ quyền được trang bị vũ khí, phải có ít nhất 67 TNS hoặc 34 thống đốc bang yêu cầu.
Xu hướng lạm quyền và lộng quyền là thuộc tính tất nhiên của con người, vì thế, phải thiết lập cơ chế sao cho đủ khả năng để ngăn chặn mọi ý đồ lạm quyền đó. Ngoài cơ cấu tam quyền phân lập, HP Mỹ còn định rõ cơ chế các thành viên của Tòa án Tối cao, các thẩm phán của tòa án khu vực trong toàn liên bang, được giữ quyền trọn đời, nếu không xin nghỉ hưu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo (tâm thần, bệnh suy giảm trí nhớ…). Như vậy, tòa án sẽ không phải chịu bất kỳ áp lực nào từ phía chính quyền hoặc cử tri!
Đảng phái là cội nguồn của chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa bè phái, đến lượt nó, chủ nghĩa bè phái là cội nguồn làm vẩn đục HP. Vì thế, cơ cấu tổ chức chính quyền không cho phép bất kỳ đảng phái nào có thể can thiệp vào bộ máy một cách trực tiếp. Mỗi đảng phái, trước HP, chỉ là một tổ chức công dân, chịu sự điều chỉnh, giới hạn của luật pháp.
Đa số người dân là thờ ơ với chính trị, vì thế, phải thiết lập cơ chế sao cho hạn chế đến mức thấp nhất sự vô trách nhiệm của người dân đối với việc bầu ra chức vụ lãnh đạo cao nhất. Nguyên tắc này khẳng định cách bầu cử, theo đó, tổng thống sẽ được quyết định bởi số đại cử tri tương đương với số lượng nghị sĩ của mỗi tiểu bang.
Các tiểu bang lớn luôn có xu hướng chèn ép các tiểu bang nhỏ hơn, vì thế, cơ chế tổ chức nhà nước phải hạn chế đến mức thấp nhất sự chèn ép này. Đây là lý do để các tiểu bang dù lớn hay nhỏ đều có hai thượng nghị sĩ trong thượng viện. Bất kỳ một đạo luật nào dù Hạ viện đã thông qua (nơi các bang lớn có lợi thế) đều phải được Thượng viện chuẩn y, và ngược lại.
Các cơ quan tư pháp dễ bị mua chuộc và lạm dụng, vì thế, phải có thiết chế cho người dân được quyền giám sát, quyết định trực tiếp đến các phán quyết tối thượng của tòa án. Nguyên tắc này đề ra cơ chế thành lập bồi thẩm đoàn (The Jury), do người dân bầu ra. Các viên chức của ba cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp không được tham gia vào bồi thẩm đoàn. Phán quyết của bồi thẩm đoàn về có tội hay không, mức án, là tối thượng.
Việc thay đổi hay ban hành các điều luật mới luôn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dânDo đó, phải thiết lập cơ chế để hạn chế đến mức thấp nhất sự ban hành hay thay đổi một đạo luật, ngăn chặn mọi xu hướng tắc trách khi ban hành các văn bản luật pháp. Nguyên tắc này bảo đảm sai sót ít nhất (hầu như chưa xảy ra, cho đến thời điểm này) về việc ban hành đạo luật mới. Khi một đạo luật được khởi xướng ở Thượng viện chẳng hạn, nó sẽ được trình cho Tiểu ban Tư pháp xem xét, sau đó trình lên Thượng viện. Nếu được thông qua, sẽ tiếp tục được chuyển sang Tiểu ban Tư pháp Hạ viện, rồi toàn thể Hạ viện; cuối cùng mới được trình lên tổng thống. Đạo luật được thông qua, sẽ mang tên người đề xuất – vừa để vinh danh vừa để tăng tính trách nhiệm của dự luật. Nếu tổng thống phủ quyết, trình tự sẽ được làm lại từ đầu.
Quân đội, cảnh sát là công cụ của chính quyền nên phải tuân thủ các mệnh lệnh của chính quyền. Và, để ngăn ngừa sự lộng quyền, độc tài hóa, các quân nhân và cảnh sát đang tại ngũ không được phép tham gia vào cơ quan lập pháp. Nguyên tắc này mặc nhiên khẳng định rằng quân đội hay cảnh sát nếu họ vào thượng viện hay hạ viện, không có quyền phản kháng chính quyền, không có quyền được luận “tội” chính quyền, tức là không bảo đảm được năng lực tác chiến, vì khi luận “tội”, họ đang chống lại chính quyền. Quân nhân hay viên chức cảnh sát, muốn vào nghị viện, phải ra khỏi quân ngũ…
Trên đây là vài khái lược về sự hình thành và các nguyên tắc lập pháp của nhà nước Mỹ – nhà nước hiện đại đầu tiên trong lịch sử loài người – một mô hình nhà nước chưa thể tìm thấy sự đối sánh nào khả dĩ hiệu quả hơn. Đó cũng là mô hình nhà nước chưa hề có tiền lệ với bản HP cho đến nay là độc nhất vô nhị, trường tồn, bất chấp sự thay đổi về thời gian và không gian. Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang chuẩn bị bước qua một thời khắc trọng đại bằng việc lấy ý kiến toàn dân để sửa đổi Hiến pháp 1992. Rất mong mỏi rằng việc lấy ý kiến đó không phải là chuyện hình thức, bởi một sự thật giản dị: Nếu ngay cả HP cũng chỉ là bàn để cho vui thì không có cái gì trên đời này có thể được coi trọng! Một bảnHiến pháp khoa học, nhân văn, phù hợp ý nguyện của toàn dân, xu thế của mọi thời đại, chắc chắn là nguyên tắc, điều kiện đầu tiên cho sự phát triển vững bền…
Không phải ngẫu nhiên mà Lời Tuyên thệ của Tổng thống Mỹ chỉ có một ý ngắn gọn là BẢO VỆ HIẾN PHÁP. Một khi HP được soạn thảo hoàn chỉnh thì mọi cố gắng của công dân – kể cả TT, chỉ duy nhất một vấn đề là bảo vệ để thực thi đúng như HP đặt ra, không cần bất kỳ một sự thêm, bớt nào bởi những thêm hay bớt đó đều làm vẩn đục HP!